Mới cập nhật

Nhân - Quả liên quan đến tướng số vận

PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

Trong thời gian công tác ở nước ngoài, tôi đã cố gắng đi sưu tầm những cuốn sách và bài nghiên cứu của người nước ngoài viết về nguyên nhân và kết quả có liên quan đến tướng - số - vận. Vì vậy, tôi đã làm được bài thơ Nhân quả:

Một hạt nảy mầm gọi là nhân
Nhân biến thành cây cây sinh quả
Nhân thành quả quả lại có nhân
Lặp đi lặp lại biết bao lần.
Quả nào nhân ấy mấy ai lường
Nguồn gốc phát sinh mấy ai tường
Cái này được gọi là nguyên nhân
Cái kia lại trở thành kết quả.
Nguyên nhân đầy đủ khi phát sinh
Nó xảy ra trong mọi hoàn cảnh
Nguyên nhân đặc thù khi phát sinh
Nó xảy ra trong một hoàn cảnh.
Kết quả đầy đủ khi phát sinh
Nó xảy ra trong mọi hoàn cảnh
Kết quả đặc thù khi phát sinh
Nó xảy ra trong một hoàn cảnh.
Bắn vào quá khứ bằng súng lục
Tương lai bắn anh bằng đại bác
Đó là nguyên nhân và hậu quả
Quy luật vận hành xưa và nay.
Anh qua đường chẳng vào nhà tôi
Mưa đá sấm rền đổ vào anh
Khách không vào vì nhà đóng cửa
Sấm rền mưa đá đổ vào tôi.
Nhân quả đều có tính phổ biến
Và nó cũng có tính khách quan
Nó tồn tại bên ngoài ý thức
Độc lập với ý thức khách quan.
Kết quả do nguyên nhân quy định
Tác động trở lại với nguyên nhân
Mối liên hệ giữa nhân và quả
Phụ thuộc lẫn nhau bởi quả nhân.
Làm quan phải nghĩ đến nhân quả
Vơ vét bạc tiền để giàu sang
Nhân tài vùi dập không trọng dụng
Sẽ bị người đời gọi quan tham

Praha, Séc, Đêm 24 - 3 - 2002

Trong bài thơ này, có câu, tôi đã lấy ý của nhà thông thái Abutalíp, in trong cuốn sách:“Đaghextan của tôi” của tác giả người Nga Raun Gamzatốp: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng luc, tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Trong cuốn sách này, Raun Gamzatốp còn viết: “Ai qua đường nếu chẳng đỗ nhà tôi, thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào nhà anh, sấm rền mưa đá! Nhưng nếu khách không vui vì lều tôi không rộng mở, thì mưa đá sấm rền sẽ đổ vào nhà tôi, mưa đá sấm rền”. Đây là những vấn đề tưởng như là văn học, nhưng kỳ thật nó là khoa học về lý số, về nhân quả ở đời. Nó có tác dụng trực tiếp đến số mệnh, số phận của mỗi con người.

Nhân quả là một phạm trù triết học. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói đến nhân quả, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng nói đến nhân quả. Đây chính là mối liên hệ qua lại, nguồn gốc phát sinh của các hiện tượng, hiện tượng này được gọi là nguyên nhân, sản sinh ra hiện tượng khác, được gọi là kết quả hoặc hậu quả. Trong nhân quả, người ta phân biệt nguyên nhân đầy đủ và nguyên nhân đặc thù. Nguyên nhân đầy đủ là sự tập hợp tất cả những hoàn cảnh khác nhau, mà khi xuất hiện thì nhất thiết xảy ra những kết quả, hậu quả tương ứng. Nguyên nhân đặc thù là sự việc xảy ra trong một hoàn cảnh nào đó mà khi xuất hiện sẽ mang lại một kết quả, hậu quả tương ứng.

Nguyên nhân và kết quả là những vòng khâu tác động qua lại, trong đó, kết quả do nguyên nhân quy định; đến lượt mình, kết quả lại đóng vai trò tích cực bằng cách tác động ngược trở lại đến nguyên nhân. Mối liên hệ nhân quả mang tính chất khác nhau, qua lại, nhiều vẻ, nhiều chiều, không nên quy chúng thành một hình thức duy nhất nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ chú trọng đến nguyên nhân và kết quả thôi, thì chưa đủ, mà còn phải nói đến nguyên nhân và kết quả tác động lẫn nhau.

Phạm trù tính nhân quả là một trong những phạm trù chủ đạo của công tác nghiên cứu khoa học và của công tác lãnh đạo, quản lý. Người nghiên cứu khoa học giỏi và người lãnh đạo giỏi bao giờ cũng nhằm vào việc phát hiện ra những mối quan hệ phụ thuộc nhân quả cơ bản. Làm cán bộ mồm nói vì dân, còn trong lòng thì bắt dân phải vì mình, phụng sự mình, tham nhũng, quan liêu, giải quyết công việc theo cảm tính, nhất định sẽ phải chuốc lấy những hậu quả không thể lường trước, sẽ bị người đời xem khinh, mặc dù người đó có quyền cao chức trọng đến đâu. Đó là nhân quả! Sống bạc ác, giết người, đánh người, bắt nạt người yếu đuối, phụ nữ, trẻ em, sống lừa đảo, trộm cướp, hãm hại đồng nghiệp, xử tệ với nhau, không thương người tàn tật là những nguyên nhân sẽ dẫn tới hậu quả tương ứng, gọi là báo ứng. Dân gian có câu truyền tụng mang tính nhân quả: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Vấn đề đặt ra ở đây, “quả” không chỉ là “kết quả”, mà còn là “hậu quả”.

Một trong những sự việc có thật, rõ nhất đã xảy ra là cuộc đời của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh (1). Nguyễn Hữu Chỉnh là viên tướng của vua Lê Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), giữ chức Bình chương quân quốc trọng sự, tước Bằng Trung công, một chức vụ to giúp Vua giải quyết những công việc trọng đại của đất nước. Chỉnh là người đầy quyền thế trong Triều đình, lấn át mọi người, sống bạc ác, thiếu nhân nghĩa, dùng người theo kiểu quen thân, lo lót, bất chấp tất cả. Nhiều bộ hạ, tướng sĩ của Chỉnh, ôm chân Chỉnh, cũng đều được theo thứ bậc mà thăng chức tất cả. Những người tài, đức thật sự thì bị gạt ra, không được tham gia chính sự. Chỉnh sống rất vương giả, oai phong lẫm liệt, sửa sang dinh thự ở Lượng Phủ. Tại Lượng Phủ, nơi ở của Chỉnh, nhà cửa, lâu đài, kiệu xe, quần áo, hết thảy đều chế theo kiểu mới, có ý muốn sánh ngang với Nhà Vua. Cứ năm ngày, Chỉnh mới vào chầu Vua một lần. Tan buổi chầu, lại ra ngồi ở chính sự đường, để bàn công việc. Còn những ngày khác, bất kỳ việc quan, việc dân, các quan đều phải tới dinh thư riêng của Chỉnh để xin ý kiến, chỉ thị của Chỉnh. Từ đó, quyền Chỉnh thật ngang với Nhà Vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước. Bấy giờ, tiền tệ trong nước phần nhiều bị các nhà giàu cất giấu, nhân dân khốn khổ về nạn khan tiền; hàng hóa không lưu thông; vật giá cao vọt. Chỉnh bèn xin với Triều đình, ra lệnh thu vét hết tượng đồng, chuông đồng ở các chùa, đền, miếu, đem về Kinh sư, mở lò đúc tiền. Rồi Chỉnh thả cho thủ hạ đi về khắp nơi, cướp bóc chuông đồng, tượng đồng của các thôn, ấp.

Người nào mà dám giấu giếm, mặc dù chuông đồng, tượng đồng đó là của mình, tức thì bị chúng tra khảo, trừng trị, đánh đến chết. Cuộc săn lùng chuông đồng, tượng đồng diễn ra trong cả nước. Chỉ riêng có pho tượng thần bằng đồng đen ở quán Trấn Vũ phía bắc Kinh thành, là chúng không dám lấy mà thôi. Thấy Chỉnh làm những điều bất nhân như vậy, trăm họ ai cũng ta thán. Một đêm, có người dán ở cửa Đại Hưng hai câu đối:

“Thiên hạ nhất tự chung, chung thất nhi đỉnh an tại?
Hoàng thượng phần vương phủ, phủ phần tức điện diệc không”.
(Thiên hạ mất chuông chùa, chuông mất, vạc còn đâu nữa?
Hoàng thượng thiêu phủ chúa, phủ thiêu, điện cũng trơ thôi) (2).

Nguyễn Hữu Chỉnh nghe hai câu đối đó, lấy làm căm ghét lắm. Nhưng Chỉnh cũng dự đoán biết rằng, những việc mình làm đều không được dư luận đồng tình. Vì vậy, Chỉnh càng mượn thế ra oai để khóa miệng thiên hạ. Bên trong, Chỉnh nắm giữ quân cơ, bên ngoài Chỉnh chiếm quyền trấn thủ các trấn; phàm những chỗ cơ mật, trọng yếu, đều do vây cánh của Chỉnh chia nhau lĩnh chức. Tất cả mọi việc, Chỉnh đều chuyên quyền, làm trước rồi mới tâu Vua. “Tiền trảm hậu tấu”, biến Vua thành bù nhìn. Thậm chí có việc đã được bàn định tại Triều đình, mà Vua cũng không được biết. Những việc làm của Chỉnh đại loại đều như thế, thực là tàn bạo và không còn kiêng sợ gì cả. Uy quyền của Chỉnh ngày càng to lớn như vậy, cho nên hành tích của hắn cũng lộ ra hết. Người ta bàn tán sôi nổi, ai cũng đoán rằng, Chỉnh sẽ làm Chúa, và Chỉnh hiếp chế Nhà Vua sẽ còn tệ hơn chúa Trịnh ngày trước. Nhà Vua thấy việc làm bất nhân bất nghĩa cũng hơi ngờ Chỉnh. Một hôm, Nhà Vua đuổi hết tả, hữu, rồi nói kín với hai viên Nội hàn là Ngô Vi Quý và Lê Xuân Hợp, rằng, Chỉnh tuy có công bảo vệ, nhưng dần dà đã thấy hắn có vẻ muốn lấn bức. Giá có thể ngăn chặn ngay lúc đầu, khiến hắn không thể càn rỡ được nữa, thì mới đúng với thuật nuôi chim ưng (3).Nếu để khi thế lực của hắn đã thành (4) thì sẽ khó trị, e cũng giống như nuôi cọp để lo về sau. Vậy các ngươi hãy nên tính kỹ hộ Trẫm. Nghe Vua nói, Quý và Hợp đều tâu với Vua rằng, như lũ thần đã xem xét, thì Chỉnh là hạng người có ý nghĩa cực kỳ hiểm độc, bụng dạ quá ư tàn nhẫn, mưu mô hết sức sâu sắc, giả trá rất đỗi khôn ngoan, mà ứng biến thì mau lẹ tuyệt vời. Con người ấy thật là một kẻ gian hùng ở đời loạn, chưa chắc là một kẻ bầy tôi hiền tài ở đời trị. Cũng vì như loài chồn sói, không phải là vật có thể dạy dỗ; giống yêu ma không phải là vật có thể kiềm chế. Chỉ còn có một cách là giết đi mà thôi. Nhưng giết Chỉnh cũng phải có mẹo. Bệ hạ hãy coi hắn như người tâm phúc, đãi hắn với vẻ lễ mạo, cho hắn ra, vào nơi cung cấm, sau đó, lừa lúc sơ hở mà giết hắn. Nhà Vua gật đầu, nhưng yêu cầu Quý và Hợp đều phải giữ kín việc này, nếu để lộ ra là sẽ mất mạng cả vua lẫn tôi. Ít lâu sau, Quận Thạc cũng tâu với Vua là xem việc hắn làm, giống như ma quỷ; xét bụng hắn nghĩ, độc như hùm beo, và Quận Thạc xin Vua cho được giết Chỉnh. Tuy nhiên, việc này không tiến hành được. Sau khi Dương Trọng Tế trấn thủ huyện Gia Lâm bị giết, Chỉnh liền tiến đánh chúa Trịnh. Vua Lê bất đắc dĩ phải đồng ý để Chỉnh đốc suất các quân đi đánh chúa Trịnh. Chỉnh sai người đưa tờ chiếu của Vua tới dụ Chúa, khuyên nên quy thuận, không nên chống cự. Chúa cười mà nói: “Hữu Chỉnh đến đây lần này, ý muốn bắt sống ta, nếu nuốt trôi được, hắn không chịu nhả ra. Nay lại lấy lời ngon dỗ ta, thằng nghịch tặc này quỷ quyệt đáng ghét thật. Tuy vậy, hắn đã mượn mệnh lệnh Hoàng thượng đưa lại, ta không thể im lặng không trả lời (5) Chúa bèn thảo một tờ biểu trần tình, kể tội ác của Chỉnh và nói nhân dân ai cũng nghiến răng tức giận xin hãy giết Chỉnh đã, rồi sẽ về Triều. Lời lẽ có nhiều câu gay gắt. Rút cục, chúa Trịnh phải về nơi núi rừng Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và chết ở nơi núi rừng sâu thẳm, kết thúc nghiệp bá. Họ Trịnh từ Thái Vương là Trịnh Kiểm thụ phong, truyền đến Thịnh Vương là Trịnh Sâm, được 8 đời thì xảy ra biến loạn. Rồi đến Đoan Nam Vương là Trịnh Khải, Án Đô Vương là Trịnh Bồng, thì nghiệp Chúa hết, tất cả là 243 năm (theo “Hoàng Lê nhất thống chí”), hoặc 248 năm (theo “Lịch triều Hiến chương loại chí”). Xét trong địa lý chép về đất phát tích của tổ tiên họ Trịnh, có lời đoán rằng: “Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được 8 đời, trong nhà dấy vạ”(6)

Việc làm của Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộ rõ vẻ gian hùng, làm cho dân chúng thấu đến xương tủy. Lúc Chỉnh tất tả chạy về Nghệ An, người dân nơi đây đều muốn giết Chỉnh cho hả dạ. Việc Chỉnh làm phần nhiều là càn rỡ, bạo ngược. Chỉnh coi Nhà Vua như đưa trẻ con, khi bảo làm thế này, khi bảo làm thế kia, không còn kiêng sợ gì cả. Chỉnh chỉ sợ có Nguyễn Huệ (sau là vua Quang Trung) mà thôi, coi đây là anh hùng hào kiệt ở đất phương Nam. Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, sai Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân hợp cùng với quân của Võ Văn Nhậm tiến về Thăng Long. Được tin cấp báo, Chỉnh vào tâu với Nhà Vua xin xuất quân đánh Võ Văn Nhậm. Chỉnh đem quân đến khu vực Thường Tín, Hà Tây, tạm dừng lại nghỉ. Chợt thấy gió nam thổi vù vù, có đám mây đen chạy suốt từ tây nam đến. Chỉnh ngồi trong kiệu, giở sách bói ra xem, vừa gặp một quẻ, có lời đoán rằng: “Nước có giặc lớn, nguyên nhung thua trận” (7). Chỉnh tỏ ý buồn rầu, vì sợ quẻ bói vận vào mình, trong dạ bồn chồn, lo lắng. Đang lúc trầm ngâm nghĩ ngợi, bất chợt có đàn ong vo vo bay đến, đua nhau đốt vào cổ Chỉnh. Chỉnh giật mình ngã xuống, sực nghĩ toàn là điểm gở, chần chừ không muốn tiến quân. Sau khi đọ sức với quân của Võ Văn Nhậm, quân Chỉnh tan vỡ. Con Chỉnh là Hữu Du chết trận. Thấy vậy, Chỉnh hoảng, bèn lên ngựa tháo chạy về hướng Bắc. Ngựa ngã, bị quân lĩnh của Võ Văn Nhậm đuổi kịp, chực đâm Chỉnh. Chỉnh kêu to: “Xin cứ bắt sống mà đem dâng” (8). Quân Võ Văn Nhậm trói Chỉnh lại, bỏ cũi, đưa về Kinh thành Thăng Long trị tội. Chỉnh xin gặp Võ Văn Nhậm để nói một lời. Nhậm không cho, bèn sai người kể tội Chỉnh rằng: “Mày vốn là tôi chúa Trịnh, phản chủ mà về với chúng tao để mưu đồ diệt họ Trịnh; rồi lại phản chúng tao về Bắc, lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, tự tiện làm oai, làm phúc, ngấm ngầm lo mưu lấn cướp để tranh giành với chủ tao. Xét cuộc đời của mày, toàn học thói cũ của quân giặc loạn, phải phanh gan ruột mày ra, bỏ hết những cái dơ bẩn, để người Bắc lấy mày làm răn”(9).  Rồi Nhậm hạ lệnh cho quân lính phanh thây Chỉnh, thả cho chó ăn thịt, chết một cách ê chề, nhục nhã. Nhân quả còn vận đến con cháu của Chỉnh sau đó cũng chẳng ra gì.

Đấy, tính nhân quả là như vậy. Có điều là ở đời, mấy ai biết được mà tránh. Đó chính là nỗi bi kịch nơi trần gian. Cứ hết đời này sang đời khác, lại xuất hiện những tên như Chỉnh. Tên này bị trừng trị, tên khác lại mọc lên, cứ thế, cứ thế, cứ thế.

--------

(1).Xem “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái, Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch và chú thích, Trần Nghĩa giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 2012 và các bản xuất bản trước đó
2).“Hoàng Lê nhất thống chí”, sđd, tr. 186.
Chữ “đỉnh” (vạc) là tượng trưng cho cơ nghiệp Nhà Vua.
(3).Thuật nuôi chim ưng là xuất phát từ thời Tam quốc. Trần Đăng nói với Lã Bố rằng: “Tào Công nói nuôi Lã Bố như nuôi chim ưng, cáo thỏ chưa hết, thì không dám cho nó ăn no, ưng sẽ bay mất,...”. Ở đây, Nhà Vua muốn dùng ý ấy.
(4).Sự thật, thế lực của Nguyễn Hữu Chỉnh đã được hình thành, chứ cho đến lúc này, Nhà Vua mới nói “nếu”..., thì Nhà Vua chưa hiểu gì về Nguyễn Hữu Chỉnh. Qua đó, cho thấy Nhà Vua không biết dùng người, cho nên đã dùng nhầm Nguyễn Hữu Chỉnh (Đ.V).
(5).Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 238
(6).Dẫn theo Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 251.
(7).Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 258, 259.
(8).Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 264.
(9)Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 264