Mới cập nhật

Người “thà làm ma nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”



Trong lịch sử nước Việt ta còn ghi lại rất nhiều câu nói bất hủ của các bậc anh hùng dân tộc, làm rạng danh nước nhà. Một trong những câu nói bất hủ phải kể đến là lời mắng: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” của danh tướng Trần Bình Trọng thời nhà Trần.

Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), là người xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành. Do cha Trần Bình Trọng làm quan dưới triều Trần Thánh Tông lập được nhiều công trạng lớn, nên được nhà vua ân sủng ban cho quốc thích (cho mang theo họ vua). Bởi vậy, Trần Bình Trọng mới có họ Trần, thay vì mang họ Lê. Về chuyện này, sách Toàn thư, quyển V, kỷ Nhân Tông hoàng đế có đoạn viết: “Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, do ông cha làm quan đời Trần Thái Tông, nên được cho quốc tính nhà họ Trần”.

tranbinhtrong

Trần Bình Trọng hiên ngang giữa trại giặc

Câu chuyện Trần Bình Trọng hy sinh oanh liệt sau lời mắng nhiếc lũ giặc ngoại xâm xảy ra dưới thời vua Trần Nhân Tông, trong cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2.

Bấy giờ, vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con, rút lui về “hậu trường” làm Thái thượng hoàng. Lấy cớ Trần Nhân Tông tự lên ngôi báu mà chưa được sự “cho phép” của hoàng đế Nguyên Mông, nhà Nguyên sai sứ là Sài Thung sang đòi Trần Nhân Tông phải đích thân sang thần phục. Tuy nhiên, vua Trần Nhân Tông quyết giữ quốc thể, lấy cớ thoái thác không sang, cử chú là Trần Di Ái sang thay. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt bèn phong Di Ái làm An Nam quốc vương, cử 1000 quân đưa Di Ái về làm vua An Nam. Tuy nhiên, âm mưu này bị Trần Nhân Tông dẹp tan. Hốt Tất Liệt tức giận bèn dụng mưu đánh chiếm nước ta. Cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần thứ 2 bắt đầu như vậy.

Quân Nguyên Mông ầm ầm kéo sang Đại Việt với 50 vạn quân do Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt, đích thân cầm đầu. Thế giặc mạnh nên quân đội nhà Trần liên tục bị đẩy lui. Tới khi giặc đánh tới gần thành Thăng Long, liệu thế không giữ được thành, nhà Trần dùng kế vườn không nhà trống, rút lui khỏi thành Thăng Long. Quân Nguyên Mông tràn được vào thành Thăng Long, nhưng chúng không thu được chiến lợi phẩm gì, đành kéo quân ráo riết truy đuổi Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Trần Bình Trọng được triều đình tin cẩn giao trọng trách chặn hướng truy đuổi của giặc tại vùng Đà Mạc – Thiên Mạc (nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để đoàn quân nhà Trần rút lui an toàn và bí mật.

Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, mũi quân đánh chặn của Trần Bình Trọng thất bại, Trần Bình Trọng bị bắt sống. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch khi chúng hoàn toàn mất dấu vết nhà Trần sau trận đánh này.

Để moi móc thông tin, tướng giặc đã dùng mọi cách với Trần Bình Trọng, từ dọa dẫm tới mềm mỏng. Nhưng Trần Bình Trọng quyết không nói nửa lời. Cuối cùng, tướng giặc dụ dỗ sẽ xin phong vương nếu Trần Bình Trọng quy hàng, nhưng ông đã khảng khái thét mắng vào mặt chúng: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Lời thét mắng ấy thể hiện rõ quan điểm khẳng định Đại Việt là một nước độc lập và có ý coi thường triều đình phương Bắc khi ông chỉ gọi nhà Nguyên Mông là “đất Bắc”. Lời thét mắng ấy của Trần Bình Trọng khiến quân giặc giận tím mặt. Chúng giết ông ngay tức khắc. Sử sách còn ghi lại thời điểm ấy là tháng Chạp năm Ất Dậu (1285). Năm ấy, Trần Bình Trọng mới có 26 tuổi.

Nhờ sự chiến đấu anh dũng và sự hy sinh oanh liệt, thà chết chứ không chịu làm lộ thông tin quân sự của triều đình, của Trần Bình Trọng, triều đình nhà Trần mới có thời gian và điều kiện để chuẩn bị lực lượng phản công. Sau đó chỉ vài tháng, quan quân nhà Trần đã dốc toàn lực phản công, đập tan quân Nguyên Mông. Nhiều tướng giặc bị chém đầu tại trận, trong đó có Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán. Riêng Thoát Hoan hoảng sợ phải chui vào ống đồng để tránh tên bắn, bắt quân lính khiêng chạy chối chết về nước.

Cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 thắng lợi ròn rã nhờ công đóng góp không nhỏ của Trần Bình Trọng. Bởi thế, khi xét công trạng, vua Nhân Tông đã truy phong ông là Bảo nghĩa vương.

Tưởng nhớ công ơn và cảm khí tiết của Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, ngày nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường, phố ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng ở Hà Nội, tên của Trần Bình Trọng được đặt cho tuyến phố nối từ phố Trần Hưng Đạo tới phố Trần Nhân Tông – hai nhân vật anh hùng cùng thời với Trần Bình Trọng gắn liền với chiến thắng vang dội trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, lần thứ 2 và lần thứ 3.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội