“Chiến tranh và hòa bình”
Sống cuộc đời đầy máu nước mắt và hoa.
Một người có vầng trán cao, khuôn mặt rạng rỡ thông minh
Đã làm nên kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình”.
Chiến tranh đã đẻ ra những vị tướng thần binh
như Cutudốp, Napônêông,…
Cùng gươm dao, giáo mác, súng thần công.
Vòng nguyệt quế được khoác vào cổ Napônêông,…
Còn vong linh người tử trận như ngọn lửa bập bùng,
hắt hiu và lụi tàn trong đêm tối mịt mùng.
Kẻ xâm lược và nước bị xâm lược
Rút cục ai là người thắng cuộc?
Xưa nay chưa bao giờ kẻ xâm lược,
lại là người đã từng thắng cuộc!
Thương thay! Họ không chịu rút ra bài học
Nên chiến tranh cứ tiếp diễn triền miên,
làm cho loài người bị đảo điên,
nhân loại rơi vào cảnh buồn phiền.
Chiến tranh bảo vệ đất nước là chiến tranh chính nghĩa
Chiến tranh xâm lược là chiến tranh phi nghĩa.
Lép Tônxtôi với ngòi bút xung thiên
Ông đã tả chiến tranh là thế.
Chiến tranh làm tàn bao thế hệ
Chiến tranh làm lụi bao tâm hồn
Chiến tranh làm tình yêu điêu linh.
Ghét chiến tranh, Ông yêu hòa bình.
Hòa bình gắn liền với tình yêu nhân loại
Là khúc hòa ca vang giữa đất trời
Là cánh chim bay trong nắng đẹp phởn phơi.
Đêm nằm đọc Lép Tônxtôi
Tôi thấy hiện lên một cuộc đời.
Cuộc đời của hòa bình hạnh phúc
Hơi ấm tình yêu tỏa muôn nơi!
Praha, Séc, đêm 9-5-2001
Đức Vượng
(Cử nhân ngữ văn)
-----------------
Lời Tác giả: Vào một ngày đầu tháng 5-2001, tôi có công việc đi Ôtstrava, một tỉnh của Cộng hòa Séc, cách thủ đô Praha khoảng 500 km về phía nam. Hôm ấy, tôi đi bằng xe buýt. Ngồi bên cạnh tôi là một người đàn ông châu Âu. Vì đường dài, ngồi không cũng buồn, tôi liền bắt chuyện với ông ta và được biết ông là giáo sư về xã hội học của Nga. Ông đi từ thủ đô Mátxcơva đến thủ đô Praha và từ thủ đô Praha, ông đến Ốtstrava để thăm người nhà sống ở tỉnh này. Tôi hỏi Ông ta rằng, trong số các nhà đại văn hào của Nga, Ông thường đọc các tác phẩm của nhà văn nào? Ông trả lời: “Lép Tônxtôi”. Tôi hỏi: “Trong số các tác phẩm của Lép Tônxtôi, Ông thích đọc tác phẩm nào nhất?”. Ông trả lời: “Chiến tranh và hòa bình”. Qua tiếp xúc với vị giáo sư người Nga, tôi bắt đầu suy nghĩ về Lép Tônxtôi và sau khi trở về thủ đô Praha, tôi làm bài thơ “Chiến tranh và hòa bình” của đại văn hào Nga Lép Tônxtôi.
Lép Tônxtôi (tên đầy đủ là Lép Nicôlaievích Tônxtôi). Ông sinh ngày 28-8-1828 và mất ngày 7-11-1910. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc ở trại ấp Iaxnaia Pôlina, nước Nga; là một đại văn hào của nước Nga và thế giới. Nước Nga và thế giới đánh giá Ông là “con sư tử của văn học Nga” (Tiếng Nga, chữ “Lép” cũng có nghĩa là “con sư tử”).
“Chiến tranh và hòa bình” là một kiệt tác của Lép Tônxtôi. Tác phẩm này, Ông viết từ năm 1863 đến năm 1869 thì hoàn thành. Trong thời gian này, Ông cưới vợ. Tình yêu lứa đôi gắn với những biến cố của xã hội Nga khi bắt đầu cuộc cách mạng tư sản ở Nga, đã giúp Ông sáng tạo ra bộ tiểu thuyết đồ sộ này. Văn của Ông toát ra một tư tưởng lớn, trở thành nhà thuyết giáo vĩ đại của nước Nga, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những kiệt tác của Ông, trong đó có “Chiến tranh và hòa bình”, một bản anh hùng ca chiến trận. Ông đã mô tả một cách sinh động đặc điểm lịch sử và hiện thực của toàn bộ cuộc cách mạng đầu tiên ở nước Nga, những mặt mạnh và mặt hạn chế của nó. Đây là bộ tiểu thuyết đồ sộ, có tới gần 560 nhân vật. Trong số các nhân vật, Ông miêu tả tướng Cutudốp như một thần tượng, người đại diện chân chính của cuộc chiến tranh yêu nước chống sự xâm lược của quân Pháp, do tướng Napônêông chỉ huy. Cutudốp là một vị nguyên soái giản dị trong nếp sống, nhưng lại có đầu óc chiến lược vĩ đại trong chiến tranh, một người có khả năng phát động chiến tranh và kết thúc chiến tranh. Hình ảnh của tướng Cutudốp tương phản với hình ảnh nhân vật Napônêông. Sức mạnh của chiến tranh trong tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” là sức mạnh của nhân dân Nga chống quân xâm lược Pháp, đồng thời, phản ánh cuộc sống hòa bình của nhân dân Nga giai đoạn 1805 - 1812. Đề tài chiến tranh được mô tả xen kẽ với đề tài hòa bình, tạo nên hình ảnh chiến tranh và hòa bình. Cái tài của Lép Tônxtôi là đã phân tích hết sức sâu sắc tư tưởng và tâm lý của con người và của từng nhân vật trong tác phẩm. Ông coi tư tưởng và tâm lý của con người như một dòng chảy liên tục, không bao giờ ngừng.
Đọc “Chiến tranh và hòa bình”, người ta liên tưởng đến thế giới ngày nay. Xu thế chiến tranh vẫn chưa được đẩy lùi; xu thế hòa bình vẫn chưa được khẳng định. Có những nước dân vẫn còn đói khổ, mất dân chủ, mất tự do, nhưng nhà cầm quyền lại chạy đua vũ trang, làm bom nguyên tử, tên lửa. Lịch sử phán xét thế nào đây? Than ôi! Nhân loại đáng thương!