Cha đẻ thư điện tử và ký hiệu @ qua đời
Huyền thoại trong ngành điện toán Ray Tomlinson đã qua đời ở tuổi 74 sau một cơn đau tim đột ngột hôm ngày thứ Bảy 5/3.
Được biết, Ray Tomlinson - công dân Mỹ - là người gửi đi bức email đầu tiên trên thế giới vào năm 1971.
Vào thời điểm đó, Tomlinson là nhân viên tại hãng BBN - Bolt, Beranek and Newman, có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các ứng dụng làm việc trên dự án mạng dữ liệu Internet đầu tiên có tên gọi ARPANET của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ông Tomlinson chính là người đã gỡ nút thắt cho khó khăn trong việc phân biệt tên máy chủ (domain) với tên tài khoản của một người dùng bằng cách sử dụng ký tự @.
Ray Tomlinson là người khai sinh ra email. |
Được biết, ký tự @ vốn được ít sử dụng và khá khác biệt về việc nhận dạng so với các ký tự đặc biệt khác như !, #, $ hay %.
Tính đến thời điểm hiện tại, @ đã chính thức trở thành biểu tượng vĩnh cửu của dịch vụ thư điện tử (email).
Tomlinson cũng được giới công nghệ ghi nhận là người tiên phong trong việc triển khai các trường dữ liệu cho email như tiêu đề, địa chỉ người gửi, thông tin ngày tháng...
Sinh năm 1941 tại thành phố Amsterdam (New York, Mỹ), Tomlinson vào học tại Viện công nghệ danh tiếng Massachusetts sau khi nhận bằng kỹ sư khoa học chuyên ngành điện hồi năm 1963.
Tomlinson bắt đầu làm việc tại BBN từ năm 1967.
Đến năm 1971, Tomlinson phát triển ứng dụng đầu tiên cho mạng thư điện tử thuộc dự án ARPANET bằng cách kết nối lại các ứng dụng email dành cho người dùng nội bộ mang tên SNDMSG mà ông này đang thực hiện vào thời điểm đó, đồng thời triển khai một ứng dụng truyền nhận tập tin mang tên CPYNET, qua đó cho phép gửi email đến người dùng trên các máy tính khác.
*****
Bình luận thêm của PGS, TS Đàm Đức Vượng
Tôi ngày nào cũng phải sử dụng E.mail với biểu tượng @, ít nhất là 10 lần trong 1 ngày, có ngày, tôi gửi tới 40 E.mail đi các nơi để trao đổi học thuật. Nếu không có e.mail chắc không "sống nổi" trong nghiên cứu khoa học, vì qua E.mail, mọi thông tin đến với tôi nhanh nhất và thông tin của tôi đến với bầu bạn trên thế giới và trong nước cũng nhanh nhất. Còn độ chính xác của E.mail thế nào, khỏi phải lo, nó tùy thuộc vào sự phân tích và trình độ nhận thức của mình. Vì vậy, tôi vô cùng biết ơn nhà phát minh vĩ đại Ray Tômlinson, vì nếu không có phát minh vĩ đại của Ông, mọi thông tin của nhân loại sẽ chậm không biết bao nhiêu lần. Nếu ai đó không biết sử dụng thành thạo Website và E.mail sẽ rất thiệt thòi.
Nước Mỹ là hợp chủng quốc, cho nên có rất nhiều người tài giỏi, nước có nhiều người nhất thế giới nhận được giải thưởng Nobel. Họ xứng đáng là nước đứng đầu thế giới.
Xin được thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ nhà phát minh vĩ đại R.Tomlinson. Kính chúc Ông yên nghỉ trong cõi nghìn thu. Nhân loại mãi mãi biết ơn Ông!
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực