Mới cập nhật

Khoa học về lý số" (Dự đoán khoa học về con người và cuộc đời)

Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản cuốn sách "Khoa học về lý số" (Dự đoán khoa học về con người và cuộc đời) của PGS, TS Đàm Đức Vương (Đức Vượng), Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH). Sách dày 437 trang, khổ giấy lớn với 12 chương. Cuốn sách này, PGS, TS Đức Vượng bắt đầu viết từ mùa Xuân năm 2010 và hoàn thành vào mùa Đông năm 2014.
Đây là cuốn sách luận giải về lý số bằng khoa học. Tướng - số - vận hợp thành lý số. Tuy viết bằng thể văn chính luận, nhưng đọc có sức hấp dẫn từ đầu đến cuối, bởi Tác giả đã phân tích một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, những nhận định, đánh giá, phân tích và xen vào là kể chuyện lịch sử về những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình có liên quan đến tướng - số. Mọi trích dẫn, đều ghi rõ nguồn một cách cẩn trọng.
Cùng với hàng chục cuốn sách khoa học về lịch sử - lý luận - thực tiễn và 5 tập thơ đã được xuất bản ở trong nước và ngoài nước, sách: "Khoa học về lý số" (Dự đoàn khoa học về con người và cuộc đời), đã đưa Ông trở thành nhà khoa học - nhà lý số - nhà thơ đích thực. Phải nói rằng, sức viết của Ông rất sung mãn và đầy ắp trí tuệ.
1. Trong sách "Khoa học về lý số", Tác giả đã đưa ra những trường phái, quan niệm khác nhau về tướng - số, trong đó, Tác giả nhấn mạnh đến trường phái "Vô thần luận". "Vô thần luận" là do hai chữ Hy Lạp "A théos". "A" có nghĩa là "không" và chữ "théos" có nghĩa là "thần thánh" đem ghép lại thành "không thần thánh" (Vô thần luận). Phái Vô thần luận gồm những nhà triết học duy vật của Hy Lạp, như Đêmôcrít, Êpiquya,... phủ nhận hoàn toàn sự tin tưởng vào thần thánh, thần linh, vào ma quỷ, tôn giáo, tướng - số, phủ nhận tất cả, chỉ thừa nhận thế giới này có một thứ độc nhất là nguyên tử. Các Mác đã lấy hai nhân vật này làm đối tượng nghiên cứu của mình trong luận án tiến sĩ triết học của Ông: "Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrít và Êpiquya". Tác giả cuốn sách Khoa học về lý số, thừa nhận những điểm hợp lý của phái Vô thần luận. Tuy nhiên, Ông cũng cho rằng, Vô thần luận trước C. Mác đã có những thiếu sót lớn, vì họ chỉ thấy mặt không thuận của tôn giáo, còn những mặt hợp lý thuộc về thế giới tinh thần của tôn giáo, thì họ lại không phân tích, và cho rằng, mở rộng được giáo dục là đủ để trừ bỏ những sự tin nhảm về tôn giáo. Ai đó quan niệm về tôn giáo chỉ thấy mặt không thuận, mà không thấy mặt thuận là không đúng về nhận thức luận.
Tác giả luận rằng, xem "tướng - số" phải kết hợp với "vận" thành "tướng - số - vận" & xét về mặt thuật ngữ, giữa "tướng - số" và "vận mệnh" của con người đều có chung một ý nghĩa, một nội dung, tuy cách biểu hiện đôi khi thống nhất, nhưng không hẳn đồng nhất. Con người chỉ có thể nương theo vận số. Nếu gặp vận thịnh, thì tranh thủ khai thác thuận lợi, gặp vận suy thì an phận thủ thường, có biện pháp phòng ngừa hợp lý để giảm bớt rủi ro.
Từ trước tới nay, người ta thường xem tướng - số tách ra từng mảng. Có người chuyên xem số, vận mệnh, giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh, rồi đoán ra số phận của người đó. Có người chuyên xem tướng, tướng mặt, tướng đường vân tay, nốt ruồi, rồi đoán ra số phận của người đó. Rất ít thấy ai biết kết hợp giữa "tướng" - "số" - "vận". "Vận" ở đây là thời vận, thời điểm, hoàn cảnh xã hội có tác động đến số phận con người. Chỉ khi nào biết kết hợp giữa xem số, xem tướng, hoàn cảnh xã hội (vận), thì khi ấy tướng số mới trở thành khoa học.
Xem tướng - số - vận phải dựa trên cơ sở khoa học dự cảm và khoa học dự đoán. Trong triết học hiện đại, thuật ngữ "dự cảm" được dùng với ý nghĩa thấy trước một điều gì đó sẽ xảy ra đối với người đó. Dự đoán khoa học là nghệ thuật dự đoán những hiện tượng, sự kiện, hành vi và quá trình có thể hay tất nhiên sẽ xảy ra, nhờ vào việc thông hiểu những quy luật khách quan của khoa học về con người.
Tác giả trình bày về chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, cái tất yếu (tất nhiên) và cái ngẫu nhiên, nhân - quả, hình thức và nội dung, mối liên hệ, liên tưởng đều có liên quan đến tướng - số - vận.
Theo Tác giả, thì tướng - số - vận có quy luật của nó. Nói đến quy luật của tướng - số - vận là nói đến mối liên hệ cơ bản bên trong của con người xảy ra với các hiện tượng, sự kiện, chi phối sự phát triển tất yếu của những hiện tượng, sự kiện ấy. Những quy luật đặc thù riêng cho một hiện tượng, sự việc sắp xảy ra, sẽ xảy ra; những quy luật chung cho một số lớn các hiện tượng, sự việc sắp xảy ra, sẽ xảy ra; những quy luật phổ biến của các hiện tượng, sự việc sắp xảy ra, sẽ xảy ra.
Theo Tác giả, thì thiên nhiên (tự nhiên) tác động trực tiếp đến số phận con người. Mặt Trời, Mặt Trăng, gió, bão, sấm sét, nước thủy triều lên xuống,... đều có ảnh hưởng trực tiếp đến con người. "Thiên nhiên có lúc tưởng như vô tình, nhưng kỳ thực lại vận vào vận nước, vận nhà một cách thường xuyên"1.
Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã phân tích khá kỹ về "bộ ba": tướng - số - vận:
Về tướng: Tác giả đã phân tích khá sâu sắc lý luận về tướng mạo, diện mạo, cử chỉ, tiếng nói, dáng đi, thân hình, khuôn mặt của mỗi người,... "Cái cốt lõi trong tướng mệnh học là thần sắc, thần khí, khí sắc của từng người. Sắc mặt là biểu hiện của khí chất bên trong. Khí chất tốt hiện lên sắc mặt mỗi người, gọi là quang nhuận. Thần do khí sinh ra, sắc cũng do khí sinh ra"2. Khí là một vật trong suốt, không hình dạng, ở trong trạng thái đè nén, có thể choán hết không gian dành cho nó. Nó nhập vào trong mỗi con người, biến đổi sắc khí trên mỗi con người khi con người đó có vấn đề về linh hồn báo trước. Bằng những câu chuyện có thật, Tác giả đã phân tích về tướng mạo của con người một cách có sức thuyết phục. Sách "Toàn tướng thần biên", Tác giả đã đưa ra 8 cách xem tướng. Trong cuốn sách này, PGS, TS Đức Vượng đưa ra 10 cách xem tướng. Cùng với cách xem tướng là các kiểu người.
Về số: Trong lý số học, thì số chính là giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh của mỗi người, thường gọi là "bát tự". Khi xem vận mệnh của con người, thì cần phải có sự kết hợp, đối chiếu với nhiều yếu tố khác nữa, như Bốn mùa, Bát quái, Âm Dương, và nhất là phải kết hợp giữa tướng - số - vận, xem đó như một khoa học, thì may ra mới có lá số tương đối đúng.
Về vận: Tác giả phân tích về vận là thời vận, hoàn cảnh xã hội, yếu tố chính trị xã hội. Vận còn là sự vận động của xã hội tác động đến vận mệnh của mỗi con người. Số phận của mỗi con người phần lớn nằm trong hoàn cảnh xã hội. "Sự phát triển của các phương thức sản xuất của cải vật chất cần thiết cho sự sống của con người, đó là lực lượng căn bản quyết định toàn bộ sinh hoạt xã hội và sinh hoạt của mỗi con người, nó quyết định phần lớn đối với vận mệnh của con người"3.
Tác giả nhận định rằng, theo quan niệm của người xưa, mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời con người, từ chuyện giàu nghèo, sang hèn, họa phúc, may rủi, sống chết, được mất đến học hành thi cử, buôn bán,... đều bị một thế lực vô hình chi phối, đó là vận mệnh, số mệnh, số phận. Tác giả nhận định mỗi người đều có số mệnh của mình. Quan niệm về vận mệnh, số mệnh, số phận của con người đã có từ thời cổ đại. Theo Khổng Tử, sự sống chết, giàu nghèo, sướng khổ của một người đều có liên quan mật thiết đến đấng tối cao, mà con người chỉ có thể khuôn theo. Vì vậy, Khổng Tử kết luận: "Nếu không hiểu về số mệnh, không phải là người quân tử". Ở đây, PGS, TS Đức Vượng phân tích vấn đề không phải chỉ dừng lại ở số mệnh, mà theo Tác giả, điểm mấu chốt là phải vượt lên số mệnh mà sống, đấy mới là bậc chính nhân quân tử.
2. Trong sách "Khoa học về lý số", PGS, TS Đức Vượng đã phân tích một cách có sức thuyết phục lịch sử về tướng - số. Về nguồn gốc ra đời của tướng - số, theo Tác giả, nó bắt đầu từ quốc gia nào cần phải được tiếp tục nghiên cứu, vì hiện nay, phần lớn, chúng ta mới chỉ tiếp xúc với các sách tướng - số của Trung Quốc, chứ chưa tiếp xúc nhiều với sách tướng - số của Ấn Độ và các nước khác, cho nên chưa thể khẳng định nguồn gốc ra đời của tướng - số bắt đầu từ quốc gia nào?
Theo sách "Bạch hổ thông nghĩa" và sách "Luận hành" của Vương Sung, một nhà lý số lớn của Trung Quốc cổ đại, thì thuật tướng - số của Trung Quốc ra đời vào thời Lưỡng Hán (206 trước Công nguyên), đến nay đã là hơn 2.200 năm. Trải qua các triều đại của Trung Quốc, tướng - số cứ lớn dần lên, cùng với các cuốn sách ngày càng nhiều thêm. Có thể nói, từ đời Đường, đời Tống trở đi, thuật tướng - số Trung Quốc chính thức bước vào giai đoạn hưng thịnh và phát triển rộng rãi tới các đời sau. Người đời sau đọc các sách tướng - số của người đời trước, rồi viết bổ sung, cứ thế, cứ thế, số sách về thuật tướng - số ngày càng nhiều, có tới hàng vạn quyển, đọc không xuể.
PGS, TS Đức Vượng đã dành nhiều trang phân tích về tướng - số xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào? Người Bách Việt xưa tin ở mệnh trời tác động đến số mệnh con người rất sớm, cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm, mặc dù lúc này khái niệm tướng - số chưa xuất hiện. Người Bách Việt xưa, khi họ phải chống đỡ với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của xã hội, của sự sống, thì nảy sinh tư tưởng tìm đến tín ngưỡng. Bên cạnh đó, thuật tướng - số của Trung Quốc du nhập vào, dần dần hình thành nên hệ thống tướng - số ở Việt Nam. Sách "Đại Việt sử ký Toàn thư" dẫn sách của Chu Dịch nói rằng: "Có trời đất rồi sau mới có muôn vật, có muôn vật rồi sau mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi".
PGS, TS Đức Vượng phân tích, tại Việt Nam, qua các triều đại: Kỷ họ Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, triều đại Hùng Vương, Triều Đinh, triều Tiền Lê, triều Lý, triều Trần, triều Hồ, triều Lê sơ đến hậu Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn,... tướng - số phát triển theo từng chế độ chính trị, lúc nhặt, lúc thưa...
3. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã phân tích khá sâu sắc lý luận về tướng - số (lý số) - Âm Dương - Can Chi - Ngũ Hành - Tứ Trụ - Số Tử vi Chiêm Tinh học - Bát Quái - Chu Dịch.
Trong cuốn sách "Thuật tướng số cổ đại Trung Quốc" của hai tác giả Hồng Phi Mô và Khương Ngọc Trân đã đề cập đến lý luận cơ bản của thuật tướng số là Thiên Can - Địa Chi; Âm Dương - Ngũ Hành. Họ ghép hai cặp phạm trù Thiên Can - Địa Chi là một và Âm Dương - Ngũ Hành là một. PGS, TS Đức Vượng cho rằng, Âm Dương phải là một cặp phạm trù riêng và Ngũ Hành cũng phải là một cặp phạm trù riêng, mặc dù hai cặp phạm trù này có liên quan mật thiết với nhau. Ngoài ra, theo PGS, TS Đức Vượng, lý luận về tướng số còn phải tính đến Tứ Trụ, Số Tử Vi, Chiêm Tinh học, lại có liên quan đến Chu Dịch thì mới thành lý số hoàn chỉnh.
Lý luận phản ánh của tướng - số (lý số) là sự thể hiện từng bộ phận của tướng - số (lý số), liên quan với nhau của tướng - số (lý số). Sự phản ánh với tính cách một nguyên lý về nhận thức đã được đúc kết thành những kinh nghiệm có tính chất tổng kết về số mệnh của mỗi con người. "Đặc tính của lý luận phản ánh trong tướng - số (lý số) là dựa vào những vấn đề đặt ra như Âm Dương, Can Chi, Ngũ Hành, Tứ Trụ, Tử Vi, Chiêm Tinh học, Chu Dịch, trên cơ sở đó mới có thể phân tích, tổng hợp, đoán định được một cách tương đối đúng về số mệnh của con người trong quá khứ, hiện tại, tương lai"4.
Về Âm Dương: Theo PGS, TS Đức Vượng, "Âm - Dương là học thuyết thể hiện sự đối lập trong thống nhất của vạn vật trong thế giới tự nhiên, xã hội, con người; là hai mặt tương phản, nhưng lại tác động vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Các mặt đối lập là những yếu tố, những mặt thống nhất không thể tách rời; cũng có thể trong cùng một mặt, nhưng lại thâm nhập lẫn nhau; đồng thời, cũng có thể loại trừ lẫn nhau. Không có các mặt đối lập nếu không có sự thống nhất của các mặt đối lập đó, không có sự thống nhất nếu không có các mặt đối lập (Âm Dương). Sự thống nhất của các mặt đối lập Âm Dương chỉ là tương đối. Quy luật này giải thích nguồn gốc bên trong khách quan của mọi sự vận động (Âm Dương để đạt tới thống nhất"5. Vì vậy, có thể nói "Âm Dương vừa là bản chất, vừa là hiện tượng, đồng thời cũng là quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và con người"6.
Về Ngũ Hành: Theo PGS, TS Đức Vượng, "Ngũ Hành" là tên gọi của người phương Đông, còn người phương Tây gọi là "Nguyên tố". Đó là "5 hành" (5 loại vật chất cơ bản, 5 nguyên tố): Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự vận động biến hóa của 5 loại vật chất này đã tạo nên thế giới muôn màu muôn vẻ. Con người và vạn vật nảy sinh ra cũng từ 5 nguyên tố này + "nguyên tố không khí" mà người đời xưa không nhìn thấy, cho nên không tổng kết. Đây là lý luận trong quá trình nhận thức về thế giới vật chất của con người từ trước đến nay. Ngũ Hành là sự vận động của thế giới vật chất gồm Kim (kim loại, đá, quặng), Mộc là cây cối, Thủy là nước. Hỏa là lửa, Thổ là đất. "Người đời xưa quan niệm trong thế giới tự nhiên, thế giới con người và thế giới động vật đều do 5 nguyên tố này tác thành. Nó không ngừng biến đổi, vận động biến hóa. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Nếu không có nó, con người không thể duy trì sự sống, bởi vì chính nó sinh ra sự sống. Sự tuần hoàn liên tục của vũ trụ và trái đất cũng nhờ có 5 nguyên tố này"7.
Thuyết Ngũ Hành nhấn mạnh đến chỉnh thể. Nó giải thích về mối quan hệ và các hình thức vận động của trời đất. Thuyết Ngũ Hành liên quan mật thiết đến vũ trụ và thiên văn học. Ngũ Hành tạo ra năng lượng, cái để đo sự vận động của vật chất.
Về Can Chi (Thiên Can Địa Chi): Can Chi là Trời Đất. Mỗi Thiên Can trong 10 Thiên Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) đều có thuộc tính Ngũ Hành tương ứng. Mỗi Địa Chi trong 12 Địa Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) cũng có thuộc tính của Ngũ Hành tương ứng. Giữa Âm Dương - Ngũ Hành - Can Chi có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Về số Tử vi và Chiêm tinh học: Đây là vấn đề xem sao trời (tinh tú) để đoán vận mệnh của mỗi con người. Chiêm tinh học là khoa học nghiên cứu khí của các tinh tú chiếu vào số mệnh của mỗi con người. Nhờ nghiên cứu Chiêm tinh học một cách đúng đắn, khoa học, con người sẽ hiểu biết mệnh trời, biết tin ở mình và sống cuộc đời thoải mái, không bi quan, không lạc quan, yên vui, tự tại. Từ ngàn xưa, Chiêm tinh học vẫn được coi là một khoa học quan trọng. Chiêm tinh gia có thể sánh ngang với giáo sĩ. Theo đạo sĩ người Ấn Độ S.Babu, thì khoa Chiêm tinh vẫn bị người đời hiểu lầm và diễn tả sai lạc rất nhiều. Vì vậy, các nhà khoa học cần phải nghiên cứu nghiêm túc hơn nữa về bộ môn này để lý giải Chiêm tinh với góc độ nghiên cứu khoa học, gọi là khoa học về Chiêm tinh.
Về Kinh Dịch (Chu Dịch): Đây chính là bộ sách ra đời từ thời Phục Hy (Bào Hy), cách đây khoảng gần một vạn năm. Bộ sách này phân tích về sự vận động, chuyển dịch của Vũ trụ - Trời Đất, liên quan đến vận mệnh và cuộc sống của con người, được xem như quy luật vận động của cuộc sống con người.
Theo PGS, TS Đức Vượng, bộ sách này không giống với các bộ sách thông thường ở chỗ biểu hiện ban đầu không phải là chữ, mà là những vạch. Từ đời vua Phục Hy đến cuối Nhà Thương, Kinh Dịch (Chu Dịch) vẫn chỉ là hệ thống các vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu, chữ nghĩa gì cả. Cho đến sang đầu Nhà Chu (cách đây khoảng hơn ba nghìn năm), vua Chu Văn Vương mới đem những quẻ (vạch) của vua Phục Hy và đặt từng tên, viết thêm lời (chữ) ở dưới mỗi quẻ. Vì vậy, đến Nhà Chu, Kinh Dịch được mang tên mới: Chu Dịch. Kinh Dịch và Chu Dịch là một bộ sách liên hoàn được bổ sung qua các triều vua. Từ thời Chu Văn Vương, Kinh Dịch (Chu Dịch) mới trở thành chữ viết. Khổng Tử cũng đã bổ sung vào Kinh Dịch (Chu Dịch) một số thiên.
Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã trình bày một cách dễ hiểu, có liên hệ với thực tế về 64 quẻ trong Kinh Dịch (Chu Dịch), từ quẻ số 1 là "Càn" - Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh,  đến quẻ số 64 (quẻ cuối cùng) là "Vị tế" - Dừng lại khi thấy phải dừng.
4. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã phân tích về các nhà lý số giỏi, cụ thể là các nhà tiên tri của Việt Nam và các nước. Về các nhà tiên tri của Việt Nam, Tác giả đề cập đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Sĩ Liên, Hồ Chí Minh. Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình) là một nhà lý số, nhà tiên tri giỏi, đã dự đoán đất nước sẽ hưng thịnh sau 500 năm. "Hồng Lam ngũ bách nghinh thiên hạ/Hưng tổ diên trường ức vạn xuân". Có nghĩa là đất nước Hồng Lam này sẽ được hưng thịnh sau khoảng 500 năm. Ngô Sĩ Liên là một nhà lý số, nhà tiên tri giỏi, trong "Đại Việt Sử ký toàn thư", Ông đã bàn nhiều đến dự đoán về vận mệnh đất nước, rằng, "thánh nhân trăm năm mới sinh" một lần, đủ số lại trở về đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một vị thánh nhân. Người mất năm 1969. Đến nay (2015) đã được 46 năm. Như vậy, phải còn 46 năm nữa (năm 2069), Việt Nam lại mới xuất hiện thánh nhân. Hồ Chí Minh là một nhà lý số, nhà tiên tri giỏi. Ông đoán vận nước khá chính xác. Vào khoảng năm 1919 hoặc năm 1920, Ông viết bài thơ lục bát "Việt Nam yêu cầu ca", tiên đoán đồng bào Nam Việt nhất định sẽ giành được độc lập, tự do. Lời tiên đoán này đến năm 1945, đất nước đã giành được độc lập, tự do. Tháng 2-1942, Hồ Chí Minh viết truyện thơ dài: "Lịch sử nước ta". Cuối truyện thơ, Người viết: "Năm 1945, Việt Nam độc lập". Quả nhiên, năm 1945, Việt Nam độc lập. Năm 1960, Người viết: "Đến năm 1975, miền Nam Việt Nam giải phóng". Quả nhiên, đến năm 1975, miền Nam Việt Nam giải phóng, đất nước thống nhất.
Với các nhà tiên tri trên thế giới, PGS, TS Đức Vượng đã phân tích về nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, "đoán như thần"; nhà tiên tri người Thụy Điển Emanuel Swedenborg; nhà tiên tri Trung Quốc, quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng; nhà tiên tri người Mỹ, bà Jean Dixon; nhà tiên tri người Bungari, bà Baba Vanga.
5. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã dành hẳn một chương để bàn thêm về con người có liên quan đến tướng - số - vận. Con người là một đề tài đã quá cũ, nhưng mãi mãi vẫn còn rất hấp dẫn mỗi khi nghiên cứu nó. Người ta vẫn có thể khám phá ra những điều hết sức mới mẻ trong một đề tài đã quá cũ đó. Những vấn đề mới của một đề tài cũ vẫn luôn luôn được đặt ra và nghiên cứu. Đây là một đề tài "muôn thuở", nhưng cũng là "một thuở". "Con người ta muốn cho cõi lòng mình được thanh thản, xin hãy sống chung với thiên nhiên, với trời đất. Sống sát với thiên nhiên, trời đất, con người sẽ trở nên phóng khoáng"8. "Trong cuộc sống, mỗi người có một thân, một phận, một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Chết đi cũng mỗi người mỗi mồ. Thể xác dần dần biến thành đất cát, về nơi cát bụi, hòa chung với "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền"9. Vấn đề mà PGS,TS Đức Vượng đặt ra là xây dựng con người khỏe mạnh, trí tuệ từ trong trứng nước, tạo dựng lên một người có số mệnh, số phận tốt. Theo PGS, TS Đức Vượng, vận mệnh con người có thể điều chỉnh được, "nhân định thắng thiên".
6. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã dành hẳn một chương để nêu những vấn đề có liên quan đến tướng - số, như vấn đề hôn nhân và sinh con đẻ cái; vấn đề phong thủy và nhà ở; vấn đề mồ mả, tổ tiên, ông bà, cha mẹ; vấn đề cúng giỗ và cầu siêu; vấn đề có kiếp trước, kiếp sau không; vấn đề phù thủy; vấn đề thôi miên; yếu tố di truyền; yếu tố gia đình; chỉ số IQ; ADN; nhóm máu; năng lượng; vấn đề đặt tên cho con.
7. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã dành hẳn một chương bàn về linh hồn - tâm linh - linh tính - thần giao cách cảm - may rủi cuộc đời. Bằng những cứ liệu cụ thể, Tác giả đã làm sáng tỏ vấn đề có linh hồn không? Có tâm linh không? Thần giao cách cảm là thế nào? Có linh tính không? Có họa phúc, may rủi không? "Ở đời, may rủi, họa phúc khôn lường, khó lòng biết được. Trong cái may, cái phúc, thường có cái rủi, cái họa đững bên cạnh nhau, rập rình. Một cái có hình, một cái vô hình. Đến khi chuyển đổi, cái vô hình, thành cái có hình, và ngược lại. Vì vậy, đối với sự may rủi, họa phúc là điều đã, đang và sẽ xảy ra. Có điều là khi gặp may, gặp phúc, ta cố giữ gìn, khi gặp rủi, gặp họa, ta cố bình tĩnh xem xét vấn đề tìm giải pháp khắc phục"10. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thừa nhận ở đời có cái rủi và cái may. Vấn đề đặt ra là phải biết "Biến cái rủi thành cái may..."11.
8. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã đưa ra những điều kiện để xem tướng - số - vận: Điều kiện về tâm lý, tâm lý học (yếu tố tâm lý); điều kiện về tri thức; điều kiện về tri giác và trực giác; điều kiện về thần kinh. Nhà tướng - số chỉ có thể hội đủ những điều kiện trên đây, thì mới có thể đoán định được vận mệnh, số phận của con người và cuộc đời được.
9. PGS, TS Đức Vượng phân tích cặn kẽ trong một chương về vấn đề hãy tự phấn đấu, tự vươn lên số mệnh, số phận để tự khẳng định được chính mình; hãy tự xem xét lại mình một cách nghiêm túc để vượt qua số phận mà tiến lên trên trường đời. Thực ra, đời rất ít cho ta bởi ta cũng chẳng có gì cho đời, cho nên chỉ có tự phấn đấu, tự trông vào mình, thì mới có cơ may đứng được và tiến lên trên trường đời.
10. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng đã đưa ra một vài vấn đề có thể khắc phục được số phận nghiệt ngã, như hãy tự thân vận động, tự hoàn thiện mình; cách cư xử ở đời. Xin hãy tin vào tướng - số một nửa, còn một nửa hãy tin vào chính bản thân mình; mang tình thương đến với con người; hãy rèn luyện để có sức khỏe; đọc nhiều, viết nhiều, luôn luôn động não để giữ được trí tuệ minh mẫn, tránh được xuất huyết não. Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm.
11. Trong sách Khoa học về lý số, PGS, TS Đức Vượng nêu lên những kinh nghiệm bạn có thể tự xem được tướng số của mình. Khi tự xem tướng cho mình, bạn cần lưu ý đến thân thể bạn, từ khuôn mặt đến vầng trán, đôi mắt, cái mũi, vành tai, miệng, chân tay,... rồi đối chiếu với sách hướng dẫn, bạn có thể tự xem cho mình một cách khá chính xác. Khi xem số, bạn phải hỏi cha mẹ mình sinh mình vào giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào, rồi đối chiếu với sách hướng dẫn, thế là bạn có một lá số hoàn hảo. Bạn nên cân nhắc cẩn thận với những chữ số. Tùy theo từng người mà con số có thể vận vào đời bạn một cách hanh thông hay không hanh thông.
12. Trong sách Khoa học về tướng - số, PGS, TS Đức Vượng đã nêu lên một số kinh nghiệm rút ra khi xem tướng - số, trong đó, Tác giả nhấn mạnh đến kinh nghiệm thực tiễn, từ đó mà có sự tổng kết về tướng - số, và qua đó, nâng thành lý luận về tướng số, đó là lý số.
Lý số giải thích câu nói của Khổng Tử: "Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên" (sống chết có số, phú quý tại trời). Theo PGS, TS Đức Vượng, dưới góc độ lý số, câu nói này, chỉ đúng một nửa, còn một nửa chính là "Nhân định thắng thiên". Đúng vậy, nếu con người ta cứ an phận với sống, chết có số, phú quý tại trời, thì sẽ dẫn đến cái cảnh "ngồi chờ chết", rất nguy hiểm. Không phải tất cả những chữ của "thánh hiền" cũng đều đúng. Vượt lên số phận nghiệt ngã để trưởng thành mới xứng đáng là anh hùng hào kiệt ở đời.
Phụ lục của cuốn sách có giải nghĩa cặn kẽ về 120 câu thơ của cụ Tả Ao về địa đạo và địa linh. Cuối cùng là bài thơ dài 363 câu của PGS, TS Đức Vượng tổng kết về lý số.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh  
*****
Chú thích:
1. PGS, TS Đàm Đức Vượng: Khoa học về lý số (Dự đoán Khoa học về con người và cuộc đời), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015, tr.38. 2. Khoa học về lý số, sđd, tr. 41. 3. Khoa học về lý số, sđd, tr.60. 4. Khoa học về lý số, sđd, tr. 101. 5,6. Khoa học về lý số, sđd, tr. 103. 7. Khoa học về lý số, sđd, tr. 105. 8,9. Khoa học về lý số, sđd, tr. 234. 10. Khoa học về lý số, sđd, tr. 437, 438. 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 3-4.