Mới cập nhật

Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ

(Một số bạn đọc ở Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam Bộ viết thư yêu cầu cho xin cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ" để nghiên cứu. Chúng tôi có hỏi Tác giả của cuốn sách này là Thành Nam (PGS, TS Đức Vượng). Ông cho biết là sách xuất bản đã quá lâu, từ năm 1982, đến nay, Ông chỉ còn giữ được một cuốn để lưu. Ông đề nghị viết bài tóm tắt về cuốn sách này để bạn đọc tham khảo. Ông gửi lời cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến cuốn sách này.




 Rừng cây cao su ở miền Đông Nam Bộ
 1. Cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ" của tác giả Đàm Đức Vượng (Đức Vượng) ký dưới bút danh Thành Nam. Bút danh này là để kỷ niệm quê hương của Ông ở thành phố Nam Định.
Nhà Xuất bản Lao Động đã xuất bản cuốn sách này vào năm 1982 với số lượng in khá lớn: 6.100 cuốn. Cuốn sách này, PGS, TS Đức Vượng viết trong lúc Ông đang còn công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Năm 1976, Ông đã có 3 tháng công tác lăn lộn tại các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ để sưu tầm tài liệu, nghiên cứu về đời sống công nhân cao su miền Đông Nam Bộ để viết cuốn sách này. Đây là tác phẩm đầu tiên giới thiệu truyền thống cách mạng của một bộ phận công nhân miền Nam như tựa đề cuốn sách đã nói. Ông kể rằng, tại miền Đông Nam Bộ, ngoài cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ", Ông còn viết một bản thảo dày lấy tên là "Đất đỏ miền Đông". Bản thảo này chưa xuất bản thành sách. Tiếc rằng, nay đã bị thất lạc. Nội dung cuốn sách giúp chúng ta hình dung được cả quá trình hình thành, phát triển của các công ty cao su ở miền Đông Nam Bộ sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta đến ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Tác giả, với những bằng chứng không thể chối cãi là những tư liệu chính xác, đã vạch trần chính sách bóc lột của tư sản đồn điền cao su và cuộc sống cực kỳ khổ cực của công nhân cao su Nam Bộ dưới chế độ thực dân hà khắc. Bạn đọc sẽ không khỏi xúc động và tự hào khi đọc những trang thuật tả lại quá khứ đấu tranh hào hùng, bất khuất, đầy gian khổ, hy sinh của một bộ phận quan trọng trong giai cấp công nhân Việt Nam: công nhân cao su miền Đông Nam Bộ - một bộ phận tiêu biểu cho sự khổ cực nhất, rên xiết, quằn quại nhất dưới ba tầng áp bức, bóc lột của thực dân, tư sản, phong kiến; một bộ phận của giai cấp công nhân Việt Nam ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là Pháp hay Mỹ, dù là chủ nghĩa thực dân cũ hay chủ nghĩa thực dân mới, bao giờ cũng đứng lên hàng đầu, ở mũi nhọn của cuộc đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng và vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tác giả giới thiệu với bạn đọc, ngòi pháo đầu tiên của phong trào công nhân cao su bắt đầu từ đồn điền cao sư Phú Riềng, tiếp đến là những cuộc đấu tranh của phong trào công nhân cao su miền Đông Nam Bộ từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến Cách mạng tháng Tám năm 1945; những cuộc đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, tiếp đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng những tư liệu có chọn lọc từ các kho lưu trữ và lời kể của một số nhân vật sống, Tác giả tạo dựng lại phong trào đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ diễn ra vô cùng sôi động trong phong trào đấu tranh của công nhân cả nước để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào, góp phần làm nổi bật lên sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Vì vậy, có thể nói, cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ" là một cuốn sử sinh động của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho giai cấp và dân tộc. 2. Xuyên suốt hai chương của cuốn sách, bạn đọc tìm thấy sự hình thành của các công ty cao su miền Đông Nam Bộ, chính sách bóc lột của chủ đồn điền, từ đó mà thấy rõ những cuộc đấu tranh một mất, một còn của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ. Miền Đông Nam Bộ là một vùng đất đai rộng lớn, có diện tích 27.575 km2, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Dân số tính đến năm 1978 là 5.908.100 người, bao gồm nhiều dân tộc như kinh, Khơ Me, Châu Ro, Si Tiêng,..., gọi chung là người Kinh và người Thượng. Đất đai ở miền Đông Nam Bộ rất màu mỡ, mưa thuận gió hòa, cỏ cây xanh tốt. Đất đỏ miền Đông Nam Bộ rất thích hợp cho việc trồng cây cao su, xem đó là "vùng đất lý tưởng" để trồng cây cao su. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), vốn của tư bản Pháp đầu tư vào Việt Nam tăng lên vùn vụt nhằm thực hiện ba mục đích, trong đó có mục đích kinh doanh cây cao su. Chỉ tính riêng năm 1919, vốn đầu tư vào cây cao su lên tới 40 triệu phơrăng so với năm 1909. Đến năm 1924, số vốn này lên tới 100 triệu phơrăng, tăng 24 triệu phơrăng. Những năm sau đó, số vốn tăng lên gấp đôi, gấp ba năm 1924. Diện tích trồng cao su cũng tăng nhảy vọt. Năm 1924, ở miền Đông Nam Bộ mới chỉ có 15 nghìn hécta; đến năm 1929 đã lên tới 90.225 hécta. Tổng số nhựa cao su được sản xuất tăng nhanh chóng. Năm 1915, mới sản xuất được 3.519 tấn nhựa; đến năm 1929, số nhựa đã tăng lên 10.309 tấn. Từ sau năm 1930, diện tích khai thác và sản lượng cao su còn tăng lên rất nhiều. Tư bản Pháp kinh doanh cao su ở Việt Nam lãi to, trong khi đời sống của công nhân cao su lại bị bần cùng hóa. Từ đấy, nhiều công ty cao su của tư bản Pháp lần lượt xuất hiện ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam. Cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ" đã liệt kê ra những công ty cao su lớn ở miền Đông Nam Bộ: "Công ty Cao su SÍP" (SIPH - Société Indochinoise de Plantations d'Hévéas - tức là Công ty Cao su Đông Dương), thành lập từ năm 1906, do người Pháp là Sadana khởi công xây dựng. Người Pháp này đã huy động lính Pháp đuổi dân (không bồi thường), chủ yếu là người Châu Ro, đi chỗ khác để trồng cao su. "Công ty Cao su Xuân Lộc" chỉ xây dựng được một đồn điền là sở Hàng Gòn. Chủ Công ty là Đờbadê là cha nuôi vua Bảo Đại (Nguyễn Vĩnh Thụy), được Bảo Đại tặng cho Đờbadê 4 con voi. "Công ty Cao su Đồng Nai" (Les Caoutehoucs du Donai). Công ty này,  đầu tiên lấy tên là Hãng Bít, sau mới đổi thành Công ty Cao su Đồng Nai. Công ty Cao su Đồng Nai gồm ba đồn điền lớn ở Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Năm 1926, bắt đầu khai thác cao su. Số dân "công tra" mà chủ mộ được qua các năm lên tới hàng vạn người. "Công ty Cao su Đất Đỏ" (Plantations des Terres Rouges) ra đời từ năm 1908, đặt tại Trung tâm Quản Lợi. Chủ Công ty là một viên Toàn quyền Pháp, thường ngồi ở Hà Nội để chỉ đạo. Công ty này có phòng nghiên cứu cao su, phòng thí nghiệm, đặt tại bầu Ông Yểm, huyện Tân Yên, tỉnh Thủ Dầu Một. Công ty có nhiều đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng,... một vùng rộng lớn cao su. Lúc nhiều nhất, Công ty có tới 421 nghìn người lao động có số. "Công ty Cao su Mítsơlanh" (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Việt Nam) thành lập năm 1917, do người Pháp Đờlaphông làm chủ, bao gồm hai đồn điền lớn là Dầu Tiếng và Phú Riềng, lấy Dầu Tiếng làm Trung tâm chỉ đạo sản xuất, sau đó, phát triển thêm đồn điền cao su Thuận Lợi. Số lao động là 260 nghìn người. "Công ty Cao su Xétxô" (Société des Caoutchoucs d'Extremeorien) ra đời từ năm 1911, do người Pháp Đờ Lalăng làm chủ, gồm hai đồn điền cao su lớn là Lộc Ninh và Đa Kia. Từ năm 1911 trở đi, Công ty bắt đầu mộ phu. Phòng mộ phu đặt ở các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Hải Phòng. Chỉ tính từ năm 1925 đến năm 1954 đã mộ được 218 nghìn lao động vào làm việc tại Công ty. "Công ty Cao su Lắp bê" (Còn gọi là Công ty Cao su Phước Hòa - Platation de Phước Hòa), đặt trụ sở tại Phước Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Công ty có 5.500 lao động. Mủ cao su khai thác được, Công ty chế ra săm lốp ô tô, săm lốp xe đạp. "Công ty Cao su Tây Ninh" (Société des Hévéos de Tây Ninh), có trụ sở tại Vên Vên, có các đồn điền Vên Vên, Trà Võ, Hiệp Thành, Cầu Khởi, do một chủ người Pháp cai quản. "Công ty Cao su Long Thành" do một người đàn bà Pháp tên là Đờla Sútxerơ (De la Suchere) làm chủ, thường gọi là "Sở Bà Đầm". "Công ty Thành Tuy Hạ" (Société Agricole de Thành Tuy Hạ) là một công ty nhỏ, khai thác cao su vào năm 1956. Như vậy, dưới thời thuộc Pháp, miền Đông Nam Bộ có tất cả 10 công ty cao su. Những công ty trên, trước đây hầu hết là do người Pháp làm chủ. Từ năm 1906 đến năm 1960, với những bàn tay lao động của những người trồng cây và cạo mủ cao su, đã phát triển thành nhiều đồn điền lớn, nhỏ, khai phá được 105 nghìn hécta cao su, trong đó, hình thành 4 công ty lớn nhất là:
TERRES-ROUGES, SIPH, CEXO, MICHELIN (TERU, SÍP, XÉTXÔ, MÍTSƠLANH).
 Tại Tây Ninh còn có một số cơ sở cao su như Franchini, Xâyvanh (Servain) Qua những năm chiến tranh xâm lược tàn phá, đế quốc Mỹ giội bom cùng chất độc hóa học xuống các rừng cao su, đến năm 1975, chỉ còn lại một diện tích khai thác là 75 nghìn hécta. Cuốn sách đã phân tích về chế độ tuyển mộ lao động vào làm cao su của tư bản Pháp tại các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ. Chế độ tuyển mộ này rất "đặc biệt". Lúc đầu họ tuyển dân địa phương. Sau đó, do nhu cầu phát triển của sản xuất cao su, số dân địa phương không đủ cung cấp cho các đồn điền, buộc các chủ đồn điền cao su phải cho người ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc tuyển mộ. Họ dựa vào hào lý, hương lý, cố đạo ở các địa phương tuyển, cứ mộ được một người vào làm cao su, thì được trả công 5 đồng, bằng tiền của một dân phu mà chủ trả cho họ lúc ban đầu. Sau khi tuyển mộ được một người xong, kỳ hào, hương lý, cố đạo ở địa phương giao số dân phu này cho những cai mộ, là người chủ của công ty hoặc chủ đồn điền phái đến. Cai mộ nhận người, điểm danh, đeo số cho mỗi dân phu xong rồi bắt họ ký vào giao kèo (contrat). Ký xong, cai mộ phát cho mỗi người 5 đồng, nói đây là tiền công trả lúc ban đầu để dùng vào việc đi đường. Nhưng thực tế, chẳng có người nào được hưởng toàn bộ số tiền 5 đồng, mà phải nộp thuế thân hết 3 đồng 9 hào tiền nộp để lấy giấy thông hành (thẻ căn cước) để đi. Số tiền thực tế chỉ còn lại có 1 đồng 1 hào. Sau khi làm xong các thủ tục, giấy tờ thì dân phu bắt đầu lên đường. Đồ đạc mang theo thường là chiếc tay nải đựng quần áo, nồi niêu cùng vài thứ đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Phương tiện đi từ miền Bắc, miền Trung vào miền Đông Nam Bộ hầu hết là bằng tầu hỏa. Thường thường, mỗi chuyến tàu chở hàng nghìn người. Họ xô đẩy, chen lấn nhau lên tàu. Trong toa, người ngồi chật như nêm cối, ngột ngạt, khó thở. Tàu vào đến Đà Nẵng, các dân phu thường phải chuyển sang ô tô đi vào Nha Trang, rồi lại từ Nha Trang đi đến các ga gần đồn điền. Ngoài việc đi bằng phương tiện tàu hỏa và ô tô, một số dân phu ở các tỉnh miền Bắc còn đi bằng tàu thủy, đường Hải Phòng - Sài Gòn. Khi xuống ga, xuống tàu, cai mộ điểm người xong, dẫn dân phu vào các đồn điền mà họ đã sắp đặt từ trước. Đến đồn điền, cai mộ giao dân phu cho chủ. Lúc đó, cai mộ mới được coi là làm xong việc. Chủ đồn điền phái các xếp ra nhận người rồi phân bố họ về các làng. Chủ đồn điền bố trí làng theo địa phương, như người Nam Định ở một làng riêng, người Hải Phòng ở một làng riêng,... Nhưng địa phương có ít người, họ ghép lại, tổ chức thành một làng, gọi là làng "Tứ xứ". Từng làng một đều có đánh số, như làng Một, làng Hai, làng Ba, làng Bốn, làng Năm, làng Sáu, làng Bảy, làng Tám, làng Chín, làng Mười,... 4. Cuốn sách phản ánh cuộc sống và sinh hoạt của người lao động làm thuê trong các đồn điền cao su dưới chế độ thực dân. Chế độ ăn uống của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ thật là "đặc biệt". Do các đồn điền cao su có nhiều kho lương thực, thực phẩm dự trữ, để quá lâu ngày, nên gạo để trong kho bị mốc, mục, những con mọt đen thui, bò nhung nhúc trên mặt gạo, khi thổi cơm, phải đem gạo ngâm nước cho mọt nổi lên, hớt bỏ đi, còn lại phần gạo mới đem nấu. Mỗi lao động một ngày được phát 4 lạng gạo, hầu hết là gạo mục. Ăn hết kho gạo mục này, thì kho kế đó cũng vừa mục tới, và cứ như thế, người lao động thường xuyên phải ăn gạo mục, cá ươn. Nhà ở của công nhân cao su thường là một căn nhà lá lụp xụp, nền đất, ẩm thấp, nóng như lò lửa. Cứ 6 công nhân ở một nhà 24 m2. Có những đồn điền, do điều kiện nhà ở chật chội, có khi phải 8 - 9 người nhét vào trong một gian nhà nhỏ. Sách trích đăng bài thơ của anh Lê Văn Tư, một thợ cạo mủ cao su ở đồn điền Dầu Tiếng, đăng báo "Tiếng chuông", số ra ngày 30-4-1955, nói về cảnh sống khổ cực của công nhân cao su như sau: "Tám nhân mạng một gian nhà bé Trên giường nằm dưới để đồ ăn. Ngổn ngang bừa bãi áo quần Trong nhà chật hẹp âm thầm tanh hôi". Trong hoàn cảnh đó, bệnh tật phát sinh. Vì không có nhà vệ sinh, người lớn cứ phải lén vào rừng để đại tiện, còn trẻ con thì ăn đấy, đái ỉa đấy. Nhiều trẻ nhỏ đã chết vì ăn uống mất vệ sinh. Theo tài liệu để lại, từ năm 1930 đến năm 1945, tại các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ đã có 5.500 trẻ em chết vì bệnh tật. "Có những đứa trẻ vào rừng kiếm trái cây, bị rắn độc cắn chết, xác rữa ra. Kiến càng, rắn rết,... thi nhau đục khoét xác chết, hôi thối không thể chịu được". (trang 18 trong sách). Cảnh chết chóc, bệnh tật diễn ra triền miên. Trong những năm từ 1941 đến 1945, bệnh ghẻ và sâu quảng ở miền Đông Nam Bộ rất nhiều, nguyên nhân do công nhân đi phá rừng để trồng cao su, bị gai đâm chọc vào chân, rồi tai nạn triền miên, thuốc men không có, đất, bụi bám vào, lở loét, hôi thối. Thấy cảnh bệnh tật ghẻ lở quá nhiều, chủ đồn điền phải ban hành lệnh "giữ vệ sinh". Đồn điền Lộc Ninh thi hành lệnh này như sau: "Chủ đồn điền phái bọn xếp, cai đi về các làng Bốn, Năm, Sáu, bắt ráo già, trẻ, gái, trai đều cởi trần truồng, ra giếng tắm. Tay chúng cầm hèo, miệng chúng ngậm còi. Chúng đi tới đi lui "kiểm soát" và "chỉ huy". Chúng xếp những người này đứng làm hai hàng, rồi thổi một hồi còi, hạng nọ kỳ cọ lưng cho hàng kia. Ai xấu hổ không kỳ, chúng dùng "cù lèo" để trị. Một hồi còi thứ hai, cả hai hàng đều quay nửa vòng để rồi hàng kia kỳ cọ lại cho hàng nọ". (Sách dẫn tài liệu của Nguyễn Hải Trừng (lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội. Ký hiệu lưu trữ: VN-3169-3170). Ở miền Đông Nam Bộ, việc tắm rửa đối với công nhân cũng là một hình phạt. Đồng lương mà chủ đồn điền trả cho công nhân là đồng lương chết đói. Chủ tính lương chi ly, làm sao cho hết tháng cũng vừa hết tiền. Chúng quyết không để cho công nhân có thể dành dụm được tiền, vì sợ họ có tiền đi tàu, xe sẽ bỏ về xứ hết. Nỗi khổ dai dẳng triền miên khi công nhân cao su bị hành hạ tàn nhẫn đến nỗi họ phải cất lên những lời than thở: "Kiếp phu đổ lắm máu đào Máu loang mặt đất máu trào mủ cây. Trần gian địa ngục là đây Đồn điền đất đỏ nơi Tây giết người". Công nhân cao su miền Đông Nam Bộ đã thống kê 15 trường hợp bị đánh: (1) Vào hàng chậm và ngồi không đúng kích thước: đánh. (2) Đặt bát hứng mủ cao su hơi nghiêng, không lau kỹ bên trong và bên ngoài: đánh. (3) Cạo mủ cao su không ngay, miệng cạo không thẳng: đánh. (4) Cạo không đúng quy định (sâu 1 milimét): đánh. (5) Cạo dày hơn 1 milimét: đánh. (6) Cạo vào xương cây: đánh. (7) Mủ rơi xuống đất vài giọt mà không vét lên hết: đánh. (8) Trời mưa để mủ tràn dính thân cây mà không gỡ kịp: đánh. (9) Phần cây chúng bắt buộc phải làm trong một ngày mà không làm hết: đánh. (10) Dao cạo mủ mài không sắc: đánh. (11) Ốm chưa liệt giường liệt chiếu mà không đi làm: đánh. (12) Không đủ số bát mủ quy định bị "cúp" tiền công và đánh. (13) Không biết "đi lại" với cấp trên, chúng kiếm chuyện và đánh. (14) Có người vợ trông dễ coi mà không "cống nạp" với chủ, cai, xếp, người chồng không những bị đánh mà còn có thể bị giết. (15) Để gốc cây bẩn: đánh. Hình thức đánh đập công nhân được áp dụng rất nhiều. Chúng bắt dân phu quỳ rồi trói vào gốc cây mà đánh; bắt dân phu nằm sấp chổng hai chân lên trời mà đánh cho nát hai gan bàn chân rồi bắt chạy bộ chân không 2 cây số; phụ nữ có mang, chúng bắt chính người đó tự đào hố to bằng cái thúng, đặt vừa cái bụng chửa rồi bắt nằm úp xuống đất mà đánh. Nhiều chị em bị chúng đánh đòn, thai nhi phọt ngay ra ngoài và chết tại chỗ. Sống trong hoàn cảnh như vậy, người công nhân cao su phải chịu biết bao điều tủi nhục, đắng cay. Trong hồi ký "Phú Riềng đỏ" (Nhà Xuất bản Lao Động, Hà Nội, 1971), tác giả Trần Tử Bình viết: "Muỗi ở vùng này to bằng con ruồi. Ban đêm công nhân ngủ không có màn, bị muỗi đốt sưng bọng khắp người, sinh bệnh sốt rét rồi chết" (trang 36). Chính sách bóc lột sức lao động đối với công nhân cao su miền Đông Nam Bộ đã làm cho các chủ đồn điền cao su giàu lên nhanh chóng, sản lượng cao su hằng năm tăng lên vùn vụt ở các đồn điền miền Đông Nam Bộ: Năm 1937, sản xuất gần 40 nghìn tấn cao su. Năm 1938, sản xuất 47 nghìn tấn. Năm 1939, sản xuất 53 nghìn tấn. Năm 1940, sản xuất 60 nghìn tấn. Năm 1941, sản xuất 65 nghìn tấn. Năm 1942, sản xuất 68 nghìn tấn. Năm 1943, sản xuất 75 nghìn tấn. Do sự tăng vụt về sản lượng, đã đưa cao su xuất cảng tại miền Nam lên hàng thứ tư trên thế giới. Sản lượng cao su ngày một tăng đã làm cho túi tiền nhà tư bản ngày càng phình ra, trong khi cuộc sống của người công nhân cao su ngày càng teo tóp lại. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cuộc đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ. Tình cảnh của người công nhân cao su dưới chế độ thực dân đã được Tác giả Thành Nam mô tả chi tiết trong sách. 5. Con giun xéo lắm cũng phải quằn. Con người bị áp bức bất công tất phải vùng lên. Đó là phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ qua các giai đoạn cách mạng. Ngòi pháo đầu tiên nổ ra ở đồn điền cao su Phú Riềng vào năm 1927, công nhân chống lại tên xếp Môngtơ (Monteil) đánh đập công nhân cực kỳ tàn nhẫn. Tên này thường đánh đập bằng lối bắt công nhân nằm sấp chổng chân lên rồi dùng roi đánh vào hai bàn chân cho đến khi tóe máu. Trong khi đánh, không được kêu la, nếu chỉ kêu "đau quá", thì y xóa hết, đánh trở lại từ đầu. Đánh xong, hắn bắt người đó phải lạy và hứa từ nay không dám ngang bướng. Ngoài ra, y còn hãm hiếp phụ nữ, cướp vợ người khác. Nếu ai có thái độ gì thì bị cúp phạt, hành hạ, phơi nắng. Do những tội ác của y, anh chị em công nhân đồng lòng nhất trí bắt hắn phải đền tội. Hôm đó, mọi người đang cạo mủ ngoài lô, thì xếp Môngtơ ra kiểm soát, nạt nộ công nhân, quở trách người này, đánh chửi người nọ. Lợi dụng trong lúc y đang vô cớ gây gổ, ức hiếp như vậy, một công nhân hô lên: "Đánh!". Thế là mọi người tay dao, tay búa xông vào đánh Môngtơ vỡ đầu, chết ngay tại chỗ. Lòng căm tức đang bốc cao, mọi người xông vào các nhà bọn cai, xếp khác, tìm diệt chúng. Chủ đồn điền đã cho lính xả súng bắn vào đám công nhân, làm một số người chết và bị thương. Sau cuộc đấu tranh này, các chủ đồn điền càng dùng biện pháp cực kỳ dã man hơn để giết hại công nhân. Năm 1927, công nhân ở đồn điền Phú Riềng có trên 3,000 người, đến năm 1928, chỉ còn lại 1.500 người. Sự khủng bố dã man đó không làm cho công nhân nhụt chí đấu tranh. Lòng căm thù ngày một bốc cao. Họ đã biết tổ chức nhau lại dưới hình thức "hội tương tế" để giúp đỡ nhau trong lúc ốm đau, hoạn nạn. Dần dần, họ tập hợp nhau lại thành tổ chức nghiệp đoàn cao su, đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi. Năm 1929, nhà cách mạng Ngô Gia Tự đã liên lạc được với những công nhân nòng cốt ở đồn điền cao su Phú Riềng, và sau đó, Chi bộ Cộng sản đã ra đời, do Trần Tử Bình làm Bí thư. Từ khi có Chi bộ Đảng, cuộc đấu tranh đã đi vào tổ chức, nội bộ công nhân đoàn kết nhất trí, mọi hành động đều thống nhất. Do đó, đã nổ ra cuộc đấu tranh lớn, có tiếng vang sâu rộng trong và ngoài nước. Đó là cuộc đấu tranh bắt đầu từ ngày 4-2-1930. Cuộc đấu tranh bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau khi điểm danh xong, công nhân tuyên bố không đi làm và đưa ra bản yêu sách gồm 6 điểm: tăng tiền lương; ngày làm 8 giờ; cấm đánh đập, cúp phạt; bảo hiểm tai nạn trong khi lao động; người đẻ được nghỉ 2 tháng có lương; đề nghị chuyển 2 tên xếp Tây đi nơi khác. Cuộc đình công kéo dài đến 3 giờ chiều ngày 6-2-1930 vẫn chưa thấy chủ đồn điền Xamunhắc có thái độ gì. Tất cả 3.000 công nhân đồng loạt biểu tình chung quanh các làng. Đến 5 giờ chiều ngày 6-2-1930, tên xếp đồn Ba Rá (ở gần đồn điền) tên là Môrơ (Morere) đem 25 lính, có đủ súng ống, đến đàn áp cuộc biểu tình. Lập tức, Ban lãnh đạo đấu tranh cho đội xích vệ xông lên đánh trả bọn lính. Anh em công nhân cũng xông vào giật súng và đánh bọn chúng túi bụi. Người thì bốc cát ném vào mặt bọn lính, làm cho chúng mù mắt, người thì dùng dao, gậy đánh nhau với chúng. Có một nữ công nhân rất can đảm, quật ngã lính rồi cướp súng. Một tên đội Tây định bắn vào đoàn người, một đội viên xích vệ xốc tới, dùng cán cuốc phang gãy tay hắn. Đối phương hoảng sợ, chạy tán loạn. Công nhân thu tất cả 11 súng và dao găm. Thừa thắng, công nhân xông thẳng đến nhà tên Xumanhắc, phá cửa nhà hắn, hò la ầm ĩ. Xumanhắc hoảng sợ, lập tức phải điều đình ngay với công nhân. Ông Nguyễn Mạnh Hồng và ông Tạ, thay mặt Ban lãnh đạo đấu tranh, trao yêu sách cho Xumanhắc. Xumanhắc đã chấp nhận mọi yêu sách của công nhân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Từ cuộc đấu tranh của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng lan tỏa ra khắp miền Đông Nam Bộ. Từ sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, những cuộc đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ mang tính tự giác cao, mở rộng phong trào mà tác giả Thành Nam đã mô tả hết sức sinh động trong cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ". Họ có tổ chức rất chặt chẽ, bọc lót cho nhau rất tốt. Cách mạng đúng là ngày hội của quần chúng. Phong trào cách mạng sục sôi đó đã có ảnh hưởng rất lớn đến đội ngũ công nhân cao su miền Đông Nam Bộ. Khẩu hiệu đòi quyền dân sinh, dân chủ trong các đồn điền tiếp tục được trương lên, buộc các chủ đồn điền phải giải quyết những yêu sách chính đáng của công nhân. Mặc dù bị đàn áp tàn nhẫn, công nhân cao su trong các đồn điền Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba,... thuộc Công Ty SÍP; các đồn điền Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng thuộc Công ty Đất Đỏ; đồn điền Dầu tiếng thuộc Công ty Mitsơlanh; các đồn điền Lộc Ninh, Đa Kia thuộc Công ty Xétxô,... lần lượt nổi dậy đấu tranh mặt giáp mặt với chủ đồn điền, buộc họ phải giải quyết yêu sách, không được phát gạo mục, cá thối cho công nhân. Thông qua những cuộc đấu tranh này, đội ngũ công nhân được củng cố, kinh nghiệm đấu tranh được tôi luyện. Nhiều công nhân, qua thử thách, đã trở thành những cán bộ của Đảng. Sôi nổi nhất trong thời gian từ 1932-1935, phải kể đến cuộc đấu tranh của đồn điền cao su Dầu Tiếng. Đêm 16 rạng ngày 17-2-1932, trên 1 nghìn công nhân ở đây đã biểu tình đòi chủ trả tiền công đúng như đã ghi trong giao kèo (hợp đồng) dài hạn. Bởi vì chủ tự ý rút bớt lương của công nhân từ 4 hào rút xuống còn 3 hào mỗi ngày. Công nhân của 7 làng đã mang gậy, dao, mã tấu,... rầm rập kéo về dinh chủ đồn điền ở thị xã Dầu Tiếng đấu tranh đòi họ không được tự ý rút lương của công nhân. Cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng gay go, ác liệt, cuối cùng, chủ phải nhượng bộ. Qua những cuộc đấu tranh này, anh chị em đã rút ra được kinh nghiệm là "nếu ta mềm thì chúng rắn, nhưng nếu ta rắn thì chúng buông". Thái độ cứng rắn trong đấu tranh đã mang lại thắng lợi có ý nghĩa chính trị. Từ sau năm 1940, công nhân trong các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ đấu tranh mang dậm màu sắc dân tộc với khẩu hiệu: "Tổ quốc và sự giải phóng giai cấp cần lao". Tại nhiều đồn điền, công nhân đòi thực dân Pháp và tư bản nước ngoài cút về nước, trả lại đồn điền cho người Việt Nam quản lý. Từ năm 1941 đến cuối năm 1943, tại miền Đông Nam Bộ đã có 215 cuộc đấu tranh lớn, nhỏ của công nhân cao su trong các đồn điền. Nguyên nhân dẫn đến cuộc đấu tranh là lòng tự hào dân tộc của công nhân cao su lúc này trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết. Họ hiểu rõ rằng, nếu dân tộc chưa được giải phóng, thì giai cấp công nhân cũng không thể giải phóng. Nhận thức này đã mang lại thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành giành quyền lợi cho giai cấp công nhân và cho dân tộc Việt Nam.Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã tiếp thêm sức mạnh đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ. Khép lại 180 trang của cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ", thấy toát lên nỗi khổ nhọc nhằn của những người công nhân cao su, qua đó, cũng toát lên tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân cao su Việt Nam, do đội tiền phong của giai cấp là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, góp phần mang lại thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cuốn sách "Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ" của Thành Nam được xuất bản cách đây đã 33 năm. Thời gian trôi đi, vật đổi, sao dời, nhưng đến nay, vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử, lý luận và thực tiễn.
Quỳnh Anh