Mới cập nhật

Tôi viết cuốn sách Những ngày ở Séc

1. Sau khi tập thơ Tâm tình của tôi được xuất bản, nhiều cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu đã viết thư cho tôi, hoan nghênh việc xuất bản tập thơ này. Bên cạnh đó, một số người hỏi về cuốn sách chuyên khảo Những ngày ở Séc của tôi.


Cung điện Hradcany, thủ đô Praha, CH Séc. Nguồn ảnh: panoramio.com.


Tôi xin nói rõ là cuốn sách chuyên khảo Những ngày ở Séc đã được tạp chí “Quê hương”, tiếng nói của Hội người Việt Nam và Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc xuất bản tại Praha năm 2002 và được Nhà Xuất bản Lao động (Việt Nam) tái bản lần thứ nhất vào năm 2006.

Tôi viết cuốn sách này với mục đích là để cho cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc biết về lịch sử của cộng đồng mình tại Séc và cũng để cho người Séc hiểu người Việt Nam sang Séc không chỉ để kinh doanh, mà còn nghiên cứu sâu về đất nước và con người Séc, tuyên truyền ảnh hưởng của đất nước và con người Séc ra toàn thế giới. Tôi viết cuốn sách Những ngày ở Séc trong hoàn cảnh chưa biết tiếng Tiệp Khắc (tiếng Séc). Không biết tiếng Séc thì không thể đọc được tài liệu bằng tiếng Séc. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với tôi là phải gấp rút học tiếng Séc. Vì không có điều kiện học tại trường, cho nên tôi phải tự nghiên cứu, tự học tiếng Séc. Mục đích tự học tiếng Séc của tôi là để đọc hiểu, còn muốn nghe, nói, viết tiếng Séc thì phải đến trường, không có cách nào khác. Sau một thời gian ngắn miệt mài tự học tiếng Séc vào các buổi tối, ngày nghỉ, tôi đã đọc hiểu được tiếng Séc, một thứ tiếng rất khó học, có tới 7 cách, ở trình độ đọc hiểu một cách cơ bản. Đây chính là cái chìa khóa mở ra để cho tôi đọc các tài liệu bằng tiếng Séc. Chính các tài liệu này đã giúp cho tôi viết thành công cuốn sách Những ngày ở Séc. Rất tiếc, bản thảo cuốn sách mới chỉ dừng lại ở tiếng Việt, vì tôi chưa đủ trình độ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Séc, còn thuê dịch thì công thuê rất đắt, mà có khi người dịch chưa hiểu hết ý của mình. Khi cuốn sách này được in ra, kỹ sư Doãn Huy Kiểm, lúc ấy là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, bảo tôi: “Đọc xong cuốn sách Những ngày ở Séc, tôi có cảm giác Anh là người Séc thực thụ, trong khi đó, Anh mới chỉ ở Séc có ba năm”.

Những ngày ở Séc là một cuốn sách chuyên khảo, được biên soạn công phu, các tài liệu dẫn ra đều chính xác. Cuốn sách chia làm hai chương, một chương viết về nước Séc, một chương viết về cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. 2. Chương viết về nước Séc bao gồm thiên nhiên Séc; xã hội Séc; thủ đô Praha; lịch sử Séc; con người Séc; văn hóa Séc; ngôn ngữ Séc; văn học Séc; nghệ thuật Séc; Âm nhạc Séc; phim ảnh và kịch trường ở Séc; thông tin đại chúng ở Séc; giáo dục và đào tạo ở Séc; kiến trúc Séc; phong tục tập quán và sinh hoạt của người Séc; cách ăn mặc của người Séc; hệ thống giao thông ở Séc; thể chế chính trị và hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước Cộng hòa Séc; kinh tế Séc; khoa học và kỹ thuật Séc; phong trào thể dục thể thao ở Séc; du lịch sở Séc.  



Về thiên nhiên Séc: Cộng hòa Séc là một trong những nước ở châu Âu có thiên nhiên tuyệt vời. Mùa hè nắng rất dễ chịu. Nhiệt độ khoảng từ 15-20 độ C. Mùa đông rét cũng rất “dễ chịu”. Nhiệt độ khoảng từ 10 độ dưới không đến 5 độ trên không. Tuy có tuyết rơi, nhưng lại là “tuyết ấm”, vì khí hậu khô. Phơi chiếc áo trong nhà, chỉ qua một đêm, sáng hôm sau, áo đã khô cứng. Mùa hè ánh nắng chói chang, chiếu từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Mùa đông, 8 giờ sáng, trời mới rạng và 4 giờ chiều, trời đã tối. Để rút khoảng cách dài - ngắn giữa mùa hè và mùa đông, ở Séc, người ta thường chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 3 và ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 10 hằng năm để vặn lại kim đồng hồ, theo quy ước mùa hè vặn 1 giờ theo chiều thuận và mùa đông vặn 1 giờ theo chiều nghịch. Sự chuyển đổi mùa cũng rất nhanh. Hôm qua tuyết vẫn còn rơi/Hôm nay nắng đã đầy trời trong xanh. Nhìn chung, thiên nhiên và khí hậu ở Séc khá tốt. Đặc điểm của thiên nhiên Séc là có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Nắng, mưa ở Séc bao giờ cũng rõ ràng. Mưa xong là nắng liền, mùa hè ít có những ngày ảm đạm, trời mây u ám. Trăng lên vằng vặc trên bầu trời xanh đen. Những làn gió nhẹ lướt tới một cách êm đềm trong mùa hè, làm rạo rực lòng ta.  

Về xã hội Séc: Cộng hòa Séc là một quốc gia độc lập, thống nhất, gồm ba xứ: Boohem, Môrava, Slezsko. Xã hội Séc gồm nhiều dân tộc. Ngoài dân tộc Séc, Slovakia, còn có người nước ngoài mang quốc tịch Séc như Ba Lan, Ucraina, Việt Nam, Đức, Nga, Hung, Do Thái, Rôm, Trung Quốc, Mỹ,... Dân số Séc có lúc lên, lúc xuống, song, độ chênh lệch không nhiều. Theo kết quả điều tra dân số do Tổng cục Thống kê Séc công bố chính thức: Tính đến ngày 1-3-2001, dân số Séc có 10.292.000 người, trong đó có 104.884 người nước ngoài có giấy phép cư trú, trong đó, người Việt Nam chiếm tỷ lệ 16,9% so với dân số người nước ngoài ở Séc. Nước Séc có diện tích 78.864 km2, đứng thứ 21 của châu Âu về diện tích. Séc có chung biên giới với Slovakia1, Đức, Áo, Ba Lan. Nhà nước Séc rất chú ý đến các chính sách xã hội. Người thất nghiệp có thể lĩnh phụ cấp, gọi là “phụ cấp thất nghiệp” hằng tháng. Phúc lợi công cộng được chú ý đúng mức. Đặc biệt, những người già, người tàn tật và trẻ em được xã hội quan tâm. Chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện cho mọi người dân. Có 29% dân Séc, gia đình có mức sống khá giả. Tính cơ động, linh hoạt trong việc định chính sách đã làm cho xã hội Séc thông thoáng.  

Về thủ đô Praha: Khách trên toàn thế giới đến Séc đều gọi thủ đô Praha là thành phố của những điều kỳ diệu, huyền bí (the Magical City), thành phố vàng (the Golden City), thành phố của một trăm ngọn tháp (the City of hundret Towers), Paris của Đông Âu (Paris of the East),...Quả thật như vậy, Praha rất đẹp. Cái đẹp của sự ít được biết đến. Tôi nhận ra rằng, đây là một thành phố rất có duyên, mang đầy cá tính, làm say mê lòng người. Với 1,2 triệu dân, Praha là trung tâm công nghiệp - thương mại - văn hóa của cả nước.   Về lịch sử Séc: Dân tộc Séc hình thành khá sớm. Tư liệu, sử sách thời Hy Lạp cổ đại đã ghi lại rằng, người Xentơ là những người đầu tiên sống trên địa bàn Séc. Họ làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc. Dần dần, người Xentơ bắt đầu xây dựng những trung tâm kinh tế và chính trị. Rồi từ thế kỷ VI, tộc người Slavơ bắt đầu định cư ở địa bàn Séc. Năm 880, vương hầu Borivoj thuộc dòng họ Premysl chiếm được quyền lực lên trị vì ở Séc. Vợ của vương hầu Borivoj tên là Ludmila. Con trai của họ là Vlatislav. Vợ của Vlatislav Drahomira. Năm 907, họ sinh được một người con trai, đặt tên là Vacslav. Năm 924, Vacslav lên ngôi vua. Ông là một vị vua rất thông minh, có công xây dựng Nhà nước Séc vững mạnh. Thời gian qua đi, nhiều dòng vua nối tiếp trị vì đất nước... Nhà nước cộng hòa và độc lập đầu tiên tồn tại từ năm 1918 đến năm 1939. Từ năm 1939 - 1945, Séc đặt dưới chế độ bảo hộ của Đức. Sau chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch công phá Béclin và sau khi quân đội Đồng Minh gặp nhau trên bờ sông Enbơ, ngày 9-5-1945, Đức đã phải ký văn bản đầu hàng quân Đồng Minh và Liên Xô. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 5-1945, nổ ra cuộc khởi nghĩa ở Tiệp Khắc, dẫn đến giải phóng Tiệp Khắc thoát khỏi sự đô hộ của phátxít Đức. Từ năm 1945-1960 là nước Cộng hòa Tiệp Khắc (Ceskoslovenska Republika). Từ năm 1960-1990 là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (Ceskoslovenska Republika Sosialiska). Ngày 10-12-1989, đất nước biến động. Sự biến động này dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc (Séc - Slovakia). Ngày 1-1-1993, Séc và Slovakia tách làm hai quốc gia: Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia. Thủ đô mới của Cộng hòa Séc sau khi tách ra vẫn là Praha. Còn thủ đô Cộng hòa Slovakia là Brachixlava.   Về con người Séc: Có thể nói, người Séc thông minh, khỏe mạnh và sống thật thà. Nhiều nhà khoa hoc cỡ thế giới là người Séc. Phụ nữ Séc trẻ trung, xinh đẹp, tốt bụng. Những cô gái Séc thường có dáng người dong dỏng cao (thường cao từ 1,65 mét đến 1,75 mét); nước da trắng mịn màng, đầy sức quyến rũ. Đàn ông Séc, phần lớn là những người khỏe mạnh, chịu khó làm việc. Sinh hoạt của người đàn ông Séc không quá cầu kỳ. Rượu, thuốc lá, cà phê là sở thích của nhiều người.  

Về văn hóa Séc: Văn hóa Séc phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân Séc. Văn hóa Séc đa dạng, phong phú. Nó mang trong lòng dân tộc Séc những giá trị vật chất, tinh thần cao cả do con người sáng tạo ra trong lịch sử, thể hiện đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc Séc. Nó tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Séc. Văn hóa Séc mang dáng dấp của một nền văn hóa lâu đời của châu Âu. Văn hóa Séc thuộc nhóm văn hóa các nước vùng Slavơ.  

Về ngôn ngữ Séc: Ngôn ngữ chính thức của Nhà nước Séc là tiếng Tiệp (Séc). Nó thuộc nhóm ngôn ngữ vùng tây Slavơ. Ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Séc, còn có một số thổ ngữ của các dân tộc, địa phương khác nhau. Ngôn ngữ Séc xuất hiện rất sớm. Nó luôn luôn được giữ gìn, bảo vệ. Trong lịch sử đã có thời gian tiếng Séc bị sức ép mạnh của quá trình tiếng Đức hóa. Song, nhân dân Séc đã ra sức bảo tồn tiếng Séc trong bối cảnh bị sức ép của quá trình tiếng Đức hóa. Ngày 13-3-1495, Hoàng gia Séc ra chiếu chỉ dùng tiếng Séc là tiếng phổ thông. Ngôn ngữ Séc khá phong phú và đa dạng. Nó kế thừa và tiếp thu tinh hoa ngôn ngữ của nhiều nước, nhất là ngôn ngữ Slavơ và ngôn ngữ Latinh. Tôi đã nghiên cứu cuốn “Từ điển Séc - Việt” (Cesko - Vietnamský Slovnik) do Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm, Bùi Đức Lại,... biên soạn, Phòng Công tác lưu học sinh Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc xuất bản, Praha, 1996 và cuốn từ điển nhỏ “Việt - Séc” (Malý Vietnamsko - Ceský Slovnik) do tác giả Michal Semotan (Miro) biên soạn và Nhà Xuất bản Sloviet - Blatislava xuất bản năm 2000, thấy rằng, tiếng Séc có hiện tượng rất phổ biến là các từ xuất hiện dưới nhiều dạng mạo khác nhau. Sự tạo từ thường bắt đầu bằng đầu tố, vĩ tố và tạo từ ghép. Viết sao đọc thế, đọc hết theo chữ, chứ không đọc mất đuôi như tiếng Anh. Tiếng theo âm thanh. Phát âm theo hệ Slavơ, viết theo dạng Latinh.   Về văn học Séc: Văn học Séc được hình thành cùng với sự phát triển của ngôn ngữ Séc. Văn học thành văn ra đời sớm ở Séc. Đến thời kỳ phục hưng dân tộc, văn học Séc phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Những danh nhân lớn của nền văn học Séc lần lượt xuất hiện, trong đó có Karel Havicek, Aloi Jirasek, Bozena Nhemcova (Bozena Nemcova), Jan Neruđa, Karel Capek, Jaroslav Hasek, Karel Polasek,... Nhà văn, nhà báo cách mạng Phuxích (Julius Fucik) với tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” đã làm rung động lòng người Tiệp Khắc và trên thế giới.


Cầu Charles, hay còn gọi là cầu Tình, thủ đô Praha, CH Séc.

Văn xuôi Séc phát triển đồng thời với thơ ca Séc. Các thế hệ nhà thơ lần lượt xuất hiện trên văn đàn Séc. Đặc biệt, từ đầu thế ký XX, cùng với sự ra đời của Nhà nước độc lập Tiệp Khắc, một loạt các nhà thơ tài năng như Jiri Wolker, Konstantin Biebl, Frantisek Halas, Vitezslav Nezval, Jaroslav Seifert, ... xuất hiện, đã gióng một hồi chuông cho nền thi ca Séc.

Đặc biệt, Jaroslav Seifert (J. Xâyphớt), nhà thơ lớn của Tiệp Khắc đã được tặng giải thưởng Nobel về văn học. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ về thơ Xâyphớt, rất cảm phục Ông và đã làm bài thơ: “Đọc thơ Xây phớt”:

Thức trắng đêm rồi đọc thơ Ông     

Nhà thơ đất Tiệp giải Nobel     

Hồn thơ lai láng lòng man mác     

Lấp lóa tình yêu trước ngọn đèn.     

Thơ Ông là một cặp tình nhân     

Khát khao hít lấy những hương thơm     

Vòng ôm dính chặt không gỡ nổi     

Cỏ cây hoa nở giữa thanh thiên.      

Tình yêu óng ánh những hạt sương     

Mùa xuân vẻ đẹp cấp số nhân     

Màu sắc lang thang muôn nghìn tía     

In hình trong suốt dòng sông xanh.     

Thơ Ông đã khóc những tâm hồn     

Những cánh hoa đời lạc trong đêm     

Một đóa phù dung thành gái gọi     

Bởi đâu lỗi tại em gây nên!     

Bao phen vật lộn với đời trần     

Quằn quại vật vờ suốt thâu đêm     

Vẫn biết rằng em đâu có muốn     

Mà đời lại như con thiêu thân.     

Và như vậy nồng độ tình yêu     

Từ từ hạ xuống điểm đóng băng     

Còn gì lạnh lẽo bằng băng giá     

Còn gì đau đớn bằng mất trinh.     

Tình yêu muôn năm vốn lẽ thường     

Nhưng rồi như con chim bị thương     

Nó nằm rã cánh trên đường vắng     

Không kẻ đoái hoài chẳng vấn vương.     

Chỉ có những ai yêu quê hương     

Thì tình yêu đó mới tỏ tường     

Yêu con người và yêu cuộc sống     

Đó chính là tình yêu lâu bền.     

Chưa đọc thơ Ông tóc điểm sương     

Khi đã đọc rồi tóc lại xanh     

Bởi chăng được tình yêu nhuộm thắm     

Nên tóc chuyển màu trắng sang xanh2.      



Về nghệ thuật Séc: Nghệ thuật Séc khá phong phú. Nó thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của văn hóa, đời sống tinh thần của xã hội. Nghệ thuật tạo hình là một trong những lĩnh vực nghệ thuật nổi bật mang tính truyền thống lâu đời ở Séc. Nó chịu ảnh hưởng của trào lưu nghệ thuật phục hưng ở châu Âu hồi thế kỷ XVI.  

Về âm nhạc Séc: Nền âm nhạc Séc xuất hiện khá sớm. Người ta đã tìm thấy những dấu tích của âm nhạc Séc từ thế kỷ IX. Nhà soạn nhạc đầu tiên của Séc nổi tiếng thế giới là Bedrich Smetana với những tác phẩm lừng danh: “Quê hương tôi”, “Cô dâu bị bán”,... Âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian đã hòa quyện vào nhau, tạo thành “suối nhạc”, phục vụ cho những sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Âm nhạc lành mạnh đã làm tôn lên vẻ đẹp xã hội.  

Về phim ảnh và kịch trường Séc: Phim ảnh thuộc lĩnh vực điện ảnh, còn kịch trường thuộc lĩnh vực sân khấu. Những năm qua, Séc luôn luôn đứng hàng đầu về công nghệ làm phim. Các nhà làm phim Séc đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc liên hoan phim quốc tế. Trong số các giải thưởng mà các nhà làm phim Séc đã giành được đến thời điểm năm 2002, có các giải Oska. Giải Oska đầu tiên mà các nhà làm phim Séc đã giành được là bộ phim: “Cửa hàng ở phố chính”. Giải Oska thứ hai là phim: “Những đoàn tàu bị theo dõi ngặt”. Giải Oska thứ ba làm phim “KolJia”. Tôi chưa rõ sân khấu Séc có từ bao giờ. Song, có người nói rằng, từ thế kỷ XI, XII, ở Séc đã xuất hiện những kịch trường. Thời kỳ phục hưng, sân khấu phát triển rất mạnh. Nó lan tỏa từ cung đình ra đồng cỏ. Nó đã đến với người dân thường một cách tự nhiên và trân trọng. Đến thời kỳ cộng hòa thứ nhất, sân khấu Séc phát triển vượt bậc.  

Về thông tin đại chúng ở Séc: Hệ thống thông tin đại chúng mang tính phổ cập, bao gồm báo chí, truyền hình, phát thanh, sách xuất bản, thư viện,... với các thứ tiếng Séc, Đức, Anh, Pháp,... Hệ thống vô tuyến truyền hình ở Séc có nhiều kênh. Ngoài ra còn có hệ kênh Satellte của châu Âu. Hệ kênh này có tới 60 kênh, trong đó có kênh CNN chuyên về thời sự quốc tế. Kênh Euro Sport chuyên về thể thao quốc tế. Một số kênh do tư nhân quản lý. Hệ thống truyền hình của Séc chiếu suốt ngày suốt đêm. Kỹ thuật truyền dẫn khá hoàn hảo. Điều này phản ánh công nghệ thông tin của Cộng hòa Séc đang phát triển.  

Về giáo dục và đào tạo ở Séc: Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia có một nền giáo dục tương đối quy củ. Hệ thống đào tạo mang tính dây chuyền, được bắt đầu từ trường phổ thông đến đại học và sau đại học. Đào tạo có chất lượng là mục tiêu vươn tới của Nhà nước CH Séc. Vấn đề này đã thu hút được nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài đến Séc và Slovakia học tập. Hệ phổ thông ở Séc, trẻ em từ 3 đến 6 tuổi theo học các lớp mẫu giáo. Khi đủ 6 tuổi bắt đầu vào học lớp 1. Từ lớp 1 đến lớp 9 là đào tạo cơ bản (základní skola). Giai đoạn này, học sinh phải học các môn toán, văn, sử, địa,... Đến lớp 6 học thêm môn vật lý. Từ lớp 7 học thêm các môn hóa, vẽ, nhạc, họa. Từ lớp 5 đến lớp 9, học thêm môn giáo dục công dân (obcanská výchova). Môn này, ngoài việc giáo dục cho học sinh về phép tắc, luật lệ, từ lớp 7 đến lớp 9, nhà trường dành một số giờ dạy cho học sinh những vấn đề của tuổi mới lớn, trong đó có vấn đề về quan hệ nam nữ, gọi là cân bằng sinh lý... Nhìn chung, Nhà nước CH Séc rất quan tâm đến hệ giáo dục phổ thông, coi đây là bước chuẩn bị rất cơ bản để vào đại học...  

Về kiến trúc Séc: Ở Séc có một nền kiến trúc phong phú, lâu đời. Nhiều lâu đài, thành quách ra đời cách đây cả nghìn năm, nay vẫn còn nguyên vẹn. Các loại hình kiến trúc của Séc có kiến trúc Roma; kiến trúc Gôtích; kiến trúc thời Phục hưng; kiến trúc Barốc; kiến trúc thế kỷ XIX, kiến trúc thế kỷ XX; kiến trúc hiện đại. Ptaha là một hòn ngọc kiến trúc của châu Âu.  

Về phong tục tập quán và sinh hoạt của người Séc: Phong tục tập quán và sinh hoạt của người Séc có những nét riêng, thể hiện ở sinh hoạt hằng ngày, tập quán và những ngày lễ truyền thống,... Người Séc không thích việc đột ngột đến thăm gia đình mà không báo trước, vì họ cho rằng, đến đột ngột mà không báo trước sẽ làm đảo lộn sinh hoạt gia đình. Tặng phẩm cho họ cũng phải phù hợp với sở thích của người Séc. Lời chào, cái bắt tay và nụ hôn cũng phải hết sức tế nhị. Người Séc có thói quen khi gặp nhau, mọi người thường chào: “Đốpbriden” (Dobrýden), hoặc Ahôi (Ahoj) đối với những người thân trẻ tuổi. Người Séc thích bắt tay thật chặt, rồi buông nhanh. Nếu ai đó bắt tay lỏng, được xem như thờ ơ. Trường hợp thật thân thiết mới hôn. Hôn trán biểu hiện lòng tự trọng, hôn má biểu hiện sự tôn trọng, hôn môi biểu hiện tình yêu trai gái, hôn nhanh biểu hiện hình thức, hôn lâu biểu hiện sự nhiệt tình. Khi hôn phải biểu hiện bằng cảm giác chứ không thể bằng thị giác.  

Về cách ăn mặc của người Séc: Về mặc, hằng ngày vào lúc đêm khuya, kênh Nova của Đài Truyền hình Séc thường hướng dẫn cách mặc cùng với dự báo thời tiết cho ngày hôm sau. Một cô gái cực đẹp, khỏa thân, hiện ra sau khung cửa vuông. Cô hướng dẫn cách mặc từ trong ra ngoài, theo từng mùa, và nhiều người cứ dựa vào đấy mà mặc cho phù hợp với thời tiết của ngày hôm sau. Nhìn chung, tôi thấy họ mặc cũng rất “thoáng” và giản dị, không cầu kỳ. Về ăn uống, trước hết phải nói đến hoa quả của Séc rất đầy đủ như dưa hấu, táo to, chuối, lê, nho, na, nhãn, ổi, rau tươi các loại,... tràn ngập thị trường. Về đồ uống có bia, rượu, nước hoa quả, cà phê, ca cao, trà,... Bia Tiệp ngon nhất nhì thế giới/ Khi uống vào là nối chất tình say/ Chuyện râm ran kéo đến sáng mai ngày. Về thực phẩm có đủ loại thịt, cá, tôm, cua,...Món nào cũng rất sạch sẽ, đặt trong tủ kính, chứ không bán rong phơi ở ngoài đường. Ăn uống của người Séc rất giản dị, có khi chỉ cần vài chiếc bánh mì với ít bơ, thịt nướng là đủ. Khi ăn cá uống rượu vang trắng, khi ăn thịt uống rượu vang đỏ,... Thủ đô Praha, CH Séc. Nguồn ảnh: golfworldresorts.com.

Về hệ thống giao thông ở Séc: Giao thông ở Séc khá hiện đại, là tổng lực của các phương tiện như ô tô, tramvai (tàu điện nổi), metro (tàu điện ngầm), tàu thủy, tàu bay, tàu hỏa, xe máy (rất ít), xe đạp (rất ít), xe ngựa kéo, ca nô, thuyền, xuồng máy,...Đường sá rất tốt. Tất cả đều là đường nhựa, đường bê tông, không có đường đất. Cầu cống rất nhiều. Riêng thủ đô Praha đã có tới 70 chiếc cầu vững chắc bắc qua sông Vltava, mà người Việt Nam tại Cộng hòa Séc vẫn gọi là sông Tình. Đường nhựa, đường bê tông đi tận đến các thôn xã, vùng rừng núi hẻo lánh. Vì vậy, khái niệm “làng”, thực chất là những phố ở nông thôn... Cơ sở hạ tầng rất tốt.

Về thể chế chính trị và hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước Séc: Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa Séc đã trở thành đạo luật cơ bản, quy định nhiều vấn đề quan trọng về chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ công dân, thể chế Nhà nước. Nhà nước Séc thực hiện chế độ dân chủ pháp trị. Chế độ này được thiết lập trên cơ sở tôn trọng quyền tự do của con người và của công dân Séc ở mức cao nhất. Nghị viện gồm hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện gồm 200 hạ nghị sĩ, được bầu cho nhiệm kỳ 4 năm. Thượng viện gồm 81 thượng nghị sĩ, được bầu cho nhiệm kỳ 6 năm...  

Về kinh tế Séc:  Kinh tế Séc là nền kinh tế thị trường, xếp thứ 21 (đến năm 2002) của vị trí kinh tế thế giới. Đến nay, Cộng hòa Séc vẫn được xem là một trong những nước chuyển đổi nền kinh tế thành công nhất ở Trung và Đông Âu...  

Về khoa học và kỹ thuật Séc:  Khoa học và kỹ thuật của Séc khá phát triển, nhất là điện tử và cơ khí. Tại Séc, người ta coi trọng cả nghiên cứu cơ bản lẫn nghiên cứu ứng dụng. Nhiều nhà khoa học, nhà kỹ thuật hiện với trình độ cao, trong đó có giáo sư Jaroslav Heyrovský đã giành được giải thưởng Nobel (Nobel Prize) vào năm 1959 về khoa học quang phổ.  

Về phong trào thể dục thể thao ở Séc: Nước Séc nhỏ bé, nhưng phong trào thể dục thể thao lại lớn, phát triển đồng đều. Đi đến đâu cũng thấy những sân bóng, sân tập. Ngoài bóng đá, điền kinh, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, hockey phát triển khắp nơi.  

Về du lịch ở Séc: Tại Séc có khá nhiều điểm du lịch. Praha là một trong những tụ điểm du lịch nổi tiếng. Đồi núi, đồng bằng, lâu đài, thành quách, nhà cửa, sông suối, vườn hoa, tượng đài đã tạo nên bức tranh thủy mặc tuyệt vời của châu Âu.

  1. Chương viết về quan hệ Việt Nam - Séc và cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, bao gồm mối quan hệ Việt Nam - Tiệp Khắc (Séc), trong đó có quan hệ giữa hai Nhà nước; quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước; quan hệ hợp tác lao động Việt Nam - Séc; quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước.

Về lịch sử cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, bao gồm quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc; nguồn lưu học sinh; nguồn lao động. Đại Sứ quán (Cơ quan đại diện) Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Ban Công tác cộng đồng Đại Sứ quán; Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc; các trung tâm thương mại và các chợ của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Tạp chí Quê hương tại Cộng hòa Séc.  

Về mối quan hệ giữa hai Nhà nước Việt Nam và Tiệp Khắc (Séc): Quan hệ có tính chất truyền thống giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (Séc) đã diễn ra cách đây hơn 60 năm. Ngày 2-2-1950, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (ngày nay là nước Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia) tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Từ đấy đến nay, quan hệ giữa hai nước vẫn được giữ vững.  

Về quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước: Nhìn lại lịch sử, ngay từ năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Tiệp Khắc, đã đề cập đến vấn đề quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Ngày 20-2-1992, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa Séc và Slovakia ký Hiệp định Thương mại giữa hai nước. Hiệp định này đã chấm dứt hiệu lực từ sau khi ký Hiệp định Thương mại mới. Ngày 22-8-1994, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Séc3 ký Hiệp định Thương mại (mới) giữa hai nước nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa các mối quan hệ giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Từ đấy, kinh tế - thương mại giữa hai nước được duy trì.  

Về quan hệ hợp tác lao động Việt Nam - Séc: Từ năm 1954 đến năm 1975, Nhà nước Việt Nam đã gửi nhiều người sang học nghề và lao động tại Tiệp Khắc. Ngày 8-4-1974, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ký Hiệp định về việc đào tạo chuyên môn cho những công dân Việt Nam tại Tiệp Khắc. Sau khi Hiệp định được ký kết, nhiều công dân Việt Nam đã lần lượt sang Tiệp Khắc để học các nghề cơ khí, luyện kim, cơ khí nông nghiệp, xây dựng, dệt kim,...Ngày 14-7-1978, Bộ Lao động Việt Nam và Bộ Lao động các vấn đề xã hội Tiệp Khắc ký thỏa thuận về việc Tiệp Khắc đào tạo chuyên môn cho công dân Việt Nam. Ngày 21-12-1979, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tiệp Khắc ký tiếp Hiệp định về việc đào tạo chuyên môn và nâng cao tay nghề cho công dân Việt Nam đang lao động và học tập tại Tiệp Khắc. Ngày 27-11-1980, tại Praha, đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tiệp Khắc ký Hiệp định giữa Chính phủ hai nước, về việc những người lao động có nghề nghiệp của Việt Nam làm việc có thời hạn và bồi dưỡng chuyên môn tại các tổ chức của Tiệp Khắc...Nhiều người Việt Nam sang học tập và lao động tại Tiệp Khắc, trở về nước, đã trở thành những cán bộ lãnh đạo các cấp và những chuyên gia. Hiện nay, có nhiều lưu học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Cộng hòa Séc.  

Về quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước: Mối quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (Séc) hình thành ngay sau khi Việt Nam và Tiệp Khắc thiết lập quan hệ ngoại giao (1950). Năm 1977, Hiệp định Văn hóa Việt Nam và Tiệp Khắc được ký kết. Trong Hiệp định này, có ghi vấn đề lưu học sinh Việt Nam sang học tại Tiệp Khắc. Sau khi Tiệp Khắc tách làm hai (1993) cả Chính phủ CH Séc và CH Slovakia đều tuyên bố thừa kế các cam kết giữa Chính phủ Liên bang với Việt Nam, vẫn còn giá trị pháp lý. Từ đấy, vấn đề đào tạo cho Việt Nam vẫn được giữ vững. Hiện nay, có nhiều lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của CH Séc.

Về Lịch sử cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc: Lịch sử của quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc từ những năm 50 của thế kỷ XX. Cộng đồng này bắt nguồn từ các nhà kinh doanh Việt Nam, lưu học sinh, người lao động Việt Nam đã và đang làm việc tại hai quốc gia này. Đó là mối quan hệ tình sâu nghĩa nặng, đậm đà, thủy chung, son sắt. Đây là cộng đồng thuần khiết, có cảm tình đối với quê hương, đất nước Việt Nam, đồng thời, cũng có thiện cảm với CH Séc và CH Slovakia. Họ tuân thủ luật pháp Việt Nam và luật pháp Séc - Slovakia, tình nguyện sống lâu dài trên hai quốc gia này.

Về Đại Sứ quán Việt Nam tại CH Séc: Đại Sứ quán Việt Nam tại CH Séc là Cơ quan đại diện của Nhà nước Việt Nam tại CH Séc. Năm 1957, Đại Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được thành lập tại Praha, gồm các bộ phận Văn phòng, Phòng Lãnh sự, Phòng Thương vụ, Phòng Quản lý lao động, Phòng Quản lý lưu học sinh và các bộ phận chuyên trách. Các chức vụ ngoại giao: Đại sứ, Tham tán, Bí thư thứ nhất, Bí thư thứ hai, Bí thư thứ ba, tùy viên, nhân viên. Đại Sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ do Nhà nước Việt Nam giao phó. Về Ban Công tác cộng đồng Đại Sứ quán: Ban Công tác cộng đồng Đại Sứ quán được thành lập từ ngày 2-3-1994, là “Ban Tư vấn, tham mưu cho Đại sứ về công tác giáo dục, vận động người Việt Nam đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau làm ăn sinh sống, hướng về đất nước, quan hệ hữu nghị với nhân dân nước sở tại. Ban còn có nhiệm vụ giúp Đại sứ chỉ đạo các hội quần chúng nhằm mục đích trên”. Ban Công tác cộng đồng trải qua nhiều nhiệm kỳ công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Về Hội Người Việt Nam tại CH Séc: Ngày 24-9-1999, Bộ Nội vụ CH Séc, sau khi thỏa thuận với Bộ Ngoại giao CH Séc, đã ký Quyết định số VS/1-13429/99-R, cho phép thành lập Hội Người Việt Nam tại CH Séc. Ngày 15-1-1999, tại Phòng họp khách sạn Praha, đường Susická 20, Praha 6,166,35, Đại hội lần thứ nhất Hội Người Việt Nam tại CH Séc họp công bố Quyết định của Bộ Nội vụ CH Séc, cho phép thành lập Hội Người Việt Nam tại CH Séc; thông qua Điều lệ Hội; thảo luận và thông qua Chương trình hoạt động của Hội, nhiệm kỳ 5 năm; công bố danh sách Ban Chấp hành Hội; Ban Kiểm tra Hội đã qua Hiệp thương mà cử ra. Hội có tên bằng tiếng Việt: “Hội người Việt Nam tại CH Séc”; tiếng Séc: “Svaz Vietnamcu v Ceské Republice”. Trải qua quá trình hoạt động, Hội đã tập hợp, đoàn kết được cộng đồng, giúp nhau trong mọi hoàn cảnh, có mối quan hệ tốt với Đại Sứ quán Việt Nam tại CH Séc và mối quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân Séc.

Về Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc: Ngày 1-5-1992, tại Cơ quan Thương vụ Đại Sứ quán Việt Nam tại CH Séc, 47 đại biểu, đại diện các công ty thương mại và doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc và CH Slovakia họp Đại hội đại biểu để thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại CH Séc và CH Slovakia. Từ sau khi thành lập Hiệp hội, đã xuất hiện nhiều nhà doanh nghiệp Việt Nam trên đất Séc cùng với các trung tâm thương mại, chợ của người Việt Nam trên đất Séc, nổi bật là Trung tâm Thương mại Sapa, Trung tâm Thương mại Kheb, Trung tâm Thương mại Brono, ...

Về Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại CH Séc: Ngày 11-6-1993, tại Praha, diễn ra Đại hội thành lập “Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại CH Séc”; sau đó, tên Hội được bổ sung là “Hội Liên hiệp Thành niên - Sinh viên Việt Nam tại CH Séc”. Từ ngày Hội thành lập, Hội đã có một số đóng góp vào phong trào cộng đồng người Việt Nam và thanh niên Việt Nam tại CH Séc, đoàn kết thanh niên - sinh viên học tập và làm việc tốt tại CH Séc.

Về tạp chí Quê hương tại CH Séc: Tháng 9-1989, Đại Sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc ra “Bản tin” đầu tiên. Năm 1993, từ “Bản tin” chuyển thành tập san “Quê hương”, dày 20 trang, khổ giấy 20x30 cm. Tháng 4 và tháng 5-1994, tạp chí “Quê hương” ra số 1, dày 40 trang, khổ giấy 19x27cm. Từ đấy tạp chí Quê hương xuất bản đều kỳ, mỗi tháng một số, tiếng nói của Đại Sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại CH Séc. Tạp chí đã góp phần phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc. Tổng Biên tập tạp chí Quê hương hoạt động theo nhiệm kỳ công tác. Trên đây là tóm tắt một vài nội dung của cuốn sách “Những ngày ở Séc”. Vừa qua, tôi có viết thư tới Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Trương Mạnh Sơn, đề nghị bổ sung giai đoạn 2002 đến nay của cuốn sách này, đồng thời hỗ trợ để cuốn sách được tái bản lần thứ hai.

*****

Chú thích:

1. Trước đây Séc và Slovakia là một, gọi là Tiệp Khắc.

2.  Bài thơ này đã đăng trong cuốn sách “Những ngày ở Séc” của Đức Vượng.

3. Lúc này, Tiệp Khắc đã chia thành hai nước: Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia (từ năm 1993).