KHOA HỌC VỀ TÂM LINH - KHOA HỌC TRỪU TƯỢNG VỀ DỰ ĐOÁN

PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

imagesTrước đây, tôi cũng đã có bài nghiên cứu về khoa học dự đoán về tướng - số - vận, đăng trên mạng. Trong bài này, tôi bổ sung một số vấn đề nghiên cứu mới về môn khoa học trừu tượng này.

Trước hết, xin bàn về thuật ngữ “dự đoán khoa học”. Thuật ngữ “dự đoán khoa học” đồng nghĩa với “dự báo khoa học, dự kiến khoa học, tiên tri khoa học, tiên đoán khoa học”,…, gọi chung là “dự đoán khoa học hoặc dự kiến khoa học”. Nhà tướng - số - vận  phải rất giỏi về khoa học dự đoán, vì nó có liên quan trực tiếp đến số phận của mỗi con người. Muốn dự đoán đúng, trước hết, cần xác định rõ cơ sở lý luận của dự đoán, bởi có xác định rõ cơ sở lý luận, thì dự đoán mới có thể trở thành khoa học, còn không, sẽ là đoán mò theo kiểu “thầy bói nói dựa”.

“Dự đoán khoa học”, xét về mặt triết học có nghĩa là nghệ thuật dự đoán những hiện tượng, sự kiện và quá trình có thể hay tất nhiên sẽ xảy ra, nhờ vào những nghiên cứu và sự hiểu biết những quy luật khách quan của hiện thực sẽ xảy ra trong tương lai mà dự đoán. Ai đó phủ nhận tính chất khách quan của hiện thực sẽ xảy ra hoặc lặp lại trong tương lai, thì cũng phủ nhận luôn khả năng dự đoán khoa học.

Dương Chu (395-335 trước Công nguyên), nhà triết học cổ đại của Trung Quốc, dự đoán rằng, tất cả các biến cố và hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội và trong đời người đều chịu sự tác động của những nguyên lý tất yếu của tự nhiên mà ông gọi là số mệnh (vận mệnh). Vì vậy, quan điểm của ông là quan điểm định mệnh. Dương Chu cũng dự đoán rằng, mọi cái đều bị diệt vong và bị tiêu diệt. Sự sống tất yếu phải được thay thế bằng cái chết; tiếp sau sự xuất hiện là sự hủy hoại, nên ông kêu gọi hãy tận dụng và tận hưởng cái hiện có trong cuộc sống và không nên tự dằn vặt mình, tự làm khổ mình, lo nghĩ trước thiên hạ bằng những ý nghĩ về cái gì đó sẽ đến sau khi đã chết. Với ông, chết là hết. Nhận thức sai lầm của ông là ở đời chẳng có tôn ti, trật tự đạo đức thứ bậc nào hết, mà chỉ có con người sống trong trời đất mà thôi. Quan niệm này, chính là ông đã chống lại học thuyết tôn ti, trật tự của Khổng Tử.

Thực tế thì khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đã cung cấp nhiều thí dụ về dự đoán. Như trường hợp nhà khoa học lớn của nước Nga Menđêliép căn cứ vào quy luật chu kỳ mà ông phát hiện, dự đoán rằng, còn ba nguyên tố đến nay vẫn chưa biết, rồi ông ấn định các đặc tính như nguyên tử lượng,… của những nguyên tố đó. Sau này, việc phát hiện ra giécmaniom (germanium); ganiom (gallium); xcăngđiom (scandium) hoàn toàn chứng thực dự đoán của ông là đúng. Gecmanium (Ge) là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn và số nguyên tử 32. Nó là một á kim màu trắng bạc, cứng, bóng, về mặt hóa học là tương tự như thiếc. Gecmanium tạo ra một lượng lớn các hợp chất hữu cơ kim loại và là vật liệu bán dẫn quan trọng được sử dụng để sản xuất ra transistor. Nó được đặt tên theo tên gọi của Đức trong tiếng La tinh là Germania. Gallium (Gali) là một nguyên tố hóa học có số nguyên tử 31. Đây là chất không tồn tại trong tự nhiên, nhưng dễ dàng tìm thấy sau các phản ứng nung chảy nhôm, kẽm... và được chiết xuất từ dầu thô hydroxide nhôm. Scandium (Sc) cũng là một nguyên tố hóa học  trong bản tuần hoàn và là nguyên tử 21.  Nó là một thứ kim loại mềm, màu trắng bạc, có trong các khoáng chất hiếm. Như vậy, Menđêliép đã dự đoán đúng, người ta gọi đó là dự đoán khoa học thiên tài. Khi biết những quy luật phát triển của thể hữu cơ, người ta có thể dự kiến việc xuất hiện của những giống cây mới do các nhà chọn giống tạo ra. Trong khoa học xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen, những người sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã dự đoán đúng quy luật phát triển của lịch sử tức quy luật quan hệ sản xuất tất nhiên phải thích ứng với tính chất lực lượng sản xuất. Đến một trình độ phát triển nhất định của chủ nghĩa tư bản, tính chất xã hội của lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất cũ. Mâu thuẫn đó, sự không thích hợp đó của hai mặt của phương thức sản xuất không thể tồn tại lâu. Quan hệ sản xuất thích hợp với tính chất mới của lực lượng sản xuất sẽ khắc phục mâu thuẫn đó. Chính cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa đã giải quyết mâu thuẫn đó.

Trong lĩnh vực xã hội, dự đoán khoa học khó hơn so với lĩnh vực tự nhiên. Thí dụ, về phương diện thiên văn học, người ta có thể dự tính nhật thực từ hàng trăm năm trước, và khám phá ra, thì lĩnh vực tự nhiên có quy luật rõ hơn là lĩnh vực xã hội, nên lĩnh vực xã hội rất khó dự đoán chính xác.

Khoa học dự đoán chỉ ra rằng, dự đoán trong tương lai vẫn chưa đủ, mà còn phải tranh thủ nó nữa, như dự đoán xong, còn phải tạo thời cơ để tranh thủ nó. Việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một thí dụ rất tốt về sự lựa chọn chính xác và khoa học thời cơ hành động, khi Thường vụ Trung ương và Tổng Bí thư Trường Chinh ra Chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tháng 3-1945).

Dự đoán phân chia thành dự đoán trước mắt, dự đoán ngắn hạn, trung bình, dài hạn, xa hạn. Người ta có thể dự đoán số phận cả đời của người đó, nhưng cũng có thể dự đoán khoáng từ 10-15 hoặc 20 năm sau, thậm chí một năm sau hoặc một tháng sau, trong cuộc đời người đó sẽ có những biến cố gì. Có nhà tướng - số sau khi xem ngôi mộ của ông bà, đã nói là với vị trí của ngôi mộ này, đời sau con gái phát triển mạnh hơn con trai. Đúng như dự đoán, dòng họ ấy, về sau, con gái học hành rất giỏi, làm quan, giàu có, còn con trai thì rơi vào cảnh “lo được bữa sáng lại không lo được bữa tối”.

Dự đoán xã hội gồm triển vọng phát triển kinh tế, dân số, quan hệ xã hội và quan hệ giai cấp, tầng lớp, văn hóa, nhà nước, chính sách đối nội và đối ngoại, quan hệ quốc tế, giặc ngoại xâm đang nhòm ngó đất nước của mình. Nghiên cứu các sách, báo nước ngoài, các nhà khoa học đã đưa ra từ 150 - 200 các phương pháp dự đoán xã hội. Trong thực tế, người ta áp dụng không quá từ 15 - 20 phương pháp dự đoán, trong đó, có một số phương pháp tham khảo ý kiến trực tiếp các chuyên viên, trí thức lâu năm về lĩnh vực tướng - số - vận, hoặc có thể trao đổi bằng thư, điện thoại, e.mail,... Dự đoán còn được thực hiện tại các cơ quan khoa học chuyên ngành, do những nhóm nghiên cứu đặc biệt gồm các chuyên gia nhiều ngành, được trang bị máy tính điện tử…

Trong số các dự đoán gần, người ta rất khó đoán định về dự đoán giá vàng, giá đô la Mỹ, tăng, giảm, dự báo về các tội phạm và tệ nạn giao thông sẽ xảy ra. Dư luận xã hội cho rằng, dự báo về vấn đề kinh tế, tài chính các nước của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), dù sao, cũng có cơ sở dự đoán khoa học nhất định, nên đã dự báo đúng một phần về một số vấn đề kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Tại các nước, vào cuối những năm 40, thế kỷ XX, quan niệm về cách mạng khoa học và kỹ thuật cùng những hậu quả kinh tế, xã hội của nó, làm cho người ta chú ý đến vấn đề nhận xét những thay đổi sẽ xảy ra và những vấn đề đang mong đợi. Vào những năm 50, 60, thế kỷ XX, sự phát minh kỹ thuật tìm kiếm, phán đoán và nghiên cứu theo tiêu chuẩn đã cho phép người ta thu được những khoản lợi nhuận to lớn nhờ tối ưu hóa những cách giải quyết có tính đến kết quả các công trình nghiên cứu dự đoán và dẫn đến một “cơn bùng nổ về dự đoán xã hội”. Tại phương Tây, người ta thấy xuất hiện hàng trăm cơ quan khoa học chuyên về dự đoán xã hội.

Về phương diện tư tưởng, điều này được đánh dấu bằng sự xuất hiện môn tương lai học ở một số trường đại học của một số nước xã hội chủ nghĩa của châu Âu trước đây. Nhưng chẳng bao lâu, nhiều người thấy thất vọng về môn học này khi đưa ra những dự đoán sai về kinh tế, xã hội, chính trị đầy tinh thần lạc quan, lại tỏ ra vô căn cứ trong thực tế, như dự đoán chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sẽ tồn tại lâu dài, vĩnh viễn. Thực tế, đến năm 1990-1991, nó đã sụp đổ. Do tính chất hết sức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay và những vấn đề chính trị phức tạp đang xảy ra ở nhiều nước, là những vấn đề mà người ta có thể dự đoán chiều hướng phát triển của thế giới trong tương lai.

Công tác dự đoán xã hội đang được thực hiện ở nhiều nước trong hàng trăm cơ quan nghiên cứu khoa học mà thông thường trong các hoạt động của nó lại nằm trong các viện hàn lâm và các viện nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực xã hội, hoặc nằm trong các nhà nghiên cứu khoa học xã hội giỏi.

Sự phát triển của công tác dự đoán xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao trình độ quản lý xã hội một cách khoa học.

Muốn cho dự đoán thật sự trở thành khoa học, thì nó phải có những điều kiện khoa học kèm theo, như chọn nhân sự, phương tiện làm khoa học, và vấn đề cốt lõi là nó phải có … tiền.