Henrích Hainơ và bài thơ “Bóng đen”
Henrích Hainơ và bài thơ “Bóng đen”
PGS-TS. Đức Vượng.
PGS-TS. Đức Vượng.
| ||
Henrích Hainơ viết bài thơ “Bóng đen”:
“Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng đen trên tường lại đen?”
Một câu giải đáp không thú vị:
Nó đen bởi nó là cái bóng đen.
Khi hình đứng nó thời cũng đứng
Lúc hình cong nó cũng uốn cong.
“Ai hiểu được cuộc đời kỳ lạ lắm
Mà bóng em buồn ngả xuống giữa lòng anh”.
Ở đời khó phân biệt giữa bóng đen và em.
Cũng khó phân biệt giữa hạng người “trắng”
và hạng người “đen”.
“Trắng” bạc như vôi, còn “đen” tối sầm lại.
Hai hạng người này chỉ hiểu nhau khi đi trong đêm.
Henrích Hainơ - Ông có biết
Ở trên đời đôi nam nữ chỉ hiểu nhau
khi hai người nằm trên giường
và họ quay lưng lại với nhau.
Béclin, Đức, 16-3-2002
Praha, Séc, 17-3-2002
--------------
Lời Tác giả: Tháng 3-2002, tôi có công việc sang Béclin, Đức. Tại Béclin, chiều 15-3-2002, bạn bè tôi tại Béclin, mời tôi dự bữa cơm thân mật, vì đã bao ngày xa cách, anh em không gặp nhau. Bữa cơm hôm ấy, tôi thấy có anh Phong, anh Tính, những người mà tôi đã quen biết từ khi các anh còn ở Hà Nội; có cả mấy cậu nghiên cứu sinh Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức cũng đến dự bữa cơm thân mật này. Thực đơn hôm ấy gồm súp, chân giò nướng, thịt bò sốt hạt tiêu, bánh mì, gia vị, rượu vang đỏ, bia. Trong lúc ăn uống vui vẻ, có người mang thơ của Henrích Hainơ, một nhà thơ lớn của Đức, ra bình. Trong lúc bình thơ Henrích Hainơ, có người nói Henrích Hainơ có những bài thơ về tâm đầu ý hợp giữa tình yêu nam nữ. Vận thơ vào đời, có người nói đôi nam nữ họ thường hiểu nhau nhất là lúc họ quay mặt lại với nhau, ôm hôn nhau thắm thiết. Có người nói đôi nam nữ thực sự hiểu nhau là lúc họ quấn quýt bên nhau trong đêm thu trăng sao vằng vặc. Lại có người nói lúc đôi nam nữ hiểu nhau nhất chính là lúc họ làm tình thực sự với nhau ở trên giường. Đến lượt tôi phát biểu, tôi nói rằng, các ông nhầm lẫn hết. Ở trên đời, đôi nam nữ chỉ hiểu nhau khi hai người nằm trên giường và quay lưng lại với nhau. Nghe tôi nói mọi người cười ầm lên. Có người nói: “Có lý, có lý”. Đêm Béclin, tôi suy nghĩ, trăn trở làm bài thơ về Henrích Hainơ. Khi về đến Praha, tôi hoàn thành bài thơ: Henrích Hainơ và bài thơ “Bóng đen”.
Bài thơ “Bóng đen” của Henrích Hainơ là một bầu tâm sự đầy quyến rũ. Qua bài thơ, Henrích Hainơ muốn nói lên tiếng nói về nhân tình thế thái ở trên đời với nhiều loại người khác nhau, kỳ lạ lắm. Có loại người sống vật vờ như một cái bóng đen, lúc uốn cong, khi thẳng đứng, sống theo kiểu “gió chiều nào che chiều ấy”, không biết bản chất thật của họ ra sao. Những người này có khi lại gặp may, thường phất nhanh trên con đường quan lộ. Nhưng rút cục, đời họ trước sau cũng chỉ như một cái bóng đen. Henrích Hainơ biết rõ chân giả của từng con người, từng cuộc đời, cho nên Ông đã làm bài thơ “Bóng đen”.
Heinrich Heine, đại thi hào người Đức, gốc Do Thái, rất thông minh, sinh ngày 13-12-1797 và mất ngày 17-2-1856. Năm 46 tuổi, Ông đỗ tiến sĩ luật. Không xin được làm giảng viên đại học, Ông chuyển sang làm văn chương chuyên nghiệp. Ông sáng tác nhiều, chất lượng thơ phong phú, đa dạng. Ông đi nhiều, gần hết châu Âu, chủ yếu là ở Ý, Anh, Pháp; viết rất khỏe, đi đến đâu viết đến đấy. Ông từng gặp gỡ các nhà văn Pháp như Bêrăngdê, Bandắc; liên hệ với Xanhximông, một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng và chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Ông là bạn thân của Các Mác. Về thơ, có tập “Những bài ca”. Về văn có 7 tập “Ký sự du lịch”, về thể loại ký có “Phác thảo về nước Anh”,... Những bài thơ hay nhất của Ông là “Bóng đen”, “Những người thợ dệt Xilêdi”, “Nước Đức”, “Câu chuyện mùa đông”,… Trong sáng tác văn thơ, Henrích Hainơ bộc lộ quan điểm của mình về tương lai nhân loại; đánh giá cao giai cấp công nhân đại công nghiệp; nỗi niềm thương cảm với nhân dân lao động, cho nên Ông đã được mang danh “nhà thơ của nhân dân Đức và nhân dân Pháp”. Thơ của Ông được các nhạc sĩ nổi tiếng như Suman, Subéc,… phổ nhạc. Các Mác và Ph.Ănggen đánh giá cao thơ văn của Henrích Hainơ. Ph.Ănggen đánh giá Ông là “nhà thơ vĩ đại”.