Mới cập nhật

Bàn về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức:

[caption id="attachment_24499" align="aligncenter" width="560"]cp2c48c Ảnh minh họa[/caption]

Ngày 17-4-2015, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nghị quyết đã nêu rõ tình hình và nguyên nhân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, trình bày về mục tiêu, quan điểm và nguyên tắc về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay, trên cơ sở đó mà đề ra nhiệm vụ và giải pháp về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương quan trọng này.

Nghị quyết tuy vừa mới ra đời, nhưng nhiều người đã đón nhận với sự tích cực, vì nó áp sát thực tế, do vậy mà có khả năng thực thi.

Cụ thể là tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tính đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với từng chức năng, nhiệm vụ. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng và Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. "Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay". "Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn". "Kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố và nâng cao hoạt động của mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Xem xét để hợp nhất các tổng cục, cục, vụ; cơ bản không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc cơ quan trung ương". Điểm mới trong Nghị quyết này là: "Những nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả thì chuyển sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận". "Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện,...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập".

Về tinh giản biên chế: "Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập một tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có". "Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao". Yêu cầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong vòng 7 năm (2015-2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện; xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. "Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp". "Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định"...

Nhưng trên thực tế vẫn còn loay hoay với "cửa vào, lối ra":

Tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là việc làm cần thiết. Đây là việc làm "muôn thuở" của "một thuở". Ở đây, cần tìm ra "những vấn đề mới" của một "đề tài cũ". Tính giảm biên chế là đầu vào, còn đầu ra là kết quả đào tạo, nên tính sao đây, khi hiện nay cả nước còn có tới trên dưới 70 nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Rất nhiều người có bằng tốt nghiệp đại học hẳn hoi, nhưng xin hết nơi này đến nơi khác, gõ cửa khắp các cơ quan công quyền, vẫn đều không xin được việc làm. Anh ta đi lang thang, hết về quê lại lên thành phố, sống vật vờ, cuối cùng, phải đi làm xe ôm. Có lần, tôi đi xe ôm của một chú trông khá bảnh trai, khuôn mặt hiện lên là một người trí thức hẳn hôi, tôi hỏi thật anh ta xuất thân từ đâu? Anh ta nói với tôi là cháu đã có bằng cử nhân chính quy, nhưng xin mãi vẫn không có cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận, nên đành phải "làm nghề xe ôm". Nhiều nữ cử nhân phải đi rửa bát thuê cho các cửa hàng ăn uống tư nhân, vì không thể xin được việc làm. Có nhiều gia đình ở nông thôn bán cả đất, nhà, của cải, lo cho các con ăn học trong mấy năm, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, nhưng sau khi ra trường, "tay trắng" vẫn hoàn "trắng tay", không thể chen vào chốn phồn hoa đô thị để xin việc làm, vì mọi cái đều "có giá". Nêu vấn đề này ra là để tính cả "đầu ra" và "đầu vào". Một câu hỏi đặt ra: "Đào tạo mà không tính đến sử dụng thì đào tạo làm gì?". Đây không phải là một thực tế khách quan như có vị nói, mà là yếu tố chủ quan của người lãnh đạo, quản lý, không tính đến yếu tố đồng bộ, vênh váo giữa cung và cầu, giữa đào tạo và sử dụng, thiếu sự phối hợp, tính toán, cân nhắc giữa các cơ quan hữu quan với nhau.

Cũng phải nói rằng, chất lượng đào tạo, nhìn chung, hiện nay chưa cao, đa số không đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng; đào tạo tràn lan, không nắm được yêu cầu sử dụng; nhiều khi đào tạo một đàng, lại sử dụng một nẻo; đào tạo và sử dụng đang ở trong tình trạng "đồng sàng dị mộng". Cuộc chạy đua đào tạo dẫn đến "ngã ngựa" trong sử dụng. Vì vậy, giải quyết việc làm cho những kỹ sư, cử nhân đang là vấn đề nổi cộm và bức xúc hiện nay. Vấn đề này có liên quan đến tinh giản biên chế.

Tình hình đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay:

Ưu điểm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay là chịu khó làm việc, có tinh thần trách nhiệm cao trong công vụ, có ý thức tổ chức và kỷ luật trong công vụ, nhất là đối với lớp công chức, viên chức trẻ tuổi và có trình độ, đã được đào tạo bài bản, chính quy. Một số người có phẩm chất công vụ tốt.

Tuy nhiên, có đi sâu nghiên cứu từng cơ quan, đơn vị sự nghiệp mới thấy còn rất nhiều việc phải bàn, phải làm. Nhìn chung, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trình độ chuyên môn còn yếu, trình độ tin học, ngoại ngữ còn thấp. Có người cả đời làm cán bộ, công chức, viên chức, nhưng không viết nổi một bài nghiên cứu, không đề xuất, tiến cử được một ai, suốt đời chịu cảnh "an phận thủ thường", cả đời không xây dựng nổi lấy một dự án mới, một chủ trương mới, một chính sách mới. Vì không có trình độ, nên những người này đành phải quay sang phụ thuộc. Tại các cơ quan nghiên cứu lý luận và đơn vị đào tạo, các cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn ít chịu mở rộng tầm học tập, chỉ loay hoay với các văn kiện Đảng và các văn bản của Chính phủ, dẫn đến hạn chế trong nghiên cứu và sa vào minh họa trong các công trình nghiên cứu của mình. Một số người bị đơn độc trong công tác bởi do cơ quan, đơn vị mất đoàn kết và có phe nhóm.

Việc sử dụng nhân tài cũng đã được đặt ra, nhưng trên thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn bởi "anh cũ" chắc gì đã chịu "anh mới", mặc dù xét về tài năng và đạo đức, "anh mới" vượt trội hơn "anh cũ". Đây là một thực tế mà một số cơ quan, đơn vị đang vướng mắc, vẫn chưa tháo gỡ được.

Một số đơn vị ỷ lại vào kinh phí công vụ, lương công vụ, dẫn đến tình trạng làm việc cầm chừng, dựa dẫm, "cha chung không ai khóc". Hãy đọc một số tạp chí và một số tờ báo hưởng kinh phí nhà nước, thấy nội dung nghèo nàn làm sao, chỉ thấy minh họa, phụ họa, quảng cáo, mà không thấy những tin, bài mang hơi thở của cuộc sống, mang chất xúc tác khoa học thực sự. Bây giờ, nếu cơ quan công quyền có thẩm quyền thi hành chính sách chỉ trả cho tờ báo, tạp chí đó một nửa kinh phí để làm báo, tạp chí, còn một nửa kinh phí do tờ báo, tạp chí đó lo, thì cả đơn vị đó phải vắt chân lên cổ mà chạy lo sao cho có nhiều tin, bài hay để có nhiều người mua báo, đọc báo.

Muốn đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, cần phải dựa vào những tiêu chuẩn và những kết quả công vụ của từng cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức.    

Nhìn ra thế giới bên ngoài:

Vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đang trở nên sôi động ở nhiều quốc gia. Chung quy vẫn là mâu thuẫn giữa đào tạo và sử dụng, giữa nhân sự và việc làm, giữa số lượng và chất lượng đào tạo. Thiếu thì vẫn thiếu mà thừa thì vẫn thừa. Đó là vấn đề muôn thuở từ trước tới nay trong các nước công nghiệp. Công ty tư vấn việc làm toàn cầu Manpower đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với 41.700 nhà tuyển dụng tại 42 quốc gia đang ở trong tình trạng thiếu nguồn lao động giỏi. Nhiều công ty tuyển dụng lao động không tuyển được những lao động có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc của công ty với bốn tiêu chuẩn: chuyên môn giỏi, tin học giỏi, ngoại ngữ giỏi, sức khỏe tốt. Sự thiếu hụt nguồn lao động giỏi đã tác động tiêu cực đến các cơ quan, đơn vị hành chính và các doanh nghiệp; làm giảm đi khả năng cạnh tranh, năng suất lao động không cao và chất lượng lao động thấp.

Và giải pháp cho vấn đề này ở Việt Nam:

Đây là một vấn đề nan giải, không thể nóng vội, vì nó đụng chạm, va chạm đến vấn đề con người, mà giải quyết thường đụng chạm đến chính sách, chế độ. Đúng như Nghị quyết 39 đặt vấn đề trước mắt, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giữ như tình trạng hiện nay, để rồi từng bước sàng lọc dần, đạt tới "quý hồ tinh bất quý hồ đa".

Nhìn vào cơ quan, đơn vị sự nghiệp hiện nay, chúng ta thấy có các nhóm công vụ: nhóm lãnh đạo (cấp trưởng và phó); nhóm chuyên môn (cán bộ nghiên cứu, chuyên viên, chuyên gia, biên tập); nhóm hành chính (văn thư, đánh máy, kế toán, bảo vệ,..., gọi chung là hành chính văn phòng). Trong các nhóm này, ai giảm, ai không? Giảm cấp trưởng, cấp phó ư? Không được đâu, khó lắm, mặc dù vẫn biết là thừa! Giảm bộ phận đánh máy ư? Không xong, vì nếu thiếu bộ phận này, thì công văn, báo cáo, tài liệu gửi đi sẽ được "viết bằng tay". Giảm bộ phận văn thư ư? Không ổn, lấy ai mà chạy công văn, giấy tờ, tiếp nhận công văn, giấy tờ. Giảm bộ phận biên tập, phóng viên ư? Rất khó, vì lấy ai mà viết tin, bài, biên tập sách, tin, bài? Có chăng, chỉ có thể giảm ở bộ phận cán bộ nghiên cứu, vì ở bộ phận này, bên cạnh những người làm khoa học thực sự, là những người "vô bổ", làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Nhưng, cũng không phải đơn giản giảm là giảm, vì nó động chạm đến chế độ, chính sách trong khi họ vẫn nằm trong biên chế nhà nước, không có sai phạm gì. Thuyên chuyển họ ư? Rất khó lắm, vì cơ quan, đơn vị nào cũng đầy ắp biên chế, không khéo lại "đánh bùn sang ao". Vì vậy, phải chờ một thời gian nữa, để cho những người "vô bổ" này họ dần về hưu, lúc ấy mới có thể cơ cấu lại nhân sự của cơ quan, đơn vị mình.

Theo quy định hiện hành, về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, vẫn giữ như quy định hiện hành, cụ thể 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

Riêng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ.

Theo tôi, nên theo quy định đúng tuổi là về hưu, nghĩa là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Không nên kéo dài thời gian thêm 5 năm nữa. Đưa ra quy định kéo dài thêm 5 năm về hưu là rất phức tạp, như xác định ai là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhất là đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu lý luận, ai cũng có thể nói tôi là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được ở lại làm việc thêm 5 năm nữa, giải quyết không đúng sẽ gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị. Đối với những người lao động làm công tác quản lý cũng vậy. Tôi có thể nói hiện nay, trong các cơ quan công quyền, không ít người quản lý cơ quan, đơn vị, trình độ hạn chế. Họ ngồi được ghế là nhờ có người nâng đỡ, chứ thật ra chẳng có tài, đức gì đâu. Người dân họ biết rất rõ điều đó. Nay lại được ở lại làm việc thêm 5 năm nữa, thì đúng là một tai họa đối với đơn vị, cơ quan. Còn đối với những trường hợp đặc biệt cũng rất khó xác định, ai cũng có thể nói mình thuộc diện trường hợp đặc biệt. Vì vậy, cách tốt nhất là cứ theo luật mà thi hành. Những trường hợp gọi là "du di" đều là chủ quan duy ý chí, phản khoa học.

Cần xác định rõ tiêu chuẩn của một cán bộ, công chức, viên chức: trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, sức khỏe.

Trong tình hình hiện nay, cần đề phòng trường hợp người có năng lực lại phải ra đi, còn người không có năng lực lại được ở lại tiếp tục làm việc.

PGS. TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG