Mới cập nhật

Đêm Giáng sinh

Đêm Giáng sinh Praha


Gió lay cái rét tuyết sa trắng đường.



Tôi đi lòng dạ vấn vương



Nhớ Giêsu với tình thương chất đầy.



Nghìn năm vẫn một Người Thầy



Tấm lòng cao cả bề dầy văn nhân.



Tật nguyền là những người thân



Bao dung cuộc sống Thánh Kinh rành rành (1)



.Đấng Tiên tri (2) vị Thần linh



Cứu nhân độ thế Đức tin muôn vàn.



Bụi đời phủ khắp thế gian



Tình yêu cao cả Người dành cho dân.



Mưa đời thấm đẫm ướt dầm



Khổ thân lam lũ khôn cầm lòng đau.



Rầu rầu mặt ủ mày chau



Chúa Trời (3) Người thấu nỗi đau dân thường.



Quần manh áo vải người thương



Tà ma Người đuổi linh hồn Người kêu.



Tinh mơ cho đến ráng chiều



Người đi tìm đến tình yêu mặn nồng.



Trời cao đất thấp mù sương



Thế gian biển khổ sầu đương ắp dầy.



Nhân tình chưa hết khổ đau



Đức Giêsu có phép màu chữa không?



Để đời không bị gai chông



Để người tránh được bão giông kinh hoàng.



Để lòng thoát khỏi hoang mang



Để tình ấp ủ trong lòng Chúa thương.



Nhìn cây Thánh giá (4) đêm sương



Đức Giêsu tỏa muôn phương tình người.




Praha, Séc, đêm 24-12-2001



PGS,TS Đức Vượng



*****


1. Sách “Kinh Thánh” chép Đức Chúa Giêsu mang tình thương của mình đã chữa bệnh hiểm nghèo cho rất nhiều người, trong đó có cả những người mắc bệnh cùi (bệnh phong).

2, 3. Chúa Giêsu.

4. “Cây thánh giá” còn gọi là “cây thập tự”.

Lời Tác giả: Đêm 24-12-2001, tôi đi xem đêm Giáng sinh trên đường phố Praha, Séc, thấy người đi lại tấp nập. Những đôi trai gái khoác tay nhau, ôm nhau ngay trên đường phố Praha, nhiều nhất là trên cầu Sáclơ mà người Việt Nam tại Cộng hòa Séc vẫn gọi là cầu Tình.

Đi trong đêm Giáng sinh, tôi nhớ đến Đức Chúa Giêsu, một vị anh hùng cứu nhân độ thế nơi trần gian, tôi làm bài thơ Đêm Giáng sinh ngay trên cầu Tình để tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, người mà tôi rất ngưỡng mộ.

Theo “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia”, Chúa Giêsu (còn được gọi là Giêsu con ông Giuse thành Nazareth, Giêxu, Yehoshua, Yeshua, Yêsu, Jesus, Giatô, Datô, Chúa Giêsu Kitô, Jidu, Jesus Christ, Giatô Cơđốc, Masih, Messiah, Isa, Khristos (Người xức dầu),

Chúa Trời, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Độ, Đấng Tiên Tri, Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Tinh, Người Chữa Lành,... Mỗi nước phiên âm tên chữ Giêsu khác nhau theo ngôn ngữ của nước mình) sinh vào khoảng đầu thế kỷ I và qua đời vào khoảng từ năm 30 đến năm 36 sau Công nguyên; người Do Thái, xứ Judea, vùng Galilee,

Theo sách Tân Ước, Giêsu sinh tại Belem (gần Jerusalem). Theo Phúc Âm, khi Giêsu sinh ra, các mục đồng được thiên sứ báo tin đã đến thờ lạy và các nhà thông thái, nhà chiêm tinh, đạo sĩ từ phương Đông xa xôi, được dẫn dắt bởi một ngôi sao lạ, đã tìm đến để tôn thờ Giêsu. Giêsu trải qua thời niên thiếu tại làng Nazareth thuộc xứ Galilee. Có một sựkiện xảy ra trong thời gian này là khi cậu bé Giêsu theo gia đình lên Jerusalem trong một chuyến hành hương, bị lạc khỏi cha mẹ, cuối cùng, cậu bé Giêsu 12 tuổi được tìm thấy trong một ngôi đền thờ ở Gierusalem, trong khi Cậu đang tranh luận với các học giả Do Thái giáo. Giêsu là nhà lãnh đạo chính trị tôn giáo kiệt xuất, nhà thuyết giáo tài ba, người chữa bệnh bằng phép màu, cũng là người thường bất đồng với giáo quyền Do Thái, và cuối cùng, Người bị đóng đinh trên thập tự giá theo phán quyết của chính quyền đế quốc La Mã. Theo ký thuật của bộ Phúc Âm, Đức Giêsu xưng mình là “Con người” (the Sonof man), tức “Con của loài người”. Đức Chúa Giêsu nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con người không có chỗ tựa đầu”. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

Theo Kinh Thánh, Giêsu đã cùng với các môn đồ đi khắp xứ Galilea để giảng dạy và chữa bệnh. Chúa là một nhà sư phạm tài ba, rất uyên bác. Phương pháp giảng dạy của Ông có sức thuyết phục, rất điêu luyện, đã thu hút được rất nhiều người đến nghe. Ông đã sử dụng các ngụ ngôn để giảng dạy về tình yêu thương, cho nên đã thu hút được rất nhiều người. Họ tụ tập thành đám đông và tìm đến bất cứ nơi nào Giêsu có mặt. Đôi khi đám đông chen lấn đến gần mà nghe Ông giảng, gây mất trật tự, làm Ông phải ngồi trên thuyền mà nói vọng lên. Nhiều khi ngồi trên núi mà nói vọng xuống. Giêsu cũng tìm đến và thuyết giáo tại các hội đường Do Thái giáo. Khi giảng dạy, Giêsu áp dụng nhiều phương pháp, như dùng phép nghịch lý, phép ẩn dụ và các truyện ngụ ngôn. Trong số những ngụ ngôn mà Ông thường giảng dạy, người nghe thường chú ý nhiều nhất là câu chuyện: Người Samaria nhân lành và người con trai hoang đãng. Giêsu có nhiều học trò, thân cận nhất là có 12 tông đồ (còn gọi là sứ đồ). Phêrô (Peter hoặc Phierơ) được tôn là Tông đồ trưởng. Tông đồ thứ 13 là Giuđa đã phản bội lại Thầy.

Ngoài giảng dạy, Giêsu còn chữa bệnh. Theo kinh Tân Ước, Chúa đã làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, đuổi tà ma và đã làm cho một người đàn ông tên là Lazarô sống lại sau khi đã chết. Giêsu là một người rất trọng đạo đức. Ông rất ghét những kẻ đạo đức giả và tính chuộng hình thức. Giêsu còn là một nhà cải cách xã hội; là vị vua giải phóng dân Do Thái thoát khỏi ách thống trị của đế quốc La Mã, trong khi giới cầm quyền đương thời lại xem Ông như một thế lực mới đe dọa những định chế chính trị tôn giáo đương thời. Nhiều người đã xem Giêsu như một Đấng Cứu Tinh (Messie, Messiah) đến để cứu vớt loài người.

Những việc làm trên đây của Giêsu đã gây sự khó chịu, cú sốc cho giới đương quyền. Họ ra lệnh truy nã Ông, và Ông đã bị bắt tại khu vườn Getsemani ở ngoại ô Giêrusalem. Lính La Mã đã bắt Ông. Tòa án La Mã cáo buộc Ông tội nổi loạn. Dưới áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái vào hùa với đế chế La Mã đã ra lệnh đóng đinh Giêsu trên cây thánh giá. Chuyện kể rằng, Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết trên cây thánh giá. Sự kiện này đã trở thành ngày phục sinh của Chúa Giêsu, được cử hành hằng năm, gọi là ngày Lễ Phục sinh.

Những gì chúng ta biết được về Chúa Giêsu là do được ghi chép trong bộ “Kinh Thánh” và trong bộ “Phúc Âm”.