Ở nơi xa quê hương ngồi luận về người trí thức
1. Ở nơi xa quê hương ngồi luận về người trí thức
Đôi mắt lim dim chớp chớp mơ màng.
Mùa đông đến tuyết rơi lã chã
Mây vần vũ bầu trời trôi nhanh lang thang.
2. Lịch sử chép rằng đã có biết bao bậc học rộng tài cao luận bàn về người trí thức:
Thích Ca Mâu Ni nói: “Trí thức là nhân quả”.
Lão Tử nói: Trí thức là “Bất ngôn chỉ giáo”
(Dùng không lời mà dạy bảo thế gian).
Khổng Tử nói: Trí thức là “nhân, lễ, nghĩa, chí, tín” và than rằng: “Ôi! Đời chẳng ai biết ta. Biết ta chăng chỉ có trời”.
Nguyễn Trãi nói: “Đem trí nhân mà thay cường bạo”.
Bia Văn Miếu khắc ghi lời Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Víchto Huygô nói: “Trí thức là bậc thông thái khi biết mình là thằng ngu”.
Lê Quý Đôn nói: “Phi trí bất hưng”.
V.I.Lênin nói: “Trí thức là đại biểu của lao động trí óc”.
Hồ Chí Minh nói: “Trí thức là hiểu biết”.
Người Nga nói: “Trí thức là trí ngủ”.
Có người nói: “Trí thức là những kẻ cơ hội có văn hóa cao”.
3. Muốn đánh giá đúng người trí thức xin hãy cảm nhận bằng trái tim và bằng cảm xúc cuộc đời.
Tài năng phát tiết từ khát vọng của chính con người.
Trí tuệ phải được ngọn lửa của trái tim sưởi ấm.
4. Say sưa với công việc làm cho người trí thức thêm yêu đời.
5. Càng học nhiều đọc nhiều càng bộc lộ là mình biết ít.
6. “Gọi dạ bảo vâng” không phải là hạng trí thức trung thành.
7. Người nhiều chữ chưa phải là trí thức nếu chữ ấy không thâm nhập cuộc đời.
8. Trí thức giả dối và trí thức trung thực đang cân bằng nhau
Rất khó phân chia thắng bại
Sự ngang sức này có khi trở thành nỗi đau.
9. Trí thức hay phức tạp vấn đề trong khi cuộc sống lại rất thực dụng và đơn giản vấn đề.
10. Những người có học vấn cao, nhưng lại không biết mình đang đứng ở nơi đất thấp, cứ tưởng mình tài là được sử dụng ngay
Đã có biết bao người nửa tỉnh nửa say.
11. Trí thức có khi cãi nhau chỉ xoay quanh chuyện Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại
Rượu vào lời ra dở khôn dở dại
Làm cho tâm hồn bán thân bất toại
Tranh cãi làm gì thắng bại ở đây.
12. Khi màn đêm rủ xuống thì người trí thức ngủ và khi
Mặt Trời lên thì người trí thức say.
Ôi! Cuộc đời người trí thức sao lắm đắng cay!
13. Khoa học chỉ ra rằng tất cả mọi việc đều phải biết hoài nghi và biết thích nghi
Nếu không thì rơi vào cảnh lẻ loi như mối tình si.
14. Em yêu anh vì anh là “trí thức”, em ghét anh vì anh là “trí giả”.
“Thức - giả” ở đời đều là mặc cả
Như “bà ăn nem, ông ăn chả”
Âm thầm lặng lẽ như những hạt mưa rơi rỉ rả
Tưới vào tâm hồn làm xao xuyến lòng ta.
Yêu ghét ở đời như nọc độc con rắn phun ra.
15. Sức ỳ của tư duy và tính bảo thủ của cảm xúc đã biến người trí thức thành pho tượng ngồi nguyên.
16. Trí thức khát khao tự do và quyền cá nhân Nhưng thể chế lại ràng buộc họ
Đã làm tắt đi nguồn cảm hứng nhân văn
Suốt cả cuộc đời vẫn thấy cứ lăn tăn.
17. Tâm hồn người trí thức là cảm hứng sáng tạo, là tư duy, tinh thần, đẳng cấp trí tuệ, độc lập khỏi thế giới bên ngoài
Tâm hồn này làm cho nhà chính trị cảm thấy nó gai gai.
18. Dante1, Michelanghelơ2, Beethoven3, Carlyle4, Nietzsche5, Ibsen6, Kierkegaard7, L.Tolstoi8, Dostoievski9 là những bậc trí thức tiên tri, nhưng cõi lòng họ buồn đến sầu bi, chỉ vì nhà chuyên chế không cho họ thích nghi với xã hội - cuộc đời.
19. Tương lai của người trí thức nằm chính trong tay họ
Nhưng chốn cung đình lại đem nhốt họ vào trong rọ
Cựa quậy chán chường không lọ mọ đường ra
Làm tiều tụy thân hình như những thây ma.
20. Trí thức thích xem và mó mê chốn “thâm cung bí sử” của đàn bà.
21. Đời sống của người trí thức thường diễn ra ở những chỗ nguy hiểm nhất của cuộc đời và từng người trong cảnh cô đơn tê tái tâm hồn.
22. Nỗi ác cảm với “tầng lớp có học” diễn ra triền miên
Trong tâm tưởng người đời và trong nhận thức quàng xiên.
23. Môi trường trí thức hình thành từ xa xưa và luôn luôn tái tạo lại chính mình, khi hiểu cuộc đời mình bị cuốn theo dòng chảy của điêu linh.
24. Chẳng ai bảo người trí thức có thể làm gì và không được làm gì, nhưng rồi cuộc đời vẫn cứ trôi đi theo điều khiển của cái vô hình và cái hữu hình trong chốn thâm si.
25. Sự lì lợm và sức ỳ của những bậc quyền uy đã đẩy người trí thức vào vòng hiểm nguy.
25. Hỡi các vị trí thức đáng yêu ơi!
Các vị có biết khi các vị nhận ra nhau và hiểu nhau thì cũng đã đến lúc các vị phải xuống mồ và mang theo bao nỗi thương đau!
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Buđapét, Hunggari, 26-4-2000
------
1,2,3,4,5,6,7,8,9. Dante (1265-1321), nhà thơ, nhà thần học người Ý (Ytaly, Italya), tác giả của hai kiệt tác “La Divina Commedia” (Thần khúc) và “La Vita Nova” (Cuộc đời mới). Michel Angelo (1475-1564), kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ, thi sĩ, người đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến nền tảng mỹ thuật phương Tây; tác giả của những kiệt tác trong lịch sử mỹ thuật và cùng với Leonardo da Vinci, đã tạo ra giá trị rực rỡ cho thời kỳ Phục hưng đỉnh cao. L.Bethoven (1770-1827), nhà soạn nhạc cổ điển thiên tài người Đức, ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc Đức qua nhiều thế hệ âm nhạc. Th.Carlyle (1795-1881), nhà sử học, nhà văn người Scotland, tác phẩm của Ông tạo ra được nhiều ảnh hưởng lớn trong tư tưởng của những trí thức Scotlend. Victoria.F.W.Nietzsche (1844-1900), nhà triết học người Phổ, một nhân vật quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến triết học cận đại, hiện đại của nước Đức. H.J.Ibsen (1828-1906), nhà soạn nhạc người Na Uy, cha đẻ của kịch nói hiện đại và là nhà văn vĩ đại của Na Uy. S.A.Kierkegaard (1813-1855), nhà thần học và triết gia nổi tiếng người Đan Mạch. L.Tolstoi (1828-1910), người được đánh giá là con sư tử của văn học Nga, tác giả của bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Karenina”, “Phục sinh”,... F.Dostoievski (1821-1881), nhà văn lớn của nước Nga với những tác phẩm đã làm rung động lòng người: “Tội ác và trừng phạt”, “Anh em nhà Karamazop”, “Lũ người quỷ ám”,...
Lời Tác giả: Tháng 4-2000, tôi có công việc đi Hunggari. Từ thủ đô Praha, tôi đến thủ đô Buđapét. Buổi tối, tôi được một anh bạn đưa đi xem vũ nữ ở một tiệm nhảy của thủ đô Buđapét. Đến nơi, tôi ngước nhìn lên cổng thấy một bức vẽ lớn một người phụ nữ khỏa thân, một chân đặt vào trụ cổng trái, một chân đặt vào trụ cổng phải. Vào đến nơi, anh bạn bảo tôi rằng, những người đến xem hầu hết là những bậc học giả, nhà khoa học, nghị sĩ, khách quốc tế. Tôi thấy nhiều người đeo kính trắng, khuôn mặt hiện lên là những trí thức lớn. Những điệu kèn réo rắt vang lên. Đèn đang sáng, bỗng trở nên mờ ảo, báo hiệu cuộc biểu diễn bắt đầu. Những cô gái khỏa thân nhảy tưng bừng trên sàn diễn, một đôi trai gái làm tình trên sàn diễn. Ai muốn xem tận nơi, chỉ việc bỏ ra 10 USD, một “tòa thiên nhiên” khỏa thân rất đẹp, nằm ngay trên bàn bia, rượu. Khách làng chơi tha hồ đụng chạm, vừa uống rượu, bia vừa sờ mó tự nhiên vào tấm thân đẹp như tiên giáng trần của người con gái ấy. Tôi thấy ở Ba Lan, Cộng hòa Séc và nhiều nước châu Âu khác cũng đều có những tiệm nhảy kiểu này. Đêm hôm ấy, nằm ở một khách sạn của thủ đô Buđapét, tôi cảm nhận các vị tai to mặt lớn rất thích đi xem “chốn thâm cung bí sử của đàn bà”. Tôi liền vùng dậy thức suốt đêm để làm bài thơ Ở nơi xa quê hương ngồi luận về người trí thức.