Mới cập nhật

Đêm Praha đọc sách “Hàn Phi Tử”

Nói rằng:
Mấy đêm liền đọc sách Hàn Phi
Cứ ngỡ mình đang xem Kinh Thi
Ôi! Những trang đời ngời trang triết
Thâm thúy làm sao hỡi người xưa!

 

Làm vua quan:
Nếu vua sáng suốt dùng bề tôi
Có xem vũ nữ nước vẫn còn
Vua không sáng suốt dùng bề tôi
Dù ăn cơm hẩm nước vẫn rơi!

Vua hai mắt nhìn ra thiên hạ
Thiên hạ nghìn mắt nhìn vào vua
Muốn đem hai mắt nhìn nghìn mắt
Phải có tôi trung nhìn hộ vua!

Làm vua như cái chén uống nước
Làm dân như nước ở trong chén
Hàn Phi Tử dẫn lời Khổng Tử
Chén vuông tròn nước cũng tròn vuông!

Vua kém dùng tài năng của mình
Vua trung bình dùng sức của người
Vua giỏi dùng trí tuệ của người
Thuật dùng người vua chớ xem khinh!

Thánh nhân trị nước có ba điều:
Cái lợi, cái uy và cái danh
Muốn giành được dân phải dùng lợi
Dùng uy, danh sự nghiệp sẽ thành!

Cái lợi ở đâu người về đấy
Cái uy ở đâu người theo mau
Cái danh ở đâu người hướng tới
Lợi, uy, danh càng nghĩ càng sầu!

Có quan việc trái lái thành phải
Lại đem việc phải cải thành trái
Trong ngoài đều do bọn chúng lái
Vua tuy đức độ chỉ nhìn thôi!

Kẻ ba hoa, siểm nịnh, a dua
Chúng bán tâm hồn cho quỷ ma
Lại được triều đình ưa sử dụng
Kẻ sĩ lâm vào cảnh bê tha!

Rượu ngon không bán được nên chua
Bởi chó giữ nhà cắn người mua
Triều thần có một bầy quan dữ
Trước sau cũng sẽ ngoạm chân vua!

Người tài đâu có được làm quan
Phải chăng cái thế của cuộc đời
Cái thế nhân tình sao lợi hại
Âu cũng là số phận của người!

Ngựa, nai, nai, ngựa giá nghìn vàng
Nhưng ngựa được dùng ngựa hóa sang
Còn nai bị triều đình ruồng bỏ
Trở nên lầm lũi với lầm than!

Chính trị:
Chính trị: Làm người gần xa đến
Chính trị: Cốt chọn được người hiền
Chính trị: Là tiết kiệm toàn diện
Chính trị: Là cốt ở cái tâm!

Thời thượng cổ: Chính trị đạo đức
Thời trung cổ: Chính trị mưu lược
Thời sơ cổ: Chính trị sức mạnh
Thời hoàng kim: Chính trị cạnh tranh!

Pháp luật:
Pháp luật làm thiên hạ bình an
Điều riêng tư làm thiên hạ loạn
Đem riêng tư chen vào luật pháp
Sẽ biến pháp luật thành riêng tư!

Nước trị binh cường nhờ pháp luật
Nước loạn do luật pháp quanh co
Bởi người làm luật không danh chính
Luật đem ban hành thiên hạ lo!

Kết cục rằng:
Thế sự xưa nay việc ông cha
Vua quan lần lượt biến thành ma
Nghìn năm vẫn là trời đất ấy
Thiên hạ khi nào mới hiểu ra!

Praha, Séc, Đêm 20-7-2001
Đức Vượng
(Cử nhân Ngữ văn)
----------------------------
Lời Tác giả: Khi còn ở trong nước, tôi cũng đã bắt đầu đọc sách “Hàn Phi Tử”. Đang đọc, thì nhận được quyết định đi công tác ở ngoài nước. Khi đi, tôi đã mang theo sách “Hàn Phi Tử” để đọc tiếp và nghiên cứu tiếp. Những năm, tháng sống ở châu Âu, tôi đã đàm đạo với nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về sách của Hàn Phi và tư tưởng của Hàn Phi. Đêm Praha, Séc, 20-7-2001, tôi trăn trở suốt đêm về tư tưởng, học thuyết của Hàn Phi, cho đến gần sáng thì bật dậy viết bài thơ Đêm Praha đọc sách “Hàn Phi Tử”. Tôi cố gắng bám sát nội dung học thuyết của Ông để viết lên bài thơ này.
Tôi thấy Hàn Phi là một nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời xưa. Học thuyết của Ông hay lắm, càng đọc càng hay, triết lý có, lịch sử có, phân tích có, đánh giá có và trong tư tưởng, Ông nghiêng hẳn về pháp trị. Khổng Tử, nói vậy, học thuyết của Ông cũng chỉ loay hoay vấn đề “nhân, lễ, nghĩa, chí, tín”. Còn Hàn Phi lại dám xông thẳng vào vấn đề trị quốc, bình thiên hạ. Người ta thích học thuyết của Ông chính là cái nghĩa khí trong học thuyết đó. Kể ra, Ông “mềm” hơn một chút nữa, xét về phép trị nước, pháp luật là chính, nhưng bên cạnh đó, cũng phải tính đến yếu tố nhân văn, thì học thuyết của Ông sẽ hoàn hảo.
Tuy nhiên, xét riêng về góc độ pháp luật, Hàn Phi thực sự là một luật gia vĩ đại. Ông nói:“Người mẹ hiền có người con hư, nhưng cái nhà nghiêm thì không có bọn tôi tớ hung hãn” (Dẫn theo Sử ký Tư Mã Thiên, Giaó sư Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học, Hà Nội,2010, tr. 535). Cái vĩ đại trong học thuyết của Ông mà cho đến nay, người ta vẫn thấy đúng, đó là mọi tham vọng của con người đều xuất phát từ lợi ích. Cái lợi ở đâu, người ta hướng về đó. “Người đóng quan tài thì mong cho người ta chết. Người làm cỗ xe thì mong cho người ta được sang. Hoàn cảnh kinh tế tạo ra tư tưởng, chứ tư tưởng không tự nó nảy sinh” (Lời giới thiệu của Giaó sư Phan Ngọc trong cuốn sách “Hàn Phi Tử” ,Nxb Văn học, tái bản). Hàn Phi viết: “Cái lợi của bầy tôi là ở chỗ không có khả năng mà được làm quan”. “Cái lợi của bầy tôi là ở chỗ không có công lao mà được giàu sang”. “Cái lợi của bầy tôi là ở chỗ lập bè đảng làm việc riêng” (Hàn Phi Tử, Nxb Văn học, tr. 111). “Sở dĩ bậc vua chúa thân nguy, nước mất là vì quan đại thần quá sang, những người chung quanh quá oai. Gọi là sang, bởi vì không có pháp luật mà tự tiện hành động, nắm lấy cái quyền lực một nước mà làm lợi cho việc riêng của mình. Gọi là oai, bởi vì nắm lấy quyền thế mà quyết định sự nặng nhẹ. Hai hạng người này không thể không xem xét kỹ” (Sách đã dẫn, tr. 580).
Có một nhận định quan trọng của Hàn Phi mà cho đến nay, người ta vẫn đang áp dụng:“Phàm việc nước, điều phải lo trước tiên là thống nhất lòng dân; chuyên làm việc chung thì việc riêng không nảy sinh; thưởng người tố giác thì điều gian không xuất hiện; nêu rõ pháp luật thì việc cai trị không phiền phức. Ai có thể dùng được bốn cái này thì mạnh; ai không dùng được bốn cái này thì yếu. Nước sở dĩ mạnh là nhờ chính trị; nhà vua sở dĩ được tôn trọng là vì quyền lực. Cho nên vị vua sáng có quyền, có chính trị; ông vua loạn cũng có quyền, có chính trị. Nhưng kết quả khác nhau, bởi vì chỗ đứng hai người khác nhau” (Sách đã dẫn, tr.587).
Hàn Phi cho rằng, bản tính con người là ác, chứ không phải là thiện. “Hàn Phi phủ nhận mọi lý luận đề cao cái cao quý của con người” (Lời giới thiệu của Giaó sư Phan Ngọc trong cuốn sách “Hàn Phi Tử” , Nxb Văn học). Ông đánh giá con người như vậy cũng có lý do của Ông. Đó là vì cuộc đời Ông với tư cách con vua, hằng ngày tiếp xúc với bọn nịnh thần, Ông thấy đâu đâu cũng là lừa dối, cơ hội, lợi dụng, tính toán, mưu mô, xảo quyệt, nham hiểm.
Nghĩ xưa, ngẫm nay, đã có biết bao những điều cay đắng đến với số phận của mỗi con người, mỗi cuộc đời mà vẫn chưa tìm ra được lối thoát, mặc dù đã tìm ra được lời giải đáp. Than ôi!