Mới cập nhật

TÁC ĐỘNG CỦA PHONG TRÀO YÊU NƯỚC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC CỦA TÔ HIỆU*

PGS,TS Đàm Đức Vượng**

 



                                                      Ảnh đồng chí Tô Hiệu lấy từ Wikipedia

 

Phong trào yêu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX nổi lên như những đợt sóng cồn, hòa trong dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là tình cảm đặc sắc nhất, đã tồn tại trong lòng dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Khi được ngọn gió của cách mạng giải phóng dân tộc thổi vào, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện tấm lòng của nhân dân Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc mình.

Tổ quốc Việt Nam là một môi trường độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với một nền chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội tiên tiến theo chiều dài lịch sử, cho nên chủ nghĩa yêu nước ở những thời đại khác nhau cũng có nội dung khác nhau. Nó được quy định bởi tinh thần dân tộc và bởi những điều kiện kinh tế, xã hội. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt trong thời kỳ hình thành dân tộc, khi nó đã trở thành ngọn cờ đấu tranh chống lại tình trạng cát cứ phong kiến và áp bức dân tộc, khi các thế lực xâm lược đến từ phương Bắc, phương Tây. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là niềm tin yêu và hy vọng, niềm tự hào, lương tâm, danh dự của nhân dân Việt Nam.

Nhân dân lao động là những người yêu nước chân chính nhất, những người biểu hiện lợi ích dân tộc thật sự. Chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam thà chịu đói, chịu khát, chứ không bao giờ trao nước Việt Nam cho người nước ngoài, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”1.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam khi mất nước thì kiên quyết đấu tranh để giành lại nước. Vì vậy, nếu thiếu chủ nghĩa yêu nước thì chúng ta không bao giờ bảo vệ được dân tộc mình, non sông gấm vóc của mình. Vì vậy, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành chân lý của thời đại.

Ở Việt Nam, hồi đầu thế kỷ XX, bên cạnh cái phồn vinh giả tạo bề ngoài, đã ẩn giấu bên trong những tổ chức chính trị theo các xu hướng khác nhau, những tư tưởng “về với non sông đất nước” thâm nhập vào trái tim, khối óc người dân Việt Nam. Lúc bấy giờ, có nhà thơ đã viết:

“Nay ta hát một thiên ái quốc

Yêu gì hơn yêu nước nhà ta.

Trang nhiên bốn mặt sơn hà

Ông cha để lại cho ta lọ vàng.

Trải mấy lớp tiền vương dựng mở

Bốn nghìn năm dãi gió dầm mưa.

Biết bao công của người xưa

Gang sông tấc núi, dạ dưa, ruột tằm”2.

Nhiều bài thơ, văn mang tính chất thức tỉnh hồn quốc dân xuất hiện.

Qua trường tranh đấu, phong trào yêu nước Việt Nam đã trở thành phong trào cứu nước Việt Nam diễn ra sôi nổi khắp Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, sự bế tắc về con đường cứu nước đã diễn ra trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Có một nhà yêu nước lúc ấy đã than thở:

“Đêm sao đêm mãi tối mò mò

Đêm đến bao giờ mới sáng cho?

Con trẻ âm oe đã muốn dậy

Ông già thủng thẳng hãy còn ho.

Đèn chong tâm sự khêu mờ tỏ

Chó thích hơi người cắn nhỏ to.

Nhắn nhủ láng giềng ai dậy đó

Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho”3.

Hồi đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước và cứu nước Việt Nam có chung một mục tiêu là đánh đổ thực dân, đế quốc xâm lược và phong kiến, giải phóng đồng bào, giành độc lập cho Tổ quốc, quyền sống, quyền hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng phương pháp cứu nước rõ ràng có khác nhau. Một xu hướng dựa vào chế độ thực dân để đánh đổ Nam Triều; thực hiện cải cách trong khuôn khổ chế độ Đông Pháp. Một xu hướng cứu nước theo khuôn khổ của cách mạng dân chủ tư sản. Một xu hướng rẽ sang Nhật để khảo sát tình hình, tìm con đường cứu nước. Một xu hướng đi ra nước ngoài để xem họ làm ăn thế nào, có tính chất tham khảo để rồi định con đường cứu nước mới theo xu hướng phát triển của thời đại.

Nhà yêu nước Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, đã tìm ra con đường cứu nước mới. Ngày 5-6-1911, bằng trái tim, khối có và đôi bàn tay lao động, muốn đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào, bắt đầu vượt trùng dương sóng gió, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường cứu nước kiểu mới cho nhân dân Việt Nam. Người đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin để định ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Phong trào yêu nước Việt Nam vào đầu thế kỷ XX tác động mạnh đến người thanh niên trẻ tuổi Tô Hiệu. Anh đã thấm nhuần tinh thần yêu nước của các vị tiền bối, đọc sách, báo của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về Việt Nam. Ngoài chữ quốc ngữ, Anh còn biết chữ Hán, chữ Pháp, nên sách báo xuất bản ở trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ, Anh đều đọc được và tiếp thu một cách có chọn lọc. Từ thấm nhuần tinh thần yêu nước, Anh đã hăng hái tham gia mọi hoạt động yêu nước và cứu nước.

Những năm 1925-1926, Tô Hiệu học tại trường Pháp Việt, Hải Dương. Anh rất ham đọc sách, báo. Qua báo chí xuất bản lúc bấy giờ, Anh được biết cụ Phan Bội Châu là một nhà yêu nước chân chính, đã từng đi Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Cụ bị nhà cầm quyền Đông Pháp cầm tù. Trong nước lúc bấy giờ dấy lên phong trào của nhân dân đấu tranh đòi nhà cầm quyền Đông Pháp trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu và truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Tô Hiệu đã tích cực vận động các bạn học sinh hăng hái tham gia. Chính vì vậy, Anh đã bị mật thám Pháp để ý và theo dõi. Tuy học giỏi, Anh vẫn bị đánh trượt qua kỳ thi tiểu học. Anh thấy việc này thật bất công, nên đã làm đơn khiếu nại, nhưng bị nhà trường lờ đi, không trả lời.

Năm 1927, Tô Hiệu lên Hà Nội học trường tư. Lúc này, gia đình rất nghèo, nên Anh phải vừa học, vừa đi làm thuê kiếm thêm tiền để mua giấy, bút và trả tiền học. Anh tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước và được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một tổ chức học sinh yêu nước, hoạt động theo xu hướng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy nhiên, lúc này, Tô Hiệu vẫn còn phân vân về đường đi, nước bước, chưa ngã ngũ về sự lựa chọn hướng đi.

Cho đến năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn, hoạt động cùng với người anh là Tô Chấn. Tô Chấn là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, là một người hoạt động rất năng nổ trong tổ chức. Thấy người anh hoạt động nhiệt tình như vậy, Tô Hiệu hỏi: “Việt Nam Quốc dân Đảng là tổ chức nào mà anh lại hăng hái tham gia?”. Tô Chấn trả lời: “Đó là một tổ chức chống Pháp xâm lược Đông Dương”. Tô Hiệu thấy Tô Chấn nói Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức chống Pháp xâm lược Đông Dương, anh tìm hiểu ngay tổ chức đó, vì thấy dân mình khổ quá rồi, nên phải vùng lên chống Pháp. Rồi Tô Hiệu quyết định gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng vào cuối năm 1929 và hoạt động trong tổ chức này.

Năm 1930, Tô Hiệu 18 tuổi, cái tuổi đầy nhiệt huyết của lớp thanh niên đang bước vào trường tranh đấu, bị mật thám Pháp bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, đánh cho đến sưng vù mặt mũi chân tay, nhưng Anh không hề khai báo điều gì. Trước sau, Anh chỉ nói: “Tôi là một người yêu nước Việt Nam”. Mặc dù vậy, Anh vẫn bị tòa án thực dân kết án 4 năm tù và bị đày ra giam tại Côn Đảo. Ở nhà tù Côn Đảo, Anh được các đảng viên cộng sản giáo dục, giác ngộ, nâng cao lòng yêu nước. Lúc bấy giờ, Ngô Gia Tự, một nhà cách mạng có trình độ lý luận và trình độ tổ chức cao, cũng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Côn Đảo, đã căn dặn anh em tù chính trị: “Chúng ta phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được” và “Chúng ta không thể ngồi khoanh tay chờ chết, phải đấu tranh để đòi quyền sống”. Câu nói của Ngô Gia Tự đã thôi thúc Tô Hiệu tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng trong nhà tù. Mặc dù là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, nhưng lại rất có thiện chí với tù chính trị là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, nên được các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương trong nhà tù Côn Đảo gọi Anh là “đồng chí, người anh em”. Tô Hiệu được dự các buổi học tập chính trị, văn hóa do Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương nhà tù Côn Đảo tổ chức. Anh cùng với các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và những phần tử tích cực trong Việt Nam Quốc dân Đảng bị giam ở nhà tù Côn Đảo, tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh chống chế độ lao tù khắc nghiệt.

Trong 4 năm bị giam cầm ở Côn Đảo, Tô Hiệu đã được các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương giác ngộ cách mạng. Một hôm, Ngô Gia Tự hỏi Tô Hiệu: “Đồng chí có muốn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương không?”. Tô Hiệu trả lời: “Tôi rất muốn”. Thế là vào năm 1933, Tô Hiệu được Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Như vậy, từ một đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, Tô Hiệu đã trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, từ một người đứng trên lập trường dân chủ tư sản sang một người đứng trên lập trường cộng sản. Được gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, Tô Hiệu thấy phấn chấn trong lòng. Anh đặt quyết tâm rất cao là suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Đông Dương mà tiền thân là Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh càng hăng hái học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận, trình độ văn hóa và ngoại ngữ.

Năm 1934, mãn hạn tù, Tô Hiệu trở về đất liền hoạt động. Tuy đã được ra tù, nhưng mật thám Pháp vẫn loại Anh vào loại “nguy hiểm”, nên đã đưa về quản thúc ở quê nhà, làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và theo dõi rất chặt chẽ.

Thấy đồng chí Tô Hiệu được mãn hạn tù, anh em, bè bạn xa gần đến thăm và thông báo cho Anh biết tình hình địa phương. Tranh thủ cơ hội này, Anh đã tuyên truyền cách mạng cho nam, nữ thanh niên địa phương, đồng thời, tìm cách liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động. Chẳng bao lâu, Anh đã bắt liên lạc được với tổ chức.

Lúc này, Tô Hiệu nhận được một tài liệu từ nước ngoài gửi về, nói về Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia, qua đó, Anh nhận rõ hơn về Đảng của mình, rõ hơn về từng giai cấp trong xã hội Việt Nam, trong đó có giai cấp tư sản dân tộc, giai cấp tiểu tư sản và nhận rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa cải lương quốc gia đang tung hỏa mù trên bầu trời chính trị đất nước. Chủ nghĩa cải lương quốc gia ở Việt Nam không phải là một lực lượng phản đế, nó sẽ ngăn cản và làm chậm lại sự phát triển của phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ nghĩa quốc gia cải lương muốn hòa giải nhân dân bị áp bức với tầng lớp đế quốc đi áp bức, hòa giải giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ. Cái nguy hiểm của chủ nghĩa cải lương là muốn chia rẽ giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với nhân dân Đông Dương. Vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương phải chĩa mũi nhọn tấn công vào chủ nghĩa cải lương quốc gia trong nước. Nếu không, cách mạng ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn trên bước đường tranh đấu của mình. Có lần, Tô Hiệu đã tâm sự với đồng chí của Anh: “Tài liệu về chống chủ nghĩa cải lương quốc gia quý lắm, nó đã củng cố thêm lập trường cách mạng cho tôi”.

Vốn là người giàu lòng thương yêu chăm sóc cho thế hệ trẻ, Tô Hiệu đã giác ngộ lý tưởng cách mạng cho một số thanh niên yêu nước gia nhập Đảng. Hồi còn bị quản thúc ở quê nhà, Anh đứng ra vận động nhân dân góp tranh, tre, nứa, lá để làm lớp học cho các cháu.

Vào tháng 5-1935, Tô Hiệu nhận được thông báo của tổ chức, về việc Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, tại Ma Cao. Tiếp đó, Anh đã được đọc Nghị quyết của Đại hội, qua đó, nhận ra rằng, mặc dù bị địch khủng bố gắt gao, tổ chức bị tổn thất nặng, nhưng những người cộng sản còn lại vẫn kiên quyết đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược. Điều đó càng củng cố niềm tin cho Anh vào sự nghiệp cách mạng nhất định thắng lợi.

Vào những năm 1935, 1936, phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo đã dần dần hồi phục sau một thời gian bị nhà cầm quyền Pháp khủng bố. Theo sự điều động của tổ chức, Tô Hiệu được phân công đi xây dựng cơ sở cách mạng ở Thái Nguyên. Tại Thái Nguyên, Anh đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng; tổ chức được một số lớp huấn chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực.

Năm 1936, Mặt trận Dân chủ Đông Dương được thành lập. Tô Hiệu được điều động về hoạt động tại Hà Nội. Mặc dù lúc này sức khỏe không được tốt, bệnh lao phổi đã chớm nở, nhưng Anh vẫn ngày đêm công tác, tích cực góp phần xây dựng phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Nội. Anh được mời dự Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ (mở rộng) vào năm 1936, được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện công nhân và trực tiếp lãnh đạo phong trào công nhân Bắc Kỳ.

Ngày 14-4-1938, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư tới Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong thư, Trung ương yêu cầu Xứ ủy Bắc Kỳ cần tổ chức học tập và quán triệt các nghị quyết của Đảng. Tô Hiệu đã nghiên cứu bức thư này và vận dụng vào trong hành động.

Vào khoảng tháng 8-1938, Tô Hiệu được cử phụ trách miền duyên Hải Bắc Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Trong thời gian này, Anh đã tổ chức được một số cuộc đình công, biểu tình và trực tiếp tham gia đấu tranh., trong đó có cuộc đấu tranh của 3 nghìn công nhân nhà máy Sợi Tơ Hải Phòng diễn ra ngày 16-5-1939 và kéo dài tới ngày 25-5-1939 mới chấm dứt. Yêu sách của công nhân được giải quyết. Phong trào cách mạng ở khu mỏ lúc này cũng phát triển mạnh bởi những cuộc đấu tranh của công nhân ở các mỏ Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê,… Thời gian này, Tô Hiệu bị bệnh lao phổi nặng, nhưng Anh vẫn gắng gượng công tác.

Tháng 12-1939, Tô Hiệu trên cương vị Bí thư Khu ủy Liên khu B, chủ trì cuộc Hội nghị của Ban Chỉ đạo Liên khu B (bao gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Móng Cái, Khu mỏ Hồng Gai) để nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và thực hiện phương châm chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng; đề ra những nhiệm vụ cấp bách mà vùng mỏ cần thực hiện; tiếp tục phát động phong trào đấu tranh của công nhân để duy trì quyền lợi đã giành được; xây dựng cơ sở ở nông thôn, làm bàn đạp cho cuộc đấu tranh ở thành thị.

Hải Phòng và Khu mỏ Hồng Gai lúc bấy giờ là yết hầu kinh tế của Bắc Kỳ, cũng là nơi phong trào phát triển mạnh, cho nên địch đã tập trung lực lượng để đàn áp. Nhiều cơ sở cách mạng lại bị vỡ. Nhiều người trong Xứ ủy, Thành ủy bị bắt, trong đó, Tô Hiệu bị bắt vào ngày 1-12-1939, tại nhà lao Hải Phòng. Cũng như lần bị bắt trước, lần bị bắt này, vẫn không thoát khỏi được những đòn tra tấn hết sức dã man của mật thám Pháp. Trước sau, anh vẫn không một lời khai ra các tổ chức của Đảng. Trong nhà lao Hải Phòng, Anh đã bí mật tổ chức các lớp huấn luyện lý luận cho các tù nhân chính trị. Mỗi buổi tối, anh em ở các xà lim bên cạnh ghé tai sát tường, lắng nghe Anh phân tích về tình hình thế giới, trong nước và chỉ ra những nguy cơ của Chiến tranh thế giới thứ hai. Anh đặt quyết tâm cho đồng chí của mình là tuy có gặp nhiều khó khăn, những cách mạng nhất định sẽ thắng lợi.

Sau một thời gian bị giam giữ ở nhà lao Hải Phòng, Tô Hiệu bị tòa án thực dân Kiến An xử. Tại phiên tòa này, Anh đã kiên quyết phản đối những lời buộc tội vô lý của chánh án. Nhưng dù không có bằng chứng, tòa vẫn kết án Anh 5 năm tù giam.

Năm 1940, Tô Hiệu bị đày lên giam tại nhà tù Sơn La. Nhà tù thực dân đã làm cho Anh kiệt sức và anh đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7-3-1944. Trước khi nhắm mắt, xuôi tay, Anh đã để lại một bức thư. Bức thư này đã bị thất lạc. Nhưng theo những đồng chí bị tù cùng với Tô Hiệu ở nhà tú Sơn La, kể lại, thì trong thư, Anh khuyên anh em hãy giữ vững tinh thần chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; tuyệt đối không được hoang mang dao động.

Nhà yêu nước và cách mạng Tô Hiệu là một tấm gương điển hình về sự tận tụy, hy sinh suốt đời vì cách mạng. Ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ông là một người có phẩm chất cách mạng hết sức trong sáng, lập trường tư tưởng vững vàng, luôn luôn biết đặt lợi ích của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, khi trong tù cũng như khi ra tù và cả khi bệnh tật hiểm nghèo, Ông vẫn giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Mơ ước chân thành và dự báo của Tô Hiệu đã trở thành hiện thực, khi chỉ một năm sau, Cách mạng tháng Tám nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã lật đổ chính quyền thực dân, thiết lập chính quyền nhân dân; rồi tiếp đó là hai cuộc kháng chiến chống xâm lược đã đưa nước Việt Nam vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Tinh thần yêu nước và cách mạng của Tô Hiệu mãi mãi sáng chiếu vào trái tim, khối óc của các thế hệ trẻ bởi tấm gương cách mạng tuyệt vời của Ông và Ông đã đi vào lịch sử!

------
* Báo cáo Khoa học tại cuộc tọa đàm “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam”, nhân dịp  kỷ niệm 105 ngày sinh Tô Hiệu (1912-2017), do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức, Hà Nội, ngày 6-3-2017.
** Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 534.
2. Thơ Hoàng Trọng Mậu.
3. Thơ in trong tập Hồi ký của Lê Mạnh Trinh, bản đánh máy, tr. 39.