Mới cập nhật

TÁI BẢN LẦN THỨ NHẤT CUỐN SÁCH: "NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ VỀ HỒ CHÍ MINH VÀ ĐẢNG DO NGƯỜI SÁNG LẬP"

 

nhung dau an lich su

  1. Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản lần thứ hai (tái bản lần thứ nhất) cuốn sách dày trang: "Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập" của PGS,TS Đàm Đức Vượng (Đức Vượng). Lần xuất bản đầu tiên cuốn sách này là năm 2015.


Cuốn sách tái bản lần này vào đúng dịp kỷ niệm lần thứ 126 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2016). Tái bản lần này, Tác giả đã bổ sung thêm một số vấn đề mới, trong đó có Đại hội XII của Đảng (20-1-2016-28-1-2016).

PGS,TS Đức Vượng viết nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam như: Con đường theo Bác (Hoàng Quốc Việt kể, Đức Vượng ghi, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1990), Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1993), Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995), Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006), Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Thực trạng và giải pháp (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2008), Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010),... cùng những cuốn sách về các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào,... Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Nhà Xuất Bản Chính trị quốc gia xuất bản lần thứ hai cuốn sách "Hà Huy Tập - Tổng Bí thư của Đảng" của PGS,TS Đức Vượng, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906-24-4-2016).

Cuốn sách "Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập" là một công trình nghiên cứu nghiêm túc của PGS, TS Đức Vượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể nói  toàn bộ cuộc đời hoạt động, thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Tác giả gói gọn trong cuốn sách này. Những trích dẫn đều ghi xuất xứ từ các văn bản gốc, chính thống, rõ nguồn.

Những điểm mới của cuốn sách là Tác giả đã trình bày một cách có hệ thống về toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo, tổ chức và rèn luyện Đảng ta, sáng lập Nhà nước cách mạng Việt Nam, sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, sáng lập các lực lượng vũ trang và lực lượng an ninh cách mạng Việt Nam.

  1. Cuốn sách đã trình bày một cách có cơ sở khoa học về tên chữ, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của Người. Theo tác giả, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tất cả khoảng 160 tên chữ, bí danh, bút danh, trong đó có tên chữ Nguyễn Tất Thành (1901), tên chữ Nguyễn Ái Quốc (năm 1919), tên chữ Hồ Chí Minh (1942). Trong quá trình hoạt động cách mạng, để tránh sự rình mò của đối phương, Người phải liên tục đổi tên với những bí danh, bút danh khác nhau. Mỗi khi đến một địa phương mới, có bài viết mới, Người lại có tên mới, bút danh mới, làm cho mật thám địch không biết đâu mà lần, đến nỗi có mật thám Pháp phải kêu lên rằng, không biết Hồ Quang, Lý Thụy, Vương, Thầu Chín,... có phải là Nguyễn Ái Quốc không? Nhờ đó, Người đã nhiều phen "thoát hiểm".


Tại Hội thảo khoa học kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 7 và 8-5-1980, PGS,TS Đức Vượng đã trình bày bản báo cáo khoa học nhan đề: "Hồ Chí Minh - Những tên của Người". Trong báo cáo này, PGS,TS Đức Vượng đã sưu tầm được 90 tên chữ, bí danh, bút danh của Người. Nay nghiên cứu, sưu tầm được thêm 63 tên chữ, bí danh, bút danh của Người, tổng cộng là 153/160 tên chữ, bí danh, bút danh của Người để đưa vào cuốn sách này. Phải ghi nhận đây là một kỳ công của một nhà khoa học suốt đời gắn bó với việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc nghiên cứu này cũng là để đính chính một số bài viết không đúng và giải nghĩa không đúng về tên chữ, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. Cuốn sách đã trình bày khá đầy đủ về những bước chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành từ cuối năm 1924, khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về tới Quảng Châu, Trung Quốc. Công việc của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu là chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam. Tại đây, Người đã sáng lập ra "Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên" (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) vào năm 1925 mà nòng cốt là "Cộng sản Đoàn", cơ quan tuyên truyền của Hội là tuần báo "Thanh niên", được xem đây là một tổ chức tiền thân của Đảng.


Tác giả đã trình bày một cách có hệ thống về các tổ chức cộng sản ở Việt Nam trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở nước ngoài, ngày 25-6-1927, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Chi bộ Đảng Trường Đại học Phương Đông, Mátxcơva, Liên Xô, thông báo có một nhóm cộng sản Việt Nam đang học tại trường này đã được thành lập, do Lequy (Trần Phú) làm Bí thư nhóm. Ở trong nước, vào tháng 3-1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập tại số nhà 5 D, phố Hàm Long, Hà Nội (vẫn thường gọi là Chi bộ 5 D Hàm Long).

Cũng ở trong nước, vào cuối năm 1929, đầu năm 1930, lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Đông Dương Cộng sản Đảng (có văn kiện của Đảng ghi là "Đảng Cộng sản Đông Dương"): Thành lập ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng thảo luận và thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng, lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ của Đảng. Đảng tổ chức Công hội đỏ Bắc Kỳ, Nông hội, Hội Phụ nữ giải phóng,..., xuất bản báo "Búa Liềm" ở Trung ương, báo "Bôn sơ vích" ở Trung Kỳ, báo "Cờ Cộng sản" ở Nam Kỳ.

An Nam Cộng sản Đảng (có văn kiện của Đảng ghi là "Đảng Cộng sản An Nam"): Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ được thành lập, thì tại Nam Kỳ, một tổ chức cộng sản khác cũng ra đời. Đó là An Nam Cộng sản Đảng. Vào tháng 8-1929, tại Sài Gòn, Châu Văn Liêm cùng một số cốt cán của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhóm họp tại Sài Gòn, bàn việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản An Nam. Đến tháng 9-1929, một số cán bộ của Thanh niên đang hoạt động đang hoạt động tại Trung Quốc và cán bộ vừa ở trong nước sang, trong đó có Châu Văn Liêm, cùng nhau lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Trung Quốc. Chi bộ ra tờ báo "Đỏ". Ngày 20-10-1929, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Trung Quốc gửi thư lên Quốc tế Cộng sản, trình bày một cách khá đầy đủ về tình cảnh của công nhân trong cả nước và các phong trào đấu tranh của họ với những nhận định quan trọng. Lúc này, tại Nam Kỳ, có tổ chức "Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ", thành lập ngày 10-11-1929, tại đồn điền Cờ Đỏ thuộc làng Thới Đông, quận Ô Môn (nay là huyện Cờ Đỏ), do Hà Huy Giáp làm Bí thư. Khi trở về Sài Gòn, Châu Văn Liêm và các đồng chí của ông đã nhất trí tổ chức Đại hội lập An Nam Cộng sản Đảng vào khoảng tháng 11-1929, tại Khánh Hội, Sài Gòn, trên cơ sở các chi bộ cộng sản ở Nam Kỳ. Đại hội thành lập An Nam Cộng sản Đảng bầu Ban Lâm thời chỉ đạo (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời) gồm 5 người do Châu Văn Liêm làm Bí thư. Đảng có Điều lệ, xuất bản tạp chí "Bônsơvích" làm cơ quan lý luận của Đảng. Đảng tổ chức ra các công hội, nông hội, hội học sinh,... để tập hợp quần chúng.

Đông Dương Cộng sản Liên đoàn: Thành lập ngày 1-1-1930, tại một địa điểm ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Trung Kỳ. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gồm những phần tử tiên tiến của "Tân Việt Cách mệnh Đảng" (Đảng Tân Việt). Đảng đã hình thành được một số chi bộ ở Trung Kỳ.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn cào nửa cuối năm 1929, đầu năm 1930, tại Việt Nam, có ba tổ chức cộng sản ra đời, tự vạch ra tuyên ngôn, điều lệ, đường lối,... nhận mình là một chính đảng có vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Điều này chứng tỏ xu thế thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở nên tất yếu và cấp thiết hơn bao giờ hết trong thời điểm bấy giờ.

  1. Cuốn sách còn cho ta biết các giai đoạn thành lập và phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam.


Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hương Cảng (Hồng Công) từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản. Đây là Hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản trong nước thành lập trước đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Hội nghị thành lập Đảng thông qua các văn kiện quan trọng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, trong đó có "Chánh cương vắn tắt của Đảng", khẳng định cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa để đi tới xã hội cộng sản, sau này phát triển thành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là đường lối nhất quán của Đảng từ khi thành lập đến nay.

Hội nghị định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến Hội nghị Trung ương 1 họp vào tháng 10-1930, tại Hương Cảng, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Tại Đại hội IV (tháng 12-1976), quyết định đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

  1. Cuốn sách đã trình bày khá đầy đủ về 12 Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và các Hội nghị Trung ương, về sự lãnh đạo và hoạt động của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân ta qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng.


Trải qua các thời kỳ hoạt động của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những nhà lãnh đạo Đảng đã xây dựng được một hệ thống lý luận về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là lý luận về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; lý luận về xây dựng Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; lý luận về xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); lý luận về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh. Tất cả các lý luận của Người đều gắn chặt với thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Được tôi luyện trong chiến tranh và lớn mạnh trong thời bình, Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua 85 năm hoạt động và phát triển không ngừng. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Hiện thực lịch sử cho thấy, cội nguồn mọi thắng lợi trong suốt tiến trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ thành tựu nhận thức lý luận, từ năng lực vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước. Từ Đại hội I đến Đại hội XII, thực tế lịch sử 86 năm qua đã cho thấy với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực; bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho dân tộc; bằng sự hy sinh quên mình, phấn đấu không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức mạnh mẽ, đoàn kết và mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới, Đảng cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ: xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng, lý luận; đổi mới công tác tổ chức và công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng.

Những công lao và cố gắng ấy đã không phụ lòng mong muốn cuối cùng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[1].

  1. Về Đại hội XII, Tác giả nhấn mạnh đến chủ đề của Đại hội là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Nhiệm vụ của Đại hội là kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; nhìn lại 30 năm đổi mới; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đại hội XII của Đảng là Đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện sinh động, phong phú và những thành tựu to lớn cùng những bài học sâu sắc qua 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mở ra thời kỳ mới, phát triển vẻ vang, tốt đẹp của đất nước. Sự đồng lòng, nhất trí và tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là nguồn sức mạnh vô tận. Chúng ta nhất định thành công trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.


Đường lối của Đại hội XII của Đảng đã thể hiện trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng và các văn kiện khác của Đại hội XII:

Phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; cụ thể là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng phát triển văn hóa, con người; quản lý, phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân.

Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; các bên tham gia đều bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín cúa đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng.

Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Cơ sở để thực hiện dân chủ là phải bảo đảm quyền tự do của nhân dân và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bằng việc tiến hành đồng bộ của cả ba lĩnh vực: lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Xây dựng Đảng phải được thực hiện trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Xây dựng Đảng về chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất cao trong Đảng; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn. Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng.

Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự gương mẫu. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Toàn bộ công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới tập trung vào thực hiện mục tiêu "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức". "Đạo đức" là tiêu chí mới được bổ sung vào thành tố xây dựng Đảng. Trước đây, trong các văn kiện của Đảng chỉ có "xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức" nay thêm xây dựng Đảng về đạo đức, thành "xây dựng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức".

Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm trong Nhiệm kỳ Đại hội XII: (1) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. (2) Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống lãng phí, quan liêu. (3) Tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược1, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công. (4) Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đẩy mạnh các quan hệ đối ngoại; thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới; tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín cúa đất nước trên trường quốc tế. (5) Thu hút, phát huy mạnh mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm anh ninh xã hội, an ninh con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. (6) Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gồm 180 vị ủy viên chính thức và 20 vị ủy viên dự khuyết. Hội nghị Trung ương 1, khóa XII, bầu Bộ Chính trị gồm 19 vị. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tóm lại, đây là một cuốn sách hấp dẫn và bổ ích, được biên soạn chi tiết, công phu và khá đầy đủ, trình bày dưới dạng văn chính luận, phản ánh đúng thực chất về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, là một người từng trải và có nhiều kinh nghiệm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng, trong Lời nói đầu, Tác giả Đức Vượng viết: "Dù sao, đây là một cuốn sách của một cá nhân viết, chẳng ai dám nói là đã hoàn hảo. Vì vậy, có chỗ nào viết chưa thỏa đáng, mong được bạn đọc lượng thứ và trao đổi".

 

Bài và ảnh: Quỳnh Anh




[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr. 512.

1 Ba đột phá chiến lược đã ghi trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng là: "(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính". "(2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ". "(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" ("Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 32).