Khổng Tử
1. Khổng Tử bậc hiền triết cự nho
Một nhà tư tưởng được trời ban cho.
Tâm trí cuộc đời gửi vào giáo dục.
Có công lao dạy dỗ học trò.
2. Ba mươi tuổi đứng vững trường đời.
Năm mươi tuổi đã biết mệnh trời.
Sáu mươi tuổi biết hết lý lẽ.
Bảy mươi tuổi tấm lòng thảnh thơi.
3. “Này, Tứ1, con cho rằng, ta học nhiều mà biết hết chăng!
Không đâu! Ta từ biết một để thông tường tất cả.
Học vấn mà không tinh thông, nghe biết điều nghĩa mà không làm theo, bản thân làm điều sai mà không chịu sửa, đây là điều ta lo lắng làm sao!”
4. Học giả xưa học hành để nâng cao đạo đức
Học giả nay học hành để thỏa mãn nhu cầu người đời.
“Người học đủ ba năm, vẫn chưa nghĩ đến làm quan, là người có tầm tư tưởng trùm khắp thế gian”.
5. Ăn ngô, khoai, vẫn thấy cõi lòng thanh thản.
Đó là bậc chính nhân quân tử.
Ăn tiệc sang, lại thấy lòng mình bứt rứt
Đó là kẻ tiểu nhân gặp may.
Kẻ bất nhân, bất nghĩa, nhưng phú quý, địa vị cao sang
Có khác gì như đám mây trôi lang thang, trên bầu trời chẳng thấy có nắng vàng.
6. Một người chứa đầy kinh luân, nhưng khi đất nước gian truân, không chịu xông ra cứu giúp,
đó không thể coi là người nhân.
7. Xã hội ổn định, thiên hạ thái bình
Con người được hưởng thụ niềm vui chân chính.
Cái chân, thiện, mỹ chính đại quang minh
Người dân hài lòng về đất nước của chính mình.
“Đất nước thanh bình, nhưng dân vẫn khổ
Đó là điều mà bậc quyền uy thấy xấu hổ.
Đất nước yếu suy, cá nhân lại giàu có, cao sang, là điều sỉ nhục của những tên quan tham”.
Đã là quan, hễ thiên hạ có điều gì bất an, thì phải nghĩ suy đến cháy ruột cháy gan, để tìm ra giải pháp diệu kỳ linh, làm cho thiên hạ được an bình.
8. Đạo ở đời lồng lộng cao xa
Đức ở đời đẹp như bông hoa
Nhân ở đời lẽ sống tự nhiên
Nghĩa ở đời những bậc trung kiên.
“Phải để tâm trí vào đạo lý, phải giữ gìn đức hạnh, phải dựa vào điều nhân, phải có cuộc sống tinh thần”.
“Chí ở đạo, giữ lấy đức, dựa vào thân, vui với nghề”.
Vui với đạo, quen với đức, sống có nhân, nghĩa tình trọn vẹn, là cuộc sống của bậc chí hiền.
Khi đạo lý bao trùm thiên hạ,
Dân tình sẽ không xôn xao bàn tán.
Lòng người sẽ không buồn chán
Vui với đời và sống tốt với nhân gian.
9. Quân tử thích đức, tiểu nhân thích đất
Quân tử ưa hình pháp, tiểu nhân thích ân huệ.
Quân tử thẳng thắn vô tư,
Tiểu nhân vòng vo thiên thẹo.
Quân tử đòi hỏi ở mình,
Tiểu nhân đòi hỏi ở người.
Quân tử khi gặp khó khăn, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Tiểu nhân khi gặp khó khăn, không từ việc gì không làm.
Quân tử học rộng nghĩ sâu, không mấy khi gặp thời cơ.
Nhưng không vì thế mà chi lan không thơm, không vì thế mà hoa hồng không nở.
Quân tử tu đức lập thân, không vì khó khăn mà làm điều bất chính, vì họ hiểu rằng:
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Khi xã hội bình yên, chính trị ổn định, người quân tử xông ra làm điều nhân nghĩa.
Khi xã hội loạn ly, chính trị không ổn định,
Vua quan vẫn ung dung hưởng lộc, không cứu được xã tắc sơn hà là những con người tuy đang sống nhưng khác gì thây ma.
10. “Thứ quý nhất đối với con người chính là tự biết mình”.
11. Người đứng đầu quốc gia chọn đúng người chính trực, phế bỏ những kẻ xu nịnh, thì dân phục.
Nếu dùng những kẻ không chính trực, dân cho đó là điều sỉ nhục và chẳng một ai tâm phục,
khẩu phục.
Đây chính là sự thực ở đời.
12. Người không có học vấn, như cây thân rỗng, ngả nghiêng.
Người không tôn trọng chữ “tín”
Cuộc đời mất hết niềm tin.
Người có tấm lòng trung thực, mọi việc rồi sẽ hanh thông.
Người không trung thực tấm lòng, cuộc đời sẽ phải sống long đong.
13. Việc đã thành rồi không thể uốn cong
Can gián làm chi khi việc đã xong
Việc đã qua rồi trách làm gì nữa
Việc sắp đến nơi hy vọng chờ mong.
14. Ai hòa quyện được với thiên nhiên
Người ấy như một khúc nhạc êm đềm
Làm đẹp cho đời và cuộc sống thấy bình yên
Có lúc mơ màng như đang lạc vào cõi tiên.
15. Làm quan giữ vững nguyên tắc, nhưng lại có tài ứng biến, là người có cơ hội thăng tiến.
16. Khi tự nhìn mình thấy không có lỗi, đầu óc cảm thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi.
Khi tự thấy mình có lỗi, đầu óc cảm thấy rối bời.
17. “Không biết mệnh trời chẳng đáng gọi là quân tử
Không biết lễ không thể đứng vững ở đời
Không phân biệt được lời nói của người là không hiểu được người”.
Đây là ba điều kinh kỵ ở đời!
18. Ông bảo: Trẻ con phải phục tùng người lớn
“Người dưới” phải phục tùng “người trên”.
Có điều “người trên” hay “người lớn”
Phải đích là “lớn lớn”, “trên trên”.
“Lớn” mà nhân cách không bằng “trẻ”
“Trên” mà nhân cách không bằng “dưới”
Tạo ra sự hưởng thụ chênh lệch
Điều này sao không nói hỡi Ông?
Ông nêu “nhân, lễ, nghĩa, chí, tín” và xem đó là đạo đức tin.
Tiếc rằng vua quan đâu có đức
Có chăng đức chỉ ở trong mơ.
Đàn bà thì “tam tòng tứ đức” (lệ thuộc vào cha, chồng, con).
“Công, dung, ngôn, hạnh” là phẩm chất của người phụ nữ tấm lòng son.
Tại sao Ông không mang điều đó ra mà răn dạy cánh đàn ông, mà cứ trói chặt vào đàn bà.
Ông không biết ở đời thật lắm bất công!
19. Ông là người bảo vệ trật tự phong kiến
Trong cuộc đời rất khát làm quan.
Học thuyết của Ông học thuyết quan lại
Cho nên cuộc đời cũng lắm gian nan.
20. Tư tưởng của Ông cao chon von
Trở thành Đạo Khổng của thế gian.
Nghìn năm phong kiến Ông xây dựng
Nay đã rơi vào vũng bùn than!
21. Có người nói: “Khổng Tử là Thánh nhân”.
Ông chia hạng người thành “quân tử” và “tiểu nhân”.
22. Lớp người kế tục tư tưởng Ông
“Mạnh”2, “Tuân”3, “Thư”4,
“Vương”5, “Chu”6 cùng “tử”
Đã đem học thuyết thầy Khổng Tử
Ra đời thi thố để làm chi!
Mạnh Tử cho hay sự ở đời
Là do sắp đặt của “ý trời”
Con người chỉ còn là số phận
Ngoan ngoãn tuân theo với kiếp người.
Tuân Tử lại đem định nghĩa “trời”
Đó là bộ phận của tự nhiên
Đất trời hoàn toàn vô ý thức
Con người mới là khí xung thiên.
Trọng Thư chủ trương đảo ngược lại
Đem mệnh người gắn với mệnh trời.
Nhập hai “thứ mệnh” lại làm một
Tuy gắn nhau nhưng nó vẫn rời.
Chu Hy thì nâng thành đạo học
Đưa ra cái thuyết “lý” và “khí”.
“Lý” thì tích cực, “khí” tiêu cực
“Lý” là vinh, còn “khí” là nhục.
23. Thế giới bao phen đã đổi thay.
Khuyên đời xin chớ có loay hoay.
Rằng theo Phật giáo hay Khổng giáo?
Cái chính bây giờ cuộc sống nay.
24. “Sinh tử có số, phú quý tại trời”.
25. Ông hỏi học trò: “Có thần linh thiêng liêng?”
26. Có lần Ông bị vây ở Khuông
Không phương chạy thoát lòng buồn vương.
Bèn đem đàn ra rồi ca hát
Than rằng, sao trời đất lao lung!
27. Than ôi! Cuộc đời người đi không trở lại.
Không gian buồn mênh mông.
Dòng sông cuộn chảy suốt ngày đêm.
Vạn vật bao la trong vũ trụ chuyển động đêm ngày.
28. Hỡi ôi! Sự
cay đắng ở đời!
Khi hoàng hôn phủ lên bầu trời.
Thấy mọi cái sao vẫn còn dang dở.
Bậc triết gia than thở:
“Thái Sơn sắp đổ rồi sao
Nhà kia sắp hỏng khi nào lại xây?
Triết nhân khô kiệt thân gầy
Đứng trong trời đất mưa mây ướt đầm”.
Cỏ thơm lan khắp cánh đồng
Giọt sương lóng lánh nắng vàng mênh mông.
Ở đời ai biết ta chăng
Trời cao lồng lộng mây giăng ngút ngàn.
Đông về gió rét cơ hàn
Vàng vàng ngọn cỏ lá tàn buông rơi.
Dòng sông chảy mãi không thôi
Dòng đời chát chúa bồi hồi nhân gian.
Báo rằng sắp đến lúc tàn
Đời nhà hiền triết như làn mây trôi.
Praha, Séc, Đêm 9-1-2002
Có sửa chữa và bổ sung sau đó
------
Chú thích:
1. Tứ: Tử Cống, một học trò giởi của Khổng Tử.
2,3,4,5,6. Mạnh Tử, Tuân Tử, Đổng Trọng Thư, Vương Dương Minh, Chu Hy.
Lời Tác giả: Trong những tháng, năm công tác ở châu Âu, tôi thấy nhiều nước có Viện Khổng Tử. Tôi đã vào xem Viện Khổng Tử của một số nước. Có một Hãng Thông tấn viết: “Kể từ năm 2004 đến nay đã có hơn 350 Viện Khổng Tử cùng khoảng 350 phòng học Khổng Tử đã được thiết lập ở 106 nước trên thế giới”. Một tờ báo Mỹ viết: “Bắc Kinh đã bỏ ra 500 triệu USD kể từ năm 2004 để mở các Viện Khổng Tử trên thế giới.
Cho đến cuối năm 2010, có 300 Viện Khổng Tử hoạt động ở 96 nước trên thế giới. Không phải ở đâu Viện Khổng Tử, vốn dùng giáo trình của Bắc Kinh, cũng được người Hoa gốc Hồng Công, Đài Loan ủng hộ”.
Gần đây, Trung Quốc và Mỹ “khẩu chiến” xoay quanh hoạt động của các Viện Khổng Tử tại Mỹ. Oasinhtơn cáo buộc các giáo viên Trung Quốc vi pham visa tại các Viện Khổng Tử ở Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một bản thông báo, cáo buộc những giáo viên người Trung Quốc tại các Viện Khổng Tử ở các trường đại học Mỹ vi phạm quy định về visa của Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là những người được cấp visa J-1, loại visa dành cho những người tham gia vào các chương trình trao đổi việc làm và nghiên cứu, giảng dạy.
Vì vậy, việc họ giảng dạy trong các trường tiểu học và trung học phổ thông đã vi phạm quy định của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bản thông báo yêu cầu những giáo viên người Trung Quốc nói trên phải rời khỏi Mỹ, đồng thời, nêu rõ phía Mỹ sẽ không chấp nhận gia hạn visa cho những người thuộc diện này. Giới chức Trung Quốc lo ngại nếu không giải quyết ổn thỏa những rắc rối chung quanh vấn đề này, hoạt động của hơn 80 Viện Khổng Tử do Chính phủ Trung Quốc bảo trợ có khả năng bị đổ vỡ.
Các trường học Mỹ có Viện Khổng Tử, một công cụ chủ chốt của Trung Quốc nhằm thúc đẩy “quyền lực mềm” của Bắc Kinh ở nước ngoài. Các chương trình giảng dạy tiếng Trung Quốc tại nhiều trường đại học Mỹ phụ thuộc nhiều vào các Viện Khổng Tử, cơ quan do Chính phủ Trung Quốc cấp kinh phí hoạt động. Trên thế giới, có nhiều người nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp Khổng Tử. Có sách nâng thành “học thuyết Khổng Tử”, có sách viết “tư tưởng Khổng Tử”, có sách viết “quan điểm Khổng Tử”.
Có lẽ, người viết đạt nhất về Khổng Tử là nhà sử học Tư Mã Thiên. Trong bài viết về Khổng Tử của nhà sử học Tư Mã Thiên có một chi tiết rất điển hình là Khổng Tử tuy được tôn vinh là ông Thánh, nhưng “rất muốn nằm chung với bà hoàng hậu ở trong màn”. Cho hay, “Thánh nhân” cũng phải bàng hoàng trước dung nhan đàn bà. Tại Việt Nam đã có một số cuốn sách viết về Khổng Tử. Hòa vào dòng nghiên cứu Khổng Tử, tại Praha, Cộng hòa Séc, tôi làm bài thơ “Khổng Tử” với lòng mong muốn được góp phần hiểu rõ hơn thực chất về học thuyết - tư tưởng - quan điểm của Khổng Tử. Khổng Tử - Khổng Đạo (Đạo Khổng), một trong những trào lưu tư tưởng chính của Trung Quốc cổ đại, có nhiều đóng góp quan trọng cho đời về đạo học, đạo làm quan, đạo làm người.
Người sáng lập ra Đạo Khổng là Khổng Tử (551 - 479 trước công nguyên). Học thuyết, tư tưởng, quan điểm của Khổng Tử đã được những người kế tục Ông trình bày trong sách “Luận ngữ”. Theo Đạo Khổng, số phận con người là do “trời” định và không thể thay đổi tình trạng con người bị chia thành “quân tử” và “tiểu nhân”. Người trẻ tuổi phải ngoan ngoãn phục tùng người lớn tuổi, người bề dưới phải ngoan ngoãn phục tùng người trên. Đạo Khổng đã được luận chứng về mặt triết học, gọi là Đạo học. Đạo học do những người học trò, kế tục tư tưởng của Khổng Tử, phát triển trên cơ sở những lời nói của Khổng Tử, xây dựng nên. Đạo học cho rằng, trong các vật có hai nguyên tố: “lý” và “khí”. “Lý” là sức mạnh sáng tạo và “khí” là vật chất thụ động. “Lý” tạo ra cái tích cực trong con người, lòng mong muốn đạt đến cái thiện. Còn “khí” tạo ra cái tiêu cực của con người, sự phục tùng sức cám dỗ của tình cảm.
Vương Dương Minh đã luận chứng Đạo Khổng theo tinh thần duy tâm chủ quan. Trong suốt nhiều thế kỷ, Đạo Khổng là hệ tư tưởng thống trị của Trung Quốc phong kiến. Đạo Phật hướng mạnh về cứu giúp những người nghèo khổ. Còn Đạo Khổng lại hướng về các tầng lớp trên, không hướng về cứu giúp những người nghèo khổ. Đây là chỗ hạn chế nhất của Đạo Khổng so với Đạo Phật. Trong cách dùng người, Khổng Tử ít nói đến tài năng, mà chỉ nói về đạo đức. Người kế tục nổi tiếng của Khổng Tử phải kể đến Mạnh Tử, người đã gắn liền sự bất bình đẳng trong xã hội với “ý trời”. Một môn đồ khác của Khổng Tử là Tuân Tử đã xây dựng một học thuyết duy vật sơ khai, cho rằng, trời là bộ phận của tự nhiên và không có ý thức.
Tuân Tử cho rằng, con người sau khi nhận được quy luật (đạo) của sự vật thì phải sử dụng các quy luật đó vì lợi ích của mình. Một môn đồ khác của Khổng Tử là Đổng Trọng Thư cho rằng, xu hướng chính trong Đạo Khổng là sự biện minh cho sự thống trị của các giai cấp có đặc quyền trong xã hội và gắn nó với “ý trời”. Trong các thế kỷ XI, XII, Chu Hy và các môn đồ khác của Khổng Tử đã tổng kết học thuyết - tư tưởng - quan điểm của Khổng Tử thành Đạo học.