Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sựnghiệp đổi mới đất nước
1. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia vừa xuất bản cuốn sách quý: “Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước” của PGS,TS Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực. Sách dày 598 trang, khổ giấy 14,5 x 20,5 cm. Đây là tác phẩm lịch sử - lý luận - thực tiễn thứ 17 của PGS,TS Đức Vượng đã được xuất bản. Cuốn sách được biên soạn dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc (96/100 điểm): “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020” (Mã số: KX.04.06-10) do PGS,TS Đức Vượng làm Chủ nhiệm, đồng thời là Chủ biên, trực tiếp viết Báo cáo Tổng hợp dày hơn 600 trang kết quả nghiên cứu của đề tài.
Tri thức thế giới đang bùng nổ bởi khoa học công nghệ thông tin và khoa học công nghệ sinh học. Việt Nam hiện nay vẫn đang trong quá trình phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào lao động và tài nguyên; vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp (trong đó có công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn), thực hiện tái cơ cấu kinh tế; đồng thời, cũng đang mở ra khả năng tiến lên một nền kinh tế tri thức. Con đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới được quyết định bởi chính lịch sử và trình độ tri thức của con người Việt Nam. Cuốn sách “Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước” thực sự góp phần vào việc nghiên cứu trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và chấn hưng đất nước.
Sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước trong thời kỳ mới đang đòi hỏi phải khai thác triệt để trí tuệ của trí thức, một vấn đề vừa là khoa học, lại rất nhạy cảm. Nếu biết khai thác tốt, có chính sách tốt, nhất định mọi hoạt động của trí thức sẽ tốt lên. Để có được dân giàu, nước mạnh, xã hội phát triển, rất cần đến sự đóng góp của đội ngũ trí thức. Tác giả cho rằng, nghiên cứu vấn đề trí thức nhằm đi đến những nhận thức cơ bản về đội ngũ trí thức Việt Nam; xác định tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về vấn đề trí thức; đánh giá thực trạng về đội ngũ trí Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó mà xác định trọng tâm nghiên cứu là đề ra được những phương hướng và giải pháp, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, đặc điểm của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khai thác những kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức ở một số nước công nghiệp đã và đang phát triển. Tác giả ý thức rất rõ rằng, nếu không làm rõ thực trạng của đội ngũ trí thức Việt Nam và đội ngũ trí thức trong một số lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội, thì không thể nói đến việc đề ra phương hướng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong một số lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội, bởi lẽ, phải xác định cho rõ, cho hết cái đã qua, nhận thức đúng cái hiện tại, thì mới có thể làm rõ được cái sẽ đến. Đây chính là phương pháp của vấn đề nghiên cứu. Đương nhiên, nghiên cứu chủ yếu vẫn là xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
2. Cuốn sách đã làm rõ hơn khái niệm, định nghĩa về người trí thức, dẫn ra những khái niệm, định nghĩa về trí thức ở Mêhicô, Mỹ, Nga, Xingapo, Cu Ba; Từ điển Bách khoa Toàn thư, Bách khoa Triết học, từ điển Wikipedia; những khái niệm, định nghĩa về trí thức của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh, của các học giả Việt Nam và thế giới, trên cơ sở đó mà Tác giả đã đưa ra định nghĩa về người trí thức theo nhận thức của mình. Theo Tác giả, đưa ra định nghĩa về người trí thức là một việc khó khăn, nhưng cần thiết, vì nó liên quan đến các hoạt động của con người và xã hội. Xác định đúng nội dung cơ bản của khái niệm trí thức sẽ là cơ sở để khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, sử dụng đội ngũ này cho đúng, cho tốt. Nó còn liên quan đến công tác tổ chức, việc hoạch định các chính sách, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cuốn sách đã phân tích sâu sắc về những đặc trưng cơ bản của người trí thức nói chung và người trí thức Việt Nam nói riêng, qua đó mà phân tích những đặc trưng cơ bản của các thế hệ trí thức Việt Nam từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay; phân tích có sức thuyết phục thế hệ trí thức Việt Nam trong thời kỳ thành lập Đảng; thế hệ trí thức Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước; thế hệ trí thức Việt Nam từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay.
Cuốn sách phân tích về thiên chức của người trí thức Việt Nam thể hiện ở sự tiếp thu và truyền bá tri thức, tinh hoa văn hóa nhân loại; sáng tạo ra các giá trị mới của tri thức, văn hóa mới cho đất nước mình; thật sự quan tâm, theo dõi các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước để cùng nhau chia sẻ; phát hiện ra những mặt tích cực của xã hội để tuyên dương và những mặt tiêu cực để khắc phục; đóng góp với lãnh đạo về tình hình đất nước để có hướng giải quyết; đề xuất việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội; dự báo và định hướng dư luận xã hội; vươn lên để làm chủ khoa học và công nghệ.
Về phẩm chất của người trí thức Việt Nam đã được Tác giả luận chứng, nhấn mạnh đến đức và tài tạo thành phẩm chất, và khi nói đến phẩm chất bao gồm cả yếu tố đức và tài, tài và đức. Phẩm chất của người trí thức còn thể hiện ở tư cách của con người, ở chất lượng cuộc sống, chất lượng nghiên cứu khoa học, cái làm nên giá trị chân chính của con người. Phẩm chất còn là câu trả lời sống động của người trí thức là làm gì và làm như thế nào để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chấn hưng đất nước. “Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời nào cũng vậy, đều phải có phẩm chất, tính cách chung là đề cao giá trị chân - thiện - mỹ. Để có được phẩm chất, bản thân người trí thức, trước hết, phải có tinh thần độc lập trong tư duy, và chế độ xã hội phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người trí thức được tự do sáng tạo. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng” (Tr. 39 trong sách).
3. Cuốn sách trình bày dựa trên cơ sở khoa học tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề trí thức. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ cho chúng ta cách nhìn nhận, đánh giá trí thức, không nên vơ đũa cả nắm, mà phải có sự phân biệt rõ ràng về từng loại trí thức. Bởi vì, trong thực tế cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, trí thức cũng vậy. Trong một bức thư đề ngày 27-9-1925, gửi cho một nữ sinh viên Việt Nam, đã được trích đăng trong cuốn sách này, Nguyễn Ái Quốc viết:
“Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là những người phản cách mạng. Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì, một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy đang giáng xuống dân tộc của ông, vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn là trị vì một dân tộc nô lệ...
Với quan lại, thư ký và thông ngôn, họ miễn cưỡng phục vụ người Pháp. Bị chìm đắm trong bóng tối ngu dốt từ nhỏ, họ không bao giờ có thể tự trau dồi kinh điển hay tri giác được những tiến bộ của nhân loại qua việc đọc báo chí. Họ không biết vì sao có kẻ sung sướng, lại có kẻ nô lệ khổ sở. Họ giống như những con gà què chỉ ăn quẩn cối xay; họ không có chút nỗ lực nào, nên đành lòng với thứ thức ăn mà kẻ khác đem cho họ. Vậy nhiệm vụ của chúng ta là phải hướng họ đi theo lý luận cách mạng”(1).
Tác giả cuốn sách đã đưa ra 10 vấn đề trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tầng lớp trí thức, trong đó có trách nhiệm bản thân người trí thức và trách nhiệm của xã hội đối với trí thức.
Về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với vấn đề trí thức, Tác giả đã đi từ phương pháp nghiên cứu lịch sử đến kết luận lôgích, từ những nhận thức chưa đầy đủ đến những nhận thức tương đối đầy đủ về vấn đề trí thức, từ chỗ chưa hiểu trí thức đến chỗ đã hiểu trí thức; sự uốn nắn kịp thời quan niệm không đúng của một số cấp ủy về vấn đề trí thức: “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”(2) đã làm thay đổi cách nhìn về vấn đề trí thức.
Về mối quan hệ giữa tầng lớp trí thức Việt Nam với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giữa lao động trí óc và lao động chân tay đã được quyết định bởi chính lịch sử.
4. Cuốn sách trình bày một cách có hệ thống về chủ nghĩa yêu nước của trí thức Việt Nam trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc, thể hiện sắc thái, bản lĩnh yêu nước, và chính sắc thái, bản lĩnh ấy đã là một trong những nhân tố tạo thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước của giới trí thức Việt Nam thể hiện ở những tình cảm đặc sắc nhất, đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử và được nâng cao qua các giai đoạn phát triển của ý thức hệ dân tộc. Nó thể hiện lòng trung thành đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nó có ý nghĩa to lớn trong thời kỳ hình thành dân tộc, cũng như trong cuộc đấu tranh chống xâm lược và áp bức dân tộc.
5. Bằng những số liệu chính thống chứng minh và sự luận giải có cơ sở khoa học, cuốn sách trình bày một cách tổng quan thực trạng đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay; những ưu điểm, hạn chế được phân tích dựa trên những luận cứ khoa học. Hiện nay, đội ngũ trí thức tăng nhanh do nguồn ra hằng năm của các trường đại học, cao đẳng. Nhưng rõ ràng, chất lượng nhìn chung, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Không ít trí thức còn quá hướng vào việc khoa cử, mà sao nhãng việc nâng cao trình độ kiến thức thực lực của bản thân mình, dẫn đến tình trạng có danh mà không có thực. Môi trường tinh thần của trí thức Việt Nam vẫn chưa được chủ động, thoải mái trong nghiên cứu và sáng tạo. Sự chuẩn bị về học thuật cho đội ngũ trí thức làm nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy còn kém. Chế độ đãi ngộ trí thức chưa thỏa đáng. Họ làm việc quá nhiều mà lương lại thấp, ảnh hưởng rất nhiều đến việc nghiên cứu và giảng dạy. Điều kiện và phương tiện làm việc của trí thức Việt Nam hiện nay còn rất kém so với các nước trong khu vực tới 7-8 lần và còn kém so với các nước phát triển tới 10-15 lần. Đến nay, Đảng và Nhà nước vẫn chưa có chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức.
Bằng những số liệu chứng minh, cuốn sách đã trình bày về những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thực Việt Nam hiện nay trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đóng góp của lực lượng trí thức trẻ; nữ trí thức; những trí thức làm việc cá thể, riêng lẻ và làm việc tại các tổ chức chuyên môn ngoài công lập; lực lượng trí thức làm việc tại các địa phương; vấn đề kinh tế tri thức và đội ngũ những người làm kinh tế tri thức; thực trạng của vấn đề trọng dụng nhân tài; trí thức hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đào tạo đại học và sau đại học, về đội ngũ các nhà khoa học; trí thức hoạt động trên lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực nghiên cứu lý luận chính trị, tư tưởng; lĩnh vực giảng dạy lý luận chính trị, lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lĩnh vực lập pháp; lĩnh vực hành pháp; lĩnh vực tư pháp; lĩnh vực báo chí - xuất bản; lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực doanh nghiệp; lĩnh vực công nghệ thông tin; lĩnh vực y tế; lĩnh vực quốc phòng - an ninh; lĩnh vực ngoại giao; trí thức Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
6. Trên cơ sở phản ánh thực trạng đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm đổi mới, cuốn sách trình bày phương hướng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020; dự báo chiều hướng, khả năng phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tác giả đã phân tích rõ phương hướng xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020, rất cần được gắn với phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức, vì những vấn đề trên có liên quan chặt chẽ với nhau, có cái này không thể không có cái kia và ngược lại. Nó được thể hiện trên các mặt: xác định quan điểm nhận thức đối với trí thức; khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; nâng cao một bước rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; gắn với kinh tế tri thức; gắn với nghiên cứu con người; gắn với các lĩnh vực hoạt động của trí thức, trong đó có trí thức hoạt động trong các tổ chức ngoài công lập, trí thức trẻ, trí thức nữ, trí thức làm việc tại các địa phương. Đó là những phương hướng, luận cứ để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020 mà Tác giả đã trình bày trong cuốn sách của mình.
7. Trên cơ sở những phương hướng xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020, cuốn sách đã nêu những giải pháp về vấn đề này, trong đó có giải pháp tổng thế và giải pháp cụ thể.
Về giải pháp tổng thể, Tác giả đã phân tích tập trung khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trí thức giai đoạn 2011-2020; tạo lập hệ thống chính sách có tính động lực; một số chính sách khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực trí thức hiện nay; thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trong khu vực quản lý công, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực dịch vụ công. Đặc biệt, cần có chính sách trọng dụng và tôn vinh trí thức, nhất là chính sách đào tạo, bồi dưỡng khuyến khích trí thức trẻ phát triển tài năng, góp phần phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống cho trí thức thuộc thế hệ trẻ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trí thức trẻ phát huy được hết tài năng cống hiến của mình, khuyến khích thanh niên tự học, tự tạo việc làm, tự nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với trí thức là doanh nhân, tạo mọi điều kiện để họ có thể phát huy tiềm năng trong việc quản lý doanh nghiệp, phát huy vai trò tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo dựng và giữ gìn thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Điều quan trọng là phải để cho trí thức thực sự nói lên tiếng nói của chính mình, thực sự được bày tỏ chính kiến, thực sự được tự do thảo luận về các vấn đề xã hội nhằm góp phần xây dựng xã hội phát triển. Xây dựng cơ chế đánh giá năng lực và phẩm chất của trí thức để sử dụng cho đúng theo phương pháp “tiếp thu” và “đào thải”. Nghiên cứu, khuyến khích trí thức thực hiện việc tư vấn, phản biện trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại,..., góp phần bảo đảm cho những chính sách đó nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả thiết thực.
Để cho nhân tài được trọng dụng trên thực tế, cần tạo một chuyển biến thật sự trong việc trọng dụng nhân tài, trước hết, cần có “cuộc cách mạng về sử dụng nhân tài”, thay đổi hẳn nhận thức cũ, lạc hậu bằng nhận thức mới, thật sự tiến bộ trong khai thác, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và cuối cùng là trọng dụng nhân tài. Phải xác định rõ vấn đề bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không chỉ là việc riêng của ngành tổ chức - nhân sự và việc riêng của ngành giáo dục và đào tạo. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ nhân tài liên quan tới toàn bộ các mắt xích trong hoạt động dây chuyền của một quốc gia cũng như sự phát triển lâu dài của đất nước. Nếu chúng ta chỉ thuyết minh về cải cách giáo dục thôi, thì chưa đủ, mà phải tính đến đổi mới toàn diện giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Vấn đề đặt ra cho đất nước muốn vươn lên trở thành nước giàu, dân giàu, thì phải tập trung trí tuệ xây dựng chiến lược nhân tài, tương ứng với xu thế phát triển của đất nước và xu thế toàn cầu hóa. Chiến lược nhân tài Việt Nam phải mang tính đột phá. Chiến lược đó được thực hiện bằng việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, có sự chỉ đạo tập trung, xây dựng và tổ chức có hiệu quả cơ chế khai thác, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và cuối cùng là sử dụng nhân tài, làm cho nhân tài đất Việt "có đất dụng võ, dụng văn”.
Vấn đề quan trọng là phải giải quyết vấn đề lợi ích cho những nhà khoa học có nhiều sản phẩm, công trình có giá trị. Vì sao phải đặt vấn đề này ra, vì trên thực tế, xét cho cùng, mọi cái đều quy về lợi ích. Mọi cống hiến hiện nay cũng đều quy về lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Giữa lợi ích vật chất (trong kinh tế chính trị học, thường gọi là “lợi ích kinh tế”) và lợi ích tinh thần, thì lợi ích vật chất vẫn là cơ bản, có tính quyết định. Lợi ích ở đây không phải là vấn đề vụ lợi cá nhân, cũng không phải là thực dụng, mà là một thực tế sinh động. Ph.Ăngghen viết: “Những quan hệ kinh tế của một xã hội nhất định nào đó biểu hiện trước hết dưới hình thức lợi ích”(3). Quan hệ sản xuất chính là quan hệ xã hội giữa người và người. Nó hình thành một cách độc lập với ý chí và ý thức của con người, nghĩa là hình thành một cách khách quan trong quá trình hoạt động của con người tác động vào công việc được giao làm. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải giải quyết hợp lý lợi ích cho những nhân tài. Không giải quyết hợp lý vấn đề lợi ích, thì không thể nói đến trọng dụng nhân tài.
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với vấn đề trí thức là nhân tố rất quan trọng để xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng cao trong thời kỳ đổi mới.
Về giải pháp cụ thể về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tác giả đã đề cập đến giải pháp trong lĩnh vực đào tạo, trong đó có đổi mới giáo dục đại học và đổi mới giáo dục phổ thông; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực nghiên cứu lý luận chính trị, tư tưởng; lĩnh vực giảng dạy lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lĩnh vực lập pháp; lĩnh vực hành pháp; lĩnh vực tư pháp; lĩnh vực văn hóa; lĩnh vực báo chí - xuất bản; lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực doanh nghiệp; lĩnh vực công nghệ thông tin; lĩnh vực y tế; lĩnh vực quốc phòng - an ninh; lĩnh vực ngoại giao; lực lượng trí thức Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
Với sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, sự khảo sát thực tế đời sống xã hội của đội ngũ trí thức Việt Nam, được xác định bởi nhiều góc độ tài liệu khác nhau và được kiểm nghiệm tại các cuộc điều tra xã hội học, hội thảo khoa học, tọa đàm, trao đổi trực tiếp, cuốn sách đã phần nào phản ánh được thực trạng của đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và một số lĩnh vực hoạt động trọng yếu của đời sống xã hội mà trí thức làm việc nói riêng. Những giải pháp tổng thể và những giải pháp cụ thể đều có tính khả thi bởi nó được xác định một cách rõ ràng, có chứng minh bằng các số liệu, tài liệu, có căn cứ khoa học chắc chắn. Tuy nhiên, Tác giả cũng thấy rằng, trí thức là một vấn đề rộng lớn, một mảng rất quan trọng của đời sống xã hội, luôn luôn chuyển động, lại rất nhạy cảm, cho nên một cuốn sách, một đề tài không thể giải quyết được hết, giỏi lắm cũng chỉ là một kênh tham khảo. Vì vậy, cần có nhiều đề tài, đề án, nhiều cuốn sách về vấn đề trí thức, như nhiều cây góp vào thành rừng, thì mới có thể giải quyết được cơ bản vấn đề trí thức ở Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thay lời kết, xin được trích lời GS, TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, về cuốn sách này:
“Kính gửi PGS,TS Đàm Đức Vượng
Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực
Anh Vượng thân mến,Tôi rất vui mừng và cảm động khi nhận được cuốn sách “Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, do Anh gửi tặng. Đối với tôi, đây là một tài liệu rất cần thiết trong công tác của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Anh và chúc Anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính.
Đặng Vũ Minh”.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh
*****
Chú thích:
1.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 2, tr. 442.
2. Xem Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.3, tr. 157.
3. C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tập 18, tr. 376.