Nobel Hòa bình 2016 thuộc về Tổng thống Colombia
Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến hàng chục năm qua ở quốc gia này.
Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực của ông trong việc mang lại hòa bình cho đất nước, Guardian dẫn lời bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, phát biểu.
Tổng thống Santos và Rodrigo London, biệt danh Timoleon "Timochenko" Jimenez, đứng đầu Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), ngày 26/9 ký thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 52 năm nội chiến. Tuy nhiên, người dân Colombia, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, lại phản đối thỏa thuận này.
Theo Ủy ban Nobel, kết quả trưng cầu dân ý không có nghĩa là người dân Colombia từ chối hòa bình mà họ chỉ muốn phản đối nội dung trong đó. Ủy ban cảnh báo kết quả này có thể khiến xung đột bùng phát trở lại và kêu gọi ông Santos và Timochenko tôn trọng thỏa thuận, "cùng chia sẻ trách nhiệm và tham gia một cách tích cực vào các cuộc đối thoại hòa bình sắp tới".
Ủy ban Nobel hoan nghênh Tổng thống Santos vì đã tuyên bố sẽ chiến đấu vì hòa bình cho đến ngày cuối cùng còn đương chức.
Trả lời câu hỏi tại sao giải thưởng lại không được trao cho các bên còn lại tham gia đàm phán, như Timochenko, đại diện Ủy ban Nobel cho biết vai trò tổng thống của ông Santos, là "người bảo vệ tiến trình", rất quan trọng và ủy ban "không bao giờ bình luận về người không được trao giải".
Tổng thống Santos chưa biết tin ông là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2016 và Ủy ban Nobel đang tìm cách liên lạc với nhà lãnh đạo Colombia. Giải thưởng, trị giá 8 triệu krona Thụy Điển (930.000 USD), sẽ được trao tại Oslo, Na Uy, vào ngày 10/12.
Giải Nobel Hòa bình năm 2015 được trao cho Nhóm trung gian Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia vì những đóng góp của họ cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này. Chủ nhân Nobel Hòa bình năm 2014 thuộc về Malala Yousafzai, người Pakistan, và Kailash Satyarthi, người Ấn Độ, hai nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ và trẻ em.
Như Tâm (VnExpress)
------
Lời bình thêm của PGS,TS Đàm Đức Vượng:
Giải Nobel Hòa bình 2016 vừa trao cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực của Ông làm chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng hàng chục năm tại quốc gia này. Đọc qua mạng, tôi thấy đang còn có những ý kiến khác nhau về nhân vật này khi được giải thưởng Nobel hòa bình 2016. Theo tôi, dù sao, Ông C.J.M.Santos cũng có rất nhiều cố gắng trong việc giải quyết xung đột ở Comlombia, tuy nền hòa bình mới được lập lại ở Colombia còn chưa vững chắc.
Vấn đề hòa bình và chiến tranh trên thế giới hiện nay đang ở vào tình trạng “chỉ một bước nhảy” là có thể chuyển từ hòa bình sang chiến tranh. Thông thường, chuyển từ hòa bình sang chiến tranh rất nhanh, nhưng chuyển từ chiến tranh sang hòa bình lại rất chậm chạp. Nguyên nhân gây ra chiến tranh là sự tranh giành lãnh thổ, xâm lược lẫn nhau, thôn tính lẫn nhau. Tại sao không đặt vấn đề chấp nhận hiện tại, mà cứ đòi đất, đòi nước của nhau. Khi loài người xuất hiện trên Trái Đất, thì Trái Đất là của chung. Dần dần mới hình thành đường đi, nước bước, hình thành các lãnh thổ, các quốc gia, từ đấy loài người rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Lỗi này là ở những người cầm đầu các quốc gia.
Để duy trì hòa bình trên Trái Đất, những người đứng đầu các quốc gia hãy bớt đi cái đầu nóng, thay vào đó là cái đầu lạnh; phải dứt khoát chuyển từ đấu tranh trên chiến trường sang đấu tranh trên nghị trường. Đấu tranh nghị trường phải trở thành ngọn cờ của nhân loại. Những người lãnh đạo các quốc gia phải coi đấu tranh nghị trường là chủ đạo trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Muốn đấu tranh trên nghị trường được tốt, thì mỗi bên phải chịu lùi một bước. Ai cũng hung hăng, hiếu chiến, thì chiến tranh tất phải xảy ra!
Đấu tranh cho một thế giới hòa bình là khát vọng của loài người! Kẻ nào gây ra chiến tranh là kẻ đó có lỗi với loài người và với lịch sử nhân loại! Cần phải lên án!