Kiểm soát mỡ máu, chặn biến chứng tim mạch
Cholesterol, triglycerid là gì?
Cholesterol chủ yếu do gan tạo ra từ các chất béo bão hòa. Mỗi ngày có khoảng 1g cholesterol được tạo ra và hòa cùng dòng máu đi khắp cơ thể. Ngoài ra, có một lượng nhỏ cholesterol cũng được hấp thu từ các loại thức ăn như sữa, lòng đỏ trứng, mỡ động vật, não, lòng động vật, tôm… Cholesterol có loại tốt và loại xấu. Có 2 loại cholesterol xấu, đó là LDL-C và VLDL-C, chúng có khả năng làm xơ vữa động mạch, nhất là động mạch vành tim và động mạch não dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim có nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Và cholesterol tốt, đó là HDL-C, loại này có khả năng vận chuyển cholesterol ra khỏi thành động mạch, đưa chúng về gan và ra khỏi cơ thể để không bị xơ vữa động mạch.
Thường xuyên tập thể dục giúp ngừa bệnh máu nhiễm mỡ hiệu quả
Triglycerid được tạo ra khi các axit béo sau khi hấp thu qua gan, được gan chuyển hóa thành cholesterol, lượng axit béo tự do không được gan chuyển hóa sẽ dư thừa và trở thành triglycerid. Khi triglycerid tăng, ngoài việc làm xơ vữa động mạch, chúng còn có khả năng làm gan bị nhiễm mỡ do tích tụ lipid ở gan bởi mất sự cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan. Điều bất lợi khi bị gan nhiễm mỡ là gan sẽ hạn chế sản xuất apoprotein, do đó lượng acid béo sẽ vào gan quá lớn, làm cho gan càng bị nhiễm mỡ nặng hơn. Ngoài ra, triglycerid tăng cao cũng có nguy cơ làm viêm tụy tạng cấp tính, đây là bệnh rất nguy hiểm cần can thiệp kịp thời. Mặt khác, giữa cholesterol và triglycerid có liên quan mật thiết với nhau cho nên khi triglycerid tăng thì hai loại cholesterol xấu (LDL-C và VLDL-C) cũng tăng theo, làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Lượng cholesterol toàn phần trên 5,2 mmol/l, cholesterol xấu trên 3,3mmol/l và triglycerid trên 1,8mmol/l được gọi là cao. Như vậy, mỡ máu cao khi cholesterol toàn phần cao hoặc cholesterol xấu cao hoặc triglycerid cao hoặc từ hai loại trở lên đều cao hơn chỉ số bình thường.
Cần làm gì để ngăn ngừa mỡ máu cao?
Mỡ máu cao có thể liên quan mật thiết với chế độ dinh dưỡng hàng ngày không hợp lý hoặc một số yếu tố có nguy cơ làm tăng mỡ máu. Những người ăn nhiều mỡ động vật, lòng động vật, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần, bơ, tôm, thịt đỏ (thịt trâu, bò, chó…), thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc nghiện rượu, bia hoặc béo phì, tăng cân sẽ có nguy cơ tăng mỡ máu. Vì vậy, nên hạn chế ăn các loại thức ăn có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa toàn phần, thịt xông khói, dầu dừa, dầu quả cây cọ, phủ tạng động vật, da gà, da vịt, da ngỗng, thịt đỏ. Nên hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo như các loại thực phẩm chiên rán (thịt, cá, quẩy, bánh ngọt,…) nhất là chiên rán với loại dầu, mỡ đã sử dụng nhiều lần.
Với người bị béo phì, nên có chế độ giảm béo. Nên giảm béo một cách từ từ, không nóng vội, không dùng các loại dược phẩm, thuốc Nam, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép. Cách giảm béo thông dụng là tăng cường vận động cơ thể như tập thể dục, ăn giảm calo (giảm chất bột, thịt, mỡ…). Nếu không bị tăng huyết áp, sức khỏe tốt, có thể tập một số động tác nặng như đi bộ với tốc độ nhanh, chạy tốc độ vừa phải với độ dài vài ba trăm mét hoặc đạp xe… Với người nghiện thuốc lá, bia, rượu, cần sử dụng giảm dần để đi tới bỏ hẳn. Nên khám bệnh định kỳ, nhất là người đã và đang có mỡ máu cao. Những người mỡ máu cao nên khám bệnh tại một cơ sở y tế nhất định để tiện việc theo dõi. Bởi vì, trong trường hợp đã áp dụng chế độ ăn hợp lý, chế độ tập luyện đều đặn mà mỡ máu không được cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể, sẽ được bác sĩ khám bệnh chỉ định dùng thuốc làm giảm mỡ máu với liều dùng thích hợp. Tuy vậy, dùng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Tuyệt đối không tự động mua thuốc dùng khi không có đơn của bác sĩ. Bởi vì, dùng thuốc giảm mỡ máu cần phải theo dõi chặt chẽ men gan (SGOT và SGPT) và một số chỉ số sinh hóa khác.
BS. Việt Bắc ( Theo Sức khỏe đời sống)