LÝ LUẬN VỀ ÂM DƯƠNG
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Rằng trong vũ trụ bao la
Mịt mùng trời đất sinh ra muôn loài.
Không gian vô tận cảm hoài
Sinh ra tĩnh động chẳng ai đo lường
Động thì sinh bởi khí Dương
Tĩnh do Âm khí đêm trường mà sinh.
Âm là cái của tinh thần
Dương là vật chất tạo thành thể nhân.
Âm Dương tách biệt đôi phần
Cũng là đến lúc lìa trần gian đi.
Âm Dương kết nối một khi
Báo rằng đời đã hết suy đến cường.
Đôi ta hòa hợp Âm Dương
Đời tràn hạnh phúc vấn vương tơ lòng.
Nước Âm mát dịu trắng trong
Lửa Dương sưởi ấm đêm đông lạnh lùng.
Âm Dương khăng khít hợp cùng
Dệt nên tình nghĩa vợ chồng lứa đôi.
Praha, Séc, Đêm 22-1-2002
Đức Vượng
Bài thơ Âm Dương được viết ra trong lúc tôi đang công tác ở châu Âu. Trong cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc có người đề nghị tôi nên viết bài thơ về Âm Dương và giải thích về học thuyết Âm Dương. Tôi đã suy nghĩ nhiều về Âm Dương và đã viết thành bài thơ này.
Lý luận về Âm Dương là lý luận về hai thứ khí bởi hai thái cực mà ra, và do đó mà biến hóa sinh nở muôn vật và cũng tàn lụi muôn vật; là lý luận về trời đất, thiên thời, địa lợi, nhân hòa; là lý luận về sống chết một đời người; lý luận về giới tính... Lý luận về Âm Dương là lý luận thực hành. Nó phơi bày ra hằng ngày ở nơi đất - trời, ở cuộc sống hằng ngày của mỗi con người. Nó là luật sống ở đời. Lý luận về Âm Dương gắn bó chặt chẽ với Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Chỉ có Âm Dương hòa hợp thì con người mới sống được. Bóc tách Âm Dương ra khỏi nhau, vạn vật sẽ chết và con người cũng sẽ chết. Âm Dương hòa hợp là tình cao nghĩa cả của vợ chồng, gia đình, là đạo lớn của con người sống trong vũ trụ bao la.
Theo cách giải thích của triết học cổ đại Trung Quốc, thì tất cả vạn vật trên trái đất đều được chia thành Âm Dương, như ngày là Dương, đêm là Âm; chồng là Dương, vợ là Âm; nóng thuộc Dương, lạnh thuộc Âm; số lẻ thuộc Dương, số chẵn thuộc Âm; bề ngoài là Dương, bên trong là Âm,... Trong xã hội, khi chế ra các dụng cụ điện người ta cũng chia ra cực Âm và cực Dương,... Âm Dương còn được thể hiện trong Âm Dương lịch. Lịch căn cứ vào chuyển động của Mặt Trăng quay chung quanh Trái Đất và Trái Đất quay chung quanh Mặt Trời, mà ấn định mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày (riêng tháng 2 âm lịch, không nhuận chỉ có 28 ngày); mỗi năm 12 tháng, năm nhuận 13 tháng. Khi cúng tế, người ta cũng nghĩ ra cách xin Âm Dương, tưởng tượng ra xin ý kiến của các vị thần thánh, thần linh bằng hai đồng tiền gieo trên đĩa, khi một đồng sấp (tượng trưng cho Dương) và một đồng ngửa (tượng trưng cho Âm), thì coi như các vị thần thánh, thần linh đã chấp thuận; còn hai đồng tiền đều sấp hoặc đều ngửa, thì là “có vấn đề về số phận”, phải gieo lại cho đến khi một đồng sấp, một đồng ngửa mới thôi. Trong một cơ quan, đơn vị, thủ trưởng là Dương, nhân viên là Âm. Giữa thủ trưởng và nhân viên hòa hợp thì cơ quan, đơn vị đó phát triển. Còn nếu thủ trưởng và nhân viên không hòa hợp thì cơ quan, đơn vị đó mất đoàn kết, nát bét. Ý nghĩa sâu sắc của Âm Dương còn thể hiện ở chỗ trong Dương có Âm, trong Âm có Dương.
Khi trong một cơ thể con người chỉ còn phần Âm, mất phần Dương, hoặc chỉ còn phần Dương, mất phần Âm là đến lúc sức khỏe bắt đầu suy giảm và sẽ đi đến tử vong. Thí dụ, trái tim là Âm, bộ não là Dương, khi một trong hai cái đó yếu đi, thì sức khỏe có vấn đề. Vì vậy, một vấn đề đặt ra đối với sức khỏe là phải biết điều hòa Âm Dương.
Nguyên lý của Âm Dương là “cô Dương bất sinh, độc Âm bất trưởng”. Chỉ có Âm Dương hài hòa, tương tác lẫn nhau mới làm cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, biến hóa không ngừng. Thí dụ, đàn ông ngủ với đàn ông thì không thể sinh con, đẻ cái, đàn bà ngủ với đàn bà cũng vậy. Mọi cái đều phải do Âm Dương tác thành. Âm dương vừa là bản chất, vừa là hiện tượng, đồng thời cũng là quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và con người.
Học thuyết Âm Dương là học thuyết thể hiện sự đối lập trong thống nhất của vạn vật trong thế giới tự nhiên, xã hội, con người; là hai mặt tương phản, nhưng lại tác động vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Các mặt đối lập là những yếu tố, những mặt thống nhất không thể tách rời; cũng có thể trong cùng một mặt, nhưng lại thâm nhập lẫn nhau; đồng thời, cũng có thể loại trừ lẫn nhau. Không có các mặt đối lập nếu không có sự thống nhất của các mặt đối lập đó, không có sự thống nhất nếu không có các mặt đối lập (Âm Dương). Sự thống nhất của các mặt đối lập (Âm Dương) chỉ là tương đối. Quy luật này giải thích nguồn gốc bên trong khách quan của mọi sự vận động (Âm Dương) để đạt tới thống nhất. Tư duy biện chứng không chia cắt cái toàn thể, thống nhất, không phân định ranh giới một cách trừu tượng hai thái cực (Âm Dương), mà trái lại, nắm lấy cái toàn thể, thống nhất như là một cái hữu cơ, như một hệ thống, trong đó, các mặt đối lập (Âm Dương) thâm nhập lẫn nhau, tác động vào nhau và chi phối toàn bộ quá trình phát triển. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập với tính cách là một quy luật của nhận thức về Âm Dương, thực chất là quy luật của thế giới khách quan.
Âm Dương chi phối toàn bộ cuộc sống; sinh hoạt vật chất và tinh thần hằng ngày cũng do Âm Dương chi phối. Trong một gia đình cũng phải có Âm có Dương. Nếu thiếu đi một vế, tự nhiên cảnh vật và cuộc sống sẽ trở nên vắng vẻ, buồn tẻ.
Trong cuốn sách “880 câu hỏi về thuật số” của tác giả Thiệu Vĩ Hoa (1) đã nêu khái niệm về Âm Dương bắt nguồn từ việc quan sát tự nhiên. Người xưa nhận thấy các sự vật vừa đối lập lại vừa thống nhất, như trời - đất, , nam - nữ, ngày - đêm, nóng - lạnh, trên - dưới,..., từ đó, quy nạp lại thành nguyên lý triết học, tạo thành khái niệm Âm Dương. Dần dần, khái niệm Âm Dương được ứng dụng vào mọi phương diện của văn hóa như tôn giáo, triết học, lịch pháp, thiên văn, y dược, kiến trúc, âm nhạc, bói toán,... Thiệu Vĩ Hoa định nghĩa về thuyết Âm Dương là bản thể của vạn vật trong vũ trụ. Âm Dương là hai thuộc tính của sự vật, được sinh ra từ thái cực. Ký hiệu của Dương là “_” và ký hiệu của Âm là “_ _”, thể hiện quan niệm sinh thành “một chia thành hai” trong quá trình quan sát sự vật và hiện tượng của người đời xưa.
Dương đại diện cho số lẻ, sáng sủa, mặt phải, vận động, màu trắng, lớn mạnh, bên ngoài, số dương, úp xuống, thực tế, bên trái, đức sinh, cởi mở,..., nói chung là chủ về động. Còn Âm đại diện cho số chẵn, tối tăm, mặt trái, tĩnh tại, màu đen, yếu đuổi, bên trong, số âm, ngửa lên, nói chung là chủ về tĩnh. Âm Dương là hai mặt tồn tại trong cùng một sự vật và không ngừng chuyển hóa lẫn nhau. Âm thịnh thì Dương suy, Âm suy thì Dương thịnh. Âm cực thì sinh Dương, Dương cực thì sinh Âm.
Muôn vật trong trời đất đều có yếu tố Âm Dương. Thời gian cũng có yếu tố Âm Dương. Trong một ngày, từ lúc bình minh đến giờ Ngọ (12 giờ trưa) là Dương trong Dương. Từ giờ Ngọ đến giờ Dậu (6 giờ chiều) cũng là Dương, nhưng lại là Dương trong Âm. Từ sau giờ Dậu đến khoảng nửa đêm là Âm trong Âm. Tử nửa đêm đến gà gáy là Âm trong Dương. Âm Dương vừa là khoa học, vừa mang màu sắc thần bí.
Học thuyết về Âm Dương còn phải được tiếp tục nghiên cứu và phát triển trong sự biến đổi của thế giới tự nhiên, của xã hội và của tư duy con người.
-----------------------
(1) Cuốn sách này do Tiến Thành biên dịch, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, từ trang 46
Rằng trong vũ trụ bao la
Mịt mùng trời đất sinh ra muôn loài.
Không gian vô tận cảm hoài
Sinh ra tĩnh động chẳng ai đo lường
Động thì sinh bởi khí Dương
Tĩnh do Âm khí đêm trường mà sinh.
Âm là cái của tinh thần
Dương là vật chất tạo thành thể nhân.
Âm Dương tách biệt đôi phần
Cũng là đến lúc lìa trần gian đi.
Âm Dương kết nối một khi
Báo rằng đời đã hết suy đến cường.
Đôi ta hòa hợp Âm Dương
Đời tràn hạnh phúc vấn vương tơ lòng.
Nước Âm mát dịu trắng trong
Lửa Dương sưởi ấm đêm đông lạnh lùng.
Âm Dương khăng khít hợp cùng
Dệt nên tình nghĩa vợ chồng lứa đôi.
Praha, Séc, Đêm 22-1-2002
Đức Vượng
Bài thơ Âm Dương được viết ra trong lúc tôi đang công tác ở châu Âu. Trong cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc có người đề nghị tôi nên viết bài thơ về Âm Dương và giải thích về học thuyết Âm Dương. Tôi đã suy nghĩ nhiều về Âm Dương và đã viết thành bài thơ này.
Lý luận về Âm Dương là lý luận về hai thứ khí bởi hai thái cực mà ra, và do đó mà biến hóa sinh nở muôn vật và cũng tàn lụi muôn vật; là lý luận về trời đất, thiên thời, địa lợi, nhân hòa; là lý luận về sống chết một đời người; lý luận về giới tính... Lý luận về Âm Dương là lý luận thực hành. Nó phơi bày ra hằng ngày ở nơi đất - trời, ở cuộc sống hằng ngày của mỗi con người. Nó là luật sống ở đời. Lý luận về Âm Dương gắn bó chặt chẽ với Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Chỉ có Âm Dương hòa hợp thì con người mới sống được. Bóc tách Âm Dương ra khỏi nhau, vạn vật sẽ chết và con người cũng sẽ chết. Âm Dương hòa hợp là tình cao nghĩa cả của vợ chồng, gia đình, là đạo lớn của con người sống trong vũ trụ bao la.
Theo cách giải thích của triết học cổ đại Trung Quốc, thì tất cả vạn vật trên trái đất đều được chia thành Âm Dương, như ngày là Dương, đêm là Âm; chồng là Dương, vợ là Âm; nóng thuộc Dương, lạnh thuộc Âm; số lẻ thuộc Dương, số chẵn thuộc Âm; bề ngoài là Dương, bên trong là Âm,... Trong xã hội, khi chế ra các dụng cụ điện người ta cũng chia ra cực Âm và cực Dương,... Âm Dương còn được thể hiện trong Âm Dương lịch. Lịch căn cứ vào chuyển động của Mặt Trăng quay chung quanh Trái Đất và Trái Đất quay chung quanh Mặt Trời, mà ấn định mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày (riêng tháng 2 âm lịch, không nhuận chỉ có 28 ngày); mỗi năm 12 tháng, năm nhuận 13 tháng. Khi cúng tế, người ta cũng nghĩ ra cách xin Âm Dương, tưởng tượng ra xin ý kiến của các vị thần thánh, thần linh bằng hai đồng tiền gieo trên đĩa, khi một đồng sấp (tượng trưng cho Dương) và một đồng ngửa (tượng trưng cho Âm), thì coi như các vị thần thánh, thần linh đã chấp thuận; còn hai đồng tiền đều sấp hoặc đều ngửa, thì là “có vấn đề về số phận”, phải gieo lại cho đến khi một đồng sấp, một đồng ngửa mới thôi. Trong một cơ quan, đơn vị, thủ trưởng là Dương, nhân viên là Âm. Giữa thủ trưởng và nhân viên hòa hợp thì cơ quan, đơn vị đó phát triển. Còn nếu thủ trưởng và nhân viên không hòa hợp thì cơ quan, đơn vị đó mất đoàn kết, nát bét. Ý nghĩa sâu sắc của Âm Dương còn thể hiện ở chỗ trong Dương có Âm, trong Âm có Dương.
Khi trong một cơ thể con người chỉ còn phần Âm, mất phần Dương, hoặc chỉ còn phần Dương, mất phần Âm là đến lúc sức khỏe bắt đầu suy giảm và sẽ đi đến tử vong. Thí dụ, trái tim là Âm, bộ não là Dương, khi một trong hai cái đó yếu đi, thì sức khỏe có vấn đề. Vì vậy, một vấn đề đặt ra đối với sức khỏe là phải biết điều hòa Âm Dương.
Nguyên lý của Âm Dương là “cô Dương bất sinh, độc Âm bất trưởng”. Chỉ có Âm Dương hài hòa, tương tác lẫn nhau mới làm cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, biến hóa không ngừng. Thí dụ, đàn ông ngủ với đàn ông thì không thể sinh con, đẻ cái, đàn bà ngủ với đàn bà cũng vậy. Mọi cái đều phải do Âm Dương tác thành. Âm dương vừa là bản chất, vừa là hiện tượng, đồng thời cũng là quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và con người.
Học thuyết Âm Dương là học thuyết thể hiện sự đối lập trong thống nhất của vạn vật trong thế giới tự nhiên, xã hội, con người; là hai mặt tương phản, nhưng lại tác động vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Các mặt đối lập là những yếu tố, những mặt thống nhất không thể tách rời; cũng có thể trong cùng một mặt, nhưng lại thâm nhập lẫn nhau; đồng thời, cũng có thể loại trừ lẫn nhau. Không có các mặt đối lập nếu không có sự thống nhất của các mặt đối lập đó, không có sự thống nhất nếu không có các mặt đối lập (Âm Dương). Sự thống nhất của các mặt đối lập (Âm Dương) chỉ là tương đối. Quy luật này giải thích nguồn gốc bên trong khách quan của mọi sự vận động (Âm Dương) để đạt tới thống nhất. Tư duy biện chứng không chia cắt cái toàn thể, thống nhất, không phân định ranh giới một cách trừu tượng hai thái cực (Âm Dương), mà trái lại, nắm lấy cái toàn thể, thống nhất như là một cái hữu cơ, như một hệ thống, trong đó, các mặt đối lập (Âm Dương) thâm nhập lẫn nhau, tác động vào nhau và chi phối toàn bộ quá trình phát triển. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập với tính cách là một quy luật của nhận thức về Âm Dương, thực chất là quy luật của thế giới khách quan.
Âm Dương chi phối toàn bộ cuộc sống; sinh hoạt vật chất và tinh thần hằng ngày cũng do Âm Dương chi phối. Trong một gia đình cũng phải có Âm có Dương. Nếu thiếu đi một vế, tự nhiên cảnh vật và cuộc sống sẽ trở nên vắng vẻ, buồn tẻ.
Trong cuốn sách “880 câu hỏi về thuật số” của tác giả Thiệu Vĩ Hoa (1) đã nêu khái niệm về Âm Dương bắt nguồn từ việc quan sát tự nhiên. Người xưa nhận thấy các sự vật vừa đối lập lại vừa thống nhất, như trời - đất, , nam - nữ, ngày - đêm, nóng - lạnh, trên - dưới,..., từ đó, quy nạp lại thành nguyên lý triết học, tạo thành khái niệm Âm Dương. Dần dần, khái niệm Âm Dương được ứng dụng vào mọi phương diện của văn hóa như tôn giáo, triết học, lịch pháp, thiên văn, y dược, kiến trúc, âm nhạc, bói toán,... Thiệu Vĩ Hoa định nghĩa về thuyết Âm Dương là bản thể của vạn vật trong vũ trụ. Âm Dương là hai thuộc tính của sự vật, được sinh ra từ thái cực. Ký hiệu của Dương là “_” và ký hiệu của Âm là “_ _”, thể hiện quan niệm sinh thành “một chia thành hai” trong quá trình quan sát sự vật và hiện tượng của người đời xưa.
Dương đại diện cho số lẻ, sáng sủa, mặt phải, vận động, màu trắng, lớn mạnh, bên ngoài, số dương, úp xuống, thực tế, bên trái, đức sinh, cởi mở,..., nói chung là chủ về động. Còn Âm đại diện cho số chẵn, tối tăm, mặt trái, tĩnh tại, màu đen, yếu đuổi, bên trong, số âm, ngửa lên, nói chung là chủ về tĩnh. Âm Dương là hai mặt tồn tại trong cùng một sự vật và không ngừng chuyển hóa lẫn nhau. Âm thịnh thì Dương suy, Âm suy thì Dương thịnh. Âm cực thì sinh Dương, Dương cực thì sinh Âm.
Muôn vật trong trời đất đều có yếu tố Âm Dương. Thời gian cũng có yếu tố Âm Dương. Trong một ngày, từ lúc bình minh đến giờ Ngọ (12 giờ trưa) là Dương trong Dương. Từ giờ Ngọ đến giờ Dậu (6 giờ chiều) cũng là Dương, nhưng lại là Dương trong Âm. Từ sau giờ Dậu đến khoảng nửa đêm là Âm trong Âm. Tử nửa đêm đến gà gáy là Âm trong Dương. Âm Dương vừa là khoa học, vừa mang màu sắc thần bí.
Học thuyết về Âm Dương còn phải được tiếp tục nghiên cứu và phát triển trong sự biến đổi của thế giới tự nhiên, của xã hội và của tư duy con người.
-----------------------
(1) Cuốn sách này do Tiến Thành biên dịch, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, từ trang 46