Mới cập nhật

Chùa Giải Oan – Huyền thoại suối Giải Oan

dien-tho-Mau-chua-giai-oan-638x420Sách Thiền môn đại ý viết: “Nhân Tông từ thuở nhỏ, đã sớm ý thức được nguyên lý đạo Phật, ham chuộng cửa Không, chí muốn đi tu, chứ không ưng làm vua hưởng vinh hoa phú quý. Thánh Tông phải khuyên bảo: Sứ mệnh giao phó rất nặng nề, phải lo gánh vác trước hết. Nước nhà đang gặp buổi khó khăn trước cơn gian nguy do người phương Bắc sớm muộn gì cũng sẽ sang mưu sự thôn tính nước ta. Bổn phận cứu muôn dân trăm họ là trên hết, có được làm nổi thì sau mới có thể tính đến sự tu hành giải thoát bản thân và chúng sinh. Nhân Tông phải tuân lời lãnh nhiệm vụ chăn dân cứu nước. Sau khi đã làm tròn sứ mệnh bình đắc định nam xong, yên việc nước nhà, Nhân Tông mới lại đi tu, đắc đạo”.

Nhân Tông (con trai Thánh Tông) sinh năm 1258, năm 21 tuổi lên ngôi vua (năm 1278). Năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho con lớn là Thái tử Thuyên (Trần Anh Tông) về phủ Thiên Trường làm Thái thượng hoàng. Năm 1295 sau khi đi đánh quân Ai Lao trở về, Nhân Tông thượng hoàng xuất gia đầu Phật. Trước tu ở chùa Vũ Lâm, huyện Yên Khánh- nay thuộc huyện Gia Khánh (Ninh Bình)- thời thường vẫn đi về kinh sư và phủ Thiên Trường. Đến năm 1299, Người mới chính thức đi tu tại vùng núi Yên Tử. Lấy hiệu là Yên Vân đại đầu đà.


HUYỀN THOẠI SUỐI GIẢI OAN


Hành trình bắt đầu sự nghiệp đi tu của vua Trần tại Yên Tử phải qua một con suối nhỏ. Truyền thuyết gắn liền với câu chuyện: khi Trần Nhân Tông xuất gia đến núi Yên Tử tu hành, vì không muốn vua cha vào Yên Tử nên Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mỹ nữ tìm đến can ngăn, nhưng Trần Nhân Tông vẫn một lòng theo đạo và khuyên mọi người hãy trở về với triều đình hoặc quay về quê cũ làm ăn. Để tỏ lòng trung với vua, họ đã trầm mình dưới suối. Một số trong các cung phi đó bị chết đuối nên Trần Nhân Tông đã cho lập đàn để cúng để giải oan cho linh hồn của họ. Số cung nữ ấy định tự tử hết cả, vua Trần đành phải cấp ruộng và nhà bên dưới chân núi, lập thành làng có tên là Năm Mẫu (mẫu ở đây chỉ cung nữ được hoàn trả về với cuộc sống thường ngày). Dòng suối ấy từ câu chuyện trên mà có tên là suối Giải Oan. Suối Giải Oan trở thành ranh giới giữa đời thường và sự nghiệp hành đạo.

Đàn tràng nơi cúng giải oan cho các cung nữ chết đuối sau được lập thành chùa để thờ Phật, chùa cũng từ đó mà có tên là Giải Oan. Chùa gợi nhớ về sự kiện bắt đầu cuộc đời tu hành tại vùng núi Yên Tử của Trần Nhân Tông. Cũng tại khu vực chùa Giải Oan ngoài chùa chính ra còn có nhà thờ Mẫu, nơi thờ các vị thánh mẫu có mối liên hệ từ các vị cung nữ đã trẫm mình tại dòng suối Giải Oan.

Đây là khu vực chùa đặc biệt so với các khu vực chùa khác trong hệ thống Yên Tử, là chùa duy nhất có nhà Mẫu. Qua đó, có sự gắn kết với câu chuyện truyền thuyết tại suối Giải Oan với phong tục thờ tự tại chùa Giải Oan. Cũng từ câu chuyện nhân văn gắn liền với truyền thuyết chùa Giải Oan mà cho thấy ở Đức vua Trần Nhân Tông có tấm lòng cao cả, khoan dung độ lượng mở đầu cho một tư tưởng riêng của Người, tư tưởng của chân lý cao thượng hướng tới sự phát triển bền vững của dân tộc. Nhân Tông đi tu và đắc đạo, lập ra thiền phái Trúc Lâm, có hiệu là Đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tịnh tuệ Giác hoàng Điều ngự. Vị đức vua có một không hai trong lịch sử của nước Đại Việt được vinh danh là Đức vua – Phật hoàng.


suoi-giai-oan-khi-can-nuoc-640x413CHÙA GIẢI OAN


Nằm ở vị trí cửa ngõ Trung tâm Khu Di tích lịch sử và Rừng Quốc Gia Yên Tử, Chùa Giải Oan được xây trên nền móng ngôi chùa cũ thời Trần, nơi lập Đàn tràng giải kết oan hồn các Cung Tần Mỹ Nữ.

Chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Từ năm 1994 đến năm 1997, bằng nguồn đầu tư của Nhà nước, công đức của Sư Bà Chân Đức (Việt kiều ở Canada) và các Phật tử Trúc Lâm cùng quý khách thập phương, Ban Quản lý Yên Tử và Sư Thầy Thích Diệu Như đã xây dựng lại chùa Giải Oan. Kiến trúc chùa theo kiểu chữ “Đinh” (J), kết cấu cột trụ, xà bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói mũi hài, bò nóc đắp vữa xi măng để trơn, giữa nóc là bức đại tự có bốn chữ Hán: “Giải Oan Hồn Tự” (Chùa Giải Oan), hai đầu nóc có hình Rồng đắp nổi cùng vân mây, uốn lượn mềm mại. Đầu đao mái chùa hình đầu Rồng cuộn hướng lên, cùng vân mây, sóng nước. Tường chùa xây gạch đỏ không trát vữa, sân chùa lát gạch Bát Tràng kích thước 30cm x 30cm. Cửa chùa làm bằng gỗ lim, kết cấu “Thượng song hạ bản” khung gỗ, trên song dưới bức bản trạm trổ hoa văn “Long, Ly, Qui, Phượng”, “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”, bốn góc có “Phúc Thử” (con Dơi đem lại phúc lành). Trước cửa chùa đặt một Lầu hương cao 3,2m, Chiều dài 1,8m, chiều rộng 0,8m, có hai tầng mái cong, trang trí hoa văn cổ. Bốn trụ cột Lầu hương hình dóng trúc, bốn phía trang trí cửa võng hoa văn Tùng, Cúc, Trúc, Mai.

Tượng thờ trong chùa được bài trí theo kết cấu chùa Việt, và Phật giáo Đại thừa.

Ở Tiền đường: bên trái là  Ban Đức Chúa Ông, Hộ pháp Khuyến thiện. Bên phải là Hộ pháp Trừng ác, Ban Đức Thánh Hiền. Hậu cung  hay còn gọi là Thượng điện tượng thờ được bài trí 7 cấp: cấp trên cùng là Tam Thế Phật; cấp thứ hai là Di Đà Tam Tôn gồm các pho tượng  A-Di-Đà ở giữa, Quan Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát ở hai bên; cấp thứ ba là tượng Tuyết Sơn ở giữa, Bồ Tát và Dược Vương Bồ Tát ở hai bên; cấp thứ tư là Phật Thích Ca thuyết pháp ở giữa, Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát ở hai bên; cấp thứ năm là Quan Âm Chuẩn Đề (Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn); cấp thứ sáu là Tam Tổ Trúc Lâm; cấp thứ bảy là Đức Phật  Niết bàn và Toà Cửu Long.

Chính Cung Điện Mẫu, thờ Đức Mẫu Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu (là thân mẫu của Phật Hoàng Trần Nhân Tông). Trước chánh cung thờ Tam Vương (Minh Vương, Hải Vương, Diêm Vương). Bên trái thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Quốc Trượng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông). Bên phải là ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu theo tín ngưỡng, văn hóa nhân gian truyền thống của người Việt.

Nhà thờ Tổ được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép, tường xây gạch đỏ không trát vữa. Nhà 5 gian, kiến trúc hình chữ “Nhất” (-), mái lợp ngói mũi hài, cửa làm bằng gỗ Lim, cánh cửa bức bàn ở trên là hàng song tiện, ở dưới là bức bản bưng kín được trạm trổ hoa văn tứ quý  “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”. Tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Tam Tổ Trúc Lâm, Tổ sư trụ trì chùa, được bài trí thờ ở Chính diện.

Chùa Giải Oan, Điện Thờ Mẫu, Nhà thờ Tổ tọa lạc nơi chân núi Hòn Ngọc. Trước chùa là dòng suối Giải Oan. Cảnh trí nơi đây sơn thủy hữu tình, nâng bước chân Du khách tiếp tục hành hương “Thượng Sơn” chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, du ngoạn chốn bồng lai tiên cảnh. Quý khách đến chùa Giải Oan:

Cầu mong đời bớt oan khiên
Cho nên hậu thế xây lên ngôi chùa
Đất trời vần vũ nắng mưa
Đời người may rủi được thua thăng trầm
Nhớ câu Phật ở tại tâm
Từ Bi Trí Tuệ phép màu cởi oan

Thơ Vũ Xuân Hồng

Từ chùa Giải Oan có hai lối lên chùa Hoa Yên, quý khách có thể đi bằng cáp treo hoặc đi bộ đoạn đường dài 1.630m độ dốc cao dần qua Đường Tùng, Hòn Ngọc, Tháp Tổ rồi lên tới chùa Hoa Yên lễ Phật, chiêm ngưỡng cảnh sắc chùa và tiếp tục thượng sơn lên chùa Một Mái, Chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, Tượng An Kỳ Sinh, Bảo Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Bia Phật, Cổng Trời và Chùa Đồng.

Theo Hành trình tâm linh