Mới cập nhật

Đình Tây Đằng – tinh hoa kiến trúc người Việt cổ

Nằm cách Hà Nội khoảng 50 km về phía Tây, đình Tây Đằng (thuộc thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) đứng đầu trong chuỗi đình của đất Quảng Oai, gồm những làng cổ tọa lạc trên các quả đồi đá ong của xứ Đoài xưa.
[​IMG]​Không chỉ được biết đến như một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, với gần 500 tuổi, đình Tây Đằng còn sở hữu nhiều nét kiến trúc độc đáo, có một không hai. Vừa qua, ngôi đình thờ Đức Tản Viên Sơn Thánh – vị đệ nhất phúc thần của người Nam – đã vinh dự được nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

[​IMG]​Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trên một đầu cột đình có ghi hàng chữ “Quý Mùi niên tạo”, nhưng lại không thấy ghi niên hiệu. Đa phần các hoa văn mang phong cách cuối thời Lê Sơ (thế kỉ XVI), song một số hình rồng lại mang phong cách thời Trần (thế kỉ XII). Vì vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một tài liệu nào chỉ ra chính xác thời gian xây dựng đình Tây Đằng.

Không chỉ là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, đình Tây Đằng còn là một công trình hiếm hoi làm từ gỗ còn gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay. Đình có 48 cột lớn nhỏ, trước kia làm hoàn toàn bằng gỗ mít – loại gỗ hàng trăm năm không bị tiêu tâm (rỗng lõi). Trong đó, cột cái lớn nhất có đường kính lên tới 80 cm. Nếu những ngôi đình khác đều có bứng ván hoặc có tường xây bao quanh thì đình Tây Đằng chỉ có hệ thống cột chống dàn mái, tạo nên một không gian mở, thoáng đãng, giao thoa với trời đất và tràn ngập ánh sáng.

Đình Tây Đằng có kết cấu trồng rường giá chiêng – kết cấu chỉ có thể thấy ở một vài kiến trúc có niên đại rất xưa như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bối Khê và chùa Mui (Hà Nội), chùa Thái Lạc (Hải Dương). Đình có bố cục gồm 5 gian, dàn hàng ngang bề thế với bộ mái xòe rộng ra tứ phía và kéo dài xuống thấp. Nơi đặt bài vị để thờ nằm trên gác lửng ở gian giữa. Khởi điểm, đình Tây Đằng mới chỉ có một gian chính giữa, sau đó, tả mạc, hữu mạc – hai ngôi kiến trúc ở hai phía sân trước ngôi đình và chuôi vồ được xây thêm vào các đời sau. Cổng đình rộng theo cả chiều ngang của sân đình, từ tả mạc sang hữu mạc, gồm 5 cây cột, không có mi, trên đỉnh cột có trang trí hình lân. Ngoài ra, phía trước và phía sau đình Tây Đằng còn có hồ bán nguyệt và giếng cổ.
[​IMG]​Nét đặc sắc nhất trong tổng thể kiến trúc đình Tây Đằng chính là những hoa văn chạm trổ trang trí bên trong đình. Các đầu đao, xà, đấu, kèo, cốn của đình đều uốn cong có gắn long, ly, quy, phượng bằng đất nung màu gan trâu. Trong đó, nổi bật nhất là các hình chạm khắc rồng theo phong cách rồng thời Trần và các họa tiết chim phượng theo lối múa xòe cả hai cánh. Ngoài ra, trên các cột xà xung quanh mái đình còn chạm khắc những “bức tranh” mô tả sống động một quy trình khép kín của cuộc sống người Việt cổ, với đề tài là các hoạt động của con người từ thời khai thiên lập quốc cho đến thế kỉ XVI, như săn bắn, hái lượm, chiến đấu, bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát... Bên cạnh sự đa dạng, phong phú của các chi tiết trang trí, một điều khiến các nhà chuyên môn đặc biệt đánh giá cao ở đình Tây Đằng đó là các hình chạm khắc nơi đây tuyệt nhiên không bị lai tạp hay chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, mà thể hiện trọn vẹn tư duy, trí tuệ của người Việt cổ.Và tài tình hơn, toàn bộ hơn 1300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng nhau một chi tiết nào.

[​IMG]​Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc, đình Tây Đằng còn là nơi thờ Tản Viên Sơn thánh (Sơn Tinh) – một nhân vật anh hùng theo truyền thuyết đã chế ngự được thiên nhiên, được dân chúng suy tôn là bậc thánh; Thánh Gióng và Thần Nông. Hàng năm có rất nhiều người dân trên cả nước và du khách quốc tế lui tới viếng thăm, tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị lịch sử, văn hóa của đình.

Đình Tây Đằng trước đây đầy ắp các di vật quý giá, thể hiện tấm lòng thành kính của người dân nơi đây với Đức Thánh Tản Viên. Tuy nhiên, trải qua thời gian tồn tại, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhiều đồ thờ tự tinh xảo đã bị phá hủy, mai một đi.
[​IMG]​Hàng năm để gìn giữ bản sắc, nét văn hóa của làng, người dân tổ chức lễ hội truyền thống trong vòng 4 ngày, bắt đầu từ ngày mồng 10/1. Với những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo, đình Tây Đằng được ví như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỉ XVI. Như một di sản văn hóa quí báu của dân tộc, đình Tây Đằng là một món quà tặng vô giá của tổ tiên để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mai sau.


Theo trang "Đền chùa Việt Nam"