Luận về đàn ông
1. Khi chế độ mẫu quyền cáo chung
Đàn ông bước lên vũ đài lịch sử.
2. Người xưa nói: Người đàn ông phải biết khu xử.
3. Đàn ông nhiều người sống rất đàn ông phong lưu tài tử
Lại có những người mười phần bon chen không một phần quân tử.
4. Đàn ông chỉ có thể mạnh hơn đàn bà
khi người đó phải thực sự là đàn ông.
5. Napônêông có những buổi chiều ngồi trầm tư
Sau chiến trận vang lừng ngồi viết thư cho Giôdephin.
Người anh hùng có lúc phải lặng im
Mềm nhũn trước tình yêu cuộc sống.
Xêda cầm quân lệnh vang như sấm
Kiêu hãnh lẫy lừng chiến trận vinh quang
Vẫn phải làm “tù binh” cho nàng Clêôpát rực rỡ dung nhan.
Khổng Tử một bậc thánh nhân kho tri thức đầy ắp thế gian
Rất muốn nằm chung với bà hoàng hậu ở trong màn
Đứng trước dung nhan bậc thánh nhân cũng phải bàng hoàng.
Sách xưa viết: “Đàn bà có sắc đẹp làm thành trì suy bi
Dễ dàng đánh bại người đàn ông có mối tình si”.
6. Khổng Tử nói người đàn ông quân tử có ba điều kỵ
Trong ba điều này, mệnh trời là điều tối kỵ
Bởi xưa nay người tài đức thắng số mệnh mấy khi
Còn người đức tài lại bị số mệnh trị vì.
7. Người đàn ông chân chính khi giàu sang hay làm việc đức
Người đàn ông lông bông khi giàu sang thường xa hoa cực dục.
Người đàn ông chân chính thường bỏ cái mà người đời tranh chấp
Người đàn ông nhỏ nhen thường bỏ cái mà người đời ruồng bỏ.
Người đàn ông chân chính lòng dạ quang minh sáng tỏ
Giàu chẳng lụy gần nghèo chẳng rời xa
Họ coi cái nhân cách ở đời tươi đẹp tựa ngàn hoa.
7. Muốn đánh giá đúng đàn ông hãy hỏi đàn bà.
8. Tình yêu và cuộc sống của người đàn ông bị bóc tách ra
Còn người đàn bà lại hòa vào cả
Khi đang yêu người đàn ông sao vất vả
Lúc cưới nhau rồi người đàn bà bả lả nhiều hơn.
9. Thượng đế tạo nên người đàn ông
Người ấy sống cuộc đời cô đơn.
Người thương cảm liền cho một người đàn bà
Đó là cặp Ađam và Eva
Từ đấy loài người đầy máu nước mắt và hoa!
Praha, Séc, Ngày 30-7-2000
------
Lời Tác giả:
Trong một buổi bình thơ của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, có người xướng lên chủ đề về “đàn ông” và “đàn bà”. Trong số những người xin phát biểu ý kiến, có tôi. Sau đó, ít ngày, tôi làm bài thơ Luận về đàn ông. Đến nay, định nghĩa về “đàn ông” có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đưa ra nhiều nhận định về người đàn ông: hiếu danh, hiếu sắc, kèn cựa, địa vị, tốn nhiều sức lực với người đàn bà, thích uống rượu, bia, nghiện thuốc lá,...Những ý kiến này đều có phần đúng, nhưng chỉ nêu được mặt xấu của người đàn ông, còn mặt tốt của họ không thấy ai nêu. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến ba điều kỵ của người đàn ông mà Khổng Tử đã tổng kết: mệnh trời; lễ nghĩa; lời nói. Trong ba điều này, Khổng Tử cho mệnh trời là điều tối kỵ.
Ngẫm nghĩ ra cũng có phần đúng. Vì số phận đã chứng minh có rất nhiều người đàn ông tốt, bản tính hiền lành, tử tế, phục thiện, lại rất chăm chỉ, thông minh, chịu khó viết sách, làm thơ, nhưng cả đời long đong, vất vả, thiếu tiền để làm việc lớn; trong khi đó, lại có hạng đàn ông suốt ngày chỉ ngồi ôm gái, hưởng cảnh xa hoa cực dục, sai bảo bọn lâu la làm chuyện bậy bạ, vậy mà lại hái ra tiền, danh vọng đến với họ cứ ùn ùn.
Đó chẳng phải là số phận hay sao? Than ôi! Tuy nhiên, trong cõi đời này cũng phải chia ra năm bảy hạng đàn ông. Hạng đàn ông sống cao thượng: có; hạng đàn ông sống phong lưu: có; hạng đàn ông long đong lận đận cả đời: có; hạng đàn ông làm việc chăm chỉ, nhưng cuộc sống lại rất vất vả: có; hạng đàn ông như tên Giuđa, chuyên lừa thầy phản bạn: có; hạng đàn ông giàu có, nhưng kẹt xỉ như Grăngđê: có; hạng đàn ông suốt đời khổ sở vì vợ vì con: có; hạng đàn ông suốt đời phiêu bạt nơi chân trời, góc bể: có. Có người nói người đàn ông trong lòng có tư tưởng của đạo Phật, nhưng không tu hành, ra xã hội giúp cho cuộc sống của nhân dân ngày một tốt lên là những người đàn ông phúc đức, cái đức đó không những cho mình mà còn cho cả con cháu của họ.