Nguyễn Văn Tố trên cương vị Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội
NGUYỄN VĂN TỐ TRÊN CƯƠNG VỊ BỘ TRƯỞNG BỘ CỨU TẾ XÃ HỘI[1]
PGS,TS ĐỨC VƯỢNG[2]
1. Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ Lâm thời, sau là Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946.
[caption id="attachment_24492" align="aligncenter" width="400"] Chính phủ VNDCCH năm 1946: Hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu)[/caption]
Sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm các vị: Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền; Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Thanh niên; Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia; Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội; Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính; Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Lao động; Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế; Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục; Cù Huy Cận, Bộ trưởng không giữ Bộ nào; Nguyễn Văn Xuân, Bộ trưởng không giữ Bộ nào.
Ngày 27-8-1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời.
Sau Lễ Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, ngày 3-9-1945, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên đầu tiên, dưới sự Chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người trình bày vấn đề giải quyết nạn đói; nạn dốt; tổng tuyển cử trong cả nước; ấn định ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thực hiện chế độ giáo dục mới; bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Người xem đây là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
"Tuần lễ vàng" được phát động, lập tức, nhiều người lên tiếng phản ứng.
Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố tham dự phiên họp này. Tại phiên họp này, Ông phát biểu về vấn đề nạn đói và đề xuất những giải pháp về cứu tế xã hội, như đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc trồng lúa, Ông đề nghị gấp rút trồng sắn, ngô, khoai; huy động lương thực từ nơi có phần dư dật đến nơi túng thiếu; kêu gọi "lá lành đùm lá rách".
Ngày 1-1-1946, Chính phủ Lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời: Hồ Chí Minh, Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Hải Thần, Phó Chủ tịch; Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động; Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Đức Hiền, Bộ trưởng Bộ Thanh niên; Nguyễn Tường Long, Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế; Nguyễn Mạnh Hà, Thứ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế; Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội; Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Trương Đình Trị, Bộ trưởng Bộ Y tế; Hoàng Tích Trí, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đào Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Giao thông; Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Lao động; Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục; Cù Huy Cận, Bộ trưởng Bộ Canh nông; Nguyễn Văn Xuân, Bộ trưởng không giữ Bộ nào.
Khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, tình hình đất nước rất phức tạp. Tình hình kinh tế, tài chính, văn hóa ở nước ta lúc này lại rất nguy ngập. Nạn đói khủng khiếp, chưa chấm dứt, thì xảy ra nạn lụt ở Bắc Bộ, làm vỡ đê ở 9 tỉnh, tàn phá mùa màng, tài sản của nhân dân. Sau lụt đến hạn, làm cho ruộng đất ở nhiều nơi bị bỏ trắng, không trồng cấy được. Nhiều xí nghiệp công nghiệp vẫn nằm trong tay tư bản Pháp. Sản xuất bị đình đốn. Hàng triệu người không có công ăn việc làm. Năm 1945, tại Bắc Bộ, nạn đói đã trở nên uy hiếp nhân dân ta dữ dội. "Có nơi gần hết làng kéo đi tha phương cầu thực, ngoài đường, khách bộ hành đã đụng chân rất nhiều xác chết đói"[3]. Các bệnh dịch bị hoành hành dữ dội, bệnh tật phát sinh, nhà thương thiếu thốn, dân tình khốn khổ, hậu quả do thực dân để lại.
Tài chính khánh kiệt và trống rỗng. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Kho bạc Đông Dương chỉ vẻn vẹn có 1.230.720 đồng tiền Đông Dương, kể cả 586.000 đồng tiền rách không tiêu được. Đó là chưa kể món nợ hơn 500.000.000 đồng do chế độ cũ để lại. Quân Tưởng còn đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấp tiền cho họ; đồng thời, phát hành tiền "quan kim" và "quốc tệ" (tiền của Chính phủ Tưởng Giới Thạch) đã bị mất giá, bắt người Việt Nam lưu hành, làm phá giá đồng Đông Dương.
Đứng trước tình cảnh đó, khi nhận chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Nguyễn Văn Tố thấy ngần ngại, sợ sức mình không kham nổi một công việc cực kỳ khó khăn, năng nề trong lúc này. Ông đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ nỗi lo của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm chặt tay Ông, nói rằng, người trí thức (ý nói Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố) phải có trách nhiệm đối với quốc dân đồng bào. Nếu ai cũng thoái thác nhiệm vụ thì lấy đâu ra người giúp nước. Nghe nói vậy, Nguyễn Văn Tố yên tâm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội một cách tự giác. Ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh giao. Sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ông làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, vì Người đã nhìn rõ khả năng và đạo đức của Ông ngay từ năm 1938, khi Ông bắt đầu làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ và trước đó là Hội trưởng Hội Trí Tri. Từ đấy, cho đến khi qua đời, trải quan nhiều trọng trách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao cho, Ông đã đem hết bầu nhiệt huyết cách mạng và tri thức của mình hiến dâng cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Ông lao vào thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội với trái tim và khối óc của mình[4]. Ông rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trực tiếp làm việc với Người một số lần. Ông thường gọi Người là "bậc huynh trưởng đáng kính". Ông nhận thức rằng, chính trong "những thời khắc oanh liệt, những giây phút thiêng liêng, nó đã làm cho ta như trông thấy ánh hào quang rực rỡ của những người đã đem hết nhiệt huyết để tháo xiềng, chặt xích mà lấy lại cơ đồ đất nước"[5]. Ông muốn cùng đồng bào của Ông phá gông xiềng thực dân để cứu tế xã hội và chấn hưng đất nước. Khi tư tưởng đã "thông", thì hành động phải "suốt". Ông nghĩ vậy và làm vậy.
Nhiệm vụ của Nguyễn Văn Tố khi làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho là "chống đói và chống dốt".
Khi Nguyễn Văn Tố nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, thì cũng đã có Ủy ban Tối cao tiếp tế và cứu tế, Hội Cứu tế và Bộ Canh nông, là những cơ quan phối hợp rất tốt cho công tác cứu tế xã hội, cụ thể là công tác chống đói.
Về chống đói: Vào lúc 4 giờ chiều, ngày 25-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp cuộc họp Hội đồng Chính phủ để bàn việc cứu tế. Người thông báo, sáng nay (25-9-1945) đã có cuộc họp giữa người Mỹ, người Pháp và người Việt Nam về việc chở gạo từ miền Nam ra miền Bắc để cứu đói. Người Pháp muốn độc quyền chở và phân phối gạo. Người thông báo với người Mỹ không để cho người Pháp làm một mình việc đó, vì nếu để cho người Pháp độc quyền vấn đề này, họ sẽ không chịu phát chẩn gạo cho nhân dân[6].
Ngày 28-9-1945, báo "Cứu quốc" số 53, đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Sẻ cơm nhường áo". Trong bài này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với đồng bào cả nước:
"Từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm nay, ở Bắc Bộ đã có 2 triệu người chết đói.
Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ.
Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khốn khổ, chúng ta không khỏi động lòng"[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào và Người xin thực hành trước:
"Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo.
Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói"[8].
Trong một bài viết, ký tên là "CT", đăng báo "Cứu quốc", số 105, ngày 30-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nguyên nhân tại sao dân ta đói và cứu đói phải như thế nào và Người nêu mấy nguyên nhân chính là nạn đói tháng Giêng còn dây dưa, chưa hết hẳn, làm cho bao nhiêu gạo sản xuất ra hay tiếp tế tới càng tiêu veo đi; Pháp, Nhật đong thóc gạo nhiều để dân ta chết đói; nạn lụt, nạn hạn hán làm vụ lúa chiêm mất, hoa màu hỏng, khiến dân quê khốn khó càng thêm khốn khó; giặc Pháp xâm lăng Nam Bộ làm trở ngại sự tiếp tế gạo ở trong đó ra Bắc; số gạo đã ít, số người ăn lại thêm lên rất nhiều. Trong một cuộc họp vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 19-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để nghe thông báo về việc thảo luận với Trung Hoa chở gạo từ Nam ra Bắc. Trong lúc dân ta đang đói, thì người Trung Hoa yêu cầu Chính phủ ta mua gạo cho họ. Số gạo chuyển từ Nam ra Bắc, họ lấy 2/3, còn ta lấy 1/3.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố triển khai thực hiện lời kêu gọi cứu đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng việc tổ chức tăng gia sản xuất nông nghiệp; quyết không bỏ một tấc đất hoang; tổ chức việc tiếp tế toàn dân để cứu nạn đói, tổ chức việc đi mua gạo, ngô, khoai, sắn ở những địa phương sản xuất nhiều, mang về phát cho nhân dân ở những vùng đói kém; lập các quỹ cứu tế ở cấp tỉnh và huyện; lập hũ gạo cứu tế ở làng để có gạo nấu cháo cầm hơi trong lúc đói; tổ chức việc mua thóc gạo của nhà giàu để bán rẻ cho dân; tổ chức hợp tác xã nông nghiệp góp tiền mua thóc phòng khi đói; tổ chức và kêu gọi di dân ở những nơi lũ lụt, mất mùa sang ở những nơi được mùa. Một giải pháp cứu đói nữa của Chính phủ trong lúc này là cấm nấu rượu từ ngũ cốc. Ngày 10-11-1945, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 57, nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ, mua bán rượu được chế từ ngũ cốc và mức phạt khi phạ các tội trên.
Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố sang làm việc trực tiếp với Bộ Canh nông vừa mới được thành lập để cùng phối hợp phát động phong trào tăng gia sản xuất để cứu đói; làm việc với Hội Cứu đói để bàn việc cứu đói cho dân. Chính phủ thành lập một ban đặc biệt trông coi việc lo tiếp tế cho dân. Vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội đi về các làng có dân đói tìm hiểu căn kẽ tình hình để có giải pháp giúp dân thoát khỏi nạn đói. Nhân dân các làng mạc nhìn thấy một người đã có tuổi, với bộ râu thưa, mặc bộ đồ nâu thẫm, trông rất chững chạc, nói tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Việt như nhau, đến nắm chặt tay từng người, làm bà con làng xóm ai cũng cảm động. Vị Bộ trưởng đã nói cho dân biết về chủ trương của Chính phủ trong việc giải quyết nạn đói; phân tích cho dân cảnh giác về những lời xúc xiểm của bọn chống đối nói rằng, Chính phủ bất lực trong việc cứu dân thoát khỏi nạn đói. Vị Bộ trưởng ngày đêm lo lắng làm sao để cứu vãn được tình thế, giải quyết nạn đói. Khẩu hiệu cứu đói lúc này do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là:
"Kháng chiến phải cứu đói. Phải kháng chiến để cứu đói, mà phải cứu đói mới kháng chiến được"[9].
Nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giải pháp của Chính phủ, những nỗ lực của Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố và sự nỗ lực của toàn dân, nạn đói dần dần được khắc phục. Đến năm 1947, nạn đói về cơ bản đã được giải quyết, chủ yếu là bằng nỗ lực tăng gia sản xuất, tự túc, tự cấp. Đó là một thắng lợi lớn để nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.
Về chống dốt: Lúc này, cả nước có 95% số dân bị mù chữ. Pháp cai trị Việt Nam thi hành chính sách ngu dân. "Chúng hạn chế mở trường học, không muốn cho dân ta biết chữ để lừa dối dân ta và bóc lột dân ta"[10]. "Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95 phần trăm, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được?"3.
Khi Nguyễn Văn Tố nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, trước đó, tại Việt Nam, ngày 29-7-1938[11], theo Quyết định của Thống sứ Bắc Kỳ, Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập do Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng, ông Bùi Kỷ làm Hội phó. Các ông Phan Thanh, Thư ký kiêm Trưởng Ban Cổ động; Quản Xuân Nam, Phó Thư ký, Trưởng Ban Khánh tiết; Đặng Thai Mai, Thủ quỹ; Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ quỹ, Trưởng Ban dạy học; Hoàng Xuân Hãn, Cố vấn, Trưởng Ban Tu thư;... Như vậy, nhà trí thức Nguyễn Văn Tố là người đầu tiên được cử làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ.
Tiếp theo sự ra đời của Hội Truyền bá Quốc ngữ, ngày 6-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký và ban hành Sắc lệnh thành lập "Nha Bình dân học vụ" để cấp tốc xóa nạn mù chữ trong nhân dân.
Ngày 4-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Chống nạn thất học", kêu gọi mọi người hãy đi học chữ, phấn đấu để nước ta có nhiều người biết chữ, kiến thiết nước nhà.
Công việc "chống dốt" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, đã được vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố thực hiện có nhiều kết quả. Ông đã nhiều lần báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chống dốt, có thể xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống đói. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố kêu gọi quốc dân đồng bào phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết, phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người biết chữ dạy những người chưa biết chữ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học để viết chữ. Chồng biết chữ dạy vợ chưa biết chữ. Vợ chưa biết chữ thì hỏi chồng, em chưa biết chữ thì hỏi anh, cha mẹ chưa biết chữ, nếu con biết chữ thì bảo cha mẹ, người ăn, người trong nhà chưa biết chữ thì chủ dạy cho biết chữ, những người có điều kiện về kinh tế và biết chữ thì mở lớp dạy bình dân học vụ ở ngay nơi thôn xóm, các chủ nhà máy, xí nghiệp, công trường thì mở các lớp học dạy cho những công nhân, người lao động làm thuê biết chữ, thực hiện người người biết chữ, nhà nhà biết chữ, xóm làng biết chữ, phố phường biết chữ, tỉnh, huyện biết chữ, tiến tới cả nước biết chữ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố rất chú ý đến việc dạy chữ cho phụ nữ, vì đã lâu, chị em bị kìm hãm. Đây là thời cơ để chị em cố gắng theo kịp nam giới, để xứng đáng mình là một thành viên công dân của nước Việt Nam mới, có quyền ứng cử và bầu cử. Muốn vậy, trước hết, phải biết chữ. Ông đã trực tiếp tổ chức được một số lớp học bình dân dạy chữ cho phụ nữ và cho những người chưa biết chữ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với những nỗ lực, cố gắng của các đoàn thể và nhân dân, trong đó có vai trò của Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, phong trào học chữ quốc ngữ diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Chỉ tính từ ngày 19-8-1945 đến ngày 19-8-1946, riêng ở Trung Bộ và Bắc Trung Bộ đã có 2.500.000 người thoát nạn mù chữ.
- Có thể rút ra một số vấn đề trong thời gian Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội với hai nhiệm vụ "chống đói và chống dốt" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Ông:
Một là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố là một trí thức có cái tâm, cái tài, cái tầm, đặc biệt là có tinh thần phục vụ nhân dân cao cả, gần dân, thương dân, thống hiểu nỗi khổ của dân, rất thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của dân, nên đã mang hết sức mình ra thực thi công việc một cách có hiệu quả trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Học vấn, đạo đức, nhân cách, phong cách đã hội tụ thành phẩm chất công vụ của Ông.
Hai là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, có thể nói là xả thân vì công việc; làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm. Có những đêm, bên ngọn đèn le lói, Ông làm việc tới khuya để cố gắng tìm ra những giải pháp chống đói và chống dốt cho nhân dân.
Ba là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố rất có ý thức nâng cao dân trí, chấn dân khí; rất chăm lo đến việc đào tạo trí thức cho nước nhà vừa mới giành được độc lập. Vực dậy, mọi lớp người, không phân biệt sang, hèn, nam, nữ, già, trẻ, gái, trai, có tài lôi kéo họ vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Ai có khả năng cầm súng thì cầm súng, ai có khả năng cầm cày thì cầm cày, ai có khả năng cầm bút thì cầm bút, ai có khả năng cầm búa thì cầm búa, tất cả đều làm việc với tinh thần vì nước, vì dân.
Bốn là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố rất có khả năng tổ chức công việc cứu đói và cứu dốt cho dân, làm cho người dân từ chỗ bị đói đến chỗ không bị đói, từ chỗ mù chữ đến chỗ biết chữ, bằng việc tổ chức cho dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; bằng việc tổ chức có kết quả những lớp học bình dân học vụ để dạy chữ cho dân. Ngày ngày, người ta thấy nông dân tấp nập ra đồng làm việc. Đêm đêm, người ta thấy các xóm làng le lói ánh lửa bập bùng, đó là những lớp học bình dân. Đó là những việc làm thiết thực của Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố để chống đói, chống dốt.
Năm là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố tuy không phải là một đảng viên cộng sản, mà chỉ là một nhân sĩ trí thức có tên tuổi lúc bấy giờ, nhưng sẵn sàng theo cách mạng, xả thân vì cách mạng. Ông hợp tác với những người cộng sản mà không hề sợ liên quan, sợ để ý của những tên mật thám Pháp ngày đêm rình rập Ông. Ông làm việc vì nước vì dân, nên không có mâu thuẫn với những người cộng sản, tôn trọng những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là rất kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng to, gió lớn, cặp bến bờ vinh quang. Ông chưa bao giờ bày tỏ quan điểm của mình về chế độ cộng sản, nên những người cộng sản cũng không vì thế mà xa lánh Ông.
Sáu là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố rất liêm khiết trong công vụ và trong lối sống. Không hề vi phạm nguyên tắc tài chính trong suốt thời gian Ông làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Số tiền ít ỏi của gia đình Ông dành dụm được bấy lâu nay đều mang ra đóng góp cho đất nước, góp phần giải quyết nạn đói cho dân; rất khéo trong việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ nhân dân và nội bộ cơ quan do Ông làm Thủ trưởng Bộ; giản dị là lối sống thường ngày của Ông, khôn khéo xử lý công việc là bản lĩnh của Ông.
Bảy là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố có mối quan hệ hết sức rộng rãi, thậm chí quan hệ cả với đối phương để tranh thủ những phần tử tiên tiến trong đối phương ủng hộ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Ông tôn trọng trí thức, nhưng cũng tôn trọng người lao động, một nắng hai sương, làm việc trên các ruộng đồng. Ông rất thận trọng trong việc đánh giá nội các Trần Trọng Kim, rằng, tốt hay xấu còn phải nhìn xem việc làm của họ ra sao?
Tám là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố coi Hội Truyền bá Quốc ngữ là tiền thân của Bình dân học vụ, là sự nối thẳng đường dây yêu nước trong tiến trình vận động cách mạng Việt Nam. Từ Hội Truyền bá quốc ngữ đến Bình dân học vụ đều là chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Ông xem đó là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, mà cái gì đúng đắn, sáng tạo là ta nên ủng hộ và khuôn theo.
Chín là: Bộ trường Nguyễn Văn Tố là người rất biết thời, biết thế, biết đúng, biết sai, nhận biết đúng, sai để có sự lựa chọn cho đúng là tư duy sắc sắc của Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố. Có lần Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố nói với Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Nguyễn Xiển rằng, ngài và tôi là hai trí thức Hà Nội được mời tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh tức Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Tôi đã nhận Bộ Cứu tế, chắc là ngài sẽ được giao Bộ Giao thông công chính, cả hai chúng ta đều phải làm việc hết sức mình vì quốc kế dân sinh.
Mười là: Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố là người học rộng biết nhiều, có khả năng bao quát công việc rất tốt, học thức uyên bác, sống trong sạch, khảng khái, biết nghĩ cho mình và nghĩ cho người; có tài thu hút nhân tâm, không chỉ là người Việt Nam mà cả người Pháp cũng rất kính nể Ông. Người Pháp đánh giá Ông là người Việt Nam thông minh, nhìn xa trông rộng, rất muốn vực nền học vấn của nước nhà lên tới đỉnh cao.
Học giả Nguyễn Xiển, nguyên Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam, đánh giá về Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố:
"Hôm nay, nhắc lại những lần gặp Cụ, tôi không thể không xúc động trước tấm gương của một trí thức đã cần cù học hỏi ôn cố tri tân, một người trí thức đã coi sứ mệnh của mình là truyền kiến thức lại cho nhân dân, một người yêu nước đã dốc lòng phục vụ cách mạng theo sự kêu gọi của Bác Hồ"[12].
--------------------------------------
[1] Báo cáo Khoa học tại Hội thảo Khoa học về Nguyễn Văn Tố do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức ngày 15- 12-2015.
[2] Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4. tr. 125.
[4] Ghi theo lời kể của Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, ngày 24-12-1986, tài nhà riêng của Ông, số 6, phố Đường Thành, Hà Nội. Ông Hoàng Tùng, năm 1945 là Bí thư Thành ủy Hà Nội, có gặp và làm việc với ông Nguyễn Văn Tố một số lần. Ông không nhớ rõ ngày, tháng, nhưng sự kiện thì Ông nhớ rất rõ, nắm rất vững (Đ.V).
[5] Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Lời tự a cho cuốn sách: "Chặt xiềng", Nxb Sự thật, 1946.
[6] Tài liệu từ bản sao Biên bản Hội đồng Chính phủ, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sđd, tr. 33.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sđd, tr. 33.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sđd, tr. 127.
[10],3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sđd, tr. 40.
[11] Thực ra, ngay từ đầu tháng 5-1938, đã bắt đầu đề xuất thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ do các ông Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp theo chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ và dự kiến cử nhà trí thức Nguyễn Văn Tố đứng ra làm Hội trưởng. Ngày 19-5-1938, ông Tố gửi đơn lên Thống sứ Bắc Kỳ, về việc xin lập Hội Truyền bá Quốc ngữ. Ban Trị sự lâm thời và các ban chuyên môn cũng đã được lập ra. Ngày 25-5-1938, Ban Cổ động của Hội đã tổ chức buổi cổ động cho việc truyền bá quốc ngữ. Nhưng phải đến ngày 29-7-1938, Thống sứ Bắc Kỳ, sau một thời gian do dự, mới ký Quyết định cho thành lập.
[12] Bài viết của Nguyễn Xiển, nhan đề: Nhớ lại những lần gặp cụ Nguyễn Văn Tố, in trong sách "Hội Truyền bá Quốc ngữ trong sự nghiệp chống nạn thất học", Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1988, tr. 43.