Mới cập nhật

ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN LƯƠNG VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG ĐẢNG*

 PGS,TS Đàm Đức Vượng**

 Đồng chí Lê Văn Lương


 

Hồi còn là Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, tôi vinh dự được nhiều lần làm việc với đồng chí Lê Văn Lương. Có lần, đồng chí đến tận cơ quan tôi làm việc ở 56B, phố Quốc Tử Giám, Hà Nội, gặp tôi, đề nghị giúp đồng chí viết hồi ký. Có hôm, trời đã tối, đồng chí vẫn gọi tôi đến để làm việc. Có lần, đồng chí đề nghị với GS Đặng Xuân Kỳ lúc ấy là Viện trưởng Viện Mác – Lênin – Hồ Chí Minh, cho tôi được đi cùng với đồng chí bằng ô tô từ Hà Nội vào trong thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi ấy, có cả đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, phu nhân của đồng chí Lê Văn Lương, cùng đi. Trên đường đi, đồng chí cứ nhắc tôi là chỗ nào có nghĩa trang liệt sĩ là dừng lại để thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Trên đường đi, đồng chí đã rẽ vào nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thăm những liệt sĩ đã yên nghỉ trong giấc nghìn thu tại đây. Đó là tình cảm chân thành của một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Nhiều lần, đồng chí Lê Văn Lương đã kể cho tôi nghe về những điểm nhấn trong lịch sử Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tôi đã ghi chép được đầy một cuốn sổ tay về những lời kể của đồng chí.

Đồng chí Lê Văn Lương là một trí thức đi làm cách mạng, hoạt động cách mạng rất sớm. Năm 1927 (15 tuổi), gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội); đã trải qua nhiều cương vị công tác: Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ (1945) sau khi ra tù; giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật (1946); Chánh Văn phòng Trung ương (1946); Bí thư Thành ủy Hà Nội,…

Tại Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa II, giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cùng với các vị Phó Ban và thành viên của Ban Tổ chức Trung ương lúc ấy là Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Đức Tâm, Lê Khắc, Trần Quý Kiên, Nguyễn Trọng Kính, Trần Quang Huy, Nguyễn Chương.

Trước Đại hội II của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương cũng đã làm công tác tổ chức – nhân sự của Đảng.

Đến năm 1973, đồng chí Lê Văn Lương được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương lần thứ hai.

Về Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã từng làm Ủy viên chính thức Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

Về Nhà nước, đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII.

Trong các cương vị công tác, có lẽ đồng chí Lê Văn Lương gắn bó nhiều nhất với công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác tổ chức và cán bộ. Khi không còn làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí vẫn làm nhân sự. Vì vậy, có thể nói, cuộc đời của đồng chí là cuộc đời làm tổ chức – cán bộ. Phẩm chất cách mạng của đồng chí được thể hiện ở trên các cương vị công tác, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, trong đó, có công tác nhân sự của Đảng và Nhà nước, được thể hiện như sau:

Một là: Đồng chí rất chăm lo đến công tác xây dựng củng cố Đảng. Theo đồng chí, muốn phát triển Đảng, trước hết hãy nghĩ đến củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Ngày 14-9-1950, đồng chí Lê Văn Lương thừa lệnh Ban Thường vụ Trung ương Đảng, soạn thảo Chỉ thị số 28/CTTW, về việc tạm ngừng kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc để củng cố Đảng về tổ chức. Chỉ thị nêu rõ trong 2 năm 1948 và 1949, Đảng đã kết nạp hơn 50 vạn đảng viên, trong đó, có rất nhiều đảng viên trung thành, hăng hái, nhưng cũng không tránh khỏi kết nạp cẩu thả, mà nguyên nhân là do quan điểm phát triển không đúng, nên đã đưa vào Đảng một số người không xứng đáng, kém ý thức Đảng, ý thức giai cấp. Thậm chí có cả một số phần tử cơ hội cũng được kết nạp vào Đảng. Những người cơ hội vào Đảng với động cơ trục lợi, leo cao, chui sâu để toan tính lợi ích cá nhân, chứ không phải vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cũng vì phát triển quá nhanh mà công tác giáo dục không làm đến nơi đến chốn. Trình độ văn hóa của đảng viên lúc này còn thấp, thậm chí có một số đảng viên mù chữ. Việc củng cố Đảng và giáo dục đảng viên không làm kịp; nhận thức chính trị của đảng viên còn rất thấp.

Để tăng cường củng cố Đảng và giáo dục đảng viên, “Trung ương quyết định tạm ngừng việc kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc để tập trung năng lực, phương tiện vào việc củng cố hàng ngũ, giáo dục đảng viên, làm cho Đảng thành một đảng mạnh mẽ theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin”1. Trong một cuộc họp cán bộ phổ biến chỉ thị của Trung ương, đồng chí Lê Văn Lương nói rõ việc tạm ngừng kết nạp đảng viên mới, không có nghĩa là đóng cửa Đảng, mà vẫn có thể kết nạp vào Đảng những trường hợp đặc biệt, nhưng phải được cấp tỉnh ủy chuẩn y mới được, như những công nhân, nông dân trong phong trào thi đua sản xuất giỏi; những chiến sĩ vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã lập được nhiều chiến công đặc biệt ngoài mặt trận. Đồng chí Lê Văn Lương còn giải thích trong khi tạm ngừng kết nạp đảng viên mới, các cấp ủy đảng phải hết sức chú trọng đến việc chấn chỉnh Đảng bằng cách tích cực thực hiện hai cuộc vận động “đào tạo cán bộ, học tập lý luận” và “phê bình và tự phê bình” mà Trung ương đã đề ra.

Triển khai chỉ thị tạm ngừng kết nạp đảng viên mới để củng cố Đảng, đồng chí Lê Văn Lương thường xuyên đi xuống các tổ chức cơ sở đảng để kiểm tra, qua đó, thấy rằng, một số nơi vẫn kết nạp Đảng ở những cơ sở trắng. Đồng chí nói chưa biết cơ sở trắng là thế nào mà đã vội vã kết nạp là sai lầm. Có nơi giải thích sai cả Chỉ thị 28, có nghĩa là “đóng cửa Đảng”, không kết nạp những thành phần ưu tú trong công nhân, nông dân và chiến sĩ quân đội vào Đảng. Vì vậy, ngày 11-1-1951, đồng chí Lê Văn Lương, thừa lệnh Ban Thường vụ Trung ương Đảng ký Thông tri của Ban Thường vụ Trung ương về việc thi hành Chỉ thị tạm ngừng kết nạp đảng viên mới. Thông tri nhấn mạnh đến việc tạm ngừng kết nạp đảng viên mới là để tập trung củng cố hàng ngũ và giáo dục đảng viên đã được kết nạp từ trước, nên nó phải được thực hiện ở trong toàn Đảng, ở các đảng bộ của Việt Nam cũng như các đảng bộ ở Lào và Campuchia (lúc này còn hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương). Ở những nơi tạm ngừng kết nạp đảng viên mới, thì phải ra sức củng cố các tổ chức, đoàn thể quần chúng, chọn lọc những quần chúng ưu tú để chuẩn bị kết nạp họ vào Đảng khi có chỉ thị mới. Cần phải thống nhất nhận thức việc tạm ngừng kết nạp đảng viên mới không phải là đóng cửa Đảng mà là để củng cố Đảng và nâng cao trình độ của đảng viên đã được kết nạp vào Đảng trước đó.

Hai là: Cuộc vận động tạm ngừng kết nạp đảng viên là để củng cố Đảng gắn với cuộc vận động chấn chỉnh Đảng (xin lưu ý: đây mới là cuộc vận động chấn chỉnh Đảng, chứ chưa phải cuộc vận động chỉnh đốn Đảng).

Ngày 29-12-1951, đồng chí Lê Văn Lương, thay mặt Ban Bí thư khóa II, ký Chỉ thị của Ban Bí thư về cuộc vận động chấn chỉnh Đảng. Chỉ thị nêu rõ: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định các đảng bộ địa phương tiến hành cuộc vận động chấn chỉnh Đảng, sửa chữa những khuyết điểm chính của cán bộ và đảng viên đã bộc lộ sau thời gian công tác vừa qua nhằm mục đích nâng cao trình độ tư tưởng, ý thức công tác của cán bộ và đảng viên, đồng thời chỉnh đốn tổ chức của các chi bộ nông thôn”2. Tuy cuộc vận động chấn chỉnh Đảng được tiến hành trong toàn Đảng, nhưng Chỉ thị của Ban Bí thư do đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp soạn thảo và ký, nhấn mạnh đến các Liên khu ủy Việt Bắc, Liên khu ủy III và IV.

Theo đồng chí Lê Văn Lương, nội dung của cuộc vận động chấn chỉnh Đảng lần này là đối với cán bộ thì tiến hành một cuộc học tập chỉnh huấn ngắn kỳ, làm cho cán bộ nhận rõ tình hình và nhiệm vụ, do đó mà nâng cao ý thức trách nhiệm của mình; nâng cao ý thức phấn đấu trường kỳ gian khổ và quyết tâm khắc phục khó khăn; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết và chính sách của Đảng và Chính phủ, tinh thần thật thà tự phê bình và phê bình và đoàn kết thống nhất nội bộ một cách đúng đắn; nâng cao ý thức săn sóc đến quyền lợi thiết thực của nhân dân, gần gũi nhân dân, nhất là nhân dân ở nông thôn, đi đúng đường lối nhân dân, sửa chữa bệnh mệnh lệnh, quan liêu, cơ hội chủ nghĩa, bè phái. Cuộc vận động chấn chỉnh Đảng lần này sẽ nâng cao sức chiến đấu của Đảng; thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, làm cho Đảng có thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng cần nắm vững mục đích cuộc vận động chấn chỉnh Đảng, làm sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên hiểu rõ, để cho họ hăng hái, chủ động, tự giác, tích cực tham gia.

Ba là: Cuộc vận động chấn chỉnh Đảng lại được gắn liền với cuộc vận động chỉnh Đảng. Cuộc vận động chỉnh Đảng được bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 2, khóa II, họp từ ngày 27-9 đến ngày 5-10-1951, nhưng được bàn sâu tại Hội nghị Trung ương 3, khóa II, họp từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952.

Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Văn Lương đọc bản báo cáo khá dài, khá cụ thể về vấn đề chỉnh Đảng. Đồng chí nêu lý do vì sao phải chỉnh Đảng, vì gần đây Đảng đã nhìn thấy những sai làm, khuyết điểm của Đảng một cách rõ ràng hơn; tìm thấy những nguyên nhân dẫn đến sai lầm một cách chính xác hơn. Đảng cũng đã nhìn thấy bên cạnh những ưu điểm rất quý của cán bộ, đảng viên đã mang lại vinh dự cho Đảng, là những sai lầm nghiêm trọng về quan điểm kháng chiến trường kỳ và gian khổ; rồi bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa ròi quần chúng và tham ô lãng phí nặng. Theo đồng chí Lê Văn Lương, lúc này, thành phần tiểu tư sản trong Đảng chiếm 65% trong tổng số  đảng viên. Thành phần này, chưa được cải tạo tư tưởng và chưa được giáo dục một cách có hệ thống về chủ nghĩa Mác – Lênin, chưa được rèn luyện một cách nghiêm túc trong quá trình đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là những lý do cần phải tiến hành chỉnh Đảng.

Về nội dung chỉnh Đảng lần này, theo đồng chí Lê Văn Lương là lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam để nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng và khắc phục những tư tưởng sai lầm trong Đảng, qua đó mà củng cố lập trường chính trị của cán bộ, đảng viên; khắc phục bệnh quan liêu, xa ròi quần chúng, mệnh lệnh và tham ô lãng phí, nâng cao ý thức dân chủ, ý thức tổ chức và kỷ luật trong Đảng.

Về phương pháp chỉnh Đảng, đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh là từ trên xuống. “Khi nào chỉnh xong cán bộ mới có thể chỉnh đốn chi bộ”3. Như vậy, cái mới của cuộc chỉnh Đảng lần này là chỉnh đốn con người trước khi chỉnh đốn tổ chức.

Để trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động chỉnh Đảng, Bộ Chính trị khóa II quyết định các đồng chí Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều), Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) phụ trách việc mở lớp của Trung ương và hướng dẫn chỉnh huấn các địa phương.

Ngày 11-2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện tại lớp chỉnh huấn (chỉnh Đảng) đầu tiên của Trung ương. Người nói:

“Đảng ta có chủ nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất. Có đường lối và chính sách đúng nhất. Có cơ sở khắp cả nước. Có những cán bộ và đảng viên tận tụy hy sinh vô cùng oanh liệt.

Nhưng vì điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi, cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc”4. Chính vì vậy, chúng ta cần phải chỉnh Đảng. Người nêu rõ: “Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng, trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”5..

Cuộc vận động chỉnh đảng kéo dài đến tận cuối năm 1953 sang đến năm 1954. Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa II, họp từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953, vẫn còn nói đến vấn đề chỉnh Đảng và tiếp theo đó là cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn với nhiệm vụ cải cách ruộng đất.

Sau cuộc chỉnh Đảng lần này, một loạt khuyết điểm trong Đảng được khắc phục. Tư tưởng, vướng mắc được giải tỏa. Cán bộ, đảng viên đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không khí trong Đảng phấn chấn hẳn lên.

Đây là cuộc vận động xây dựng Đảng lớn nhất và quy mô nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Lê Văn Lương coi đó là một nhiệm vụ chính trị trọng yếu, có tác dụng quyết định đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc và đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đây cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt ở trong Đảng. Nó sẽ làm cho tư tưởng và tổ chức Đảng được trong sạch, vững chắc, mang lại sự đoàn kết lành mạnh trong Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt của đời sống xã hội.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương về chỉnh Đảng, các cấp ủy và đảng viên thực sự vào cuộc. Đêm đêm, người ta thấy những ánh đèn le lói trong các cơ quan, lán, trại. Đó là lúc các đảng viên ngồi viết bản tự kiểm điểm và cũng là lúc các chi bộ, tổ đảng họp tự phê bình và phê bình. Không khí chỉnh Đảng sôi nổi hẳn lên, bao trùm lên toàn quốc. Mỗi lần gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi nhau xem đã tự kiểm điểm đến đâu và cho nhau xem bản kế hoạch sửa chữa. Cuộc chỉnh Đảng lần này là do cố gắng của toàn Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa II, trong đó có sự đóng góp nhiệt tình của đồng chí Lê Văn Lương trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.                                                                                                                                                                         Bốn là: Sau một thời gian tạm ngừng kết nạp đảng viên mới, đến cuối năm 1953, đầu năm 1954, đồng chí Lê Văn Lương báo cáo với Trung ương là các tổ chức, nhất là các tổ chức cơ sở của Đảng đã được kiện toàn một bước. Trung ương đã tổ chức cho đảng viên học tập tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (X.Y.Z). Trình độ chính trị và văn hóa của đảng viên cũng đã được nâng lên một bước. Đảng viên đã kết nạp từ trước đã được học tập 7 bài chính trị cơ bản. Các cấp ủy cũng đã phối hợp với chính quyền tổ chức học tập văn hóa cho đảng viên. Vì vậy, công tác phát triển đảng viên mới lại được tiếp tục từ cuối năm 1953, đầu năm 1954 sau một thời gian tạm ngừng.

Trong Thông tri của Ban Bí thư khóa II, đề tháng 5-1954, do đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp soạn thảo, đồng thời, thay mặt Ban Bí thư, ký, đề cập đến việc phát triển đảng viên. Thông tri nhấn mạnh đến việc phát triển đảng viên mới phải rất chặt chẽ và thận trọng, có như vậy mới bảo đảm tính trong sạch của Đảng, khỏi phạm sai lầm. “Lại cũng chống khuynh hướng muốn phát triển cho đủ số rồi hạ thấp điều kiện kết nạp đảng viên”6. Thông tri nêu điều kiện của một đảng viên mới là thành phần bần, cố nông, lịch sử trong sạch; kiên quyết đấu tranh, công tác tích cực; được quần chúng tín nhiệm; thừa nhận Chính cương, Điều lệ Đảng. Thông tri cũng quy định mỗi xã được phát triển từ 3 đến 5 đảng viên. Những xã phong trào kém, chưa bồi dưỡng được những phần tử tích cực và chưa có đủ điều kiện, thì không nên miễn cưỡng phát triển. Định mức như vậy, vì những người tuy đã đủ điều kiện vào Đảng, những cần được thử thách thêm. Lúc này, Trung ương cũng chưa đặt vấn đề phát triển Đảng thường xuyên.

Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Văn Lương rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xem đó là trách nhiệm cao cả của người đảng viên và người lãnh đạo. Có lần, đồng chí tâm sự là khi trong Đảng có nhiều ưu điểm, đồng chí thấy mừng, nhưng khi trong Đảng có nhiều khuyết điểm, đồng chí thấy lo, có khi ăn không ngon, ngủ không yên. Một chiến sĩ cộng sản kiên cường, lòng gang dạ sắt trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù xâm lược, lại phải lĩnh án tử hình cùng với 7 chiến sĩ cộng sản khác của tòa án thực dân Pháp ở Đông Dương vào năm 1933, sau đó, được giảm án xuống tù chung thân và bị đày ra giam tại nhà tù Côn Đảo và được trả lại tự do khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Văn Lương thấm nhuần sâu sắc cái giá phải trả khi là người dân mất nước, người dân nô lệ của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Khi đã có Đảng lãnh đạo giành được chính quyền về tay nhân dân, thì phải kiên quyết giữ lấy. Đồng chí nhận thức rằng, muốn củng cố, giữ vững được chính quyền, trước hết, phải củng cố Đảng. Đó là bài học sống còn được rút ra trong quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí.

Đồng chí Lê Văn Lương coi công tác xây dựng Đảng là sự nghiệp của cả cuộc đời!

Con người ấy đã đi vào lịch sử!
------
* Báo cáo Khoa học tại cuộc Tọa đàm kỷ niệm 105 năm sinh đồng chí Lê Văn Lương (28-3-1912 - 28-3-2017), do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngày 24-3-2017.
** Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

1.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 482.

2.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 627.

3.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 103.

4,5. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 13, sđd, tr. 184,185.

6.Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15, tr. 119.