Trước ải Nam Quan Cha con Nguyễn Trãi
PGS,TS Đức Vượng
Tiễn cha đến ải Nam Quan
Lệ rơi lã chã trong làn mưa đông.
Trời mây non nước mịt mùng
Sương giăng đầy ải một vùng quạnh hiu.
Cha và con mặt buồn thiu
Cảm linh chưa thấy bao điều xảy ra.
Cha dần khuất núi chiều tà
Con quay trở lại sao mà vấn vương.
Công danh, sự nghiệp, tình thương
Lẫy lừng buổi sáng tai ương buổi chiều.
Ức Trai học rộng biết nhiều
Nhưng Ông không biết những điều bên trong.
Praha, Séc, Đêm 23-1-2002
------
Lời Tác giả: Một buổi chiều 23-1-2002, tại một quán bia của thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, tôi và một anh bạn người Việt Nam làm ăn sinh sống tại Cộng hòa Séc, ngồi đàm đạo về nhân tình thế thái. Bất chợt, anh nhắc đến Nguyễn Trãi. Anh nói: “Một bậc hiền tài như Nguyễn Trãi, hết lòng vì nước, vì dân, mà kết cục cuộc đời lại bị chu di tam tộc.Thương thay!”. Rồi anh khóc thương Nguyễn Trãi.
Đêm về, tôi suy nghĩ câu nói của anh, thấy lòng buồn vô tận, liền thức dậy làm bài thơ Trước ải Nam Quan - Cha con Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi (hiệu Ức Trai). Cha là nhà giáo Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh). Mẹ là Trần Thị Thái, con quan tướng quân tư đồ Trần Nguyên Đán. Nguyễn Phi Khanh từng dạy học ở nhà quan tư đồ Trần Nguyên Đán, được con gái Trần Nguyên Đán là Trần Thị Thái, cũng là học trò của Nguyễn Phi Khanh, đem lòng yêu dấu. Đến khi Trần Thị Thái có mang (sau sinh ra Nguyễn Trãi) với Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Phi Khanh sợ quá, liền bỏ trốn. Trần Nguyên Đán biết chuyện đã lỡ dở, Ông không những không trừng phạt Nguyễn Phi Khanh, mà còn cho gọi Nguyễn Phi Khanh về, gả con gái cho, cưới xin đàng hoàng. Nguyễn Phi Khanh rất cảm động trước nghĩa cử cao thượng của Trần Nguyên Đán. Năm 19 tuổi, Nguyễn Phi Khanh thi đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Vì thuộc thành phần thường dân mà dám lấy vợ thuộc hoàng tộc, bị triều đình cho là thất lễ, không cho làm quan. Đến khi Nhà Hồ lên nắm quyền, Nguyễn Phi Khanh được bổ làm học sĩ Viện Hàn lâm và dần dần thăng quan tiến chức, làm đến chức tư nghiệp Trường đại học Quốc Tử Giám. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt, đem về Trung Quốc, bị giết hại. Khi tiễn Cha đến ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi trở về để mưu nghiệp lớn, chống quân Minh. Nghe lời Cha, Nguyễn Trãi trở về mưu nghiệp lớn, đã cùng Lê Lợi nằm gai nếm mật, tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Minh ròng rã suốt 10 năm, cuối cùng đã đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi nước ta. Nguyễn Trãi đã viết lên áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”. Tư tưởng bao trùm của Nguyễn Trãi là “Đem chí nhân thay cường bạo”.
Khi đất nước thanh bình, Nguyễn Trãi bị bọn cơ hội ở triều đinh ghen ghét, vô hiệu hóa Ông. Ông chán nản, xin về ở ẩn chốn Côn Sơn. Một lần, vua Lê Thái Tông đi công cán ở Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Đêm ấy, Nhà vua bị cảm và chết đột ngột. Bọn gian thần trong triều đình vu cho Nguyễn Trãi cùng vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ âm mưu giết Vua. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đều bị bắt và cả gia đình Ông đều phải nhận bản án “chi di tam tộc”.
Cái sai lớn nhất trong cuộc đời Nguyễn Trãi là cứ tưởng mình trung thành với triều đình là được thăng quan, tiến chức, được sống an bình, mà ông không biết lòng trung thành ấy lại biến thành tai ương. Bọn cơ hội (thời nào cũng có), không bao giờ để cho những bậc hiền tài như Ông được sống yên ổn. Ông học rộng, biết nhiều, nhưng những cái thói xấu, ẩn giấu bên trong của những kẻ quyền quý, cơ hội, Ông lại không biết. Cứ tưởng chúng cũng tốt như Ông và Ông đã mất cảnh giác…