NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN CỦA NGƯỜI THƯ KÝ (PHẦN 2)
PGS.TS Đức Vượng
Những trào lưu lý luận lớn trên thế giới hiện nay
Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại hai trào lưu (1) lý luận lớn: lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ; lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học.
Những vấn đề chung:
Nhìn lại lịch sử, thấy rằng, C.Mác và Ph.Ăngghen công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào năm 1848, nhưng trên thực tế, thời C.Mác và Ph.Ăngghen sống, trên thế giới chưa xuất hiện một đảng cộng sản nào, cho nên “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của các ông cũng mới dừng lại ở lý thuyết. Mãi đến năm 1895, V.I.Lênin thành lập “Liên minh chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân”, mầm mống đầu tiên cho sự ra đời của đảng cộng sản ở Nga. Đến năm 1898, trên cơ sở tổ chức “Liên minh chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân”, V.I.Lênin thành lập “Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga" và mãi đến năm 1918, trên cơ sở “Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga’, V.I.Lênin đổi tên thành “Đảng Cộng sản Bônsêvích (B) Nga”, từ đó, mới hình thành đảng cộng sản và cũng từ đó, lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học mới bắt đầu được chứng minh và phát triển trên thực tế.
Sau Đảng Cộng sản Bônsêvích (B) Nga, nhiều đảng cộng sản, đảng công nhân lần lượt ra đời: Đảng Cộng sản Đức thành lập năm 1918, Đảng Cộng sản Hunggary thành lập năm 1918, Đảng Cộng sản Mỹ thành lập năm 1919, Đảng Cộng sản Pháp thành lập năm 1920 (Nguyễn Ái Quốc là một thành viên sáng lập), Đảng Cộng sản Anh thành lập năm 1920, Đảng Cộng sản Inđônêxia thành lập năm 1920, Đảng Cộng sản Italia thành lập năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 1921, đảng Cộng sản Tiệp Khắc thành lập năm 1921, Đảng Cộng sản Nhật Bản thành lập năm 1922, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, Đảng Cộng sản Ấn Độ thành lập năm 1933,…Như vậy, tính từ khi C.Mác và Ph.Ăngghen nêu thuật ngữ “đảng cộng sản” trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào năm 1848 đến khi V.I.Lênin thành lập một đảng cộng sản trên thực tế: Đảng Cộng sản Bônsêvích (B) Nga vào năm 1918, phải mất 70 năm. Trong khi đó, Đảng xã hội dân chủ đầu tiên trên thế giới được thiết lập ở nước Đức: Đảng Xã hội dân chủ Đức ra đời vào năm 1875. Sau Đảng Xã hội dân chủ Đức, nhiều đảng dân chủ, đảng xã hội, đảng xã hội dân chủ lần lượt ra đời: Đảng Xã hội Italia thành lập năm 1892, Đảng Xã hội Pháp thành lập năm 1905, Đảng Xã hội Nhật Bản thành lập năm 1945, Đảng Xã hội dân chủ Italia thành lập năm 1951,…
Chủ nghĩa xã hội dân chủ:
Do nhận thức và quan điểm tư tưởng khác nhau, nên việc đánh giá chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng khác nhau. Vấn đề đặt ra trong nghiên cứu sử học và lý luận học là phải hết sức trung thực và nhìn thẳng vào sự thật lịch sử để đánh giá cho đúng.
Trước hết, cần tìm hiểu sự ra đời của quốc tế hai, quốc tế xã hội chủ nghĩa và quá trình hình thành chủ nghĩa xã hội dân chủ.
Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội dân chủ bắt nguồn từ Quốc tế hai, Liên minh quốc tế của các đảng xã hội, thành lập năm 1889, trong Đại hội tại Pari. Dự Đại hội thành lập quốc tế hai có đại diện của các tổ chức công nhân ở các nước châu Âu, châu Mỹ.
Từ năm 1895 trở về trước, hoạt động của Quốc tế hai do Ph.Ăngghen chỉ đạo, cho nên nó là một tổ chức cách mạng phát triển trên cơ sở của chủ nghĩa Mác. Nó đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác vào một số nước, tập hợp được lực lượng của giai cấp công nhân, xây dựng những mối liên hệ giữa các đảng công nhân. Trong thời gian Ph.Ăngghen lãnh đạo Quốc tế hai, các đảng xã hội ở nhiều nước châu Âu là những lực lượng chính trị quan trọng. Sau khi Ph.Ăngghen mất vào năm 1895, Cơ quan lãnh đạo trong quốc tế hai rơi vào các phần tử cơ hội chủ nghĩa, đòi xét lại chủ nghĩa Mác và dần dần kiến tạo đường lối riêng của mình, khác với chủ nghĩa Mác. Thắng lợi của các đảng xã hội - dân chủ trong các cuộc bầu cử vào nghị viện và các cơ quan tự quản các thành phố ở châu Âu đã tăng cường số lượng công chức xã hội - dân chủ mà đa số là đại diện cho tầng lớp “công nhân quý tộc”. Những người lãnh đạo Quốc tế hai lúc này đã chi phối giai cấp công nhân quốc tế và hướng họ đi theo con đường khác với chủ nghĩa Mác. V.I.Lênin nhận định Quốc tế hai là tổ chức của phong trào công nhân phát triển theo bề rộng, cho nên không thể tránh khỏi tình trạng cách mạng bị sút kém; còn những phần tử cơ hội lại tăng lên nhanh chóng.
Đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng nổi lên mạnh ở nước Nga. Do ảnh hưởng của cách mạng Nga năm 1905-1907, phong trào công nhân của công nhân ở các nước phát triển mạnh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo các đảng thuộc Quốc tế hai lại cố lái phong trào đó theo đường lối mà họ đã vạch ra. Họ đã phủ nhận chủ trương của V.I.Lênin về chuyển cách mạng tư sản dân chủ lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Họ đưa ra lý luận “hòa bình cho các giai cấp”, “chủ nghĩa tư bản hòa bình” có thể hòa vào chủ nghĩa xã hội khoa học; tiến hành cải cách xã hội bằng phương pháp hòa bình do đảng đoàn của họ trong nghị viện lãnh đạo.
Ngay từ khi chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu nổ ra vào năm 1914, tuyệt đại đa số các nhà lãnh đạo các đảng xã hội - dân chủ (2) đã công khai đứng về phía giai cấp tư sản ở nước họ. Trong quá trình chiến tranh, nội bộ của các đảng xã hội - dân chủ thuộc Quốc tế hai lần lượt xuất hiện ba trào lưu là “phái hữu”(cánh hữu), gồm những phần tử xã hội sô vanh, như Plêkhanốp, Sâyđeman, Rennerơ, Vanđécvenđe; “phái giữa”(cánh giữa), mà đại biểu là Cauxki, Tơrốtxki, Máctốp, V.Átlerơ; “phái tả”(cánh tả), mà đại biểu là C.Lípnếch. Ngoài ra còn có “phái hẹp” ở Bungari và một số phái khác. Chiến tranh đã làm cho các đảng xã hội - dân chủ thêm khủng hoảng, làm cho họ phải liên tục điều chỉnh chính sách của mình. Nhìn chung, những chính sách ấy thể hiện sự ủng hộ của họ đối với nhà nước tư bản của nước mình. Tuy nhiên, hoạt động của các đảng xã hội - dân chủ không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, mà có một số đảng, trong nội bộ của họ phát sinh những trường phái tư tưởng khác nhau. Có đảng xuất hiện cả phái tả, phái giữa, phái hữu.
Trong bối cảnh lịch sử đó, những người cộng sản theo chủ nghĩa Mác tiến hành những cuộc đấu tranh với các đảng xã hội - dân chủ để thành lập một tổ chức cách mạng mới là Quốc tế ba (Quốc tế Cộng sản) (3). Sau khi ra đời, Quốc tế ba đề nghị với Quốc tế hai cùng thành lập một mặt trận công nhân thống nhất để đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, nhưng Quốc tế hai đã từ chối đề nghị này của Quốc tế ba.
Đường lối và tổ chức của Quốc tế hai là tiền thân của sự ra đời của Quốc tế xã hội chủ nghĩa (4). Đây là một tổ chức liên hiệp quốc tế của các đảng xã hội - dân chủ ở các nước tư bản chủ nghĩa.
Đại hội I (Đại hội thành lập) Quốc tế xã hội chủ nghĩa họp tại Phrăng Phuốc, Đức, tháng 7-1951. Đại hội thông qua tuyên ngôn: “Về những mục tiêu và nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội dân chủ”; thông qua”Điều lệ Quốc tế xã hội chủ nghĩa”. Các văn kiện thành lập Quốc tế xã hội chủ nghĩa nêu rõ sự không quyết định chính sách của các đảng xã hội - dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà chỉ ghi nhận chính sách ấy thôi. Vì vậy, các nghị quyết của các đại hội chỉ có ý nghĩa bắt buộc đối với những đảng nào bỏ phiếu tán thành các nghị quyết đó. Những đại hội tiếp theo sau của Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã cụ thể hóa lập trường chính trị của phái xã hội - dân chủ đối với các vấn đề nóng hổi của thời đại. Đường lối của quốc tế xã hội chủ nghĩa, nhìn chung, vẫn bảo vệ cho chính sách của nhà nước tư bản của họ. Họ ủng hộ các khối liên minh quân sự của phương Tây. Đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa còn cho thấy họ đang hướng các nước “thế giới thứ ba” và phong trào giải phóng dân tộc đi theo hướng cải lương. Các thủ lĩnh của Quốc tế xã hội chủ nghĩa vẫn giữ lập trường chống cộng sản trong các vấn đề đối với phong trào cộng sản quốc tế và đối với các nước xã hội chủ nghĩa. Họ ra sức chứng minh chỉ có chủ nghĩa xã hội dân chủ mới có thể làm cho con người được hưởng quyền tự do dân chủ.
Trong những năm gần đây, hoạt động của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, người ta thấy xuất hiện những mâu thuẫn mới trong viêc nhìn nhận, đánh giá tình hình thế giới, đánh giá tình hình các nước đang phát triển, vấn đề giải trừ quân bị. một số đảng xã hội - dân chủ đã vạch ra chính sách theo hướng tích cực. Người ta cũng thấy có sự biến chuyển cả trong quan hệ với các đảng cộng sản. Trước kia họ lên án mọi hình thức hợp tác với các đảng cộng sản, thì nay họ thừa nhận các đảng xã hội - dân chủ được tự quyết định thiết lập quan hệ với các đảng cộng sản và những người cộng sản.
Kể từ khi thành lập vào năm 1951, đến năm 2003, quốc tế xã hội chủ nghĩa đã có 22 Đại hội được tổ chức ở nhiều nước khác nhau như Đức, Áo, Braxin,…và cho đến nay, tổ chức vẫn phát triển mạnh. Số thành viên của Quốc tế xã hội chủ nghĩa (thường gọi là các đảng xã hội - dân chủ) ngày một tăng. Tham gia tổ chức này (tính đến năm 1977) có 38 đảng xã hội - dân chủ. Ngoài ra, còn có 16 đảng hưởng quy chế dự thính. Quốc tế xã hội chủ nghĩa có hai “tổ chức anh em”, đó là “Liên đoàn (có tài liệu ghi là “Hội đồng”) Phụ nữ dân chủ-xã hội quốc tế” và “Liên đoàn thanh niên dân chủ -xã hội quốc tế”. Quốc tế xã hội chủ nghĩa có 9 tổ chức có tính chất liên hiệp với tổ chức của mình như Liên minh giáo viên dân chủ - xã hội quốc tế; Liên minh công nhân Do Thái quốc tế,…Đến năm 1996, Quốc tế xã hội đã có 72 đảng thành viên chính thức và 21 đảng thành viên tư vấn,… Quốc tế xã hội chủ nghĩa tự xưng là người “kế tục tự nhiên” của Quốc tế hai. Sự thực, thì đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã kế tục có điều chỉnh lớn của đường lối Quốc tế hai (giai đoạn sau khi Ph.Ăngghen mất vào năm 1895). Sự điều chỉnh này phản ánh một thực tế là những chính sách cũ không còn phù hợp và những diễn biến mới trên thế giới, nên buộc họ phải xem xét lại chính sách của mình.
Lý luận xã hội chủ nghĩa dân chủ:
Lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ liên quan trực tiếp, đồng thời là đường lối của Quốc tế xã hội chủ nghĩa. Quan điểm tư tưởng này rất đa dạng và nhiều màu sắc do những đại biểu của các trào lưu chính trị, tư tưởng khác nhau vạch ra. Trước hết, lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ là hệ tư tưởng chính thức của phái dân chủ - xã hội, nắm chính quyền ở một loạt nước tư bản. Những người theo trào lưu xã hội dân chủ cũng có lúc phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng lý luận cơ bản của họ vẫn hướng vào việc cải cách, điều chỉnh chính sách của nhà nước tư bản, bảo vệ đến cùng nhà nước tư bản của họ, chứ không chú ý đến việc cải tạo nhà nước đó bằng cách mạng. Lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ phủ nhận lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nhà lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ buộc tội một cách vô căn cứ các đảng cộng sản cầm quyền là ít chú ý đến sự phát triển dân chủ trong đời sống xã hội của nước mình. Chủ nghĩa xã hội dân chủ đang tìm cách làm ảnh hưởng lý luận, quan điểm tư tưởng của họ trong nhân dân các nước do đảng cộng sản cầm quyền, đặc biệt là trong lớp trẻ. Họ muốn lôi kéo lực lượng này ra khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học. Tuy vậy, phải nói rằng, nghiên cứu các văn kiện của chủ nghĩa xã hội dân chủ, người ta vẫn chưa thấy một hệ thống lý luận có sức thuyết phục. Nhiều vấn đề lý luận còn lờ mờ, chưa rõ. Thế nào là lý luận đích thực của chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng chưa được vạch ra với những đường nét, góc cạnh của nó. Xét về mặt khoa học, đến nay, lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ vẫn chưa thể bằng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học. Có điều là lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ luôn luôn đưa ra những vấn đề mới, nên nó hấp dẫn người đọc. Hình như các nhà lãnh đạo của Quốc tế xã hội chủ nghĩa chú ý đến thực tiễn nhiều hơn là lý thuyết, nên lý thuyết của họ vẫn chưa mang tính hệ thống. Có lẽ vì thế mà họ tuyên bố tình trạng “đa nguyên về quan điểm” trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Nền dân chủ của họ cũng là “nền dân chủ đa nguyên”. Chủ nghĩa xã hội dân chủ không hề có ý định thưc hiện những thay đổi căn bản về cơ cấu chính trị và kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Họ chủ trương duy trì chủ nghĩa tư bản hiện đại, chỉ giới hạn ở những cải cách nhỏ nhoi đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa, chứ không chủ trương thay thế nhà nước tư bản bằng nhà nước cách mạng. Đại hội XX Quốc tế xã hội chủ nghĩa họp từ ngày 9 đến ngày 11-9-1996 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ, gồm 659 người dự, thuộc 72 đảng thành viên chính thức của Quốc tế xã hội chủ nghĩa, 21 đảng thành viên tư vấn, 16 đảng quan sát viên, cùng nhiều tổ chức bạn và khách mời, thông qua những văn kiện quan trọng: “Tuyên ngôn về kinh tế toàn cầu”, “Tạo lập hòa bình - giữ gìn hòa bình”, “Một chương trình về quyền con người cho thế kỷ XXI”. Những văn kiện đó nhận định tình hình thế giới: sự yếu kém trong quản lý của các quốc gia; sự bất bình đẳng; khoảng cách giàu nghèo gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em; tình trạng thất nghiệp đang gia tăng; tiến bộ của kỹ thuật tạo ra những việc làm mới, đồng thời cũng tạo ra sụ thất nghiệp mới về công nghệ; hàng triệu con người vẫn bị tử vong do những căn bệnh hiểm nghèo; những cuộc xung đột vũ trang vẫn xảy ra tại nhiều khu vực mà nguyên nhân chính là muốn giành giật sự kiểm soát nguồn tài nguyên; sự xuống cấp của môi trường đang trở thành thảm họa đối với loài người.
Đứng trước những thực tế đó, văn kiện Đại hội XX Quốc tế xã hội chủ nghĩa đề ra sự lựa chọn: hoặc là động viên lực lượng và hợp tác cùng nhau giải quyết những vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay; hoặc là lãnh đạm, bỏ mặc nó. Các nhà nước dân chủ cần phải điều hành chính sách đem lại lợi ích cho xã hội. quốc tế xã hội chủ nghĩa tuyên bố ủng hộ các quốc gia trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động và tôn trọng các nguyên tắc của nền dân chủ.
Văn kiện khẳng định vấn đề toàn cầu hóa trong kỷ nguyên truyền thông điện tử là xu thế chủ yếu trong nền kinh tế thế giới ngày nay. Do ảnh hưởng của toàn càu hóa, thế giới của “lưỡng cực” đã nhường chỗ cho một môi trường địa chính trị bất ổn định. Nhờ có toàn cầu hóa mà một số nước đã có sự tăng trưởng kinh tế. Kinh tế hỗn hợp có tác dụng giúp nhau phát triển. Để cho nó có thể là một yếu tố tiến bộ, quá trình toàn cầu hóa phải được điều tiết bằng các biện pháp chính trị.
Văn kiện nêu ra 10 nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra cho quốc tế xã hội chủ nghĩa là củng có nền dân chủ; tạo công ăn việc làm và cải thiện mức sống; phối hợp các chính sách quốc gia; thúc đẩy tự do trao đổi qua lại; gia tăng viện trợ tài chính; đánh giá lại sự hoạt động của các thiết chế Bretton Woods(5); hợp tác khu vưc và hợp tác toàn cầu; củng cố các quyền xã hội; thực thi quyền bình đẳng nam nữ và phát huy quyền của phụ nữ; phát triển lâu dài và bảo vệ môi trường.
Đại hội XXII quốc tế xã hội chủ nghĩa họp từ ngày 27 đến ngày 29-10- 2003, tại Sao Paulô, Braxin đã thông qua nhiều văn kiện, trong đó có “Tuyên bố Sao Paulô”, “Hiến chương đạo đức của Quóc tế xã hội chủ nghĩa”, “Quản lý trong một xã hội toàn cầu”,… Nghiên cứu những văn kiện này, thấy rằng, vấn đề toàn cầu hóa vẫn đang được các nhà quốc tế xã hội chủ nghĩa tiếp tục đặt ra với cách nhìn mới; cách giải quyết cũng dễ được chấp nhận hơn. Quốc tế xã hội chủ nghĩa cho rằng, mục tiêu của phong trào xã hội - dân chủ là dung hòa những giá trị mang tính lịch sử của nó, tức là công bằng xã hội và dân chủ, với những thách thức, những nhiệm vụ, công cụ và hình thức mới của những nền chính trị mà quá trình toàn cầu hóa mang lại. Toàn cầu hóa đang khiến cho những yếu tố cơ bản nhất của trật tự chính trị và xã hội hiện nay cần phải được xem xét lại. Nhà nước từng được xem là yếu tố trung tâm của trật tự chính trị, xã hội, kinh tế, giờ đây, đang dần dần mất đi sức mạnh của nó. Nhiều thực thể xuyên quốc gia, siêu quốc gia, chẳng hạn như các công ty xuyên quốc gia, các tổ chức thế giới và khu vực,… đang kiểm soát và chi phối một số công việc của nhà nước. trong một số chính sách, những cách giải quyết của từng quốc gia riêng rẽ không còn, hoặc ít hiệu quả và có lẽ nên được thay thế hoặc đi đôi với những nỗ lực chính trị từ nhiều phía.
Toàn cầu hóa giống như những tiến bộ về công nghệ. Bản thân nó không tốt cũng chẳng có gì xấu trên phương diện chính trị và đạo đức. Thực chất nó là sự hội nhập trên quy mô toàn cầu về mặt trao đổi thương mại, tài chính, thông tin, tiếp xúc văn hóa. Toàn cầu hóa tạo ra sự phát triển kinh tế, ngày càng có nhiều công việc đột xuất trên thế giới phụ thuộc vào những trao đổi thương mại quốc tế và được tạo ra từ các nguồn đầu tư xuyên quốc gia. Toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho các quốc gia thâm nhập thị trường thế giới.
Toàn cầu hóa tạo ra sự phát triển văn hóa và xã hội thông qua những trao đổi, giao lưu giữa các quốc gia. Văn kiện đưa ra chỉ tiêu đến năm 2015, giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở sản phụ; đến năm 2015, giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; đến năm 2015, chặn đứng sự lây lan của căn bẹnh HIV/AIDS, khống chế căn bệnh sốt rét và các loại bệnh nguy hiểm khác; đến năm 2015, giảm một nửa tỷ lệ dân số không được hưởng nguồn nước uống được; đến năm 2020, cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của ít nhất 100 triệu người hiện đang phải sống trong các khu nhà ổ chuột. Các chỉ tiêu này đặt ra nhưng đều không thực hiện được.
Văn kiện cho thấy quan điểm của Quốc tế xã hội chủ nghĩa hoàn toàn ủng hộ chính sách phát triển bền vững, gắn kết các phạm trù sinh thái, kinh tế, xã hội của quá trình toàn cầu hóa với nhau. Khái niệm “phát triển” được hiểu là sự thịnh vượng về vật chất, nhân phẩm của con người, sự công bằng và bình đẳng. ba yếu tố cơ bản của sự phát triển bền vững là bảo vệ môi trường; tăng trưởng kinh tế; bình đẳng xã hội
Tuy nhiên, văn kiện cũng chỉ ra những mặt hạn chế và những nguy cơ mang tính toàn cầu, như khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Nghèo đói đang tước đi của hàng triệu con người những quyền cơ bản mà lẽ ra họ phải được hưởng; sự xuống cấp của môi trường; những xung đột văn hóa; sự di cư trên toàn thế giới của phụ nữ và nam giới. Toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân đối trầm trọng, đặc biệt, bất lợi đối với những nước kém phát triển nhất. Các công ty đa quốc gia, những người kiếm lời nhiều nhất trong thời kỳ toàn cầu hóa, phải bị cưỡng chế đứng ra nhận các trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường mà họ gây ra.
Nói tóm lại, do bị thống trị bởi lôgich tài chính và tự do, toàn cầu hóa tạo ra sự thịnh vượng cả về kinh tế cũng như về văn hóa, nhưng lại không được phân bố một cách bình đẳng. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là nó phải được tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người. Nó phải được thiết lập một sự quản lý mới cho mỗi nước và ở các cấp độ khác nhau. Chính sách phát triển của thế giới phải tập trung vào ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đối với các thị trường lao động. Vấn đề quyền con người và an ninh của con người phải được xem trọng, vì theo nhận định của văn kiện Sao Paulô, thì tỷ lệ tội phạm trên phạm vi toàn cầu vẫn ở mức báo động đáng sợ, cứ 5 người thì có 1 người là nạn nhân của những tội phạm giết người, ăn cắp, tai nạn giao thông,… ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới; cứ ba người dân sống ở các thành phố lớn lại có 2 người là nạn nhân của những vụ tấn công, ít nhất là 1 lần trong khoảng thời gian 5 năm. Nạn tham nhũng là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu và xuyên biên giới nghiêm trọng nhất. sự công khai, minh bạch là điều kiện cần thiết ở cấp độ toàn cầu.
Văn kiện Sao Paulô thể hiện bước tiến về lý luận của Quốc tế xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay. Một số vấn đề lý luận đáp ứng với yêu cầu của việc cải thiện dân sinh, dân chủ, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, những vấn đề về chính trị nêu trong văn kiện này có một số điểm viết theo quan điểm giai cấp của họ, như việc họ phê phán chế độ một đảng chính trị lãnh đạo, trong khi họ lại không hiểu thực chất của vấn đề, cho nên đã vội vàng quy chụp một cách không cân nhắc và có phần ngộ nhận (Còn tiếp).
(Bài đăng trong cuốn sách “Làm thư ký công việc nghiêm túc và đáng quý” của Việt Phương và Đức Vượng, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007)
------------------------------------------
(1).Viết “trào lưu lý luận”, tôi (ĐV) muốn nói đến cả hai lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa xã hội khoa học đều đang phát triển, tuy sự phát triển đó có khác nhau.
(2). Khi viết “các đảng xã hội - dân chủ là Tác giả của bài này muốn nói đến tên chungcủa các đảng xã hội - dân chủ. Trong thực tế, có đảng lấy tên là: Đảng Xã hội…, có đảng
lấy tên là Đảng Dân chủ…, có đảng lấy tên là Đảng Dân chủ xã hội…, có Đảng lấy tên là Đảng Xã hội dân chủ,…
(3).Quốc tế thứ nhất (Liên minh Công nhân quốc tế) do C.Mác thành lập năm 1864 đến năm 1876, thì giải tán. Quốc tế hai (Liên minh quốc tế của các đảng xã hội - dân chủ) do Ph.Ăngghen chỉ đạo thành lập năm 1889. Từ năm 1889 đến năm 1895 (năm Ph.Ăngghen mất). quốc tế hai do Ph.Ăngghen chỉ đạo. Sau Ph.Ăngghen, Quốc tế hai tiếp tục hoạt động cho đến năm 1921, thì thay vào đó là “Quốc tế thứ hai rưỡi” thành lập năm 1921.
Quốc tế ba (Quốc tế Cộng sản) do V.I.Lênin thành lập vào năm 1919, hoạt động đến năm 1943, thì giải tán.
(4).Có tài liệu viết “Quốc tế xã hội”, nhưng trong các văn bản thành lập đều ghi “Quốc tế xã hội chủ nghĩa”. Viết “Quốc tê xã hội” là viết tắt.
(5).Hiệp định Bretton Woods được ký kết trong Hội nghị quốc tế 44 nước họp ở Bretton Woods (bang New Ham Shire, Mỹ) hồi tháng 7-1944, bàn về các đề nghị khác nhau, liên quan đến vấn đề thanh toán quốc tế trong thời gian sau chiến tranh do các Chính phủ Canađa, Anh đưa ra. Kết quả này dẫn đến viêc thành lập Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tái thiết và phát triển (IBRD).