Mới cập nhật

Lý số

LÝ SỐ (DỰ BÁO KHOA HỌC VỀ CON NGƯỜI VÀ CUỘC ĐỜI)

1. Trong cuộc mưu sinh ở cõi đời

Biết bao câu hỏi của con người

Cuộc đời sẽ đi đâu, về đâu?

Bên cạnh niềm vui là những nỗi sầu.

Người ta tìm câu trả lời bằng tướng số, mệnh số.

Từ việc hôn nhân, mua bán, sang hèn, thi cử, thi thố tài năng, đều được giải thích bằng tướng số, mệnh số cuộc đời trầm thăng.

Khi khoa học tác động vào nó được nâng thành lý số.

Xanhgapo, Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan, lục địa Trung Hoa

Kinh tế nở bừng như những rừng hoa

Nhưng người xem tướng số vẫn tấp nập vào ra.

Anhxtanh, nhà bác học được mọi người tụng ca.

Rất tôn sùng Đức Phật Thích Ca.

Vũ trụ bát ngát bao la

Con người được quy về lý số

Một vấn đề vừa khoa học vừa tâm linh

Đó là cặp phạm trù triết học lý và tình.

2. Khổng Tử1, nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Hoa cổ đại,

Sinh năm Canh Tuất, tháng Mậu Tý, ngày Canh Tý, giờ Giáp Thân.

Đường Thái Tông2, ông Vua sáng lập Nhà Đường

Sinh năm Canh Thìn, tháng Canh Thìn, ngày Canh Thìn, giờ Canh Thìn.

Võ Tắc Thiên3, Nữ hoàng Trung Quốc

Sinh năm Canh Thìn, tháng Canh Thìn, ngày Canh Thìn, giờ Canh Thìn.

Mắt rồng, cổ phượng, bậc thiên tử minh quân.

Nguyên Thế Tổ4, Hoàng đế khai quốc Nhà Nguyên

Sinh năm Ất Hợi, tháng Ất Dậu, ngày Ất Dậu, giờ Ất Dậu.

Minh Thái Tổ5, người khai sáng Nhà Minh

Sinh năm Mậu Thìn, tháng Nhâm Tuất, ngày Đinh Sửu, giờ Đinh Mùi.

Toàn những can - chi cao quý của mệnh người.

Trùng hợp can - chi là những bậc vua chúa ở đời.

3. Thời Lưỡng Hán6 bắt đầu nảy sinh tướng số

Xem từ góc độ lý số, khoa học, triết học, văn hóa, thấy chứa nhiều tri thức uyên thâm về con người và sự biến hóa.

Đến thời Nhà Đường thuật tướng số mới mang dáng dấp của lý số.

Các nhà tướng số mới bắt đầu thi thố tài năng.

Người vượt trội lên chính là Lý Hư Trung, thời Đường - Tống, đã gieo hạt tướng số thành mầm mống của lý số

Vận mệnh cuộc đời được phân tích có lý từ đây.

Từ Tử Bình (Cư Dị) đã cùng với Ma Y Đạo Nhân (Trần Đồ Nam) phát triển lý số thành “Tứ trụ”.

Lấy Thiên Can Địa Chi của năm sinh làm Trụ thứ nhất.

Thiên Can Địa Chi của tháng sinh làm Trụ thứ hai.

Thiên Can Địa Chi của ngày sinh làm Trụ thứ ba.

Thiên Can Địa Chi của giờ sinh làm Trụ thứ tư.

Thiên Can Địa Chi cùng với Âm Dương - Ngũ Hành để xét đoán cuộc đời một cách hanh thông.

4. Lý luận chủ yếu của lý số là Âm Dương - Ngũ Hành - Tứ Thời - Can Chi.

5. Âm Dương là sự đối lập trong thống nhất của vạn vật duy trì.

Sự ra đời, phát triển, biến hóa của vạn vật trong trời đất đều là sự đối lập cân bằng của Âm Dương, là quá trình sinh sôi, nảy nở và chế ước lẫn nhau của Ngũ Hành.

Mùa Xuân, mùa Hạ thuộc về Dương, mùa Thu, mùa Đông thuộc về Âm

Ngày là Dương, đêm là Âm

Nóng thuộc Dương, lạnh thuộc Âm

Cương thuộc Dương, nhu thuộc Âm

Số lẻ thuộc Dương, số chẵn thuộc Âm

Lửa thuộc Dương, nước thuộc Âm

Động là Dương, tĩnh là Âm

Bên ngoài là Dương, bên trong là Âm

Mặt Trời là Dương, Mặt Trăng là Âm

Đàn ông là Dương, đàn bà là Âm,...

Theo quy luật đó mà phân chia Dương - Âm.

Triết học lý số cho rằng trong Dương có Âm, trong Âm có Dương.

Cô Dương bất sinh, độc Âm bất thành.

Âm Dương tương tác vạn vật nảy nở sinh sôi, biến hóa khôn cùng.

Lão Tử nói: “Vạn vật ôm Âm, vạn vật ấp Dương”.

Lý số do đó mà phát triển theo quy luật chung.

Nhưng Âm Dương vẫn còn là tấm áo thần bí khôn cùng.

6. Bên cạnh Âm Dương có Ngũ Hành

Mà người phương Tây gọi là “Năm Nguyên tố”.

Đó là Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy

Năm vật chất cơ bản tạo nên thế giới tự nhiên, tác động vào loài người trong cuộc sống thường niên.

Quy luật Ngũ Hành tương sinh tương khắc:

Mộc sinh Hỏa - Hỏa sinh Thổ - Thổ sinh Kim -

Kim sinh Thủy - Thủy sinh Mộc.

Tý hợp Sửu thành Thổ

Dần hợp Hợi thành Mộc

Mão hợp Tuất thành Hỏa

Thìn hợp Dậu thành Kim

Tỵ hợp Thân thành Thủy

Ngọ - Mùi là Thái Dương - Thái Âm hợp lại thành Thổ.

Thân - Tý - Thìn hợp Thủy

Hợi - Mão - Mùi hợp Mộc

Dần - Ngọ - Tuất hợp Hỏa

Tỵ - Dậu - Sửu hợp Kim.

Giáp - Kỷ hóa Thổ

Ất - Canh hóa Kim

Bính - Tân hóa Thủy

Đinh - Nhâm hóa Mộc

Quý - Mậu hóa Hỏa.

Đó là tương sinh.

Bên cạnh tương sinh còn có Lục Xung:

Tý Ngọ tương xung

Sửu Mùi tương xung

Dần Thân tương xung

Mão Dậu tương xung

Thìn Tuất tương xung

Tỵ Hợi tương xung.

Mộc khắc Thổ - Thổ khắc Thủy - Thủy khắc Hỏa -

Hỏa khắc Kim - Kim khắc Mộc.

Đó là tương khắc.

Ngoài tương khắc còn có tương hại:

Tý - Mùi tương hại

Sửu - Ngọ tương hại

Dần - Tỵ tương hại

Mão - Thìn tương hại

Thân - Hợi tương hại

Dậu - Tuất tương hại.

Trong thế giới bao la, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Đó là tương sinh.

Trong thế giới bao la, vạn vật cũng sẽ lụi tàn.

Đó là tương khắc.

Không có sinh, vạn vật không sinh sôi.

Không có khắc, vạn vật không cân bằng.

Sách “Kinh dịch” có câu:

“Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi”.

Lưỡng nghi chính là Âm Dương

7. Bên cạnh Ngũ Hành có Tứ Thời:

Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Mùa Xuân ở hướng Đông

Mùa Hạ ở hướng Nam

Mùa Thu ở hướng Tây

Mùa Đông ở hướng Bắc.

Mộc là mùa Xuân.

Hỏa là mùa Hạ.

Kim là mùa Thu.

Thủy là mùa Đông.

Thổ là tứ quý.

Sinh mùa Xuân mộc vượng

Sinh mùa Hạ hỏa vượng

Sinh mùa Thu kim vượng

Sinh mùa Đông thủy vượng

Tứ quý là thổ vượng.

Khí của mùa Xuân thì ấm áp.

Khí của mùa Hè thì nóng nực.

Khí của mùa Thu thì mát mẻ.

Khí của mùa Đông lạnh lẽo cô đơn.

Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa đều có một Ngũ Hành, đó là “Vượng, Tướng, Hưu, Tù, Tử”.

Vượng ở vào trạng thái thịnh vượng

Tướng ở vào trạng thái cao thượng

Hưu ở vào trạng thái nghỉ ngơi

Tù ở vào trạng thái tù tội, suy tàn

Tử ở vào trạng thái tử vong.

8. Ngũ hành, ngũ phương tương tương tác tác:

“Hướng Đông Giáp Ất Dần Mão Mộc.

Hướng Nam Bính Đinh Tỵ Ngọ Hỏa.

Hướng Tây Canh Tân Thân Dậu Kim.

Hướng Bắc Nhâm Quý Hợi Tý Thủy.

Trung tâm Mậu Kỷ Thìn Tuất Sửu Mùi Thổ”7.

9. Bên cạnh Tứ Thời lại có Can Chi.

Can là Trời - Chi là Đất. Trời - Đất sao lắm điều lạ kỳ.

Can là Giáp - Ất - Bính - Đinh - Mậu - Kỷ - Canh - Tân - Nhâm - Quý

Chi là Tý - Sửu - Dần - Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi

Tý cầm tinh con Chuột; Sửu cầm tinh con Trâu; Dần cầm tinh con Hổ; Mão cầm tinh con Mèo; Thìn cầm tinh con Rồng; Tỵ cầm tinh con Rắn; Ngọ cầm tinh con Ngựa; Mùi cầm tinh con Dê; Thân cầm tinh con Khỉ; Dậu cầm tinh con Gà; Tuất cầm tinh con Chó; Hợi cầm tinh con Lợn.

Đường Chi của tam hành hợp: Thân - Tý - Thìn; Hợi - Mão - Mùi;

Dần - Ngọ - Tuất; Tỵ - Dậu - Sửu.

Đường chi của tứ hành xung: Tý - Ngọ - Mão - Dậu; Thìn - Tuất - Sửu - Mùi;

Dần - Thân - Tỵ - Hợi.

Đường Can của nhị hành hợp: Giáp - Kỷ; Ất - Canh; Bính - Tân;

Đinh - Nhâm; Mậu - Quý.

Đường Can của nhị hành xung: Giáp - Mậu; Bính - Canh; Mậu - Nhâm;

Ất - Kỷ; Đinh - Tân; Kỷ - Quý; Tân - Ất; Quý - Đinh.

Tý - Ngọ tương xung

Sửu - Mùi tương xung

Dần - Thân tương xung

Mão - Dậu tương xung

Thìn - Tuất tương xung

Tý - Hợi tương xung.

Hợp - xung - xung - hợp là một kiếp luân tình.

Đường Can: Giáp - Ất thuộc Mộc.

Bính - Đinh thuộc Hỏa.

Mậu - Kỷ thuộc Thổ.

Canh - Tân thuộc Kim.

Nhâm - Quý thuộc Thủy.

Đường Chi: Dần - Mão - Thìn - Ngọ thuộc Mộc.

Tỵ - Ngọ - Mùi thuộc Hỏa.

Thìn - Tuất - Sửu - Mùi thuộc Thổ.

Thân - Dậu - Tuất thuộc Kim.

Hợi - Tý - Sửu thuộc Thủy.

Năm Giáp - Kỷ thì Bính đứng đầu

Năm Ất - Canh thì Mậu đứng đầu

Năm Bính - Tân thì Canh đứng đầu

Năm Đinh - Nhâm thì Nhâm đứng đầu

Năm Mậu - Quý thì Giáp đứng đầu.

Tháng Giêng là Dần - tháng Hai là Mão - tháng Ba là Thìn - tháng Tư là Tỵ - tháng Năm là Ngọ - tháng Sáu là Mùi - tháng Bảy là Thân - tháng Tám là Dậu - tháng Chín là Tuất - tháng Mười là Hợi - tháng Mười Một là Tý - tháng Chạp là Sửu.

Còn ngày được tính theo chu kỳ thời gian.

Can - Chi chia thời gian trong ngày thành mười hai giờ và cứ hai giờ là một

Địa - Chi.

Nó được khởi đầu từ giờ Tý (23-1 giờ), lúc nửa đêm.

Giờ Sửu (1-3 giờ), khi con gà cất tiếng gáy.

Giờ Dần (3-5 giờ), khi rạng ánh bình minh.

Giờ Mão (5-7 giờ), khi Mặt Trời bắt đầu lên.

Giờ Thìn (7-9 giờ), lúc mọi người ăn sáng.

Giờ Tỵ (9-11 giờ), thời gian gần giữa trưa.

Giờ Ngọ (11-13 giờ), Mặt Trời đứng bóng.

Giờ Mùi (13-15 giờ), Mặt Trời xế bóng.

Giờ Thân (15-17 giờ), giờ ăn chiều.

Giờ Dậu (17-19 giờ), Mặt Trời lặn.

Giờ Tuất (18-21 giờ), lúc hoàng hôn.

Giờ Hợi (21-23 giờ), lúc lên giường nằm.

Năm - tháng - ngày - giờ, theo bảng tuần hoàn lặp đi lặp lại.

Muôn sự thành công hay thất bại, đều theo chu kỳ cuộc đời mà ra.

10. Sáu mươi năm vòng giáp cuộc đời:

Giáp Tý (1), Ất Sửu (2), Bính Thân (3), Đinh Mão (4), Mậu Thìn (5),

Kỷ Tỵ (6), Canh Ngọ (7), Tân Mùi (8), Nhâm Thân (9), Quý Dậu (10),

Giáp Tuất (11), Ất Hợi (12), Bính Tý (13), Đinh Sửu (14), Mậu Dần (15),

Kỷ Mão (16), Canh Thìn (17), Tân Tỵ (18), Nhâm Ngọ (19), Quý Mùi 20),

Giáp Thân (21), Ất Dậu (22), Bính Tuất (23), Đinh Hợi (24), Mậu Tý (25),

Ất Sửu (26), Canh Dần (27), Tân Mão (28), Nhâm Thìn (29), Quý Tỵ (30),

Giáp Ngọ (31), Ất Mùi (32), Bính Thân (33), Đinh Dậu (34), Mậu Tuất (35),

Kỷ Hợi (36), Canh Tý (37), Tân Sửu (38), Nhâm Dần (39), Quý Mão (40),

Giáp Thân (41), Ất Tỵ (42), Bính Ngọ (43), Đinh Mùi (44), Mậu Thân (45),

Kỷ Dậu (46), Canh Tuất (47), Tân Hợi (48), Nhâm Tý (49), Quý Sửu (50),

Giáp Dần (51), Ất Mão (52), Bính Thìn (53), Đinh Tỵ (54), Mậu Ngọ (55),

Kỷ Mùi (56), Canh Thân (57), Tân Dậu (58), Nhâm Tuất (59), Quý Hợi (60).

Rồi lại quay về từ đầu: từ 1 đến 60.

Ngoài vòng giáp 60 năm, người đời xưa còn nghĩ ra 60 vòng quay của Ngũ Hành (“Lục Thập Giáp Tý”) và “Ngũ Âm Thập Nhị Luật” để ứng với vật chất và tuổi đời của mỗi con người:

Giáp Tý, Ất Sửu là kim loại dưới biển, rất khó mò.

Bính Dần, Đinh Mão là ngọn lửa trong lò.

Mậu Thìn, Kỷ Tỵ là cây trong rừng, rất khó đo.

Đất bên đường rơi vào Tân Mùi, Canh Ngọ.

Nhâm Thân, Quý Dậu là đầu mũi kiếm kim loại.

Giáp Tuất, Ất Hợi là lửa trên đỉnh núi.

Bính Tý, Đinh Sửu là nước dưới khe.

Mậu Dần, Kỷ Mão là đất tường thành có mái che.

Canh Thìn, Tân Tỵ là kim loại làm giá để nến nơi phòng the.

Nhâm Ngọ, Quý Mùi là gỗ cây dương liễu rủ xuống dòng khe.

Giáp Thân, Ất Dậu là nước dưới suối nguồn.

Bính Tuất, Đinh Hợi là đất ngói lợp mái nhà để che nắng mưa.

Mậu Tý, Kỷ Sửu là lửa sấm sét búa rìu của thiên lôi.

Canh Dần, Tân Mão là gỗ tùng, gỗ bách mọc ở trên đồi.

Nhâm Thìn, Quý Tỵ là nước chảy dài.

Kim loại trong cát rơi vào Giáp Ngọ, Ất Mùi.

Bính Thân, Đinh Dậu là lửa dưới chân núi chơi vơi.

Mậu Tuất, Kỷ Hợi là cây ở đồng bằng đứng dưới trời cao.

Canh Tý, Tân Sửu là đất ở trên tường mềm nhũn làm sao.

Nhâm Dần, Quý Mão là kim loại dát mỏng để đính vào hoàng bào.

Giáp Thìn, Ất Tỵ là lửa phúc đăng bập bùng trong đêm ánh sao.

Bính Ngọ, Đinh Mùi là nước sông Ngân Hà.

Mậu Thân, Kỷ Dậu là đất rộng lớn, bao la.

Canh Tuất, Tân Hợi là kim loại để làm xuyến thoa.

Nhâm Tý, Quý Sửu là gỗ cây dâu.

Giáp Dần, Ất Mão là nước trong suối lớn chảy rất mau.

Bính Thìn, Đinh Tỵ là đất trong cát vàng màu.

Mậu Ngọ, Kỷ Mùi là lửa trên trời cao.

Canh Thân, Tân Dậu là gỗ cây lựu có mào.

Nhâm Tuất, Quý Hợi là nước biển khơi.

Đây là sự tưởng tượng khó tin của người đời.

Sự thật số phận cuộc đời lúc đầy lúc vơi.

11. Người đời xưa xem giờ, ngày, tháng, năm sinh

Để đoán ra số mệnh của chính mình.

Xem số lại còn phải xem tướng

Tướng mặt, tướng thân, vân tay, nốt ruồi trong cơ thể, xem chân gà, xem tử vi, xem các vì sao chiếu vào số phận từng người, xem chữ “tài”, chữ “mệnh”, chữ “người”, chữ “ta”, để biết rằng người đó là gốc, là thân, là lá hay là hoa.

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ “tài” chữ “mệnh” khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”8.

12. Xem tướng lại còn phải xem đến “vận”.

“Vận” ở đây chính là hoàn cảnh sống của mỗi con người, sự tác động của chế độ xã hội đối với mỗi cuộc đời.

Thể chế xã hội thế nào sản sinh ra con người thế ấy.

Con người lệ thuộc vào hoàn cảnh và hoàn cảnh tác động đến cuộc sống con người.

Số phận xã hội tác động đến số phận cuộc đời.

13. Cho hay, vận mệnh của mỗi con người bao gồm cả tướng - số - vận.

Đời sung sướng, hạnh phúc hay lận đận

Tất cả đều do tướng - số - vận mà ra.

Nhưng sự rèn luyện của con người chính là lá kết thành hoa.

14. Những bậc kỳ tài, nhà tư tưởng về lý số dạy chúng ta:

Trang Xước, thời Nhà Tống, khuyên mọi người đừng sa đà vào số mệnh, mà nên sửa đạo, sửa đời cho thật đẹp tươi.

Vượt lên số phận mới đáng bậc quân tử ở đời.

Khổng Tử nói: “Hiền tài hay vô dụng là do tài năng; có làm hay không làm là do người; gặp thời hay không là do thời cơ; sống hay chết là do số mệnh”.

Mạnh Tử nói: “Việc không nên làm mà làm, chính là ý trời; việc không nên đến mà đến, đó là mệnh trời”.

Dương Hùng nói: “Mệnh là cái mà trời đã định sẵn, không phải do việc làm của con người.

Những cái do con người tạo ra không phải là mệnh.

Mệnh do trời quyết định, con người khó tránh làm sao”.

Vương Sung, thời Đông Hán, nói: “Con người nhận số mệnh của trời ngay khi bắt đầu mang thai và nhận khí mệnh của cha mẹ ngay từ khi mẹ cha bắt đầu chung chăn chung gối.

Những chuyện vui và những chuyện nhức nhối của cuộc đời cũng bắt đầu định mệnh từ đây, chứa chất bao cảnh vơi đầy”.

Con người sinh ra với ba tính chất: “chính mệnh, tùy mệnh, tao mệnh”.

“Chính mệnh” bẩm sinh ở Ngũ Thường

“Tùy mệnh” là tùy thuộc vào phúc đức của mẹ cha

“Tao mệnh” là đường đời luôn gặp phải những kẻ xấu xa.

Sách “Nguyệt lệnh” viết rằng, vào những tháng có tiếng sấm vang, mẹ cha giao hợp, có thai, đứa con ra đời sẽ gặp điều chẳng lành.

Mẹ cha giao hợp trong lúc tâm trí không được bình an, đứa trẻ sinh ra cả đời sẽ gặp rất nhiều gian nan.

Khi người mẹ mang thai, nếu chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi, thức ăn cắt không thẳng thì không ăn, việc không đoan chính không được làm.

Giữ gìn bào thai tình mẫu tử chứa chan.

15. Bàn về giữa tướng và mệnh, Lưu Hiệp, thời Nhà Lương, nói:

“Số mệnh sinh ra đã có, còn tướng thì phụ trợ cho mệnh mà thành.

Mệnh ẩn bên trong, tướng thể hiện ra bên ngoài. Có mệnh ắt có tướng, có tướng ắt có mệnh. Cả mệnh và tướng đều bẩm thụ từ trời, dựa vào nhau để tác thành”.

Tướng và mệnh đều thể hiện sự thông minh và ngu đần, sang và hèn, tốt và xấu, chế định từ khí, kết thành bào thai.

Tướng mệnh của mỗi người chiếu rọi từ các chòm sao cảm ứng của người con gái và người con trai.

Sao lấp lánh cuộc đời với bao nỗi cảm hoài.

16. Lý số, tướng mệnh đều ở nơi con người.

Nắm vững lý số, tướng mệnh để chiến thắng nó.

Đấy là cái đích mà con người cần phải có.

Người xưa nói: “Cơ thể con người là Mặt Trời thu nhỏ”.

Con người phải biết thu lấy khí trời, khí đất, biết hưởng bầu không khí trong lành, ở nơi trăng thanh gió mát trong những cánh đồng bát ngát mênh mang, ở nơi yên tĩnh rực rỡ ánh nắng vàng.

17. Cùng một con người khi sinh ra lại có một số phận khác nhau?

Vì khi con người sinh ra hai khí Âm Dương lưu chuyển cái tinh túy, kỳ diệu giao nhau.

Nếu khi lọt lòng mẹ gặp được khí trong lành sẽ tạo ra người khỏe mạnh, thông minh, tinh lực dồi dào.

Nếu gặp phải khí vẩn đục không trong lành, cuộc đời con người sẽ không được hanh thông.

18. Các nhà tướng số lý số xưa và nay

Các nhà ngoại cảm tài ba

Cuộc đời thường là bất hạnh

Gặp những cơn mưa tạnh

Tất cả đều do ý thức hệ gây nên

Sống giữa ban ngày mà cuộc đời như đang đi trong đêm.

Bà Vangelia Pendeva Minitrova, người Bungari

Bị mù từ năm mười sáu tuổi và đến khi tuổi ba mươi

Trở thành nhà tiên tri nhìn thấu quá khứ, hiện tại, tương lai.

Rút cục Bà bị tống vào nhà ngục

Xã hội đương thời kết tội mê tín dị đoan.

Đời nhà tướng số lý số lận đận gian nan.

Có mấy khi được đời sưởi ấm bằng ánh nắng vàng.

Lịch sử dài dằng dặc liên tục sang trang

Vẫn để lại cho các nhà tướng số lý số nhận thức muộn màng.

Nhà tướng số lý số xem đó là những kỷ niệm bằng vàng.

Người đời đã tổng kết những nhà tướng số lý số thường có cuộc sống cơ hàn, nhưng lại có cái chết linh thiêng!

Ôi! Nhà tướng số lý số tội nghiệp và đáng thương!

Praha, Séc, từ đêm 7 đến đêm 10-3-2002

------

Chú thích:

1. Theo cách lý giải của các nhà tướng số, mệnh số học Trung Quốc, trong cuốn “Thuật tướng số cổ đại Trung Quốc”, của tác giả Hồng Phi Mô và Khương Ngọc Trân, Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, bản dịch, 2008 (những chú thích dưới, tôi - Đ.V, chủ yếu cũng dựa vào cuốn sách này), với năm, tháng, ngày, giờ sinh của Khổng Tử, thì Ông chỉ có tướng của một nhà giáo dục lớn, chứ không có tướng làm vua, vì bản thân Canh Kim Quy Lộc ở Địa Chi giờ Thân; đồng thời, Thiên Can giờ Giáp Mộc là Thiên tài của Canh Kim, điều này vốn khó có được; chỉ tiếc là sinh vào tháng Tý, đúng mùa thủy giá lạnh, tuy Kim bạch Thủy thanh, nhưng khó tránh khỏi lạnh lẽo. Hơn nữa, trong Địa Chi năm Tuất có Quan Tinh Đinh Hỏa lệch về một góc, chịu sự áp chế của Địa Chi tháng Quý Thủy, cho nên khó phát huy tài năng. Nhìn chung, số mệnh của Ông là người đại tài, nhưng cả đời long đong, bôn ba, vất vả, làm gì cũng không thành. Đúng vậy, như chính Ông đã nói: “Con đường chính trị rắc đầy chông gai”. Cho đến cuối đời, theo nghề dạy học, có ba nghìn học trò, đệ tử. Lúc này, Kim Thủy lưu thông, đường văn chương cuối đời cực tốt.

2. Đường Thái Tông (tên lúc khai sinh là Lý Thế Dân), một ông vua anh minh trong lịch sử Trung Quốc. Trong thời gian làm vua, Ông rất biết dùng người tài, lập nhiều công lao, phục hưng đất nước; mất lúc 51 tuổi.

3. Võ Tắc Thiên là vợ (Hoàng hậu) của Đường Cao Tông, lên ngôi Hoàng đế, xưng là Võ Chu Thánh Thần, thọ 81 tuổi.

4. Nguyên Thế Tổ tên chính là Hốt Tất Liệt, vị Hoàng đế khai quốc Nhà Nguyên. Với năm, tháng, ngày, giờ sinh như trên đều có Thiên Can Ất Mộc, thuần nhất không hỗn tạp. Theo cách phân tích của các nhà tướng số Trung Quốc, thì đây là người có số mệnh đại quý, “Thiên Can nhất tự” cả đời lẫm liệt, chiến công hiển hách.

5. Minh Thái Tổ tên chính là Chu Nguyên Chương, Hoàng đế sáng lập ra Nhà Minh. Ông có mệnh cực tốt, bậc thiên tử. Mệnh này là Địa Chi của năm, tháng, ngày, giờ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, tứ quý đều có đủ. Sử sách chép lại, sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi vua, có tin đồn trong thiên hạ có người sinh đúng năm, tháng, ngày, giờ như Chu Nguyên Chương, làm cho Ông rất lo lắng, muốn giết người ấy. Ông triệu người ấy đến gặp, thì ra đó là ông lão nghèo họ Lý ở vùng Lạc Dương. Chu Nguyên Chương hỏi người đó làm nghề gì? Ông lão trả lời: “Lão dân nuôi 13 tổ ong, nhờ đó mà sống qua ngày”. Chu Nguyên Chương nghe xong, cười nói: “Việc này cũng giống như 13 tỉnh nước ta có Ty Bố chính trưng thu thuế vậy”. Nếu đem phần thuế thu ở 13 tỉnh so với 13 tổ ong, ngoài giống nhau về chữ số, còn thực chất thì hoàn toàn khác nhau”.

6. Thời Lưỡng Hán ra đời cách đây khoảng từ 206 - 220 trước Công nguyên.

7. Hồng Phi Mô - Khương Ngọc Trân: Thuật Tướng số cổ đại Trung Quốc, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

8. Nguyễn Du: Truyện Kiều.

Lời Tác giả: Trong những năm công tác ở châu Âu, có một điều tôi thấy rất nhiều người cả “tây” lẫn “ta” đều tìm đến tướng, số, tôn giáo. Khi con người ta gặp điều trắc trở, gặp hoàn cảnh khó khăn, khi ra làm quan, gặp kẻ xấu gây phiền phức, kinh doanh thua lỗ, sức khỏe sút kém, mọi việc đều không hanh thông, người ta thường tìm đến tôn giáo và tướng, số để tìm lời giải đáp vì sao lại rơi vào hoàn cảnh này và họ rất muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh đó bằng những lời khuyên của các thầy tướng, số. Khi tướng, số được nâng thành khoa học để lý giải, phân tích, gọi là lý số, thì phần nào cái bế tắc được gỡ ra bằng những lời khuyên có lý.

Trước hoàn cảnh đó, tôi cũng đi tìm hiểu, gặp gỡ, phỏng vấn nhiều người, nhất là những nhà trí thức chuyên nghiên cứu về tướng, số để hỏi về tướng, số. Qua trao đổi, tôi thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề tướng, số. Người thì bảo nó là khoa học, người thì bảo nó là gần khoa học, người thì bảo nó là duy lý, người thì bảo nó là duy linh, người thì bảo nó là duy tình. Tôi cũng rất chịu khó sưu tầm các sách, báo viết về tướng số; rất chịu khó đọc nhiều sách kim, cổ, đông, tây viết về tướng, số; tự lý giải xem nó là khoa học, nửa khoa học hay chỉ là tâm linh, thần bí; đồng thời, cũng đã cố gắng tổng kết vấn đề tướng, số thành bài thơ Lý số (Dự báo Khoa học về con người và cuộc đời).

Cho đến nay, tôi thấy tướng, số mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm của người đời xưa mà viết thành sách, lưu truyền hết đời này sang đời khác cho đến đời nay và đang có xu hướng phát triển. Khi tướng, số trở thành lý số thì nó đã tiếp cận gần đến với khoa học. Có điều là từ xưa tới nay, rất ít người biết kết hợp giữa tướng - số - vận. Vận ở đây là thời vận, hoàn cảnh xã hội. Có người chỉ chuyên về xem “tướng” (tướng mặt, tướng hình), có người chỉ chuyên về xem “số” (giờ, ngày, tháng, năm sinh), mà quên mất xem “vận” (hoàn cảnh xã hội mà người đó đang sống). Thực ra, vận mệnh con người phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh xã hội. Người ta thường nói “vận may”, “vận không may” chính là nói đến hoàn cảnh xã hội. Vì vậy, yếu tố “vận” trong lý số rất quan trọng, không thể xem thường.

Nghị lực rèn luyện phấn đấu phi thường của bản thân là một giải pháp quan trọng để biến tướng, số xấu thành tướng, số tốt. Có điều là rất ít người làm được. Phần lớn là cam chịu.

Trên thực tế, thuật tướng, số từ lâu đã có sức lôi cuốn mạnh đối với nhiều người, nhiều giới trên phạm vi toàn cầu. Có thể đây cũng là một hiện tượng văn hóa không thể bác bỏ. Nó cắm rễ sâu bền chắc vào đời sống mỗi con người. Chúng ta cũng không thể phê phán nó một cách thiếu căn cứ. Lý số, xét cho cùng, nó là một thứ dự báo khoa học, pha chút bí ẩn mà đến nay khoa học vẫn chưa lý giải nổi. Bên cạnh những người đánh giá đúng đắn về tướng, số, đã có không ít người cho là mê tín dị đoan, là tàn tích của xã hội phong kiến, cần phải phê phán, dẫn đến tình trạng các sách tướng, số tại một số nước thiếu dân chủ, phải lưu hành một cách vụng trộm, lén lút. Trong thực tế, hàng nghìn năm, thuật tướng số không những không bị dập tắt, mà ngọn lửa của nó vẫn đang bùng lên, ngày càng lan tỏa. Tôi đã thấy một số người có chức quyền ra lệnh cấm đoán thiên hạ không được xem tướng, xem số, nhưng bản thân người đó lại lén lút đi lễ chùa, đền, lén lút đến gặp thầy tướng số giỏi để xem cho mình và cho con, cháu.

Một con người trí tuệ phải là con người coi tướng, số như một tài liệu để tham khảo, chứ không phải là cái quyết định cuộc sống của mình. Cái quyết định cuộc sống của mình vẫn là sự tự rèn luyện, tự phấn đấu để vươn lên. Đó cũng là “nhân định thắng thiên” của những con người có nghị lực phi thường.

Sách viết về tướng, số từ trước tới nay trên thế giới đã có tới hàng vạn cuốn. Riêng tôi, sau những năm công tác ở nước ngoài, cũng đã mang về được hơn chục cuốn viết về tướng, số. Tôi thấy bên cạnh những cuốn đưa ra được một số lý giải mới là những cuốn sao chép của những cuốn xuất bản trước, “thêm muối thêm mắm” vào rồi biến thành cuốn sách của mình, đọc rất nhàm chán. Không ít cuốn, tôi thấy chỉ lý giải thuần túy về “tướng, số”, chứ không thấy nói đến “vận”.

Theo các sách đã xuất bản của các học giả về tướng, số của Trung Quốc, thì thuật tướng, số cổ đại bắt đầu xuất hiện từ thời Lưỡng Hán (Hán Ngụy), cách đây khoảng hai nghìn hai trăm năm.

Có thể tổng kết lý luận chủ yếu của tướng, số là: Âm Dương - Ngũ Hành (người phương Tây gọi là năm nguyên tố) - Tứ Thời - Can Chi.

Khi tướng, số được nâng lên thành lý số, thì nó cũng là một bộ phận của văn hóa, gọi là “văn hóa tướng, số”. Nó thuộc hệ thống triết học cổ đại của Trung Quốc.