KINH NGHIỆM CỦA MỘT NGƯỜI NGHIÊN CỨU
Nhà nghiên cứu Việt Phương
Người thư ký giỏi đồng thời phải là nhà nghiên cứu.
Trong nghiên cứu, có hai nhân tố có ý nghĩa quyết định dẫn đến thành công. Một là, không khí, đội ngũ, tổ chức, quy chế, phương pháp nghiên cứu chung. Hai là, tinh thần cố gắng và ý chí vươn lên của từng người. Ở đây chỉ xin nói về nhân tố thứ hai,.
Với từng con người, từ khi bắt đầu nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và khoa học xã hội đến khi có sản phẩm “đọc được” có lẽ phải mất vài chục năm. Đó là sự nghiệp của cả cuộc đời. Vài chục năm ấy là thời gian tích lũy kiến thức, tích lũy tài liệu, nghiên cứu lý luận két hợp với khảo sát, tìm hiểu thưc tế.
Cách tiếp cận tốt nhất vẫn là vừa học vừa làm. Người cán bộ trẻ có thể bắt tay ngay vào việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế quốc dân, các vấn đề lý luận, chiến lược, chủ trương cơ bản, hay là bắt đầu từ những vấn đề thiết thực, cụ thể ở doanh nghiệp? người cán bộ trẻ nên sớm được thử sức trong một đề tài độc lập, hay là cần có thời gian tập sự, thu thập tình hình, sắp xếp thông tin, làm hậu cần nghiên cứu và giúp việc một người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn, rồi tiến dần lên đến trình độ nghiên cứu độc lập. Đó là những câu hỏi cần được giải đáp đúng trong từng trường hợp, đối với từng người.
Lựa chọn đề tài nghiên cứu thế nào, cách xây dựng đề cương nghiên cứu, tổ chức lực lượng, phân công và phối hợp nghiên cứu, các bước tiến hành, cách điều tra, phân tích thực tế trong nước, cách tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, cách viết công trình, cách đánh giá công trình từng bước, cách đưa công trình vào thực hiện,…tất cả đều phải thao tác thành thục.
Cơ sở quan trọng nhất của nghiên cứu khoa học là cái tâm của con người. tâm sáng thì nghiên cứu sáng. “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi nghĩ, người Việt Nam ta rất đúng khi nói thuận là tâm trí, không nói ngược là trí tâm.
Một số kinh nghiệm về nghiên cứu.
1).Bám sát và đi sâu vào thực tế của nền kinh tế và xã hội nước ta, xuất phát từ thực tế, hiểu thực tế (tức là hiểu cuộc sống thực, sự vận động thực của xã hội), giải quyết các vấn đề của kinh tế đất nước, chủ yếu từ cái nguồn kinh nghiệm và sáng kiến nảy sinh trong thực tiễn của nhân dân.
a/ Kiến thức và kinh nghiệm thế giới chỉ riêng nó không giải quyết được ván đề Việt Nam. Chủ yếu dựa vào nó cũng không giải quyết được vấn đề Việt Nam.
Không phải ngày nay vấn đề ở bất cứ nước nào cũng là vấn đề thời đại, cho nên muốn giải quyết đúng thì trước hết phải từ thực tế thời đại và kiến thức về thời đại.
b/ Thế nào là thực tế và hiểu thực tế đối với người nghiên cứu quản lý kinh tế, nghiên cứu lý luận, chính trị. Thực tế mà người nghiên cứu cần biết có thể không hoàn toàn giống như thực tế của người thầy thuốc hoặc người nghệ sĩ vĩ cầm.
Thực tế rất phong phú và có nhiều cấp độ.
Tất cả thực tế phong phú ấy chia thành hai mảng lớn:
-Thực tế ở bộ máy, với các loại cán bộ, các loại thông tin, các loại ý kiến, các loại hành động.
-Thực tế của xã hội, với những người lao động, người dân, có những thông tin, những ý kiến, những hoạt động của mình.
Phải biết và hiểu thực tế gồm cả hai mảng lớn ấy, nhất là thực tế của xã hội, của người dân.
Đối với chúng ta, những người làm công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu kinh tế, còn có yêu cầu quan trọng là nắm và hiểu thực tế qua thông tin định lượng, qua thông tin thống kê. Điều này còn bị xem nhẹ quá, và ở đây còn những vấn đề lớn quá. Nắm tốt là nắm cái thần, chứ không phải cái xác. Đã nói thống kê định lượng thì càng phải nhấn mạnh điều này.
c/ Nói chữ nghĩa, nắm và hiểu thực tế là đi từ cụ thể đến trừu tượng, rồi từ trừu tượng đến cụ thể (cái cụ thể cao hơn, mà thần thái đã được nhận thức, các quy luật vận động đã được phát hiện ra). Vòng xoáy nhận thực: cụ thể - trừu tượng - cụ thể - trừu tượng-cụ thể…diễn ra theo hướng tiến lên mãi.
d/ Làm thế nào để sát thực tế, nắm được thực tế, hiểu được thực tế.
Vấn đề này rất khó và phức tạp. đối với từng người nó tùy thuộc: cuộc sống, thời gian, xu hướng, năng lực, phương pháp, điều kiện, phương tiện.
Quan trọng nhất là nhận thức và tinh thần, tạo thành xu thế tự nhiên hướng về thực tế, sống với thực tế, xuất phát từ thực tế.
Từng người có thể làm được không ít, bằng rất nhiều hình thức và biện pháp đa dạng. Nắm và hiểu thực tế dần dần, năng nhặt chặt bị, lọc giả lấy thật, gạn đục khơi trong, qua một quá trình dài. Lúc đầu, đừng cầu toàn. Còn tập thể cần giúp cho từng người một cách có tổ chức, có hiệu quả.
Đáng chú ý: cái thực tế là cái cụ thể sau trừu tượng, cái cụ thể được soi sáng bằng lý luận, bởi khoa học. Cần tránh việc nắm và xuất phát từ thực tế một cách sơ lược, giản đơn, không khoa học, có thể nói là “dã man”, nó gắn với chủ nghĩa kinh nghiệm. Nó có thể là một huyễn tưởng lừa mình, dối người. Nó cũng có thể là một thủ đoạn cơ hội: nhân danh thực tế và xào xáo thực tế để phỉnh nịnh người này, đe dọa người kia, đánh đổ người khác, mưu cầu những danh lợi bất chính.
Có người cả đời ở trong thực tế mà không hiểu thực tế và không rút ra được ý kiến gì. Có người đi nghiên cứu thực tế một thời gian, thì thấy được sáng kiến mới. Đó là do phương pháp và kiến thức.
2). Tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt để vận dụng sáng tạo lý luận, kiến thức và kinh nghiệm hiện đại của các nước.
Thực tế và lý luận (trong nước, ngoài nước) luôn luôn gắn liền nhau, đến mức cao là thống nhất với nhau. Thực tế là cái nguồn của lý luận và lý luận là ánh sáng soi thực tế. Như vậy, thực tế rất lý luận và lý luận rất thực tế.
a/ Về nội dung lý luận và kiến thức, xin được tạm nêu ba loại:
-Các học thuyết chính trị-xã hội hiện đại – học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
-Các học thuyết kinh tế hiện đại.
-Các kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề mình đang nghiên cứu.
Trong thời đại ngày nay, để nắm được ba nội dung này, phải có ngoại ngữ, phải biết toán cao cấp và dùng máy vi tính.
b/ Nắm bắt là biết những quan điểm, ý kiến và kinh nghiệm khác nhau và trái ngược nhau. Chỉ biết một loại kiến thức, mọt chiều hướng ý kiến, nghĩa là ngộ độc thông tin và bị nhồi sọ.
Nắm bắt để tham khảo, để vận dụng sáng tạo, không phải để sao chép, ăn sống nuốt tươi, hoặc để phô phang lèo lá người khác. Chắp nhặt tạp nham, mỗi nơi một tý, thì không thể có giải pháp cho Việt Nam.
Kiến thức thời đại từ thế giới phải nhập vào ta, thành sở hữu của ta, rồi kết hợp với kiến thức của dân tộc ta, thành sản phẩm Việt Nam phù hợp với thực tế Việt Nam.
c/ Tìm hiểu nghiêm túc là không cùng và để bắt đầu dùng được cũng phải đạt một cái ngưỡng tối thiểu. Nhiều lần, chúng ta đã nói với nhau về cái ngưỡng đó. Tóm tắt là: về mỗi vấn đề, cần biết được kiến thức và kinh nghiệm của 15 nước (gần 1/10 số nước trên thế giới) gồm những nước có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, ở trình độ phát triển khác nhau và thuộc những châu lục khác nhau. Cố nhiên, đây là nói về những vấn đề lớn, cần xem xét kiến thức và kinh nghiệm thế giới. không phải máy móc bất cứ về việc gì, kể cả những việc cụ thể hoặc những việc đã rõ ràng, cũng cứ phải “đi tìm học thế giới đã”. Còn cái ngưỡng cũng cơ động, co giãn, không thể cứng nhắc được.
Cần hết sức tránh lối tìm hiểu và tham khảo kiến thức và kinh nghiệm thế giới một cách nông cạn, tùy tiện, sống sít, đáng gọi là “dã man”. Có thể đó là một thói vô trách nhiệm, hoặc một cách theo đòi bên ngoài, lừa dối bên trong, rất nguy hiểm.
3). Hình thành chủ kiến riêng của mình.
Tất cả giá trị của việc nghiên cứu là ở đây.
a/ Những thang bậc rất rõ của việc nghiên cứu có thể là:
-Lĩnh hội là diễn đạt đúng ý cấp trên hoặc ý tập thể.
-Sắp xếp, hệ thống hóa, phân lớn, nhỏ, chính, phụ trong các ý kiến ấy.
-Có sự lựa chọn, lọc bỏ ý này, làm sáng hơn ý kia, bổ sung những điều mà mình mới nghiên cứu.
-Có chủ kiến, có hệ thống về toàn bộ vấn đề mình nghiên cứu.
Phải phấn đấu vươn lên mức cao nhất.
b/ Chủ kiến có giá trị thường không miên man, dàn trải, mặt nào, vấn đề gì cũng có một tý ý kiến, kiểu ý kiến để “nói chuyện nổi bật ở thính phòng”. Như thế thường không phải là chủ kiến riêng, mà chỉ là những hiểu biết phổ thông, không chuyên môn, có thể hấp dẫn trên baó hằng ngày hoặc ở các cuộc nói chuyện tài tử, không phải là kiến thức khoa học chuyên sâu, càng không phải là sự sáng tạo.
Chủ kiến riêng là kết quả lao động nghiên cứu công phu, lật đi lật lại, tạp trung vào một vài điểm hoặc một điểm nào có tính chất mấu chốt, cởi nút cho vấn đề nghiên cứu. Chủ kiến ấy, nếu là chủ kiến lớn, thường rất mới lạ, táo bạo, đồng thời rất giản dị, sáng tỏ.
Cần phân biệt: Người thạo thông tin; người thông kiến thức; người có chủ kiến.
Cũng cần phân biệt người thông minh và người sáng tạo.
Người có chủ kiến sai còn hơn người không có chủ kiến gì cả. Người không có chủ kiến riêng, nghĩa là người không có gì cả.
c/ Có một kinh nghiệm mà mỗi người có thể thử xem sao, là tự kiểm tra để xem mình có ý kiến riêng không? Hãy đọc tài liệu do mình viết hoặc ghi ra (kiểm điểm thầm cũng được) những ý kiến đang có trong đầu mình về một vấn đề nào đó. Thống kê các ý, soát xét từng ý, xem xuất xứ thực của ý ấy là ở đâu, nhận từ cấp trên, nghe từ bè bạn, đọc ở trong sách, thấy trên truyền hình, tiếp thu từ cơ sở, được gợi ra từ người dân hoặc có khi từ những liên tưởng rất xa, hình thành dần qua một thời gian ấp ủ,…Từ sự soát xét ấy, thấy ra thực sự mình có ý kiến gì riêng của mình.
Nghiên cứu là một quá trình gian khổ để có ý kiến riêng, có giá trị, mới mẻ, sáng tạo về vấn đề nghiên cứu.
4). Bảo vệ chân lý, không bảo vệ ý kiến cá nhân. Không cố chấp, mà cởi mở, vận động và đổi mới không ngừng.
a/ Đức nghe là một phẩm chất lớn của người nghiên cứu và con người nói chung.
Đức nghe là khả năng chấp nhận và trân trọng người khác, ý kiến khác, khả năng thu nạp những nhân tố mới mẻ từ cuộc sống, từ thực tế, từ nhân dân, từ những cái không giống mình, trái ngược với mình, khả năng từ bỏ, xô đổ không thương tiếc hệ thống ý kiến của mình khi đã nhận thấy là sai.
Đức nghe là tiêu chuẩn chắc chắn của khoa học.
b/ Phải luyện đức nghe, vì không dễ. Ai nghe điều trái ý mình cũng khó chịu, nhất là khi mình là cấp trên, mình có quyền lực. Không ai thích bị phản đối. Nhưng tập dần rồi quen, từ chỗ cố chịu, bực mình nhưng tôn trọng người nói, không nhận ngay và không nhận công khai, nhưng đêm về suy nghĩ và tự điều chỉnh, ghét ngầm người trái ý nhưng không đến mức hại người ta, rồi dần dần có bản lĩnh nghe. Vui mừng khi thấy ý khác mình mà có giá trị, yêu quý người nói thẳng, nói mạnh, chắt chiu từng chút chân lý trong các ý kiến, từ đó mà vận động và đổi mới không ngừng.
c/ Phải tránh sự nghe giả dối: là cấp trên, nghe để tỏ ra dân chủ. Là cấp dưới, nghe để tỏ ra phục thiện. Là đồng cấp, nghe để tỏ ra khoa học. Cố chấp, khư khư giữ ý kiến riêng, nhiều khi sai lầm, hủ lậu, không có súc tiếp nhận thêm bất cứ cái gì. Thật là tai hại, dẫn đến lừa mình, dối người.
5). Dũng cảm, kiên cường, bảo vệ ý kiến chừng nào còn thấy mình là đúng.
a/ Hai điều kiện của người cấp tiến (triệt để) do C.Mác nêu ra (thời C.Mác còn trẻ),
- Đi đến nút cùng cực của sự tư duy của mình.
-Nói, bảo vệ, làm theo kết quả suy nghĩ ấy, mặc dầu điều đó chạm vào bất cứ quyền lực nào (tinh thần, tư tưởng, tôn giáo, chính trị, nhà nước).
b./ Không đi đến cùng cực của sự suy nghĩ là vì: lười, nhát; vừa lười vừa nhát.
c/ Khó khăn, phức tạp và tinh vi hơn nhiều là cách hiểu và cách thực hiện việc nói lên, bảo vệ và làm theo chủ kiến cả mình.
Cố nhiên, chúng ta phải tuân thủ pháp luật, và người nào là đảng viên thì theo kỷ luật của Đảng. kẻ nói và làm lung tung thì không có gì gọi là đúng đắn, đáng trọng, càng không có gì gọi là khoa học cả.
Đánh nhau với cối xay gió mà không có sự cao đẹp của Đôngkisốt, chẳng qua chỉ là một kẻ xấu bụng làm trò hề.
Từ kinh nghiệm cuộc sống, ở đây có thể nói được gì?
Điều cần dứt khoát khẳng định là trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống, không bao giờ nói điều mình không nghĩ. Ai bắt nói, cái gì bắt nói? Nói điều mình không nghĩ là dấu hiệu đặc trưng của tính cơ hội, phỉnh nịnh hoặc của tính gian giảo, lèo lá.
Còn những điều mình nghĩ, nói ra tất cả hay nói chừng nào,lúc nào, với ai, bằng cách gì, đó là cả một khoa học và nghệ thuật. Ý kiến của tôi là: có thể chấp nhận việc chưa nói một số điểm nào đó, vì tính toán chủ yếu và đích đáng đến hiệu quả cho công việc chung. Có lẽ cũng không nên chê trách việc tính toán chừng nào đến sự an toàn và quyền lợi bản thân và gia đình, đó là điều bình thường của con người. Song, không thể chấp nhận được, khi chỉ vì mình hoặc chủ yếu vì mình mà im miệng, nhất là về vấn đề quan trọng.
(Xin nhắc lại ở đây nói về từng người. Còn đứng về một tổ chức, một tập thể có chức năng nghiên cứu khoa học, thì kết quả nghiên cứu đến đâu, đương nhiên phải nói hết, nói đầy đủ đến đấy).
6). Khoa học và vững vàng trong đổi mới, đừng để tránh vỏ dưa gặp ngay vỏ dừa, đi từ giáo điều cũ sang giáo điều mới cũng tệ hại không kém.
a/ Đây là điều thường thấy ở Liên Xô, Đông Âu trước đây và ở nhiều nước khác.
Phủ nhận một điều gì mà chưa đủ chiều sâu của cuộc sống và của lý luận thì dễ ngộ nhận rằng chân lý chính là cái đối nghịch hoàn toàn với điều ấy. Sự phủ nhận chưa đủ sâu, thì sự khẳng định và niềm tin mới ắt phải nông cạn.
Lúc ấy, giáo điều và huyền thoại mới thay cho giáo điều và huyền thoại cũ, con người chưa tiến lên được một chút nào về mặt tư duy, vẫn ở trình độ sơ đẳng, làm mồi ngon cho các loại giáo điều và huyền thoại.
b/ Nếu cho rằng, lý luận Mác-Lênin là kinh thánh, đó là huyền thoại, giáo điều. nhưng nếu phủ nhận lý luận Mác-Lênin lại là huyền thoại, giáo điều mới. Nói chủ nghĩa xã hội cái gì cũng tốt, còn chủ nghĩa tư bản cái gì cũng xấu, đó là huyền thoại và giáo điều. nhưng nếu quay lại nói chủ nghĩa xã hội là xấu, chủ nghĩa tư bản là tốt, lại là huyền thoại và giáo điều mới.
Thoát khỏi vũng bùn trì trệ và guồng máy của quan liêu bao cấp, chưa kịp định thần, người ta có thể chạy ùa theo ảo ảnh không hề có của thị trường tự do không bờ bến, và hứng rước ngay các “liều thuốc” của phương Tây.
Vì vậy, đã có những người chẳng học hành, suy nghĩ, nghiên cứu gì bao nhiêu, nhưng cố tạo cho mình cái khẩu khí đổi mới cực kỳ, cấp tiến đến cực đoan về mọi chuyện, đối với mọi vấn đề. Đó không phải là con đường và phong cách của người nghiên cứu khoa học.
c/ Cũng có một mức độ thiếu sót khác, của những người nghiêm chỉnh, nhưng do khiếm khuyết về phương pháp luận, vội vàng hấp tấp quá, có thể tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của nước này, nước khác một cách thiếu phê phán, có thể có sự choáng ngợp đến thán phục của người lâu nay bị bưng bít, đột nhiên được tiếp xúc một thực tế, một lý luận, một khoa học, những công nghệ đối với mình rất mới lạ, ròi không cưỡng được, tuân the gần như hoàn toàn mù quáng.
Chắc chắn thực tế đất nước sẽ giúp chấn chỉnh lại nhanh thôi.
Nói kinh nghiệm thì còn nhiều.
Điều đáng nhắc nhở nhau là: đừng thấy mấy kinh nghiệm trên đây đề ra yêu cầu có thể là cao quá, mà sinh ra tự ti. Mỗi người tùy ý tiếp nhận hay phản đối, vận dụng theo mức riêng của cách riêng của mình. Đồng thời, cảm thấy mọi chuyện đều biến động, thay đổi, không đứng yên.
Rút lại, lòng mong muốn và lời chúc của tôi đối với các bạn nghiên cứu trẻ là: động cơ trong sáng, bám sát thực tế, kiến thức thời đại, tinh thần sáng tạo, thái độ cởi mở, quan điểm triệt để, phương pháp mềm mại, lý luận đổi mới, kết quả thiết thực, đạt hiệu quả ngày càng cao cho mình, cho gia đình mình và cho đất nước.
(Bài in trong sách “Làm thư ký công việc nghiêm túc và đáng quý” của Việt Phương và Đức Vượng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007, từ trang 29 đến trang41).
Người thư ký giỏi đồng thời phải là nhà nghiên cứu.
Trong nghiên cứu, có hai nhân tố có ý nghĩa quyết định dẫn đến thành công. Một là, không khí, đội ngũ, tổ chức, quy chế, phương pháp nghiên cứu chung. Hai là, tinh thần cố gắng và ý chí vươn lên của từng người. Ở đây chỉ xin nói về nhân tố thứ hai,.
Với từng con người, từ khi bắt đầu nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và khoa học xã hội đến khi có sản phẩm “đọc được” có lẽ phải mất vài chục năm. Đó là sự nghiệp của cả cuộc đời. Vài chục năm ấy là thời gian tích lũy kiến thức, tích lũy tài liệu, nghiên cứu lý luận két hợp với khảo sát, tìm hiểu thưc tế.
Cách tiếp cận tốt nhất vẫn là vừa học vừa làm. Người cán bộ trẻ có thể bắt tay ngay vào việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế quốc dân, các vấn đề lý luận, chiến lược, chủ trương cơ bản, hay là bắt đầu từ những vấn đề thiết thực, cụ thể ở doanh nghiệp? người cán bộ trẻ nên sớm được thử sức trong một đề tài độc lập, hay là cần có thời gian tập sự, thu thập tình hình, sắp xếp thông tin, làm hậu cần nghiên cứu và giúp việc một người có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn, rồi tiến dần lên đến trình độ nghiên cứu độc lập. Đó là những câu hỏi cần được giải đáp đúng trong từng trường hợp, đối với từng người.
Lựa chọn đề tài nghiên cứu thế nào, cách xây dựng đề cương nghiên cứu, tổ chức lực lượng, phân công và phối hợp nghiên cứu, các bước tiến hành, cách điều tra, phân tích thực tế trong nước, cách tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, cách viết công trình, cách đánh giá công trình từng bước, cách đưa công trình vào thực hiện,…tất cả đều phải thao tác thành thục.
Cơ sở quan trọng nhất của nghiên cứu khoa học là cái tâm của con người. tâm sáng thì nghiên cứu sáng. “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi nghĩ, người Việt Nam ta rất đúng khi nói thuận là tâm trí, không nói ngược là trí tâm.
Một số kinh nghiệm về nghiên cứu.
1).Bám sát và đi sâu vào thực tế của nền kinh tế và xã hội nước ta, xuất phát từ thực tế, hiểu thực tế (tức là hiểu cuộc sống thực, sự vận động thực của xã hội), giải quyết các vấn đề của kinh tế đất nước, chủ yếu từ cái nguồn kinh nghiệm và sáng kiến nảy sinh trong thực tiễn của nhân dân.
a/ Kiến thức và kinh nghiệm thế giới chỉ riêng nó không giải quyết được ván đề Việt Nam. Chủ yếu dựa vào nó cũng không giải quyết được vấn đề Việt Nam.
Không phải ngày nay vấn đề ở bất cứ nước nào cũng là vấn đề thời đại, cho nên muốn giải quyết đúng thì trước hết phải từ thực tế thời đại và kiến thức về thời đại.
b/ Thế nào là thực tế và hiểu thực tế đối với người nghiên cứu quản lý kinh tế, nghiên cứu lý luận, chính trị. Thực tế mà người nghiên cứu cần biết có thể không hoàn toàn giống như thực tế của người thầy thuốc hoặc người nghệ sĩ vĩ cầm.
Thực tế rất phong phú và có nhiều cấp độ.
Tất cả thực tế phong phú ấy chia thành hai mảng lớn:
-Thực tế ở bộ máy, với các loại cán bộ, các loại thông tin, các loại ý kiến, các loại hành động.
-Thực tế của xã hội, với những người lao động, người dân, có những thông tin, những ý kiến, những hoạt động của mình.
Phải biết và hiểu thực tế gồm cả hai mảng lớn ấy, nhất là thực tế của xã hội, của người dân.
Đối với chúng ta, những người làm công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu kinh tế, còn có yêu cầu quan trọng là nắm và hiểu thực tế qua thông tin định lượng, qua thông tin thống kê. Điều này còn bị xem nhẹ quá, và ở đây còn những vấn đề lớn quá. Nắm tốt là nắm cái thần, chứ không phải cái xác. Đã nói thống kê định lượng thì càng phải nhấn mạnh điều này.
c/ Nói chữ nghĩa, nắm và hiểu thực tế là đi từ cụ thể đến trừu tượng, rồi từ trừu tượng đến cụ thể (cái cụ thể cao hơn, mà thần thái đã được nhận thức, các quy luật vận động đã được phát hiện ra). Vòng xoáy nhận thực: cụ thể - trừu tượng - cụ thể - trừu tượng-cụ thể…diễn ra theo hướng tiến lên mãi.
d/ Làm thế nào để sát thực tế, nắm được thực tế, hiểu được thực tế.
Vấn đề này rất khó và phức tạp. đối với từng người nó tùy thuộc: cuộc sống, thời gian, xu hướng, năng lực, phương pháp, điều kiện, phương tiện.
Quan trọng nhất là nhận thức và tinh thần, tạo thành xu thế tự nhiên hướng về thực tế, sống với thực tế, xuất phát từ thực tế.
Từng người có thể làm được không ít, bằng rất nhiều hình thức và biện pháp đa dạng. Nắm và hiểu thực tế dần dần, năng nhặt chặt bị, lọc giả lấy thật, gạn đục khơi trong, qua một quá trình dài. Lúc đầu, đừng cầu toàn. Còn tập thể cần giúp cho từng người một cách có tổ chức, có hiệu quả.
Đáng chú ý: cái thực tế là cái cụ thể sau trừu tượng, cái cụ thể được soi sáng bằng lý luận, bởi khoa học. Cần tránh việc nắm và xuất phát từ thực tế một cách sơ lược, giản đơn, không khoa học, có thể nói là “dã man”, nó gắn với chủ nghĩa kinh nghiệm. Nó có thể là một huyễn tưởng lừa mình, dối người. Nó cũng có thể là một thủ đoạn cơ hội: nhân danh thực tế và xào xáo thực tế để phỉnh nịnh người này, đe dọa người kia, đánh đổ người khác, mưu cầu những danh lợi bất chính.
Có người cả đời ở trong thực tế mà không hiểu thực tế và không rút ra được ý kiến gì. Có người đi nghiên cứu thực tế một thời gian, thì thấy được sáng kiến mới. Đó là do phương pháp và kiến thức.
2). Tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt để vận dụng sáng tạo lý luận, kiến thức và kinh nghiệm hiện đại của các nước.
Thực tế và lý luận (trong nước, ngoài nước) luôn luôn gắn liền nhau, đến mức cao là thống nhất với nhau. Thực tế là cái nguồn của lý luận và lý luận là ánh sáng soi thực tế. Như vậy, thực tế rất lý luận và lý luận rất thực tế.
a/ Về nội dung lý luận và kiến thức, xin được tạm nêu ba loại:
-Các học thuyết chính trị-xã hội hiện đại – học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
-Các học thuyết kinh tế hiện đại.
-Các kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề mình đang nghiên cứu.
Trong thời đại ngày nay, để nắm được ba nội dung này, phải có ngoại ngữ, phải biết toán cao cấp và dùng máy vi tính.
b/ Nắm bắt là biết những quan điểm, ý kiến và kinh nghiệm khác nhau và trái ngược nhau. Chỉ biết một loại kiến thức, mọt chiều hướng ý kiến, nghĩa là ngộ độc thông tin và bị nhồi sọ.
Nắm bắt để tham khảo, để vận dụng sáng tạo, không phải để sao chép, ăn sống nuốt tươi, hoặc để phô phang lèo lá người khác. Chắp nhặt tạp nham, mỗi nơi một tý, thì không thể có giải pháp cho Việt Nam.
Kiến thức thời đại từ thế giới phải nhập vào ta, thành sở hữu của ta, rồi kết hợp với kiến thức của dân tộc ta, thành sản phẩm Việt Nam phù hợp với thực tế Việt Nam.
c/ Tìm hiểu nghiêm túc là không cùng và để bắt đầu dùng được cũng phải đạt một cái ngưỡng tối thiểu. Nhiều lần, chúng ta đã nói với nhau về cái ngưỡng đó. Tóm tắt là: về mỗi vấn đề, cần biết được kiến thức và kinh nghiệm của 15 nước (gần 1/10 số nước trên thế giới) gồm những nước có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, ở trình độ phát triển khác nhau và thuộc những châu lục khác nhau. Cố nhiên, đây là nói về những vấn đề lớn, cần xem xét kiến thức và kinh nghiệm thế giới. không phải máy móc bất cứ về việc gì, kể cả những việc cụ thể hoặc những việc đã rõ ràng, cũng cứ phải “đi tìm học thế giới đã”. Còn cái ngưỡng cũng cơ động, co giãn, không thể cứng nhắc được.
Cần hết sức tránh lối tìm hiểu và tham khảo kiến thức và kinh nghiệm thế giới một cách nông cạn, tùy tiện, sống sít, đáng gọi là “dã man”. Có thể đó là một thói vô trách nhiệm, hoặc một cách theo đòi bên ngoài, lừa dối bên trong, rất nguy hiểm.
3). Hình thành chủ kiến riêng của mình.
Tất cả giá trị của việc nghiên cứu là ở đây.
a/ Những thang bậc rất rõ của việc nghiên cứu có thể là:
-Lĩnh hội là diễn đạt đúng ý cấp trên hoặc ý tập thể.
-Sắp xếp, hệ thống hóa, phân lớn, nhỏ, chính, phụ trong các ý kiến ấy.
-Có sự lựa chọn, lọc bỏ ý này, làm sáng hơn ý kia, bổ sung những điều mà mình mới nghiên cứu.
-Có chủ kiến, có hệ thống về toàn bộ vấn đề mình nghiên cứu.
Phải phấn đấu vươn lên mức cao nhất.
b/ Chủ kiến có giá trị thường không miên man, dàn trải, mặt nào, vấn đề gì cũng có một tý ý kiến, kiểu ý kiến để “nói chuyện nổi bật ở thính phòng”. Như thế thường không phải là chủ kiến riêng, mà chỉ là những hiểu biết phổ thông, không chuyên môn, có thể hấp dẫn trên baó hằng ngày hoặc ở các cuộc nói chuyện tài tử, không phải là kiến thức khoa học chuyên sâu, càng không phải là sự sáng tạo.
Chủ kiến riêng là kết quả lao động nghiên cứu công phu, lật đi lật lại, tạp trung vào một vài điểm hoặc một điểm nào có tính chất mấu chốt, cởi nút cho vấn đề nghiên cứu. Chủ kiến ấy, nếu là chủ kiến lớn, thường rất mới lạ, táo bạo, đồng thời rất giản dị, sáng tỏ.
Cần phân biệt: Người thạo thông tin; người thông kiến thức; người có chủ kiến.
Cũng cần phân biệt người thông minh và người sáng tạo.
Người có chủ kiến sai còn hơn người không có chủ kiến gì cả. Người không có chủ kiến riêng, nghĩa là người không có gì cả.
c/ Có một kinh nghiệm mà mỗi người có thể thử xem sao, là tự kiểm tra để xem mình có ý kiến riêng không? Hãy đọc tài liệu do mình viết hoặc ghi ra (kiểm điểm thầm cũng được) những ý kiến đang có trong đầu mình về một vấn đề nào đó. Thống kê các ý, soát xét từng ý, xem xuất xứ thực của ý ấy là ở đâu, nhận từ cấp trên, nghe từ bè bạn, đọc ở trong sách, thấy trên truyền hình, tiếp thu từ cơ sở, được gợi ra từ người dân hoặc có khi từ những liên tưởng rất xa, hình thành dần qua một thời gian ấp ủ,…Từ sự soát xét ấy, thấy ra thực sự mình có ý kiến gì riêng của mình.
Nghiên cứu là một quá trình gian khổ để có ý kiến riêng, có giá trị, mới mẻ, sáng tạo về vấn đề nghiên cứu.
4). Bảo vệ chân lý, không bảo vệ ý kiến cá nhân. Không cố chấp, mà cởi mở, vận động và đổi mới không ngừng.
a/ Đức nghe là một phẩm chất lớn của người nghiên cứu và con người nói chung.
Đức nghe là khả năng chấp nhận và trân trọng người khác, ý kiến khác, khả năng thu nạp những nhân tố mới mẻ từ cuộc sống, từ thực tế, từ nhân dân, từ những cái không giống mình, trái ngược với mình, khả năng từ bỏ, xô đổ không thương tiếc hệ thống ý kiến của mình khi đã nhận thấy là sai.
Đức nghe là tiêu chuẩn chắc chắn của khoa học.
b/ Phải luyện đức nghe, vì không dễ. Ai nghe điều trái ý mình cũng khó chịu, nhất là khi mình là cấp trên, mình có quyền lực. Không ai thích bị phản đối. Nhưng tập dần rồi quen, từ chỗ cố chịu, bực mình nhưng tôn trọng người nói, không nhận ngay và không nhận công khai, nhưng đêm về suy nghĩ và tự điều chỉnh, ghét ngầm người trái ý nhưng không đến mức hại người ta, rồi dần dần có bản lĩnh nghe. Vui mừng khi thấy ý khác mình mà có giá trị, yêu quý người nói thẳng, nói mạnh, chắt chiu từng chút chân lý trong các ý kiến, từ đó mà vận động và đổi mới không ngừng.
c/ Phải tránh sự nghe giả dối: là cấp trên, nghe để tỏ ra dân chủ. Là cấp dưới, nghe để tỏ ra phục thiện. Là đồng cấp, nghe để tỏ ra khoa học. Cố chấp, khư khư giữ ý kiến riêng, nhiều khi sai lầm, hủ lậu, không có súc tiếp nhận thêm bất cứ cái gì. Thật là tai hại, dẫn đến lừa mình, dối người.
5). Dũng cảm, kiên cường, bảo vệ ý kiến chừng nào còn thấy mình là đúng.
a/ Hai điều kiện của người cấp tiến (triệt để) do C.Mác nêu ra (thời C.Mác còn trẻ),
- Đi đến nút cùng cực của sự tư duy của mình.
-Nói, bảo vệ, làm theo kết quả suy nghĩ ấy, mặc dầu điều đó chạm vào bất cứ quyền lực nào (tinh thần, tư tưởng, tôn giáo, chính trị, nhà nước).
b./ Không đi đến cùng cực của sự suy nghĩ là vì: lười, nhát; vừa lười vừa nhát.
c/ Khó khăn, phức tạp và tinh vi hơn nhiều là cách hiểu và cách thực hiện việc nói lên, bảo vệ và làm theo chủ kiến cả mình.
Cố nhiên, chúng ta phải tuân thủ pháp luật, và người nào là đảng viên thì theo kỷ luật của Đảng. kẻ nói và làm lung tung thì không có gì gọi là đúng đắn, đáng trọng, càng không có gì gọi là khoa học cả.
Đánh nhau với cối xay gió mà không có sự cao đẹp của Đôngkisốt, chẳng qua chỉ là một kẻ xấu bụng làm trò hề.
Từ kinh nghiệm cuộc sống, ở đây có thể nói được gì?
Điều cần dứt khoát khẳng định là trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống, không bao giờ nói điều mình không nghĩ. Ai bắt nói, cái gì bắt nói? Nói điều mình không nghĩ là dấu hiệu đặc trưng của tính cơ hội, phỉnh nịnh hoặc của tính gian giảo, lèo lá.
Còn những điều mình nghĩ, nói ra tất cả hay nói chừng nào,lúc nào, với ai, bằng cách gì, đó là cả một khoa học và nghệ thuật. Ý kiến của tôi là: có thể chấp nhận việc chưa nói một số điểm nào đó, vì tính toán chủ yếu và đích đáng đến hiệu quả cho công việc chung. Có lẽ cũng không nên chê trách việc tính toán chừng nào đến sự an toàn và quyền lợi bản thân và gia đình, đó là điều bình thường của con người. Song, không thể chấp nhận được, khi chỉ vì mình hoặc chủ yếu vì mình mà im miệng, nhất là về vấn đề quan trọng.
(Xin nhắc lại ở đây nói về từng người. Còn đứng về một tổ chức, một tập thể có chức năng nghiên cứu khoa học, thì kết quả nghiên cứu đến đâu, đương nhiên phải nói hết, nói đầy đủ đến đấy).
6). Khoa học và vững vàng trong đổi mới, đừng để tránh vỏ dưa gặp ngay vỏ dừa, đi từ giáo điều cũ sang giáo điều mới cũng tệ hại không kém.
a/ Đây là điều thường thấy ở Liên Xô, Đông Âu trước đây và ở nhiều nước khác.
Phủ nhận một điều gì mà chưa đủ chiều sâu của cuộc sống và của lý luận thì dễ ngộ nhận rằng chân lý chính là cái đối nghịch hoàn toàn với điều ấy. Sự phủ nhận chưa đủ sâu, thì sự khẳng định và niềm tin mới ắt phải nông cạn.
Lúc ấy, giáo điều và huyền thoại mới thay cho giáo điều và huyền thoại cũ, con người chưa tiến lên được một chút nào về mặt tư duy, vẫn ở trình độ sơ đẳng, làm mồi ngon cho các loại giáo điều và huyền thoại.
b/ Nếu cho rằng, lý luận Mác-Lênin là kinh thánh, đó là huyền thoại, giáo điều. nhưng nếu phủ nhận lý luận Mác-Lênin lại là huyền thoại, giáo điều mới. Nói chủ nghĩa xã hội cái gì cũng tốt, còn chủ nghĩa tư bản cái gì cũng xấu, đó là huyền thoại và giáo điều. nhưng nếu quay lại nói chủ nghĩa xã hội là xấu, chủ nghĩa tư bản là tốt, lại là huyền thoại và giáo điều mới.
Thoát khỏi vũng bùn trì trệ và guồng máy của quan liêu bao cấp, chưa kịp định thần, người ta có thể chạy ùa theo ảo ảnh không hề có của thị trường tự do không bờ bến, và hứng rước ngay các “liều thuốc” của phương Tây.
Vì vậy, đã có những người chẳng học hành, suy nghĩ, nghiên cứu gì bao nhiêu, nhưng cố tạo cho mình cái khẩu khí đổi mới cực kỳ, cấp tiến đến cực đoan về mọi chuyện, đối với mọi vấn đề. Đó không phải là con đường và phong cách của người nghiên cứu khoa học.
c/ Cũng có một mức độ thiếu sót khác, của những người nghiêm chỉnh, nhưng do khiếm khuyết về phương pháp luận, vội vàng hấp tấp quá, có thể tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của nước này, nước khác một cách thiếu phê phán, có thể có sự choáng ngợp đến thán phục của người lâu nay bị bưng bít, đột nhiên được tiếp xúc một thực tế, một lý luận, một khoa học, những công nghệ đối với mình rất mới lạ, ròi không cưỡng được, tuân the gần như hoàn toàn mù quáng.
Chắc chắn thực tế đất nước sẽ giúp chấn chỉnh lại nhanh thôi.
Nói kinh nghiệm thì còn nhiều.
Điều đáng nhắc nhở nhau là: đừng thấy mấy kinh nghiệm trên đây đề ra yêu cầu có thể là cao quá, mà sinh ra tự ti. Mỗi người tùy ý tiếp nhận hay phản đối, vận dụng theo mức riêng của cách riêng của mình. Đồng thời, cảm thấy mọi chuyện đều biến động, thay đổi, không đứng yên.
Rút lại, lòng mong muốn và lời chúc của tôi đối với các bạn nghiên cứu trẻ là: động cơ trong sáng, bám sát thực tế, kiến thức thời đại, tinh thần sáng tạo, thái độ cởi mở, quan điểm triệt để, phương pháp mềm mại, lý luận đổi mới, kết quả thiết thực, đạt hiệu quả ngày càng cao cho mình, cho gia đình mình và cho đất nước.
(Bài in trong sách “Làm thư ký công việc nghiêm túc và đáng quý” của Việt Phương và Đức Vượng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007, từ trang 29 đến trang41).