Mới cập nhật

Mười kinh nghiệm về lãnh đạo - quản lý

Thật vinh dự cho tôi được tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo - quản lý các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Qua tìm hiểu và trao đổi về những kinh nghiệm lãnh đạo - quản lý, tôi đã rút ra được mười kinh nghiệm mà nhà báo Minh Phong cho đây là "mười kinh nghiệm vàng".

Corporate-English-trainingTrước hết, cần làm rõ khái niệm về lãnh đạo - quản lý. Khái niệm về lãnh đạo - quản lý là một thể thống nhất, tuy không đồng nhất, có liên quan mật thiết với nhau, tác động vào nhau. Khi nói đến lãnh đạo là nói đến người đưa đường chỉ lối cho người khác hành động; đưa ra ý kiến, định ra phương pháp hành động để phát động mọi người tạo thành sức mạnh trong thực thi công việc. Còn nói đến quản lý là nói đến người tổ chức, điều hành, điều khiển công việc và theo dõi việc thực hiện chủ trương, ý định do người lãnh đạo vạch ra. Trong thực tế đời sống xã hội, có những người làm cả lãnh đạo lẫn quản lý, kiêm nhiều chức, do đó, có thể tạo ra một cặp phạm trù mới: quản lý - lãnh đạo.

Sau đây, tôi xin trình bày mười kinh nghiệm lãnh đạo - quản lý trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp:

Một là: Muốn lãnh đạo - quản lý cơ quan, đơn vị và quản lý kinh doanh thật tốt, điều quan trọng là phải biết sắp xếp nhân sự cho tốt, sử dụng nhân sự trong cơ quan, đơn vị, công ty của mình sao cho thật hợp lý, thật khoa học và mang tính nghệ thuật. Đây là vấn đề khoa học, gọi là khoa học nhân sự. Nó rất nhạy cảm, tuy định vị là khách quan, nhưng lại mang tính chủ quan của người quyết định nhân sự.

Muốn làm tốt công tác nhân sự, thì người làm nhân sự phải cất công đi tìm những trợ lý, tham mưu, người giúp việc thật giỏi, những người có tài biến không thành có, biến khó khăn thành thuận lợi. Điều quan trọng là phải đoàn kết được mọi người trong cơ quan, đơn vị, công ty của mình; không nên đối xử bất công với bất cứ ai.

Hai là: Phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba yếu tố này nếu biết kết hợp sẽ dẫn đến thành công. Thiên thời là thời cơ thuận lợi, "trời" đang ủng hộ ta. Địa lợi là nơi đất tốt, địa thế thuận lợi, có lợi cho việc dựng nghiệp và kinh doanh. Nhân hòa là được lòng người, sự đoàn kết, hòa thuận với mọi người.

Ba là: Phải có phẩm chất quản lý, phẩm chất công vụ và phẩm chất kinh doanh thật tốt. Vậy phẩm chất là gì? Phẩm chất là do hai yếu tố tài và đức tác thành. Có thể khái quát phẩm chất chính là nhân cách, tư cách, tư thế, tác phong, uy phong, có tầm, có tâm, có tài của nhà lãnh đạo - quản lý. Phẩm chất còn thể hiện ở  người lãnh đạo - quản lý làm việc thật sự có hiệu quả; làm bất cứ việc gì cũng có lợi, có ích không chỉ cho bản thân mà còn cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình.

Bốn là: Phải có mối quan hệ thật tốt. Quan hệ chính là sự gắn bó giữa người với người, giữa người với môi trường xã hội, chính trị, kinh tế, tạo thành sự chuyển biến có lợi cho mọi người và cho cả bản thân mình. Trong quan hệ có quan hệ sản xuất, quan hệ kinh doanh, quan hệ công tác. Quan hệ xã hội hình thành giữa người và người trong quá trình cùng chung hoạt động. Quan hệ xã hội có thể phân thành quan hệ kinh tế và quan hệ tư tưởng, trong đó, quan hệ kinh tế là quan trọng nhất. Người nào mà tạo dựng được mối quan hệ tốt là người đó chắc chắn sẽ thành đạt và thành công.

Năm là: Phải biết chịu thiệt để tạo được sự cảm thông và khâm phục của mọi người. Trên thực tế, không một người nào đạt được những thành công mà không sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Ai đó không biết chịu thiệt là người đó chưa phải là người có mưu lược. Người biết chịu thiệt nhất định sẽ được người đời để ý đến, tỏ lòng thương cảm và ngưỡng mộ, do đó, sẽ có cơ hội thăng tiến, nhất định sẽ được "quý nhân phù trợ". Còn người nào luôn luôn tranh giành quyền lợi với người khác, tất người khác sẽ tranh giành lại, dẫn đến hỏng việc.

Sáu là: Phải biết cách lùi để tiến, tức là phải thực hiện hai bước lùi để có một bước tiến. Tại sao lại phải thực hiện hai bước lùi để có một bước tiến? Vì rằng, trong cuộc sống thường là khó khăn nhiều hơn thuận lợi, do đó, người lãnh đạo - quản lý giỏi phải là người biết chịu đựng, biết lùi hai bước để lấy đà mà tiến lên một bước.

Bảy là: Phải biết cách thoát được khó khăn, làm ăn thua lỗ. Hiện nay, cả nước có 52.004  doanh nghiệp đăng ký thành lập. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động trong 7 tháng của năm 2015 là 32.373 doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ. Muốn thoát ra được khó khăn, làm ăn không thua lỗ, thì các doanh nhân phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc nếu xét thấy sản phẩm của mình không thể tiêu thụ được nữa, thì phải mở cuộc điều tra, nghiên cứu, thăm dò dư luận để chuyển ngay sang làm mặt hàng khác. Trong lúc hàng bị ứ đọng, không sản xuất tiếp được, thì không nên cho thợ và nhân viên nghỉ việc, mà quay sang nâng cao tay nghề cho thợ và nhân viên, chờ dịp tái sản xuất trở lại, chất lượng sản phẩm làm ra của những người thợ và nhân viên sau khi đã được nâng cao trình độ và tay nghề chắc chắn sẽ tốt hơn, do đó, hàng hóa làm ra sẽ bán chạy hơn.

Tám là: Phải hết sức tỉnh táo, nhận ra lỗ hổng trong quản lý, kinh doanh và biết cách lấp lỗ hổng đó. Đây là vấn đề mà không phải ai cũng nhận thấy để khắc phục. Thực ra, trong cách lãnh đạo - quản lý, kinh doanh có nhiều lỗ hổng như lỗ hổng về trình độ tay nghề, lỗ hổng về nguyên liệu, nhiên liệu, lỗ hổng giữa cung và cầu,... Lấp lỗ hổng để xây nên tòa nhà cao cao mãi, vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật của người lãnh đạo - quản lý. Phải biết tự thân vận động, biến đổi không ngừng. Đây chính là cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập để rồi tạo ra lối thoát trong lãnh đạo - quản lý, kinh doanh.

Chín là: Phải luôn luôn động não và đổi mới tư duy trong lãnh đạo - quản lý và trong kinh doanh. Đổi mới tư duy ở đây chính là đổi mới nếp nghĩ, biết cách vạch chủ trương, đường lối và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, làm xoay chuyển được tình hình. Tư duy là sản vật cao cấp của một vật chất hữu cơ đặc biệt, tức là bộ não của con người qua quá trình hoạt động của sự phản ánh hiện thực khách quan bằng biểu tượng, khái niệm, phán đoán. Đổi mới tư duy chính là phải có gan phá bỏ nếp suy nghĩ cũ và tạo ra một nếp suy nghĩ mới, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Mười là: Phải nắm vững chủ trương của Đảng, luật và chính sách của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào trong công vụ và kinh doanh của mình. Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu nhà lãnh đạo - quản lý, doanh nhân nào biết nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm chắc thị trường trong nước, thị trường thế giới, người đó ít mắc sai lầm nhất trong lãnh đạo - quản lý, kinh doanh, và ngược lại. Làm ăn thua lỗ, phần lớn là do không hiểu rõ ngọn nguồn của các chủ trương, chính sách, không nắm bắt được tình hình thị trường, sản xuất bừa, sản xuất ẩu, chất lượng thấp, giá thành cao, sản phẩm làm ra bán không ai mua, dẫn đến tình trạng nợ chất chồng và cuối cùng là đi tới phá sản. Vì vậy, việc nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào trong công vụ và kinh doanh của mình là một trong những yếu tố dẫn đến thành công.

Trên đây là mười kinh nghiệm rút ra từ trong lãnh đạo - quản lý, kinh doanh. Sau này chúng tôi có thể bổ sung những kinh nghiệm tiếp.

PGS. TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG

Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực