Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới
1. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới” của PGS,TS sử học Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH). Đây là tác phẩm về lý luận - thực tiễn - lịch sử thứ 16, đứng tên riêng của PGS,TS Đức Vượng.
Áp dụng phương pháp lôgích gắn với lịch sử, với lối viết mới, tư duy lôgích mới, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới” phản ánh một cách sinh động, chân thật, khách quan về một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới. Tất nhiên, đây là cuốn sách của một người viết về những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới, Tác giả Đức Vượng đã trình bày theo quan điểm riêng của mình, và với sự mở rộng dân chủ trong nghiên cứu khoa học hiện nay, Nhà Xuất bản vẫn để nguyên những vấn đề “gai góc” mà Tác giả đã trình bày trong cuốn sách, vì đây là “sách tham khảo”.
Bắt đầu từ chuyến thăm mộ C.Mác ở Nghĩa trang Haighết, Luân Đôn, nước Anh vào ngày 25-4-2002, Tác giả Đức Vượng đã hệ thống lại toàn bộ thân thế, sự nghiệp, học thuyết của C.Mác và những vấn đề vận dụng, phát triển học thuyết của C.Mác vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam trong tiến trình cách mạng, nhất là trong thời kỳ mới hiện nay. Tác giả phân tích sâu sắc hai tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (C.Mác viết chung với Ph.Ăngghen) và bộ “Tư bản” của C.Mác. Tác giả đề cập đến bản luận án tiến sĩ triết học của C.Mác, nhan đề: “Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcơrít và triết học tự nhiên của Êpicua”. Tác giả Đức Vượng đánh giá luận án triết học của C.Mác, xét theo phương pháp nghiên cứu, chứ chưa xét theo nội dung, là một bản luận án khoa học. Nhưng dưới ngòi bút của PGS, TS Đức Vượng, khoa học đâu phải lúc nào cũng được tiếp đón với thái độ đúng đắn như chính khoa học. Nhiều giáo sư tầm cỡ ở Trường Đại học Béclin lại phê phán quyết liệt luận án của C.Mác. Không muốn đụng chạm với những ông thầy này, C.Mác phải xin bảo vệ luận án tại Trường Đại học Tổng hợp Lêna. Ngày 15-4-1841, C.Mác nhận được bằng tiến sĩ triết học. Tác giả Đức Vượng viết: “Qua đó, thấy rằng, cùng một luận án, trường này phê phán, trường khác lại đánh giá cao. Phải chăng, đây là “quy luật” của quan điểm và nhận thức của giới trí thức mà thời nào cũng có”. Tác giả Đức Vượng cho rằng, học thuyết của C.Mác đã đưa ra quan điểm về sự giải phóng thực sự con người. Sự giải phóng này thay cho chủ nghĩa ích kỷ hẹp hòi và sự thù địch giữa các cá nhân với nhau. Học thuyết của C.Mác chứng minh sự sẽ tan vỡ của chế độ tư bản chủ nghĩa là điều kiện hiển nhiên vì sự vùng lên quật đổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động khi họ bị giai cấp tư sản bóc lột; chỉ ra rằng, cuộc đấu tranh giữa những người bị áp bức và những kẻ áp bức, kể từ khi xã hội nguyên thủy tan rã , là động lực chủ yếu của sự phát triển lịch sử. Tuy nhiên, về điểm này, C.Mác và Ph.Ăngghen không luận giải được sự điều chỉnh và sự nắm lấy khoa học và công nghệ, sự phát triển lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản, cho nên nó đã, đang và sẽ tồn tại trong một thời gian dài, cũng như chế độ phong kiến đã tồn tại trong một thời gian rất dài mới bị chế độ tư bản quật đổ.
Tác giả Đức Vượng nhận định học thuyết C.Mác kể từ khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đã được hơn 160 năm. Thời gian trôi đi, cục diện chính trị thế giới có nhiều biến động. Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lênin khởi xướng và lãnh đạo, giành được thắng lợi vang dội vào năm 1917 đã ra đời một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra và kết thúc bằng việc Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, lần lượt các nước xã hội chủ nghĩa xuất hiện với sự lãnh đạo của đảng cộng sản và công nhân, dần dần trở thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Có giai đoạn (từ năm 1945 đến năm 1985), hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trở thành một thế lực rất mạnh, làm cho hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới rất run sợ, lo lắng. Nhưng rồi, trong những năm 1989, 1990, 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lần lượt sụp đổ. Bức tường Béclin sụp đổ trước sự hân hoan của chủ nghĩa tư bản thế giới, các nước phương Tây mở rượu sâm banh ăn mừng, trong khi đó, những người cộng sản châu Âu thì thở vắn, than dài, bị nhà nước thống trị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị đe dọa và bị thủ tiêu. Họ thật sự sụp đổ về tinh thần và thể chất. Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã có nhiều nhà nghiên cứu bàn đến. Có người đã nêu ra hàng chục nguyên nhân, nhưng những nguyên nhân chủ yếu có thể là nội bộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có vấn đề; nội bộ ban lãnh đạo các đảng cộng sản có vấn đề; đường lối và phương pháp lãnh đạo của các đảng cộng sản có vấn đề. Họ lãnh đạo bằng uy quyền, áp đặt, chứ không lãnh đạo bằng uy tín, dân chủ; chính sách cán bộ của các đảng cộng sản có vấn đề, đặc biệt là chính sách đối với cán bộ trí thức. Bài toán khó giải hiện nay là tiếp tục đẩy tới, vượt qua, hay thỏa hiệp với chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa đế quốc)? Lý thuyết về thỏa hiệp, V.I.Lênin đã nói tới, nhưng mới chỉ là những nét đơn sơ. Thay đổi mạnh bị xem là “cấp tiến”. “Cấp tiến” mạnh liệu có xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội? Thực chất về lý luận chủ nghĩa xã hội của các đảng cầm quyền hiện nay chưa rõ. Người thì nói “hữu khuynh”, người thì nói “tả khuynh”, người thì nói “vỏ cũ, ruột mới”, người thì nói “ruột cũ, vỏ mới”. Một số người lãnh đạo đảng cộng sản đang thổi “tiếng kèn ngập ngừng” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, không dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra phương hướng khắc phục. Xu thế phát triển của thế giới hiện nay, ít ai tính đến. Vấn đề dự báo thời tiết chính trị thế giới hiện nay còn nhiều hạn hẹp và không ít những trường hợp dự báo sai.
2. Trong cuốn sách này, Tác giả Đức Vượng đã trình bày một cách chân thực và có hệ thống về vấn đề Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, qua đó, rút ra: Một là, Nguyễn Tất Thành là một thanh niên thấm nhuần tư tưởng yêu nước trên nền tảng truyền thống của những bậc tiền bối. Tư tưởng yêu nước là tình cảm đặc sắc nhất đã tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Hai là, từ tư tưởng yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã nảy sinh tư tưởng cứu nước. Tư tưởng cứu nước cũng là tình cảm đặc sắc nhất đã tồn tại trong lòng dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Giữa tư tưởng yêu nước và tư tưởng cứu nước có mối liên hệ tác động lẫn nhau, gắn bó với nhau, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau. Tư tưởng yêu nước và tư tưởng cứu nước của Nguyễn Tất Thành hợp thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Ba là, trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Người đã có dịp khảo sát các trào lưu tư tưởng của nhân loại và cuối cùng, Người đã tìm thấy con đường đưa nhân dân Việt Nam thoát khỏi cảnh nước mất, nhà tan bằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Khi dân tộc đã được giải phóng, thì vấn đề giai cấp, xã hội và con người cũng được giải quyết. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, sự kết hợp giữa vấn đề dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, hòa bình, đoàn kết là tư tưởng Hồ Chí Minh. Bốn là, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu tinh túy của chủ nghĩa Mác - Lênin và có sự gạn lọc tinh túy của trí tuệ và văn hóa của nhân loại, bổ sung vào đường lối cứu nước của Việt Nam. Đây chính là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam và là một trong những tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Năm là, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, khi xét vấn đề của thời đại, thì phải liên hệ ngay với dân tộc mình, non sông đất nước mình, nhân dân mình là nét chung và nét riêng trong tư duy và hành động của Hồ Chí Minh. Trong mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh đã chỉ ra thực tiễn có tác động quyết định và lý luận có tác động chỉ phương hướng. Quan điểm thực tiễn phải là quan điểm cơ bản, đầu tiên của nhận thức. Thoát ly thực tiễn và không nhạy bén với tình hình mới, nhất định sẽ rơi vào giáo điều, bảo thủ, trì trệ, lạc hậu. Vì vậy, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn là một vấn đề cơ bản trong phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Sáu là, sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và yếu tố quốc tế trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước, quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng, hợp tác thân thiện, các bên cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình đã được Hồ Chí Minh xác định như những nguyên tắc cơ bản của Đảng và Nhà nước.
Phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong sự nghiệp đổi mới đất nước là tư duy sáng tạo và việc làm đúng đắn hiện nay.
Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam; vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh; vấn đề dân tộc và dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp đổi mới,... cũng đã được Tác giả Đức Vượng trình bày rõ ràng trong cuốn sách này của Ông.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc đào tạo cán bộ, trọng dụng nhân tài, trong cuốn sách này, Tác giả Đức Vượng đã đưa ra 10 vấn đề: Điểm vận dụng thứ nhất: Phải xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, như Hồ Chí Minh đã xác định đó là vấn đề cơ bản của công tác cán bộ. Điểm vận dụng thứ hai: Muốn trồng được cái gốc vững chắc của mọi công việc, thì phải xác định được vấn đề đào tạo, huấn luyện cán bộ làm sao cho đúng, cho tốt. Đây là vấn đề cần thiết của công tác cán bộ mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Điểm vận dụng thứ ba: Những người làm công tác cán bộ phải hết sức chú ý đến công việc sau khi đào tạo thì phải làm những gì đối với những cán bộ đó. Đây là tư tưởng sử dụng cán bộ của Hồ Chí Minh. Điểm vận dụng thứ tư: Trong công tác cán bộ, phải đặc biệt chú trọng đến tư cách và chuyên môn của người cán bộ. Đây là tư tưởng xác định về tiêu chuẩn của người cán bộ theo hướng “tài và đức”, “hồng và chuyên”. Điểm vận dụng thứ năm: Hết sức chú trọng vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng của người cán bộ. Đây là điểm nhấn trong tư tưởng về cán bộ của Hồ Chí Minh. Điểm vận dụng thứ sáu: Xây dựng tư cách, nhân cách, tác phong của người cán bộ. Đây là nét đặc thù, cá tính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Toàn bộ tư cách, nhân cách, tác phong theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là gói trong hai chữ: trung thực. Điểm vận dụng thứ bảy: Sự sống còn trong hoạt động của người cán bộ là phải gắn một cách nhuần nhuyễn, hữu cơ giữa lý luận và thực tiễn. Đây là tư tưởng nói và làm của Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ, một trong những vấn đề được Người rất quan tâm. Điểm vận dụng thứ tám: Vấn đề phê bình và tự phê bình của người cán bộ. Đây là tư tưởng rèn luyện cán bộ của Hồ Chí Minh. Điểm vận dụng thứ chín: Giúp đỡ cán bộ. Đây là sự quan tâm cán bộ của Hồ Chí Minh. Người là hiện thân của đức tính kiên trì cải tạo, giáo dục, giúp đỡ cán bộ “nên người”. Điểm vận dụng thứ mười: Cán bộ tự rèn luyện, tự phấn đấu vươn lên, thường xuyên biết rút kinh nghiệm qua thực tiễn công tác. Đây là tư tưởng thuộc về ý chí, bản lĩnh của người cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Trong cuốn sách này, Tác giả Đức Vượng đã trình bày dưới góc độ khoa học chính trị về vận mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo thực hiện, đã trải qua gần 85 năm hoạt động. Ngần ấy thời gian, Đảng đã vượt qua nhiều sóng gió bão bùng bởi các thế lực thù địch chống đối. Nhưng được nhân dân ủng hộ đã vượt lên và trưởng thành, lãnh đạo nhân dân vượt qua thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tiến vào cao trào cách mạng, giành thắng lợi và lập chính quyền cách mạng nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp đó là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, ròng rã hơn 30 năm để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đang tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở thời kỳ quá độ, đổi mới. Cuốn sách nêu bật những diễn biến của quá trình hoạt động của Đảng. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng; Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, xuất hiện rất nhiều đảng phái, trong đó, nổi bật có hai Đảng: Việt Nam Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam. Việt Nam Quốc dân Đảng ra đời trước Đảng Cộng sản Việt Nam 3 năm. Tinh thần yêu nước, xả thân chống Pháp xâm lược của Việt Nam Quốc dân Đảng rất mãnh liệt. Những tên tuổi như Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con) là những người sáng lập Đảng, mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với những trang hào hùng. Những người “cách mạng vàng” (đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng) không thua kém gì những người “cách mạng đỏ” (đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam) trong mục tiêu chống Pháp. Tuy nhiên, đường lối, phương pháp, thành phần giai cấp, tôn chỉ, mục đích của Việt Nam Quốc dân Đảng có vấn đề. Điểm mấu chốt là không quy tụ được lực lượng nhân dân theo Đảng, không lấy công - nông làm nòng cốt. Vì vậy, khi Pháp thọc gậy bánh xe vào trong Đảng, Đảng đã bị dìm trong biển máu. Đêm 9-2-1930, Việt Nam Quốc dân Đảng phát động một số cuộc bạo động ở một số địa phương, nhưng bị thực dân Pháp bắt, giết gần hết đảng viên. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và nhiều người khác bị thực dân Pháp chém đầu. Đảng tan vỡ. Số đảng viên còn lại, một số người xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, một số người đầu hàng Pháp, làm tay sai cho Pháp, một số người chạy sang Trung Quốc, gia nhập Quốc dân Đảng Trung Hoa. Cuối năm 1945, những phần tử phản động này đã theo Quốc dân Đảng Trung Hoa, trở về nước, chống Phá cách mạng và chính quyền nhân dân, gây nhiều tội ác, rõ nhất là vụ Ôn Như Hầu, Hà Nội, bị công an cách mạng Việt Nam triệt phá.
Đảng Cộng sản Việt Nam khi thành lập mới có hơn 300 đảng viên, mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, nhưng vẫn trụ vững, các đảng viên của Đảng quyết xông lên giành vị trí lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ dân tộc (chống đế quốc) và dân chủ (chống phong kiến). Khi Đảng ra đời, tình hình hết sức căng thẳng. Cuộc truy lùng những người cộng sản, người cách mạng, người yêu nước diễn ra khắp Bắc - Trung - Nam, sang cả Lào và Cao Miên. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn trụ vững ở vị trí lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vì Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, theo tư tưởng Mác - Lênin, có phát triển sáng tạo. Đảng là người lãnh đạo và tổ chức nhân dân làm cách mạng, thực hiện liên minh công - nông - trí, đại đoàn kết toàn dân, đồng thuận xã hội, phát động nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Tư tưởng chiến lược của Đảng là gắn kết vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Sự tồn tại của một đảng chính trị phụ thuộc vào lòng dân và nó được quyết định bởi chính lịch sử. Khi nhân dân còn tín nhiệm, Đảng tồn tại và ngược lại. Trong quá trình rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần sâu sắc vấn đề này. Người nói: Xét cho cùng, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Vì vậy, “nhân dân”, hai tiếng ấy vang lên trong lòng Đảng . Nếu không tính đến yếu tố này, Đảng không thể tồn tại. Khác với thời kỳ đấu tranh giai cấp quyết liệt, thời kỳ mới hiện nay, thế giới chính trị biến đổi từng ngày, từng giờ, điều đó đã chứng minh sự sụp đổ của Liên Xô và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu vào năm 1990 - 1991. Trong thời kỳ mới, muốn giải quyết vấn đề nhân dân, trước hết, phải giải quyết vấn đề lợi ích cho nhân dân, tạo cho người dân có nhiều lợi ích, bảo đảm công bằng trong việc phân phối lợi ích.
Trong thời kỳ mới, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng phải lãnh đạo theo phương thức mới. Công bằng mà nói, Đảng đã tạo ra được một bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới ở nước ta. Tình hình chính trị và kinh tế của đất nước có chiều hướng tốt dần lên, tuy còn rất nhiều khó khăn. Đảng đã có Cương lĩnh của thời kỳ đổi mới; xác định được việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vận mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam.
4. Trong cuốn sách này, Tác giả Đức Vượng đã đi sâu nghiên cứu vấn đề dân tộc và dân chủ ở Việt Nam trong tư tưởng cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam. Từ khái niệm “dân tộc”, “dân chủ” đến thực tiễn Việt Nam đã được Tác giả trình bày một cách có hệ thống. Vấn đề dân tộc trong thời kỳ mới được thực hiện theo hướng đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam, xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Còn vấn đề dân chủ đã được mở ra tại Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, khi đặt vấn đề “về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn xã hội”. Quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng được quán triệt tại Đại hội VI. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” cũng được đặt ra tại Đại hội này. Một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường dân chủ trong Đảng thời kỳ mới đã được Đại hội VI chỉ ra là phải “mở rộng sinh hoạt dân chủ”; kiên quyết khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ. “Mọi quyết định chủ quan, độc đoán, đơn giản đều không tránh khỏi sai lầm”. “Ý kiến khác nhau phải được nói hết, nói thẳng, và trải qua thảo luận dân chủ mà đi đến chân lý”. Đây toàn là những vấn đề quan trọng về dân chủ. Trong những năm đổi mới, vấn đề phát huy dân chủ thường được gắn liền với pháp luật, củng cố và nâng cao kỷ luật, kỷ cương. Toàn bộ vấn đề dân tộc và dân chủ ở Việt Nam trong thời kỳ mới được giải quyết bằng mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ đất nước. Vấn đề giành độc lập dân tộc và dân chủ đã khó, nhưng việc giữ nó và phát triển nó càng khó hơn. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng lý luận mới về vấn đề dân tộc và dân chủ trong thời kỳ mới. Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vấn đề dân chủ được giải quyết bằng vấn đề dân tộc. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vấn đề dân tộc lại được giải quyết bằng vấn đề dân chủ. Trong thời kỳ mới, nếu không giải quyết được vấn đề dân chủ cũng có nghĩa là không giải quyết được vấn đề dân tộc. Vấn đề dân tộc và dân chủ ở Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ tiếp tục được giải quyết bằng sự xích lại gần nhau của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam; tiến tới xóa bỏ những sự khác biệt về kinh tế và đời sống xã hội; xóa bỏ khoảng cách giàu - nghèo quá lớn, xây dựng xã hội độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng, dân chủ, văn minh cũng là để giải quyết vấn đề dân tộc và dân chủ trong tình hình mới. Chế độ dân chủ cộng hòa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là cơ sở chính trị của những mối quan hệ qua lại của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các luật và các văn bản pháp quy là những cơ sở vững chắc, bảo đảm kết hợp lợi ích dân tộc và thực hiện dân chủ ở Việt Nam. Chế độ dân chủ ở Việt Nam bắt nguồn từ chính bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong 471 trang của cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới”, Tác giả Đức Vượng đã góp phần làm rõ hơn một số vấn đề về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam thời kỳ mới. Vì vậy, có thể nói đây là cuốn sách “đọc tốt”.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh