THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH VÀ CÁC DẤU MỐC TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG*
PGS,TS Đàm Đức Vượng**
Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đến thăm Nhà máy cao su Sao Vàng (ảnh tư liệu)
1.Đặng Xuân Khu (từ năm 1941, lấy tên là Trường Chinh với ý nghĩa người đi xa vì nghĩa lớn); trong quá trình hoạt động cách mạng, còn mang các bí danh, bút danh: Qua Ninh, T.C, CGP, Tân Trào, XXX, Sóng Hồng, Nhân, Thận, Năm,…); sinh ngày 9-2-1907 (tuổi Mùi), tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình trí thức khoa bảng.
Xuân Trường, Nam Định là một trong những cái nôi của dòng khoa bảng, trí thức. Riêng làng Hành Thiện, qua các thời kỳ đã có tới 6 vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng và tương đương Bộ trưởng, có khoảng 190 giáo sư, phó giáo sư, phó tiến sĩ và 11 vị tướng…
Ông nội Đặng Xuân Khu là Đặng Xuân Bảng, tự Thiếu Khanh (1827-1910), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856), từng làm Giám sát Ngự sử dưới Triều Vua Tự Đức và được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ, từ Tri huyện, Án sát, Bố chánh, Tuần phủ, Đốc học ở nhiều địa phương khác nhau; là Tác giả của nhiều cuốn sách quý như “Sử học bị khảo”, “Việt Nam cương mục tất yếu”, “Cư gia khuyến giới tắc”…
Thân phụ Đặng Xuân Khu là Đặng Xuân Viện (Thiện Đình – 1880-1958), là người thuộc làu kinh sử, bốn lần vào trường thi, nhưng chỉ đỗ tam trường, tức là đỗ trong vòng thi thứ ba kỳ thi hương dưới chế độ phong kiến.
Thời niên thiếu, Đặng Xuân Khu học trường Thành Chung, Nam Định, sau đó lên Hà Nội, học trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Ông hoạt động yêu nước và cách mạng rất sớm, là một trong những người tham gia vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và là đảng viên của tổ chức này ngay sau khi Đảng thành lập vào ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 3-2-1930, Đặng Xuân Khu đã gia nhập Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Hồng Công), Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đặng Xuân Khu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1928, Đặng Xuân Khu kết hôn với Nguyễn Thị Minh, một người phụ nữ rất đẹp, cùng quê, gia đình nền nếp. Hai người chung tình đã sinh được 4 người con, trong đó, có người con trai trưởng là Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đã từng giữ các chức vụ: Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (gọi tắt là Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minhn), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2001-2005,…
Tình yêu giữa Đặng Xuân Khu và Nguyễn Thị Minh là rất đẹp, đã được Đặng Xuân Khu mô tả trong một bài thơ:
“Lòng ta man mác gió hây hây
Câu chuyện tâm tình lẩn nước mây.
Em biết đời anh say lý tưởng
Em mừng nhưng sợ cánh chim bay”.
Ngày 14-11-1931, Đặng Xuân Khu bị mật thám Pháp bắt tại chân Cột Cờ, Hà Nội, trong lúc đang đợi một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tên là Lơcom để lấy cuốn sách “Chúng chuẩn bị chiến tranh như thế nào”, từ Pháp gửi sang. Sau khi bị bắt, Ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ngày 28-9-1931, Tòa án thực dân Pháp mở phiên tòa xử Đặng Xuân Khu và 40 chiến sĩ cách mạng khác. Phiên xử ngày 29-9-1931, Tòa án thực dân tuyên bố: “Đặng Xuân Khu phải mang án 12 năm cấm cố, vì tội làm truyền đơn cổ động phong trào cách mạng và vận động binh lính Pháp làm sách cấm, nhận sách cấm”. Tuyên án xong, Ông bị tiếp tục giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, mang số tù 98280.
Tháng 2-1933, Đặng Xuân Khu cùng hơn 200 tù cộng sản và tù Quốc dân Đảng ở nhà tù Hỏa Lò bị đày lên giam tại nhà tù Sơn La (còn gọi là ngục Sơn La). Cuộc sống của tù nhân ở ngục Sơn La vô cùng khắc nghiệt, bị cai ngục quản thúc rất chặt chẽ và bắt lao dịch rất nặng nhọc. Hằng ngày, người tù phải vào rừng đốn củi, có lính canh đi kèm đốc thúc. Sự kiện này đã được Sóng Hồng (Trường Chinh) mô tả trong bài thơ “Lấy củi”:
“Rủ nhau lấy củi sườn non,
Vượn kêu, chim hót bồn chồn ruột gan.
Đồng bào đau xót lầm than,
Mà ai nắng xế, sương tan qua ngày.
Đốt cho tiêu kiếp tù đày,
Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng.
Có về không, có về không?
Bước mau, mau bước non sông đợi chờ”1.
Trước sự đấu tranh của nhân dân ta và được sự ủng hộ của Mặt trận Nhân dân Pháp, năm 1936, nhiều tù chính trị bị giam ở các nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La,… được ân xá. Ngày 29-9-1936, Đặng Xuân Khu ra tù, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, làm báo cách mạng, tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng, tháng 11-1940, họp tại Bắc Ninh, Đặng Xuân Khu được bầu làm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (lúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị Pháp bắt, sau đó bị xử bắn).
Hội nghị Trung ương, tháng 5-1941, họp tại Cao Bằng, đề ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc và chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa vũ trang, tiến tới tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, dẫn đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước, đại diện Quốc tế Cộng sản, lần đầu tiên chủ trì một hội nghị Trung ương ở trong nước, tức Hội nghị này. Hội nghị nhất trí bầu Trung ương mới, vì Trung ương cũ hầu hết đã bị Pháp bắt và hy sinh. Thường vụ Trung ương cũng được bầu ra gồm các vị: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và Trường Chinh được Hội nghị bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc đầu, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt đều nhất trí bầu đồng chí Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh) làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhưng Người nói còn bận hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, nên Người nhất trí cử Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương và được toàn thể Hội nghị bầu bằng bỏ phiếu kín.
Đại hội II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19- 2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho đến năm 1956, tại một Hội nghị Trung ương, Ông tự xin miễn nhiệm chức Tổng Bí thư, xin tự chịu trách nhiệm về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và là người đứng ra chỉ đạo sửa sai trong cải cách ruộng đất. Sau đó, Ông tiếp tục được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội…
Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, tại Hội nghị Trung ương đặc biệt, tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh được toàn thể Hội nghị nhất trí bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm ấy, Ông đã 79 tuổi.
Như vậy, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã từng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã đi suốt chiều dài lịch sử của Đảng.
Đại hội VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, tại Hà Nội,
Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị, khẳng định đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.
Tổng Bí thư Trường Chinh từ trần ngày 30-9-1988, tại Hà Nội, thọ 81 tuổi.
- Có thể khái quát về cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh:
Một là: Ông là một người học trò trung thành và xuất săc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện xuất sắc tư tưởng của Người trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại. Tình cảm của Tổng Bí thư Trường Chinh đã được thể hiện trong tác phẩm: “Hồ Chủ tịch vị lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam”.
Hai là: Ông có nhiều đóng góp ở thời kỳ thành lập Đảng, thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, thời kỳ đầu thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Ba là: Ông là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, rất bản lĩnh, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, được nhân dân ta và bầu bạn trên thế giới tin yêu và kính trọng. Cuộc đời hoạt động sôi nổi và phong phú của Ông gắn liền với những chặng đường đấu tranh vô cùng quyết liệt, nhưng rất tự hào của nhân dân ta.
Bốn là: Có thể nói, cuộc đời của Tổng Bí thư Trường Chinh là cuộc đời cách mạng và đổi mới, bản thân cách mạng cũng là đổi mới, không lúc nào ngừng hoạt động, đổi mới theo tinh thần và định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, Ông đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, nên đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới.
Năm là: Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà tổng kết lý luận xuất sắc của Đảng và Nhà nước. Khi Nhật chuẩn bị hất cẳng Pháp năm 1945, Ông đã tự tay soạn thảo Chỉ thị của Thường vụ Trung ương: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, kêu gọi toàn dân vùng lên khởi nghĩa vì đây là thời cơ có một không hai. Ông đã tổng kết về Cách mạng tháng Tám bằng việc viết rất nhiều bài đăng báo “Cờ giải phóng” năm 1945 và khẳng định đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc; tổng kết về cuộc kháng chiến chống Pháp trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội VI của Đảng, Ông đã đưa ra một số nguyên tắc về đổi mới toàn diện ở Việt Nam.
Sáu là: Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà văn hóa, nhà báo lớn, nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Ngay từ năm 1943, Ông đã viết tác phẩm nổi tiếng: “Đề cương văn hóa Việt Nam” và năm 1947, Ông viết tác phẩm: “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Ông đã để lại cho chúng ta hàng trăm bài báo, báo cáo tổng kết có giá trị và để lại cho đời một tập thơ mang tên “Thơ Sóng Hồng”.
Ở Ông, nhà chính trị, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện với nhau làm một. “Đó là sự thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, của nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin” như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá trong Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, ngày 5-10-1988.
Ông là người rất cẩn thận, mẫu mực trong vấn đề viết và soạn thảo các văn bản, bài viết. Tôi vinh dự có thời gian được là thành viên trong Tổ biên soạn, làm thư ký để viết cuốn “Hồi tưởng” cho Ông, nên đã được Ông rèn chữ rất cẩn thận. Có lần, chúng tôi dự thảo trình Ông báo cáo đọc trước một hội nghị, viết là Phát biểu của đồng chí Trường Chinh đọc trước hội nghị… Ông sửa ngay và nói rằng, các chú viết không đúng, tôi chẳng đọc trước và cũng chẳng đọc sau, mà đọc tại hội nghị. Khi có người viết liền câu: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Ông nói luôn, phải có dấu phảy sau chữ “chống Mỹ”, nếu không người đọc sẽ hiểu là “Mỹ cứu nước”. Có người viết chữ “đảm bảo”, Ông nói luôn: “Các chú viết “đảm bảo” là viết ngược, viết “bảo đảm” mới đúng,…
Một con người như Tổng Bí thư Trường Chinh thật đáng trân trọng, là tấm gương sáng để cho các thế hệ học tập và noi theo.
Một con người như thế đã đi vào lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc!
-------------
* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo về Tổng Bí thư Trường Chinh với sự nghiệp cách mạng và đổi mới do Huyện ủy Xuân Trường, Nam Định và Viện Chiến lược chính sách tài chính, Bộ Tài chính tổ chức tại Xuân Trường, Nam Định, ngày 25-2-2017.
**. Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH).