Mới cập nhật

NHẬN BIẾT ĐÚNG NGƯỜI TÀI, THỂ HIỆN TRÌNH ĐỘ CAO VÀ CÁI TÂM SÁNG CỦA NGƯỜI THƯ KÝ

PGS.TS Đàm Đức Vượng

 

images

 

.1.Nhận biết đúng những người thực sự có tài năng để giới thiệu với người lãnh đạo, người quản lý, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, sử dụng là vấn đề mà người thư ký, trợ lý cần hết sức quan tâm, nó thể hiện cái tâm, sự thiện chí và trình độ cao của người thư ký.

Có lần, tôi đã thấy một vị thủ trưởng một cơ quan hỏi người thư ký của mình: “Anh ấy là người thế nào?”. Người thư ký này lúng túng mãi không trả lời được. Sở dĩ không trả lời được vì người thư ký đó chỉ biết làm sự vụ thư ký, mà không quan sát những người chung quanh, cho nên anh ta không biết ai là người có tài, ai là người bất tài để báo cáo với lãnh đạo, thủ trưởng. Tuy vậy, cũng có một số người thư ký đã mạnh dạn giới thiệu với lãnh đạo, thủ trưởng của mình những người có năng lực để lãnh đạo, thủ trưởng xem xét, sử dụng.

Trong những năm công tác ở nước ngoài, đọc báo, tôi thấy có một số người thư ký riêng cho các tổng giám đốc công ty mẹ, đã tiến cử cho tổng giám đốc của mình những người thực sự có khả năng kinh doanh để làm giám đốc các công ty con. Những người được tiến cử đều là những người có tài trong kinh doanh, trở thành những nhà doanh nghiệp lớn. Tổng giám đốc đã thưởng cho những người thư ký đó một số tiền lớn, vì đã tiến cử cho mình những người thực sự có tài trong kinh doanh, thể hiện là rất có hiệu quả trong kinh doanh.

Người đời xưa nhận định: “Việc lớn trong thiên  hạ không gì bằng biết người”. “Được người thì hưng vượng, mất người thì bại vong”. “Thử ngọc phải nung đủ ba ngày, thấy được người tài, phải đợi bảy năm”. “Có thể không biết chữ, không thể không biết người”. “Làm hại hiền tài, họa đến ba đời, vùi lấp hiền tài thì mình bị hại; đố kỵ với hiền tài thì danh tiếng không toàn vẹn; tiến cử hiền tài là để phúc đức cho con cháu”. “Thắng bại của chiến tranh quyết định ở thống soái, Việc này không thể không xét kỹ” (1). Lưu Bang (Hán Cao Tổ) kiến lập được Vương triều Nhà Hán chủ yếu là do biết trọng dụng những người đại tài như Trương Lương, Trần Bình, Hàn Tín, Tiêu Hà,… Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) tự mình cảm khái nói rằng: “Có thể giữ yên được thiên hạ ấy là bởi biết dùng hiền tài”.Trong cuốn sách “Tuyển chọn hiền tài”, Phạm Trọng Yêm chỉ ra rằng, chính trị lấy việc có được hiền tài làm gốc rễ để cải tạo xã hội, lấy việc trừ khử kẻ xấu làm nhiệm vụ hàng đầu, sự thịnh suy của quốc gia gắn với nhân tài, việc phát hiện và sử dụng người tài là rất quan trọng.

Ngày xưa đã từng có nhiều bạc hiền tài tiến cử với vua những người tài để vua sử dụng. Chuyện kể rằng, ở Trung Quốc xưa kia, có một viên quan giám sát pháp luật tên là Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn) dâng sớ tâu vua chém đầu Lý Bân, một viên quan lớn trong triều phạm tội nhiều lần. Một viên quan to lừng danh tên là Lý Thiện Trường đứng ra xin vua cho Lý Bân khỏi tội chết. Vua hỏi Lưu Cơ, Lưu Cơ vẫn không chịu tha cho Lý Bân và bản án vẫn được thi hành. Lý Thiện Trường đem lòng oán giận Lưu Cơ bằng cách tâu với vua là Lưu Cơ sắp làm phản. Nhưng không vì thế mà Lưu Cơ oán ghét Lý Thiện Trường, trái lại, vẫn tiến cử với vua cho Lý Thiện Trường làm tể tướng với lý do chỉ có Lý Thiện Trường mới điều khiển được ba quân. Vua rất phân vân, lại muốn Lưu Cơ làm tể tướng. Lưu Cơ một mực từ chối chức tể tướng và cáo vua cho về ở ẩn chốn rừng xanh. Cuối cùng, chức tể tướng được giao cho Lý Thiện Trường. Qua câu chuyện này, cho thấy Lưu Cơ thật sự là người biết dùng người. Ông phân tích rằng, tuy Lý Thiện Trường có quan hệ cá nhân một chút, nhưng cái tài của Lý Thiện Trường vãn nổi trội hơn cái cá nhân, nên chức tể tướng giao cho Lý Thiện Trường là đúng. Ở đây, Lưu Cơ đã gạt đi cái thù oán cá nhân của Lý Thiện Trường đối với mình ra một bên để vì sự nghiệp chung mà tiến cử Lý Thiện Trường. Thời phong kiến mà có người biết dùng người như Lưu Cơ thật rất đáng quý và rát trân trọng.

Cuốn sách “Hành trình về phương Đông”  có dẫn lời Giáo sư Mortimer: “Muốn sáng tạo, ta cần một tài năng, thiên tư, chứ đâu phải ai cũng có thể sáng tạo, đâu phải ai cũng có tài”.

Cuốn sách “Đàm thiên-Thuyết địa-Luận nhân” của tác giả Ngô Bạch, dịch giả Trương Huyền (Nhà Xuất bản Mũi Cà Mau), dày 530 trang, chia làm ba quyển, luận về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ba cái đó có quan hệ với nhau. Trong quyển 3, luận về con người, phân tích rằng, “Một vị chủ soái thông minh phải có khí phách của một chính trị gia vĩ đại, sẵn sàng chiêu nạp bất kể ai muốn chạy về với mình” (tr.386). “Tìm kiếm nhân tài, phải tìm khắp gần xa, phải có những người tài về từng phương diện, để khi cần sẽ sử dụng” (tr.386). “Bậc thánh minh phải nghĩ mọi cách, phải dùng lời lẽ thế nào để thu phục người hiền tài, đức độ” (tr.394). “Người giỏi dùng thiên hạ xưa nay tất phải lượng định quyền trong thiên hạ, phải phân biệt nặng nhẹ, mạnh yếu” (tr.396).

Xã hội hiện đại cũng có những nhận định phổ biến: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, sự cạnh tranh căn bản nhất là cạnh tranh nhân tài, năng lực chủ yếu của người lãnh đạo là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài” trong số những cuốn sách thời hiện đại bàn về nhân tài, có cuốn “Bí quyết nhận biết người tài” của tác giả Long Tử Dân, dịch giả Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Huy Cố (Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005). Sách nhận định rằng, trước lúc dùng người cần phải biết người. Muốn có được người tài trước tiên phải học cách nhận biết người tài ra sao? Làm thế nào để biết được kẻ sĩ có tài, có đức trong một thế giới rộng lớn, trong biển người đông đảo vẫn là đè tài quan trọng mà con người hiện đại phải đương đầu. Việc khó nhất ở trong thiên hạ là nhận biết được nhân tài. Muốn vậy, phải có phương pháp nhận biết, đánh giá người tài. Hiểu được phương pháp nhận biết người tài, lại thành tâm, thành ý tìm cầu hiền tài, nhất định hiền tài sẽ đổ xô đến. Việc làm của người lãnh đạo có hai dạng, một là đề xuất chủ ý, hai là biết dùng người.

Có một cuốn sách thời hiện đại: “Con người-những ý kiến mới về một đề tài cũ”, do một tập thể các nhà khoa học Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức (trước đây) biên soạn. Chủ biên về phía Đức là Đitơ Becnơ, về phía Liên Xô  là Seerraphim Meeliuchin. Sách gồm hai tập, tổng cộng 641 trang, do Nhà xuất bản Đietxơ xuất bản tại Beclin (Đức) năm 1982. Sách đã được dịch ra tiếng Việt do An Mạnh Toàn dịch và Mai Thành hiệu đính, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1986. Đây là cuốn sách có giá trị, một công trình nghiên cứu nghiêm túc, công phu, bao hàm nhiều lượng thông tin mới, phong phú, hấp dẫn, phân tích sâu sắc về con người, để rồi qua đó, mà tìm ra những người thực sự có tài năng và đạo đức mà sử dụng. Sách phân tích đầy sức thuyết phục về quá trình phát triển của con người qua các giai đoạn lịch sử, phân tích sâu sắc bản chất và đặc trưng của con người; quyết định của xã hội đối với hành vi con người; vai trò tích cực của con người với tư cách là chu thể trong lịch sử và xã hội; phương pháp lịch sử trong việc quan sát con người; con người và cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật; mối quan hệ giữa tính xã hội và tính sinh học trong con người; con người và môi trường; ý nghĩa triết học của vấn đề cùng “tồn tại thống nhất” của con người với tự nhiên; con người và văn hóa. Toàn bộ quyển 2 phân tích các lý thuyết về con người nảy sinh từ thế kỷ XX.

Làm thế nào để đánh giá con người được chính xác trong lúc chúng ta thường nói: “Đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con người gian, ngay” Đây là cả một vấn đề khoa học, nghệ thuật, tâm lý của người đánh giá. Lục tìm trong sử sách, chúng ta thấy người đời xưa học rộng tài cao như Trang Tử vẫn phải kêu lên: “Trời thì hằng năm còn có xuân, hạ, thu, đông, hằng ngày còn có buổi sáng, buổi tối, ta do đấy mà biết được. Đến như người ta, thì có người ngoài rõ như cẩn hậu, mà trong thật kiêu căng; có kẻ trong rõ thật tài giỏi mà ngoài coi ra ngu độn; có kẻ ngoài rõ như vững vàng, thư thái, mà trong cuống rối, nóng nảy. Tâm tính bên trong, diện mạo bên ngoài trái nhau khó lường như thế (2). Rồi Trang Tử đưa ra một loạt biện pháp để xem xét con người, như điều động người đó đi xa để xem lòng trung thành; bố trí làm việc ở gần để xem lòng kính; sai làm việc nhiều để xem cái tài; hỏi lúc vội vàng để xem cái trí; hẹn cho ngăt ngày để xem có tín hay không; giao cho thật nhiều tiền của để xem có nhân hay không; giao cho công việc nguy biến để xem có khí tiết hay không; cho ăn uống thật no say để xem cử chỉ, lời nói ra sao; bố trí cho chỗ ở chật hẹp, phiền tạp để dò xem thần sắc thế nào; cho tiếp xúc với nhiều nữ mỹ nhân để xem dục vọng ra sao? Trang Tử cho rằng, chỉ có làm theo cách đó, may ra mới biết được lòng người. Có thể bổ sung một số điểm để nhìn nhận người tài và người bất tài mà thời Trang Tử không chỉ ra được, đó là tâm lý, tư tưởng, thái độ, nhân cách, tài ứng biến, khả năng quản lý, trình độ nghiên cứu và cách giải quyết công việc của mỗi con người.

Để nhận biết được những người thật sự có tài năng là một việc làm khó khăn, đòi hỏi người tiến cử không những phải có đầu óc thật minh mẫn, mà còn phải có cái tâm (trái tim) thật trong sáng, là những người phải vì sự nghiệp chung, gạt cái cá nhân chủ nghĩa của mình ra một bên, thì mới có thể làm được cái việc tiến cử người hiền tài. Sách xưa viết rằng, nếu cái tâm mà tốt thế nào cũng tìm ra được người tài để dùng, còn người có tài mà không có tâm, rất dẽ hay dùng những phần tử cơ hội, rất dễ rơi vào thiên vị trong việc dùng người, sẽ thiếu công minh chính trực. Nhưng nếu chỉ có tâm mà không có tài để quan sát người, đánh giá người, thì rút cục cũng không tìm ra được người tài mà tiến cử. Nội tâm con người luôn luôn xung đột giữa các khái niệm, tư duy, khả năng nhận biết, cảm xúc thẩm mỹ, hình thức, lý thuyết, thực hành. Điều đó có liên quan đến việc nhận biết, đánh giá người tài.

Hiện nay, nhiều trường đại học trên thế giới đã có những khoa nghiên cứu về nhân tài. Đại học Ha-Vớt (Hardvard) Mỹ, có môn học quan sát con người, gọi là “Physiognomy”, một môn học mà sinh viên cho là rất bổ ích, còn các giáo sư của trường xem đó là môn học cần thiết đối với sinh viên ưu tú. Môn học này chủ yếu dạy cách thông qua việc quan sát các động tác, tư thái, tình cảm, nói năng, trang phục của con người, qua đó mà hiểu được nội tâm của người đó

.2.Ai cũng biết nhân tài là người tài giỏi. Tuy nhiên, định tiêu chuẩn cho nhân tài lại đang còn có những ý kiến khác nhau. Có người hiểu nhân tài trước hết phải là những người có bằng cấp cao. Lại có người hiểu nhân tài là những người thực sự có tài năng và phẩm chất. Đúng vậy, nhân tài phải là những người có tài năng xuất sắc, chuyên môn rất giỏi, có những cống hiến về lý luận, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, tài lãnh đạo, quản lý nổi trội hơn những người bình thường. Đó là những con người học rộng, học sâu, tài cao, giàu óc sáng tạo, tư duy sắc sảo, độc đáo, có khả năng dự báo, óc phán đoán, khả năng phân tích, khả năng biện luận, làm việc độc lập, tự chủ. Đó là các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, thày thuốc, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà kinh doanh,…tầm cỡ. Tiến sĩ Howard Gardner, giáo sư Trường Đại học Harvard, Mý, đã đưa ra những chỉ số thông minh để định ra tiêu chuẩn của nhân tài trên các mặt, như thông minh ngôn ngữ, thể hiện sự nhạy cảm với ý nghĩa và thứ tự của các từ: thông minh logic-toán, thể hiện khả năng đặc biệt về toán học; thông minh hình tượng, thể hiện khả năng suy nghĩ siêu việt về hình tượng, nhận thức chính xác về thế giới vật chất, nhìn được và sáng tạo lại (hoặc thay đổi) trong tư duy. Trí thông minh hình tượng phát triển mạnh ở các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà điêu khắc; thông minh về sự vận động thẩm mỹ của cơ thể, thể hiện ở khả năng có thể sử dụng cơ thể mình vào các kỹ năng, diễn cảm như các nghệ sĩ kịch câm, nghệ sĩ múa, các diễn viên là những người có thể biểu lộ trí tuệ biểu cảm cơ thể tốt nhất; thông minh và hiểu biết giữa người với người, thể hiện ở khả năng cảm nhận và thấu hiểu được tâm trạng, ước vọng, động cơ, sở trường, sở đoản của những người khác để có thể đối xử và bố trí công việc cho phù hợp; thông minh về nội tâm con người, thể hiện ở sự hiểu biết sâu sắc tâm trạng, tình cảm, ý chí, lý trí của con người; thông minh về tự nhiên của con người thể hiện ở năng khiếu “trời phú”.

Bản chất, nguồn gốc của nhân tài có thể xuất hiện do di truyền, nếp nhà, năng khiếu bẩm sinh, nhưng cũng có thể do sự khổ luyện, cần mẫn mà có. Con người ta “phần nhiều do giáo dục mà nên” như Hồ Chí Minh nói. Có điều là, dù do di truyền hay do tự rèn luyện cũng phải qua môi trường giáo dục của nhà trường, xã hội, gia đình, sự giúp đỡ của tổ chức, bạn bè, những người thân. Môi trường xã hội làm nảy sinh nhân tài gồm các yếu tố: tự thân, nhà trường, xã hội, gia đình, hoàn cảnh; nó gắn liền với văn hóa và giáo dục.

3.Giở lại những trang sử nước nhà, chúng ta thấy ông cha ta nhiều người rất giỏi, rất công tâm trong việc phát hiện, đào tạo, đề nghị sử dụng nhân tài.

Triều Lý có Thái úy (chức võ quan cao cấp, chỉ huy quân đôi) Tô Hiến Thành. Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 1175, khi Lý Anh Tông sắp mất, gọi Ông đến, nhờ Ông giúp đỡ, rèn cặp Thái tử Long Cán. Ông vui vẻ nhận lời. Bà Thiên Linh thái hậu muốn lập con bà là Long Xưởng lên làm Vua Triều Lý, liền đem một mâm vàng hối lộ Ông, bị ông kiên quyết từ chối, vì Ông biết rằng, Long Xưởng không thể bằng Long Cán. Vâng Di chiếu, Ông lập Long Cán lên nối ngôi, tức Vua Lý Cao Tông. Từ khi Lý Cao Tông lên làm vua, được Ông phò tá, tình hình trong nước rất yên ổn. Khi Ông bị bệnh nặng, Tham tri chính sự Võ Tán Đường ngày đêm chăm sóc Ông. Vua Lý Cao Tông cùng Đỗ Thái hậu đến thăm Ông, hỏi Ông về người có thể thay thế Ông làm Thái úy. Ông tiến cử Gián nghị đại phu (một chức quan to, chuyên môn làm công việc can gián) Trần Trung Tá. Nhà Vua và Đỗ Thái hậu ngạc nhiên nói: “Sao Ông không đề nghị Vũ Tán Đường (Võ Tán Đường), vì Vũ Tán Đường rất tận tụy với Ông?”. Ông đáp: “Người có thể trị nước an dân phải là Trần Trung Tá chứ không phải Vũ Tán Đường”.

Triều Trần, sau cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, Nhà Vua quyết định phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa. Triều đình quy định chế độ học hành, thi cử. Nhà nước lập Quốc học viện dể các nho sĩ vào học. Ngoài các trường học của nhà nước, nơi xóm thôn còn có các lớp học do các nho sĩ tổ chức. Học vị được quy định chính thức. Chính sách trọng dụng nhân tài được mở ra trong cả nước. Năm 1442,Triều đình đã cho khắc tấm bia tại Văn Miếu, Hà Nội, dòng chữ “:Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế, các bậc thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp. Bởi vì, kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết nhường nào”. Sự quan tâm này của Triều đình đã làm nảy nở những nhân tài đất Việt.

Triều Nguyễn Quang Trung (Nguyễn Huệ) rất coi trọng nhân tài. Việc Vua Quang Trung dùng Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở và những người khác ở phái đối lập là một bằng chứng để nói lên sự sáng suốt và mạnh dạn của Nhà Vua. Nhìn lại lịch sử thấy rằng, từ năm 1789, khi cuộc kháng chiến kết thúc. Vua Quang Trung đã ban bố “Chiếu khuyến nông” và đề ra chủ trương phát triển thủ công nghiệp và thương nghiệp, mở rộng việc buôn bán, sản xuất của thợ thủ công và thương nhân, làm cho các hoạt động kinh tế của đất nước sôi động hẳn lên. Quan hệ buôn bán với nước ngoài được mở mang. Ruộng đất bỏ hoang được cày cấy. Nền nông nghiệp được phục hồi và phát triển. Nông dân phá sản được gọi trở lại nơi ruộng đồng, nhận đất công của làng, xã để cày cấy. Cái tài trị nước Quang Trung là vừa chiến thắng quân Thanh xong lại bắt tay ngay vào quan hệ thương mại với Nhà Thanh. Vua Quang Trung nêu một đề nghị có tầm chiến lược với Nhà Thanh: Mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa lưu thông giữa hai nước. Chủ trương này của Vua Quang Trung đã làm cho quang cảnh buôn bán của người Việt ta hồi ấy trở nên sầm uất. Trên bến, dưới thuyền, tấp nập người buôn. Ngoài các thuyền buôn của Nhà Thanh, còn có các thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây. Họ ra, vào dễ dàng tại các thương cảng của nước ta. Dưới chính quyền Vua Quang Trung, công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế được đẩy mạnh. Xã hội chấn hưng hẳn lên.

Cùng với những cải cách mạnh mẽ về kinh tế, Vua Quang Trung còn ra sức xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc. Sự nghiệp giáo dục được phục hồi và phát triển. Việc học hành, thi cử được chấn chỉnh và mở rộng từng bước. Trường học mở mang nhằm đào tạo một lớp quan lại có tài, có đức cho đất nước. Nhà Vua ban bố “Chiếu lập học”. Chiếu ban rằng: Triều đình khuyến khích các xã mở trường học. “Những sinh đồ trúng tuyển trong các kỳ thi cũ đều phải thi lại. Những người dùng tiền mua bằng cấp, loại “sinh đồ ba quan” bị thải hồi. Vua Quang Trung rất ghét những loại quan lại quan liêu, cơ hội, tầm thường, ích kỷ, chỉ bo bo nghĩ đến quyền lợi cá nhân, mà không nghĩ đến quyền lợi chung của dân chúng. Nhà Vua rất biết mình và cũng vì rất biết mình, cho nên đã biết người một cách thấu đáo. Ông là bậc thông minh sáng suốt trong việc dùng người. Dùng người tài là sở trường của Vua Quang Trung. Rất tiếc, mệnh của Nhà Vua lại thuộc mệnh yểu (mất năm 39 tuổi), cho nên kế hoạch thu phục thiên hạ giỏi về với mình đã không thực hiện được trọn vẹn.

Sau khi Vua Quang Trung mất, bẵng đi mấy thế kỷ, nhân tài đất Việt lại rơi vào cảnh “lá mùa thu”, chẳng ai nhòm ngó đến. Tuy nhiên, lúc này, đất nước lại xuất hiện những nhà văn hóa lớn, tài năng do tinh thần rèn luyện tự phát mà có. Ở Trung Quốc xưa, có những giai đoạn loạn lạc, chẳng ai chú ý đến nhân tài, lại xuất hiện những người tài như Đỗ Phủ, Tô Đông Pha,…

Cho đến khi chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh anh minh sáng suốt đã nghĩ ngay đến việc phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài. Người nghĩ rằng, trong công cuộc dựng nước và giữ nước, nếu không có những người tài giúp sức, thì không thể thành công. Vì vậy, một trong những công việc trọng đại của đất nước mà Người quan tâm hàng đầu là chính sách khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà nước độc lập, có chủ quyền, không có vua. Thành phần của Chính phủ bao gồm nhiều bậc nhân sĩ, trí thức tài năng tham gia. Anh tài bốn phương được gọi về tụ nghĩa dưới lá cờ đại nghĩa của dân tộc.

Ngày 3-9-1945, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên đầu tiên dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày với các bộ trưởng về một số công việc cấp bách trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Nhà nước Việt Nam mới. trong 6 vấn đề mà Người nêu ra có vấn đề thanh toán nạn mù chữ. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”(3). Một vấn đề nữa mà người đề xuất là muốn có nhân tài, thì đất nước trước hết phải có dân chủ, mà muốn có dân chủ, công việc đầu tiên là phải tổ chức tổng tuyển cử. Qua tổng tuyển cử sẽ tìm ra được những người tài. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân, trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,v.v…(4).

Sau khi họp Hội đồng Chính phủ về, ngay ngày 3-9-1945, Người lên lịch tiếp dân, tiếp trí thức. Người sẵn sàng tiếp các nhà báo, nhà văn hóa, công chức, công hội, nông hội, công thương, công giáo, phật tử, phụ lão, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng,…Để thu xếp thời gian tiếp dân, Người đề nghị gửi thư nói trước và Người sẽ trả lời bà con để khỏi phải chờ đợi mất công. Vì địa điểm tiếp dân chật hẹp, Người đề nghị mỗi đoàn đại biểu xin chớ quá 10 vị. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá một giờ, vì còn dành thời gian tiếp những người khác.

Báo “Cứu quốc” số 91, ra ngày 14-11-1945, đăng bài của Hồ Chí Minh: “Nhân tài và kiến quốc”. Người cho rằng, muốn giữ vững nền độc lập của nước nhà, thì chúng  ta phải đem hết lòng hăng hái, đem hất tài trí vào con đường kiến thiết đất nước. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, cần có nhân tài. Người nhận định: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều” (5). Người chỉ rõ, lúc này chúng ta cần nhất những nhân tài trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục. Người kêu gọi đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà, thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Người sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, nếu có thể thực hành được thì thực hành ngay.

Tiếp đó, ngày 20-11-1946, báo “Cứu quốc” đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh: ”Tìm người tài đức” . Người chỉ ra công việc của nước nhà là cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Theo Người, trong nhan dân không thiếu những người có tài, có đức. “E vì Chính phủ nghe không thấy, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”(6). Người muốn sửa đổi điều đó bằng cách ra sức trọng dụng những người thật sự có tài năng. Người yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải ghi rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, khả năng, nguyện vọng và địa chỉ của người đó. Người hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo lên Chính phủ cho đủ những người tài, dức ở địa phương mình. Rất tiếc, lời kêu gọi của Người đã không được các địa phương báo lên. Có lần, Người tâm sự với thư ký của Người: Ai tiến cử được những bậc hiền tài, đất nước tôn vinh những người đó. Ai vùi dập những người tài, sẽ bị lương tâm người đó cắn rứt.

Ngày 31-5-1946, trước lúc lên đường sang Pháp đàm phán, Người nói với Cụ Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng và các cộng sự của Người rằng, các vị ở nhà, xin hãy cố gắng tìm trong thiên hạ những nhân tài để ra giúp nước, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Khi đến Pháp, Người kêu gọi bà con nào có khả năng và điều kiện hãy về giúp nước. Nhiều người đã theo Người về và lên đường đi kháng chiến, thực hiện cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. trong những ngày hòa bình ở miền Bắc, Người đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, Đến những nước có cộng đồng người Việt, Người đều gặp gỡ, chuyện trò thân mật và kêu gọi những người có khả năng và điều kiện hãy trở về Việt Nam để tham gia vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Có lần, sang thăm Tiệp Khắc (Séc), (từ ngày 17 đến ngày 20-7-1957), Người được kỹ sư Lương Văn Tích phiên dịch cho Người trong những ngày Người làm việc tại Tiệp Khắc. Kỹ sư Lương Văn Tích, người Sài Gòn, là một trong ba sinh viên Việt Nam sang học tại Tiệp Khắc từ năm 1950. Học xong, kỹ sư Lương Văn Tích ở lại làm việc tại Tiệp Khắc, mang quốc tịch Tiệp Khắc, lấy vợ người Tiệp Khắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra Ông là một người phiên dịch rất giỏi. Trong lúc trò chuyện với Ông, Người được biết vợ Ông là một tiến sĩ luật, một luật sư giỏi của Tiệp Khắc lúc ấy. Người khuyên vợ chồng Ông về Việt Nam làm việc một thời gian, để Bà ấy giúp cho ngành luật và tòa án của nước nhà lúc ấy còn non trẻ, còn Ông giúp cho ngành công nghiệp điện, vì Ông là kỹ sư điện giỏi. Theo lời khuyên của Người, vợ chồng Lương Văn Tích xin với Chính phủ Tiệp Khắc và đã được sự đồng ý của Chính phủ Tiệp Khắc, về làm việc tại Việt Nam trong hơn 10 năm, sau đó mới trở lại Praha. Còn nhiều người Việt Nam khác ở nước ngoài đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về nước làm việc.

Với nhân tài, với trí thức, Hồ Chí Minh luôn  luôn tạo cho anh, chị em tinh thần độc lập suy nghĩ, tính chủ động trong công tác, lãnh đạo, chỉ đạo theo cách của Người là gợi mở, gợi nhó. Vào một ngày của tháng 11-1945, trong lúc công việc hết sức bề bộn, Người vẫn dành thời gian đến thăm và nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam. Trong buổi nói chuyện này, Người chỉ ra cho cán bộ trí thức những kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm học tập là phải chủ động, kiên trì, chịu khó, khổ công rèn luyện, vắt óc suy nghĩ, tìm tòi sáng kiến. Nhiệm vụ của anh chị em là phải học cả đời, học mãi khi ra làm việc. Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm. Khi thất bại cũng sẽ xem xét lại tại sao thất bại để mà tránh đi. Người nêu thí dụ là các anh em cần đi Sài Gòn, người chỉ đường cho anh em nói là phải đi về hướng nam và qua những tỉnh Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang,…Như vậy, người chỉ đường chỉ có thể chỉ cho anh em được thế thôi. Đã có phương hướng sẵn, anh em cứ theo đó mà đi, đến tỉnh nào phải qua những con sông nào, những hòn núi gì, anh em phải tự tìm hỏi. Miễn là anh em biết theo phương Nam mà tiến, chứ không lầm đường ngược lên phía Bắc. Nhân tài phải tự biết mình. Không tự biết mình, khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải, trái ở đời, trước hết phải biết đúng sự phải, trái ở chính bản thân mình. Nếu không biết được sự phải, trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người là tốt hay xấu. Đó cũng là cách nhìn nhận người tài.

Chính sách thu hút nhân tài của Hồ Chí Minh đã được các trí thức Việt Nam hưởng ứng.

.4.Trong những năm, tháng công tác tại nước ngoài, tôi đã có dịp tìm hiểu chính sách sử dụng nhân tài của các nước. Nói chung, các nước phát triển và đang phát triển rất coi trọng vấn đề nhân tài, xem đó là quốc sách quan trọng hàng đầu. Rất nhiều viện công, viện tư nghiên cứu nhân tài, nhân lực xuất hiện tại nhiều nước, có nước đã lập ra hàng chục viện thuộc loại này; rất nhiều công ty được các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn thuê chuyên đi săn lùng, tuyển dụng nhân tài về làm cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của mình. Việc tuyển dụng nhân tài dã trở thành một ngành dịch vụ thực sự mà các nước gọi là ngành dịch vụ tuyển dụng nhân tài. Tại Mỹ, người ta quan tâm tới việc phát hiện và bồi dưỡng trẻ em có năng khiếu. Mỗi năm, nhà nước đã dành một khoản tiền khoảng 1 tỷ USD để cho việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản, phát hiện và phát triển nhân tài. Tại Hàn Quốc, chính phủ xếp những người tài nằm trong tài nguyên tổng thể của quốc gia, người Hàn Quốc gọi đó là tài nguyên trí tuệ. Chính sách này đã làm cho những tài năng của Hàn Quốc nảy nở nhiều, đưa chỉ số những người có năng khiếu lên cao: khoảng 3%, Nhật Bản dề ra quy định ai thi đỗ vào những trường đại học có uy tín nhất, thì khi ra trường, người đó được Chính phủ tạo mọi điều kiện để lập nghiệp và tiến thân. Trung Quốc đang đề ra những chính sách hữu hiệu nhằm thu hút  nhân tài bốn phương về lục địa. Có người đã được Chính phủ thưởng cả trăm nghìn USD vì đã có những đóng góp thiết thực và có hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Cách đây 20 năm, Chính phủ Trung Quốc đã gửi hàng vạn sinh viên đi đào tạo ở các nước phát triển. Nhà nước công bố chính sách là nếu sau khi đào tạo xong mà các cơ quan chưa có nhu cầu sử dụng, những kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ đó có thể ở lại nước ngoài để học thêm hoặc vừa học thêm, vừa đi làm việc tại các công ty, tập đoàn kinh tế, các viện nghiên cứu để có tăng thêm thu nhập và nâng cao tay nghề. Chính sách này đã dẫn đến kết quả tốt là những người ở lại đó, nay được Nhà nước mời về nước để làm việc trong các ngành công nghệ cao. Nhà nước bỏ một khoản tiền lớn ra mua sắm thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, rồi mời nhân tài trở về đất nước làm việc. Trung Quốc hiện có khoảng 50 triệu người đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Trong số này, nhiều người đang giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới, nhiều người đang làm việc tại các viện khoa học nổi tiếng thế giới.

Nhiều nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc,…rất quan tâm đào tạo các môn vật lý, hóa học, toán học để chuẩn bị cho các kỳ thi quốc tế về những môn này. Vì vậy, những nước này đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi vật lý, hóa học, toán quốc tế. Kỳ thi Olympic toán học quốc tế năm 2007 (IMO 2007) được tổ chức tại Việt Nam trong tháng 7-2007, thành tích đã thuộc về đoàn học sinh các nước: Nga xếp thứ nhất, Trung Quốc xếp thứ nhì, Việt Nam xếp thứ ba, Hàn Quốc xếp thứ tư, Mỹ xếp thứ năm,…Trong số 527 thí sinh tại 90 nước dự thi IMO 2007, có 39 em đạt huy chương vàng Thí sinh người Nga đạt điểm cao nhất: 37/42 điểm. Đoàn học sinh Việt Nam đạt 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc. Ba em đạt huy chương vàng là Đỗ Xuân Bách, học sinh lớp 12 khối chuyên trung học phổ thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội; Phạm Duy Tùng, học sinh lớp 11, khối chuyên trung học phổ thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội; Phạm Thành Thái, học sinh lớp 12, trường chuyên trung học phổ thông Hải Dương. Kể từ khi Việt Nam tham gia các kỳ thi IMO từ năm 1974 đến nay, năm 2007 là năm Đoàn học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất. Đó là một cố gắng rất lớn từ phía Việt Nam.

Hội nghị quốc té về chiến lược giáo dục trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI được tổ chức tại Thái Lan đã đưa ra những yêu cầu về giáo dục ngày nay phải bao gồm ba loại trí thức: trí thức hàn lâm, trí thức kinh doanh, trí thức nghề nghiệp; đòi hỏi mỗi sinh viên phải có ba giấy thông hành để vào đời: giấy thông hành hàn lâm, giấy thông hành kinh doanh, giấy thông hành nghề nghiệp.

5.Làm thế nào mà biết được những người thực sự có tài để đề nghị với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý sử dụng? Đây là một bài toán khó. Nhưng qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, muốn tìm ra người tài thực sự, trước hết, phải nhận diện ra những người cơ hội. Thực tế hoạt động đã chỉ ra rằng, những người cơ hội là những người tài giả, còn những người không cơ hội là những người tài thật. trong cuộc sống và trong công tác, những người cơ hội thường có những biểu hiện sau đây:

*Loại cơ hội chính trị: Loại này thường biểu hiện ở sự giảm sút lòng tin khi thấy những hiện tượng tiêu cực phát sinh trong Đảng và trong xã hội; hoài nghi đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước

  • Loại cơ hội tham vọng, chức quyền và các tham vọng cá nhân khác. Biểu hiện của loại này là rất khéo léo trong cách đối xử với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cũng ưa nịnh, cho nên mới có hiện tượng này. Nếu ai cùng chung một nhận thức “việc quan ta cứ phép công ta làm”, thì những người cơ hội kiểu này sẽ không có ghế ngồi.

  • Loại cơ hội thực dụng: Loại này, bằng mọi cách, chuyên lo vơ vét tiền của nhà nước. Họ nghĩ rằng, nhận hối lộ là loại ăn tiền trót lọt nhất, vì nó không có bằng chứng, trong khi đó, luật pháp lại đòi hỏi phải có bằng chứng. Trong công vụ, có nhiều biểu hiện moi tiền của Nhà nước, như khai khống khối lượng công trình, rút bớt nguyên liệu trong quá trình thi công,…Hiện tượng móc ngoặc chạy chọt trong đấu thầu, làm các dự án, đề tài…cũng là một biểu hiện của loại cơ hội thực dụng này.

  • Loại cơ hôi trung dung: Loại này thường biểu hiện ở sự chịu khó “lắng nghe”, “khiêm tốn”, im lặng nhiều hơn là phát biểu. Vì không có chính kiến hoặc không dám bày tỏ chính kiến, cho nên ai nói gì cũng đều lọt vào tai anh ta. Gió thổi chiều nào anh ta che chiều ấy. Phải, trái, đúng, sai, anh ta không cần biết, miễn là đừng ai đụng đến anh ta và anh ta, tát nhiên, cũng không muốn đụng đến ai. Anh ta nuôi ý đồ suốt đòi tồn tại nơi công đường và thăng quan tiến chức.

  • Loại cơ hội bè cánh, họ hàng, thân thuộc: Loại này xuất hiện ở một số cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở địa phương. Họ lôi kéo những người thân thuộc vào làm tại các cơ quan, đơn vị, mặc dù những người đó không đủ tiêu chuẩn. Trong cơ quan, đơn vị, họ kéo bè, kéo cánh, gạt những người không ăn cánh ra ngoài, thao túng cơ quan, đơn vị. Một số người lợi dụng chức quyền, can thiệp một cách tho bạo, vi phạm “Luật Đất đai”, giao đất, bán đất bừa bãi, trái quy định, để thu về những khoản tiền lớn cho cá nhân và gia đình mình.

  • Loại cơ hội thiển cận, hẹp hòi: Biểu hiện của loại này là định kiến, truy chụp nhau, không phục nhau, xét nét nhau, để ý nhau từng ly từng tý, việc bé xé ra to, quan trọng vấn đề, gây mất đoàn kết nội bộ, tham lam, nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn nghĩ đến công việc của cơ quan.

  • Loại cơ hội quan liêu: Loại này thường biểu hiện ở sự tất bật với công việc, vất vả suốt ngày (quan liêu vất vả), nhưng không được việc, đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, ngại va chạm, lúc thì hữu, khi thì tả, gặp sao hay vậy, đại khái, hời hợt; làm ít, nói nhiều, tư duy vu vơ.

  • Loại cơ hội xa dân, xa rời thực tế: Loại này thường biểu hiện ở bệnh giấy tờ, ngồi trong phòng mà nặn ra chính sách, không sâu sát thực tế, cho nên chính sách đề ra có nhiều sơ hở, không áp dụng được vào thực tế.

  • Loại cơ hội đối phó: Loại này thường tìm mọi kẽ hở của chính sách để lách sao cho có lợi cho cá nhân mình. Bằng cách nào họ cũng có thể lách được. Họ thường nói: “Trên có chính sách, dưới có đối sách, đối sách giỏi hơn chính sách”.

  • Loại cơ hội giả dối: Loại này thường tìm mọi cách để nói dối. Nói dối cấp trên, nói dối cấp dưới. Giả dối dẫn đến gian lận, gian lận gây thất thoát nhiều cho Nhà nước. trong cơ quan, đơn vị, sự giả dối, thiếu trung thực dẫn đến sự nghi ngờ nhau và gây sự lộn xộn nội bộ.


Có người nói rằng, có loại người miệng nói “chống cơ hội”, nhưng kỳ thực, họ lại là những người cơ hội. Họ như con kỳ nhông, lúc thì màu này, khi thì biến thành màu khác, thật chẳng hiểu nổi họ là hạng người nào.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cơ hội. tình hình quốc tế hiện nay đang diễn ra hết sức căng thẳng, phức tạp. Toàn cầu hóa kinh tế đang ngày càng được mở rộng, đem lại những thuận lợi cùng những khó khăn. Hoàn cảnh quốc tế đó đã xô đẩy con người vào những toan tính dẫn đến chủ nghĩa cơ hội và những biểu hiện cơ hội. Trong thời gian qua, có lúc chúng ta quá tập trung vào làm kinh tế, mà buông lơi mặt quản lý xã hội, làm cho đạo đức đang đi xuống. Đó là miếng đất tốt để cho chủ nghĩa cơ hội và những biểu hiện cơ hội có cơ hội để phát sinh và phát triển.

Chính sách của ta, trong đó có chính sách cán bộ , bên cạnh những mặt tót, cũng bộc lộ những mặt chưa tốt. Nhiều người được đề bạt do tài năng, nhưng cũng không ít người ngoi lên bằng con đường thủ đoạn cơ hội.

Có một nguyên nhân rất quan trọng là sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên bị sa sút rất nhiều so với thời kỳ đất nước còn chiến tranh. Không chịu học tập, nghiên cứu, rèn luyện, thì sự sa sút đạo đức, lối sống, lẽ sống là điều đương nhiên. Tính thiếu tự giác, kém tinh thần trách nhiệm trong công vụ của không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã dẫn đến qua loa, đại khái đối với công việc. Lối làm việc hành chính, khệnh khạng, hời hợt, thiếu nghiêm túc đã dẫn đến hiện tượng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Có người phàn nàn rằng, trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để nhận ra những người cơ hội để cảnh giác, đề phòng, khắc phục. Đúng là rất khó trong việc nhận diện ra những người cơ hội, vì đây thuộc về lĩnh vực tâm lý, nhưng không phải khó đến nỗi chúng ta không nhận ra. Muốn nhận ra những người cơ hội hay không cơ hội, trước hết, phải quan sát để nhận diện anh ta là loại người nào? Xem cách ứng xử, đối xử hằng ngày của anh ta ra sao? Mối quan hệ của anh ta với mọi người là chân thành hay giả dối? Anh ta thuộc loại người chính tâm hay tà tâm? Xem xét cách nói, cách viết của anh ta có trung thực không? Anh ta có phải là hạng người “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng” không? Anh ta có thực tâm, hết lòng với công việc chung không? Anh ta có đem lòng đố kỵ với những người có tài, có đức không? Anh ta có ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực không? Hồ Chí Minh nói: “Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”(7) là một chứng bệnh mà nhiều người đã mắc. anh ta có để cho những người bà con thân thuộc bao vây để thao túng vị trí lãnh đạo, quản lý của anh ta không? “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài”(8) đã gây nên biết bao chuyện lôi thôi trong Đảng, đã làm cho con người ta đâm hư hỏng. anh ta có dấu hiệu lo lót cấp này, cấp kia để chạy chức chạy quyền không? Anh ta có tận dụng những sơ hở trong chính sách để moi tiền bạc của Nhà nước không? Anh ta có trung thực với việc thiết kế, thi công các công trình của Nhà nước không? Có trung thực trong kinh doanh không?  Anh ta có cửa quan, cửa quyền khi giải quyết công việc với người dân không? Anh ta có làm điều gì vụng trộm, khuất tất không? Cách ăn  mặc của anh ta có gọn ghẽ, lịch sự không? Việc đi đứng của anh ta có ngay ngắn, đàng hoàng không? Đôi mắt của anh ta có hay liếc ngang, liếc dọc không?...

Có người nói rất đúng rằng, tất cả những người cơ hội đều không phải là những người có tài, mà là những người thủ đoạn. Chúng ta phải rất cẩn trọng khi quan hệ với những người này.

6.Sau khi đã phân biệt được những người cơ hội, chúng ta xem xét những người có tài. Muốn xem xét những người thật sự có tài, chúng ta phải có phương pháp xem xét đúng. Đó là cách thức để tiếp cận với con người. Phương pháp chỉ đúng khi nào chúng ta nhận biết được thực chất tư duy, tư tưởng, ý thức của con người. chúng ta dùng quy luật của lôgich để nhận ra những người thực sự có tài năng. Sức mạnh của phương pháp chính là ở chỗ biết cách nhìn nhận đúng bản chất của con người, thể hiện sự hoạt động hằng ngày của những con người đó. Địa vị thống trij của phương pháp nhìn nhận, đánh giá con người chính là do trình độ trí thức của người lãnh đạo, quản lý và những người tham mưu (thư ký, trợ lý) quyết định. Phương pháp nhìn nhận, đánh giá con người có tài hay không có tài phải là phương pháp thực tiễn-lôgich, chứ không phải phương pháp siêu hình, chạy theo lối suy luận chủ quan của người lãnh đạo, quản lý. Người áp dụng phương pháp siêu hình trong việc nhìn nhận, đánh giá con người chính là những người chủ quan duy ý chí, những người do trình độ tri thức không đầy đủ. Muốn có trình độ phương pháp thực tiễn-lôgich trong việc nhìn nhận, đánh giá để sử dụng con người một cách chính xác, phải có trình độ khoa học nhận thức cao, thể hiện ở phương pháp động, chứ không phải phương pháp tĩnh. Phương pháp động thể hiện ở các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, con người đều không có cái gì là bất biến, vĩnh viễn, không có cái gì bao giờ cũng nguyên vẹn; rằng, mọi cái trong tự nhiên, xã hội, con người luôn luôn ở trong trạng thái biến hóa, phát triển và liên hệ lẫn nhau.

Về phương pháp nhận biết, đánh giá con người, Hồ Chí Minh nói:

“Xem xét cán bộ không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ, Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”(9), “Vì vậy, nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”(10). “Ai mà hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán boj tốt”(11). “Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hóng cả danh giá của người lãnh đạo”(12). “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thê nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”(13).

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người lãnh đạo, người quản lý, muốn dùng người đúng, người đó phải có độ lượng lớn mới có thể đói với cán bộ một cách chí công vô tư, không thành kiến; phải có lòng rộng rãi, khoan dung; phải biết cách giáo dục, huấn luyện cán bộ; phải có đầu óc tỉnh táo, sáng suốt để nhận rõ chân, giả, khả năng của mỗi con người, tuyệt đối không để cho bọn vu vơ bao vây, thao túng trong việc dùng người; có tinh thần độc lập suy nghĩ trong việc nhìn nhận, đánh giá con người để có cách sử dụng cho đúng. Điều quan trọng là những người lãnh đạo, quản lý phải mạnh dạn cất nhắc cán bộ. Về công tác cán bộ, Bác dạy: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy”(14). “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”(15).. “Biết rõ ràng cán bộ, mói có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực”(16).

Hồ Chí minh suốt đời mong muốn Đảng, Nhà nước phải hết lòng, hết sức chăm lo đào tạo một đội ngũ cán bộ phụ trách có ý chí, có tài năng, có đạo đức, có tinh thần làm việc và kinh nghiệm công tác. Muốn vậy, người phụ trách để đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách phải là những chuyên gia giỏi, những người thợ giỏi trong việc dùng người.Những người có tài phải là những người không cơ hội, sống trung thực, có năng lực thực sự, có tâm, có đức, sống dựa vào chính năng lực của bản thân mình, chứ không phải dựa vào cái bóng của người khác. Kết quả cao nhất để đánh giá những người có tài năng là những công trình nghiên cứu khoa học, công trình văn hóa, những kịch bản phim, kịch bản sân khấu, kịch bản múa, bản nhạc, bài thơ, tiểu thuyết, truyện tuyệt tác, những bài báo đặc sắc, những bức họa, phù điêu, bản thiết kế kiến trúc tuyệt vời, những giọng hát tuyệt hay, những đạo diễn, diễn viên đặc biệt nổi tiếng, những nhà hùng biện, những người viết giỏi,…Những người được tặng các giải thưởng lớn trên thế giới và trong nước. Khi những công trình đó được xã hội thừa nhận, người ta dễ nhận ra những người đó là thật sự có tài. Nhưng điều quan trọng là người lãnh đạo, người quản lý phải có nhãn quan sáng suốt để nhìn nhận những người có tài ngay từ khi họ chưa phát tiết”(17).

Việt Nam đang trên đường đổi mới trên các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Cả nước hiện có 143 trường đại học, 178 trường cao đẳng, 285 trường trung cấp, 1691 cơ sở dào tạo nghề, 300 viện nghiên cứu kha học, 135 khu công nghiệp. Cả nước hiện có khoảng 14.000 tiến sĩ, 1.131 giáo sư, 5.253 phó giáo sư và khoảng 16.000 thạc sĩ. Đó là những con số không nhỏ. Những con số đó chứa đựng những tài năng của đất nước. công cuộc đổi mới sẽ tạo ra những nhân tài. Công việc còn lại của người lãnh đạo, người quản lý, người tham mưu là phải biết khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài dồi dào đó.

Hy vọng, các nhà thư ký, trợ lý sẽ tìm ra và tiến cử với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, thủ trưởng của mình những người thực sự có tài năng để gánh vác những công việc chung của đất nước.

(Bài in trong sách "Làm thư ký công việc nghiêm túc và đáng quý" của Việt Phương và Đức Vượng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007).

-------------------------
(1). Những câu đặt trong dấu “….” Trên đây là dẫn theo cuốn “Bí quyết nhận biết người tài” của Long Tủ Dân, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr 5.
(2).”Cổ học tinh hoa”, quyển 2, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.154.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 8.
(4).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, sách đã dẫn, tr 8.
(5).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4,sách đã dẫn , tr 99..
(6).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4,sách đã dẫn  , tr 451.
(7).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 279.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 279.
(9).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 278..
(10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 278
(11)Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 278.
(12).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 279
(13).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 278.
(14).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 281..
(15).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr 281,282.
(16).Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr282.
(17). Phát tiết là chưa lộ rõ ra bên ngoài. Ngày xưa, ở Trung quốc và Việt Nam xuất hiện nhiều thầy tướng, xem cho những đứa trẻ, khẳng định những đứa trẻ đó trong cuộc đời tương lai sẽ lập nên sự nghiệp lớn hoặc những nhà văn hóa lớn.