Mới cập nhật

LÝ LUẬN CƠ BẢN CỦA TƯỚNG - SỐ - VẬN (LÝ SỐ)

PGS,TS Đàm Đức Vượng

Lý luận (do chữ Hy Lạp: theôria, théôrêin, có nghĩa là nghiên cứu, quan sát) là hệ thống tư tưởng chủ đạo trong một lĩnh vực tri thức, kinh nghiệm loài người đã được tổng kết, khái quát, là tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội, tư duy. Một trong những vấn đề cơ bản của lý luận là nó phải được gắn với thực tiễn, có mối liên hệ với nhau, không tách rời nhau, bổ sung cho nhau. Trong mối liên hệ đó, thực tiễn có tác dụng quyết định. Lý luận của tướng - số - vận là sự nghiên cứu, tổng kết, đúc kết về tướng - số - vận, trở thành khoa học, gọi là khoa học lý số. Lý luận của tướng - số - vận phải phản ánh đúng hoạt động của con người để tạo ra những điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội.

Trong cuốn sách “Thuật tướng số cổ đại Trung Quốc” của hai tác giả Hồng Phi Mô và Khương Ngọc Trân đã đề cập đến lý luận cơ bản của thuật tướng số là Thiên Can - Địa Chi; Âm Dương - Ngũ hành. Hồng Phi Mô và Khương Ngọc Trân ghép lại hai cặp phạm trù Thiên Can - Địa Chi là một và Âm Dương - Ngũ hành là một. Qua nghiên cứu, tôi thấy Âm Dương phải là một cặp phạm trù riêng và Ngũ Hành cũng phải là một cặp phạm trù riêng, mặc dù hai cặp phạm trù này có liên quan mật thiết với nhau. Ngoài ra, lý luận về tướng - số còn phải tính đến Tứ trụ; Số Tử vi; Chiêm tinh học; lại có liên quan đến Chu dịch thì mới thành lý số hoàn chỉnh.

Lý luận phản ánh của tướng - số (lý số) là sự thể hiện từng bộ phận của tướng - số (lý số), liên quan với nhau của tướng - số (lý số). Sự phản ánh với tính cách một nguyên lý về nhận thức đã được đúc kết thành những kinh nghiệm có tính chất tổng kết về số mệnh của mỗi con người. Đặc tính của lý luận phản ánh trong tướng - số (lý số) là dựa vào những vấn đề đặt ra như Âm Dương, Can Chi, Ngũ hành, Tứ trụ, Tử vi, Chiêm tinh học, Chu dịch, trên cơ sở đó mới có thể phân tích, tổng hợp, đoán định được một cách tương đối đúng về số mệnh của con người trong quá khứ, hiện tại, tương lai.

Chủ nghĩa Mác quan niệm sự phản ánh một cách biện chứng như là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn của sự tác động qua lại giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, giữa hoạt động tư duy và hoạt động thực tiễn, như là một quá trình, trong đó, con người không thích nghi một cách thụ động với cái thế giới bên ngoài, mà tác động tới nó, cải tạo nó và bắt nó phải phục tùng những mục đích của mình. Từ đó, suy ra, tướng - số - vận (lý số), đúng hay không đúng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu để đứng riêng lẻ một yếu tố nào đó thì không có cơ sở chắc chắn để xem tướng - số - vận.

Lý luận của tướng - số - vận (lý số) phải được gắn với thực tiễn của mỗi hoàn cảnh. Thực tiễn còn phụ thuộc vào trình độ của người xem tướng - số - vận. Lý luận về tướng - số - vận (lý số) còn phụ thuộc vào kinh nghiệm đúc kết của các nhà tướng - số học trải qua hàng nghìn nămnay.

Thực tiễn của tướng - số - vận (lý số) được thể hiện ở hoạt động của mỗi con người, là kết quả (hậu quả) hoạt động của mỗi con người mà thành tướng - số - vận. Lý luận và thực tiễn của tướng - số - vận (lý số) ở trong một thể thống nhất, gắn bó; cái này tác động vào cái kia và cái kia tác động vào cái này. Cái này không tồn tại nếu không có cái kia và ngược lại. Chính sự cải tạo của con người, từ xấu trở thành tốt, chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm việc, nghiên cứu khoa học, có lòng vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người khác, thì sẽ có tướng - số - vận tốt và ngược lại. Vì vậy, tướng - số - vận, xét cho cùng cũng là sự phản ánh bằng khoa học, gọi là khoa học lý số