10 nhân vật kiệt xuất nhất thung lũng Silicon
Trang Business Insider vừa công bố danh sách 100 gương mặt xuất sắc nhất thung lũng Silicon - cái nôi của những công nghệ mới nhất nước Mỹ và thế giới.
Danh sách "Silicon Valley 100" được Business Insider công bố hàng năm là tập hợp những người có nhiều đóng góp quan trọng nhất và để lại nhiều dấu ấn nhất tại thung lũng Silicon trong một năm qua.
Hầu hết những người có tên trong danh sách đều là người sáng lập, CEO, hoặc đang nắm giữ một vị trí lãnh đạo tại một công ty công nghệ ở thung lũng Silicon và trong năm qua họ đã có nhiều đóng góp góp phần làm thay đổi diện mạo làng công nghệ thế giới.
Danh sách có sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi kỳ cựu của làng công nghệ như Tim Cook, Larry Ellison, Reed Hastings, Meg Whitman, Marissa Mayer, Sheryl Sandberg,... Đồng thời, cũng ghi nhận nhiều gương mặt khá trẻ như Sam Altman, Palmer Luckey, Brendan Iribe, Nathan Blecharczyk, Brian Chesky, Joe Gebbia,...
Dưới đây là 10 vị trí đứng đầu danh sách "Silicon Valley 100":
10. Brian Slingerland, Scott Dylla, và Daniel Reiner - Đồng sáng lập Stemcentrx
Slingerland - một cựu phó chủ tịch của Goldman Sachs và Dylla - một nhà khoa học cao cấp tại OncoMed Pharmaceuticals đã cùng bắt tay với Reiner, một nhà đầu tư nối tiếp và từng điều hành một doanh nghiệp viễn thông trước đây sáng lập Stemcentrx vào tháng 9 năm ngoái. Mục tiêu của họ là chữa khỏi bệnh ung thư bằng tế bào gốc.
Chưa đầy một năm sau đó, gã khổng lồ dược AbbVie đã mua lại startup công nghệ sinh học này với giá 10,2 tỷ USD, trong khi công ty được định giá thực tế chỉ khoảng 5 tỷ USD. AbbVie quan tâm đặc biệt và đặt kỳ vọng rất lớn vào loại thuốc chống ung thư ROVA-T của Stemcentrx. Công ty này hy vọng đưa loại thuốc này ra thị trường vào năm 2018.
9. David Marcus - Phó chủ tịch phụ trách mảng tin nhắn của Facebook
Đã gần hai năm kể từ khi Marcus rời bỏ vị trí Chủ tịch của PayPal để gia nhập Facebook làm Phó chủ tịch phụ trách mảng Messenger (tin nhắn). Dưới sự "cai trị" của ông, Messenger của Facebook đã phát triển thành một con quái thú với 900 triệu người sử dụng hàng tháng.
Năm nay, Marcus đang tập trung phát triển AI Messenger và cùng bắt tay với Spotify Uber và Lyft.
8. Marc Benioff - Đồng sáng lập và CEO Salesforce
Dù có nhiều công nghệ mới ra đời nhưng công ty phần mềm điện toán đám mây Salesforce vẫn là một trong những công ty công nghệ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới. Dưới sự điều hành của Benioff, công ty 50 tỷ USD này, tự hào có một tỷ lệ tăng trưởng hàng năm tới 22% và dự kiến sẽ thu về hơn 8 tỷ USD doanh thu trong năm nay.
Benioff đã trở thành một mẫu giám đốc điều hành không chỉ thành công về tài chính mà còn thành công về giao tiếp xã hội. Ông là người tích cực ủng hộ bình đẳng giới, tạo ra văn hóa làm việc tiến bộ cũng như ủng hộ quyền đồng tính (LGBT).
7. Tim Cook - CEO Apple
Trong 12 tháng qua, Cook đã dẫn dắt gã khổng lồ công nghệ Apple cho ra đời nhiều sản phẩm mới như Apple Music (thu hút 6,5 triệu thuê bao trả tiền trong tháng đầu tiên sau thời gian dùng thử miễn phí); phát hành Apple TV 4, có thể chạy các ứng dụng của bên thứ ba và truy cập Siri; cũng như giới thiệu iPad Pro, tablet lớn nhất của công ty này.
Theo Cook, Apple cũng vừa đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing, ứng dụng gọi xe của Trung Quốc đang trực tiếp đối đầu với Uber.
6. Jack Dorsey - Đồng sáng lập kiêm CEO Twitter và Square
Là CEO của cả hai công ty Square và Twitter, Dorsey đã ghi dấu ấn đậm nét tại thung lũng Silicon. Tháng 11/2015, Square đã IPO với giá 9 USD mỗi cổ phiếu, thấp hơn mức dự đoán 11-13 USD/cổ phiếu được dự đoán.
Còn tại Twitter sau khi trở lại đảm nhiệm vị trí CEO tạm thời vào tháng 7/2015 (và chính thức được bổ nhiệm làm CEO vào tháng 10), Dorsey đã tập trung củng cố sứ mệnh của mình và phát triển sản phẩm mới, bao gồm cả kế hoạch phát video trực tiếp hơn cũng như cải tiến những phàn nàn từ người dùng.
5. Reid Hoffman - Đồng sáng lập kiêm CEO LinkedIn và Jeff Weiner - CEO LinkedIn
Hồi tháng 3/2016, Weiner đã chia 14 triệu USD cổ phiếu thưởng cho người lao động ở lại LinkedIn sau khi cổ phiếu của công ty giảm 40% sau báo cáo thu nhập hồi tháng Hai. Weiner hy vọng động thái này sẽ giúp phục hồi năng lực của nhân viên và nâng cao tinh thần của họ.
Vào tháng 6/2016, giá cổ phiếu của LinkedIn đã có sự rung lắc mạnh. Làng công nghệ thế giới đã được phen kinh ngạc khi LinkedIn đột ngột "bán mình" cho Microsoft với giá 26,2 tỷ USD tiền mặt. Thỏa thuận này đánh dấu vụ mua lại lớn nhất của Microsoft từ trước đến nay và gã khổng lồ phần mềm đã phải trả phí bảo hiểm 50% để đối phó. CEO Microsoft Satya Nadella cho biết kế hoạch mua lại nhằm đồng bộ hóa mạng LinkedIn với Microsoft Office để tạo ra một ứng dụng chung lý tưởng cho người dùng.
4. Elon Musk - CEO Tesla ; CEO và Giám đốc công nghệSpaceX; Chủ tịch SolarCity
Là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế giới - và cũng là một trong những tỷ phú công nghệ đang được ngưỡng mộ nhất, Musk đang trên con đường "thống trị" cả công nghệ trên mặt đất và không gian thông qua Tesla Motors và SpaceX. Hồi tháng Tư, Musk đã tiết lộ mẫu Tesla Model 3 mà hãng sắp tung ra thị trường đã nhận được 375.000 đơn đặt hàng trong một tháng.
Tháng Sáu vừa qua, Musk đã dồn lực để mua thêm cổ phần của SolarCity (sở hữu 22%) nơi ông đang là chủ tịch. Ngoài ra, Musk cũng đang giám sát việc tạo ra hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop.
3. Travis Kalanick - Đồng sáng lập kiêm CEO Uber
Với giá trị công ty được định giá tới 68 tỷ USD, Uber đang giữ vững phong độ ở vị trí công ty công nghệ tư nhân có giá trị nhất trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Kalanick, startup này đang nhận được nhiều khoản đầu tư khủng, mà mới đây nhất là khoản đầu tư lên tới 3,5 tỷ $USD từ Quỹ Đầu tư công của Saudi Arabia hồi tháng Sáu.
Uber đang tiếp tục mở rộng và đổi mới, đặc biệt thông qua các dịch vụ mới, chẳng hạn như UberEats - giao thức ăn hay UberRush - giao hàng giúp các doanh nghiệp.
Kalanick vẫn dẫn dắt Uber chinh phục các thị trường mới, ngay cả khi nó đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc.
2. Larry Page - Đồng sáng lập kiêm CEO Alphabet
Không chỉ dừng lại ở một công cụ tìm kiếm, Google đã phát triển nên rất nhiều công nghệ khác buộc những người đồng sáng lập phải tái cơ cấu công ty. Trong một lá thư vào mùa hè năm ngoái, Page công bố việc lập công ty mẹ Alphabet, quản lý hoạt động của Google và nhiều công ty con khác. Ở vai trò CEO Alphabet, Page có thể tập trung vào việc mua các công nghệ mới, phát triển dự án "moonshot", và phát triển tài năng - chẳng hạn đưa Sundar Pichai từ phó chủ tịch cấp cao lên vị trí CEO của Google.
Tháng Sáu vừa qua, Bloomberg Businessweek cho hay Page đã đích thân mua lại hai công ty nhằm tạo ra một chiếc xe bay bằng một khoản đầu tư không liên quan đến Alphabet.
1. Mark Zuckerberg - Đồng sáng lập kiêm CEO Facebook
Năm qua là một năm thành công lớn của Mark Zuckerberg. Tại hội nghị các nhà phát triển thường niên F8 của Facebook hồi tháng 4/2016, vị tỷ phú trẻ đã vạch ra một lộ trình 10 năm cho Facebook, trong đó tập trung vào mảng video, tìm kiếm, và các ứng dụng khác như Instagram và WhatsApp. Còn kế hoạch dài hạn của công ty sẽ hướng đến các dự án lớn hơn như máy bay không người lái, trí thông minh nhân tạo và thực tế ảo.
Zuckerberg cũng đã trở thành một người cha mùa Thu năm ngoái. Để ghi dấu sự kiện đặc biệt này tỷ phú đã cam kết cho đi 99% tài sản (50 tỷ USD) trong suốt cuộc đời để làm từ thiện thông qua quỹ Chan Zuckerberg Initiative. Quỹ này sẽ tập trung vào các mục đích tạo ra các khoản đầu tư dài hạn để cải thiện sức khỏe, giáo dục, và bình đẳng.
KIỀU CHÂU (Tin kinh tế Việt Nam & Thế giới).
Theo Bizlive