Hồ Chí Minh
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Nước non non nước đã sinh ra Người.
Người làm rạng rỡ muôn người
Tự do độc lập đời đời vẻ vang.
Tổ tiên từ thuở Hồng Bàng
Đến nay bừng ánh hào quang ngời ngời.
Nhớ ngày nước mất lệ rơi
Súng Tây nã xuống tơi bời quê hương.
Tiếng kêu ai oán đêm trường
Nhà xiêu vách đổ thịt xương còn gì.
Cha ông nuốt hận thầm thì
Buồn trông cảnh ngộ đường đi tắc rồi.
Phải chăng đó tại cơ trời
Hay là vận nước vận đời mong manh.
Giữa lúc ấy Nguyễn Tất Thành
Ra đi cứu nước mang tình quê hương.
Đại dương sóng vỗ mênh mang
Ngoảnh trông Tổ quốc lòng càng hoài nhân.
Trải qua tù ngục phong trần
Con đường cứu nước lần lần tìm ra
Pháp, Nga, Anh, Mỹ đều qua
Bênanh cho đến Biển Ngà Phi Châu.
Trở về mảnh đất Á châu
Qua sông qua núi qua cầu Người đi.
Càng đi càng thấy sầu bi
Kiếp đời nô lệ còn gì chủ nhân.
Vùng lên chiến hữu xa gần
Một lời kêu gọi muôn nghìn người theo.
Đường cứu nước lắm gieo neo
Nước lên thuyền nổi tay chèo càng nhanh.
Thành công có Đảng dẫn đường
Người khai sinh Đảng chủ trương rõ ràng.
Trên vai gánh nặng giang san
Ba mươi năm ấy muôn vàn trầm thăng.
Ngày xuân về đến Cao Bằng
Tay cầm nắm đất mà rằng: “Quê hương”.
“Xa nhà đã mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”1.
Đây rồi dòng suối Lênin
Kia rồi núi Mác một miền xanh xanh.
Trời mây non nước bao quanh
Nước non Người định chương trình Việt Minh.
Người coi gốc chính là dân
Suối trong nước chảy cội nguồn tạo nên.
“Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”2.
Thiên thời - địa lợi - nhân tâm
Cả ba hòa hợp thành công muôn đời.
Chủ trương khởi nghĩa rõ rồi
Cờ hồng tháng Tám rực trời nước Nam.
Ba Đình nắng đẹp chang chang
Trời thu man mác không gian êm hòa.
“Tuyên ngôn Độc lập” phát ra
Việt Nam ta đó - Bác Hồ Chí Minh.
Lời thề cứu nước đinh ninh
Muôn người như một chung tình nước non.
Nước non in đậm dấu son
Tình yêu non nước không mòn không phai.
Chín năm kháng chiến đường dài
Núi rừng Việt Bắc chông gai đạp bằng.
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”3.
Quần nâu áo vải phơi sương
Người đi ra trận trên đường suối reo.
Ngàn cây tỏa ánh trăng treo
Hoa rừng đua nở lưng đèo gió bay.
Nửa đêm mệnh lệnh truyền tay
Ba quân tập hợp hẹn ngày xung thiên.
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”4.
Giờ đây lịch sử sang trang
Tay cầm tay khúc khải hoàn vang ca.
Người về trở lại Thủ đô
Bạc phơ mái tóc Bác Hồ Chí Minh.
Niềm vui miền Bắc hòa bình
Miền Nam chiến đấu mối tình sắt son.
Dù cho sông cạn đá mòn
Song chân lý ấy vẫn còn nguyên sơ.
Đấu tranh nối lại đôi bờ
Một phen “sát thát” dưới cờ vinh quang.
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập vì tự do
Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”5.
Chân trời góc bể nguồn cơn
Năm châu bầu bạn xa gần yêu ta.
“Quan san muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em”6.
Đường đi nước bước đã quen
Gập ghềnh từng trải mỏi mòn từng qua.
Cùng chung một giải sơn hà
Bắc Nam thống nhất đó là ước mong.
Người đi nay đã thỏa lòng
Thu về một mối non sông bừng bừng.
Đức cao sáng tựa vừng đông
Tài cao tỏa rộng một vùng thanh thiên.
Tâm hồn sống đẹp chết thiêng
Hồ Chí Minh để niềm tin cho đời.
Praha, Séc, đầu năm 2000
------
Chú thích:
1,2,3,5,6. Thơ Bác Hồ.
4. Thơ Tố Hữu.
Lời Tác giả: Để góp phần tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ngoài, khi đến công tác ở Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia (trước đây hai nước này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Đến năm 1993, Tiệp Khắc tách ra làm hai là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia) được vài tháng, tôi viết bài trường ca “Hồ Chí Minh”. Bài trường ca này đã được đăng lần đầu tiên trong tạp chí “Quê hương”, tiếng nói của Hội người Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slôvakia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc từ ngày 17 đến ngày 20-7-1957. Tại Tiệp Khắc, Người đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc Dapôtốtxki và nhân dân Tiệp Khắc đón tiếp rất nồng nhiệt. Phát biểu trong lễ đón tại sân bay Praha, Người nói: “Tôi vô cùng sung sướng được tới thăm nước Tiệp Khắc anh em theo lời mời của đồng chí Chủ tịch Dapôtốtxki. Thay mặt nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi xin gửi lời chào mừng thắm thiết tới nhân dân thành phố Praha và toàn thể nhân dân Tiệp Khắc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 446).
Trong Diễn văn tại tiệc chiêu đãi Chủ tịch Dapôtốtxki, ngày 20-7-1957, Người nói: “Sinh viên và thiếu nhi Việt Nam ở đây được Đảng, Chính phủ và nhân dân Tiệp Khắc giúp đỡ và chăm sóc rất chu đáo. Họ đã học được nhiều kinh nghiệm quý báu và đức tính tốt đẹp của nhân dân Tiệp Khắc” (Sách đã dẫn, tr. 448).
Người phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Người ở thăm Tiệp Khắc là ông Lương Văn Tích, kỹ sư điện, người Sài Gòn, một người Việt Nam đã được Đảng và Chính phủ cử sang học tập tại Tiệp Khắc từ năm 1953, khi nhân dân Việt Nam còn đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Ông là một trong ba người Việt Nam đầu tiên sang học tập tại Tiệp Khắc. Ông lấy một phụ nữ xinh đẹp, người Tiệp Khắc, tiến sĩ luật. Theo lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giúp vào công cuộc kiến thiết nước nhà, đã có thời gian ông Tích và Vợ về làm việc tại Việt Nam trong khoảng 10 năm, sau đó lại trở về Tiệp Khắc.
Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, một nhà yêu nước và cách mạng chân chính. Ở Người thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, giữa vấn đề dân tộc và vấn đề dân chủ để giải quyết vấn đề xã hội. Từ cơ sở tư tưởng này, Người đã tìm thấy vấn đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng về giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người cũng xuất phát từ tư tưởng của sự kết hợp giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Mưu cầu cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, dân chủ, bình đẳng, chống mọi áp bức bất công xã hội đã mang nặng trong trái tim và khối óc của Người ngay từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.