Mới cập nhật

Đêm Praha đọc thơ Lécmôntốp


Lécmôntốp đại thi hào Nga
Vầng đông chói lọi của thơ ca
Thiên tài thi hứng đầy cao hứng
Rừng thơ đua nở với trăm hoa.

Sống ở thời kỳ lắm quỷ ma
Nhộn nhạo bao phen chính lẫn tà
Đạo đức đem tống vào sọt rác
Tự do chỉ là một giấc mơ.

Sống trong một xã hội phất phơ
Nỗi đau nhức nhối của nhà thơ
Tình yêu là một trò múa rối
Nhà thơ không thể sống đúng mình.

Hỡi ôi! Những con người lầm than
Sống trong nắng lửa với mưa ngàn
Toàn là nô lệ và lãnh chúa
Bạn ơi! Nơi ấy đất nước tôi!

Lécmôntốp thất tình xã hội
Nhưng lại được tình trong thơ văn
“Con quỷ”1 vẫy vùng nơi nhân tính
Dẫn theo “Cái chết của nhà thơ”2.

Một phát súng bắn vào Puskin
Một phát súng bắn vào Lécmôntốp
Nước Nga phải chịu hai phát đạn
Bắn vào trái tim hai nhà thơ.

Hai khối tình thơ đã lặng im
Để lại trần đời nỗi phân vân
Hai vầng nhật nguyệt thi ca tắt
Văn học tối sầm mấy mươi năm.

Praha, Séc, Đêm
5-1-2002
*****
Chú thích:1,2. Tên những bài thơ của Lécmôntốp.

Lời Tác giả:  Khi còn học ở Mátxcơva, tôi được làm quen với tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng, giảng viên dạy văn học Nga - Xôviết tại Liên bang Nga. Khi tôi sang công tác tại châu Âu từ năm 1999 đến năm 2002, tôi cũng đã một số lần được gặp tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng tại Ba Lan, Hunggari, Cộng hòa Séc khi Anh đến các nước này. Có lần, tôi gặp Anh ở thủ đô
Buđapét, Hunggari. Anh tặng tôi một cái hộp gỗ hình tròn khum khum, tiện bóng mịn, trông như một chiếc chum con, rất đẹp. Chiếc hộp đó có đường kính 7,5 cm, chiều cao 10,5 cm. Anh nói với tôi là trong hộp này có chứa một loại mật ong đặc biệt của nước Nga.

Đến nay, đã hơn 10 năm, tôi vẫn còn giữ chiếc hộp đó và bên trong hộp vẫn còn mật ong. Tôi chưa một lần mở chiếc hộp đó ra, vì nó đóng rất kín và niêm phong bằng một loại tem thuế.
Có lần, anh Hoàng nói với tôi về một chuyện buồn là Anh có cô con gái rất xinh đẹp, đi nghỉ hè ở Xôtri, Nga, từ đấy cháu bị mất tích. Đến nay đã khoảng hơn 15 năm, cháu vẫn biệt vô âm tín, mặc dù Anh đã ra sức đi tìm cháu, rồi nhắn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng,... Những lần gặp mặt, anh Hoàng thường kể cho tôi nghe những tình tiết hấp dẫn về văn học Nga - Xôviết. Anh nhắc nhiều đến thơ văn của Lécmôntốp, một đại thi hào của nước Nga.

Tôi nhớ có lần gặp Anh và các bạn của Anh ở thủ đô Buđapét, Hunggari, trong lúc nâng cốc chúc tụng nhau, anh em mang những bài thơ của đại thi hào Nga Lécmôntốp ra bình luận. Khi trở về Praha, tôi làm bài thơ về đại thi hào Lécmôntốp. Mikhain Iurevích Lécmôntốp, đại thi hào Nga, sinh ngày 15-10-1814 và mất ngày 27-7-1841, trong một gia đình quý tộc Nga. Ông học Trường đại học Mátxcơva, rồi học Trường sĩ quan cận vệ Pêtécbua, ra trường với chức vụ trung úy. Cuộc đời và số phận của Ông gặp nhiều rủi ro.

Ông bị nhà cầm quyền đưa đi đày 13 tháng (1837-1838) do viết bài thơ “Cái chết của nhà thơ”, tố cáo trước dư luận về những tên thủ phạm có liên quan đến cái chết của đại thi hào Nga Puskin, ra sức bảo vệ và tôn thờ Puskin. Năm 1840, Lécmôntốp bị trọng thương trong một cuộc đấu súng. Sau đó, Ông đi chữa bệnh ở suối nước khoáng. Năm 1841, Ông bị sát hại do mối thâm thù của giới quý tộc Nga căm thù Nhà thơ. Lécmôntốp đã ngã xuống vì viên đạn của kẻ ganh ghét tài năng của Ông, đã bắn trúng trái tim Ông. Lécmôntốp sáng tác thơ, kịch, hội họa, âm nhạc, mặt nào cũng thể hiện rõ tài năng. Thơ của Lécmôntốp giàu tính chiến đấu, bất bình trước bất công xã hội, tinh thần phản kháng, chống chế độ phong kiến chuyên quyền và đầy rẫy bọn lãnh chúa tàn bạo.

Thơ ca của Lécmôntốp tràn đầy tinh thần yêu nước, yêu nhân dân Nga, khao khát dân chủ và tự do. Thế hệ Lécmôntốp ra đời từ cuộc chiến tranh vệ quốc 1812. Vì vậy, Ông khao khát có một nước Nga nhân dân sống trong tự do và hạnh phúc. “Hỡi ôi! Con người lầm than, rên xiết vì cuộc đời nô lệ và xích xiềng. Bạn ơi! Nơi ấy, Tổ quốc tôi”. “Ôi! Nước Nga của nô lệ và lãnh chúa”. Hồn thơ vang vọng núi sông, thấm sâu vào lòng người, lòng đời, vì một nước Nga tự do và hạnh phúc