Mới cập nhật

VẤN ĐỀ NHÂN DÂN LÀM CHỦ CÙNG VỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC THEO QUAN ĐIỂM CỦA TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN*

PGS,TS Đàm Đức Vượng**

 



                                                                      Tổng Bí thư Lê Duẩn

 

Xuất phát điểm của cơ chế Đảng lãnh đạo, my review here Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý:

Vấn đề nhân dân làm chủ với Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đã được Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày trong các Báo cáo chính trị tại Đại hội III (1960), Đại hội IV (1976), Đại hội V (1982) và trong những tác phẩm, bài viết, bài nói của Ông, đã trở thành hệ thống quan điểm lãnh đạo của check out here Ông trong những năm Ông làm Tổng Bí thư của Đảng. Ở đây, không nên bóc tách giữa quan điểm “nhân dân làm chủ” với quan điểm “làm chủ tập thể”. Thực ra, giữa nhân dân làm chủ với làm chủ tập thể, theo tôi, chỉ là một hệ thống quan điểm của Ông, phản ánh vai trò và sứ mạng lịch sử của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình.

Vấn đề nhân dân làm chủ đã được đặt ra từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ chế cho nó, nên vẫn chưa được giải thích một cách rõ ràng trên cơ sở khoa học lý luận và cũng chưa có cơ chế cụ thể cho nó, nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vẫn còn mang tính trừu tượng và chưa vươn tới tính hiện thực. Cơ chế chung đã được khẳng định là “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”1 đã được nêu ra từ Đại hội VI của Đảng (1986), sau đó, đổi vế là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, nhưng cơ chế cụ thể lại chưa có hoặc chưa rõ, nên đã gây ra những nhận thức khác nhau trong Đảng và trong xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này, ngày càng được làm sáng rõ, rằng, vai trò của nhân dân trong lịch sử mang ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho mọi thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội III của Đảng (1960), Tổng Bí thư Lê Duẩn nói:

“Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta giành được chính quyền và làm chủ Nhà nước, tư tưởng làm chủ xã hội được củng cố và nâng cao trong nhân dân lao động nước ta. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng hiện nay sẽ phát triển tư tưởng làm chủ của nhân dân lao động nước ta trong điều kiện mới của lịch sử, nhằm bảo đảm cho họ có thể có thể dựa trên những quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mà cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên, cải tạo con người một cách tự giác”2.

Ở đây, Tổng Bí thư Lê Duẩn muốn nhấn mạnh đến nhận thức về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, quan hệ sản xuất dưới chủ nghĩa xã hội là quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải vật chất. Quan hệ đó đại biểu cho một hình thức xã hội của sản xuất, mà thông qua đó, con người có thể làm chủ vận mệnh của mình. Tổng Bí thư Lê Duẩn hiểu sâu sắc lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen là cùng với lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất hình thành một phương thức nhất định trong lịch sử và Ông muốn vận dụng và phát triển quan điểm này vào hoàn thành cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ các quan hệ sản xuất của một phương thức sản xuất nhất định là cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội, quyết định sự ra đời và sự hoạt động của kiến trúc thượng tầng tương ứng.

Đến Đại hội IV của Đảng (1976), vấn đề làm chủ tập thể của nhân dân lao động lại được Tổng Bí thư Lê Duẩn đẩy lên ở trình độ cao hơn. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội IV, Ông nói:

“Những đặc điểm trên đây, nhất là đặc điểm từ sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đòi hỏi nhân dân ta phải phát huy rất cao tính chủ động, sáng tạo và tự giác trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Muốn đưa sự nghiệp cách mạng ấy đến toàn thắng, điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động3.

Ông gạch dưới những chữ cần nhấn mạnh. Ở đây, Ông đã đề cập đến vấn đề “chuyên chính vô sản”. Vấn đề này đã được C.Mác và Ph.Ăngghen nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1858) và được V.I.Lênin phát triển và giải nghĩa trong một số tác phẩm của các ông. Theo các ông, thì giữa chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội có một khoảng cách mà người ta gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ đó sẽ thực hiện “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản không phải là cảnh “tắm máu”, thống trị nhau bằng quyền lực như một số người đã xuyên tạc, bóp méo. Theo V.I.Lênin: “Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân để giai cấp công nhân có thể giữ được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước”4. Hiểu như V.I.Lênin, thì chuyên chính vô sản không có gì đáng sợ, trái lại, mà còn có lợi cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về chuyên chính vô sản cũng hết sức rõ ràng:

“Chế độ của ta là chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết là: đường lối phải là của giai cấp vô sản. Cốt tủy của chuyên chính vô sản là ở đó, chứ không phải ở chỗ sử dụng bạo lực. Đường lối đó là sự kết hợp lý luận Mác – Lênin với thực tiễn cách mạng nước mình. Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật...”5.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển vấn đề chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin bằng việc xây dựng một hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội và nêu cao tinh thần làm chủ của nhân dân. Về tổ chức, hệ thống chính trị bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, có thể gọi chung là Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của Đảng. Về tư tưởng, hệ thống chính trị là một hình thức của cơ chế xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ngay trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, và nhờ đó, nhân dân lao động có quyền làm chủ vận mệnh của mình. Hệ thống này bao trùm và điều chỉnh mọi quan hệ hình thành giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc và sắc tộc trong một quốc gia, giữa xã hội, tập thể và cá nhân về vấn đề quyền lực. Với hệ thống chính trị, thì quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức và phong trào xã hội là quan hệ hợp tác, tác động qua lại, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau.

Đến Đại hội V (1982), vấn đề nhân dân làm chủ lại được Tổng Bí thư Lê Duẩn đề cập đến trong Báo cáo chính trị tại Đại hội:

“Đường lối chung và đường lối kinh tế là một thể thống nhất hoàn chỉnh, trong đó có mấy vấn đề cần đặc biệt chú ý là: nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động và tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa6.

Ông gạch dưới những chữ cần nhấn mạnh.

Tại Đại hội IV lần trước, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói đến “quyền làm làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Đến Đại hội V lần này, Ông nâng lên thành “chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Đây là một nấc thang phát triển về lý luận – thực tiễn về làm chủ tập thể, hoặc nhân dân làm chủ theo quan điểm của Ông. Khi nói đến “quyền” là nói đến vai trò nhân dân làm chủ, còn khi nói đến “chế độ” là nói đến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với quyền làm chủ đó. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thấy trước vấn đề là để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn nghiêm trọng trong nước, thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là phải khai thác và nêu cao được tinh thần làm chủ của nhân dân lao động. Đó cũng là thước đo sự tiến bộ của một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, tại Hà Nội,  được đánh giá là Đại hội đổi mới toàn diện, mang ý nghĩa chính trị và kinh tế sâu sắc. Khi diễn ra Đại hội VI, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã mất trước đó 5 tháng. Nhưng quan điểm làm chủ tập thể của Ông đã được Đại hội VI quán triệt và phát triển. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V tại Đại hội VI do Tổng Bí thư (cuối khóa V), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, trình bày, có hẳn một phần thứ tư phân tích về phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. “Bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” bao giờ cũng quan trọng. Thực tiễn cách mạng chứng minh rằng, ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng”7. “Vận dụng bài học này vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng ta coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống”2. Như vậy, Đại hội IV, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói đến “quyền” làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đến Đại hội V, Ông nói đến “cơ chế” làm chủ tập thể và đến Đại hội VI, Đảng tổng kết coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là “bản chất” của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đó là những bước tiến mới, rất quan trọng của vấn đề nhân dân làm chủ với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Quyền - Cơ chế - Bản chất là một hệ thống lý luận về vai trò làm chủ của nhân dân lao động.

Quan điểm nhân dân lao động làm chủ tập thể của Tổng Bí thư Lê Duẩn xuất phát từ tư tưởng nhân dân lao động làm chủ nước nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Đạo đức công dân” (báo Nhân Dân, số 320, ngày 15-1-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

“Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”.

Vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ. Giữa quyền lợi và nghĩa vụ là không có khoảng cách, nó gắn chặt với nhau, sự được hưởng và sự đóng góp là như nhau. Điều đó được thể hiện ở việc mọi người phải tuân theo pháp luật Nhà nước, tuân theo kỷ luật lao động, giữ gìn trật tự chung, đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung, hăng hái tham gia công việc chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ Tổ quốc. Người nói rằng, trong những năm kháng chiến, bộ đội ta anh dũng hy sinh xương máu, đồng bào ta hăng hái góp sức của, sức người. Điều đó chứng tỏ rằng, đại đa số nhân dân ta đã thực hiện tốt nghĩa vụ của người chủ nước nhà. Tuy nhiên, Người cũng chỉ ra có một số ít người không làm đúng như vậy. Họ muốn hưởng quyền lợi mà không muốn làm nghĩa vụ. “Thậm chí có những người phá hoại pháp luật như tham ô, buôn gian, lậu thuế, trộm cắp, lưu manh…”8. Người đã chỉ ra khuyết điểm của một bộ phận nhân dân, vi phạm đạo đức công dân. Người viết: “Cho nên chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của người dân là nhất trí; đã là người chủ nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc”9. Phụ trách đối với Tổ quốc có nghĩa là có trách nhiệm đối với Tổ quốc. Từ tư tưởng quan trọng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nêu quan điểm làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Điều đó chứng tỏ rằng, Tổng Bí thư Lê Duẩn không phải đưa ra một chủ thuyết riêng, một tư tưởng riêng, lấn át Hồ Chí Minh, như có người đã xuyên tạc trên mạng. Chúng ta hãy đọc Điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969), thì hiểu rõ tấm lòng của Ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu nặng như thế nào:

“Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta.

Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”10.

“HỒ CHỦ TỊCH kính yêu của chúng ta không còn nữa!

Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!”11.

Và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khóc trước việc Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định điều động Ông  từ miền Nam ra miền Bắc để nhận nhiệm vụ mới, cao hơn. Hẳn là Người đã biết rõ khả năng và phẩm chất cách mạng của Ông.

Nội dung quan điểm củaTổng Bí thư Lê Duẩn về nhân dân làm chủ:   

Quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về nhân dân làm chủ trước hết phải được thể hiện ở sự giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng, tinh thần quật cường, bất khuất và truyền thống cách mạng anh dũng của dân tộc ta; phải tăng cường ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí; phải rèn luyện cho nhân dân tinh thần khoa học; phải xây dựng phong cách mới, khẩn trương, hoạt bát, trật tự, chống lại lề thói uể oải, lề mề, luộm thuộm trong lao động và sinh hoạt, phải nêu cao tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Theo Ông, công tác giáo dục và đấu tranh tư tưởng phải gắn liền với cuộc sống; nó phải cụ thể, tinh tế, linh hoạt, có lý, có tình, không được trừu tượng, giản đơn, rập khuôn, cứng nhắc. Để làm được việc đó, phải đặc biệt chú ý đến công tác giáo dục. Trong công tác giáo dục, phải nắm vững nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất và các phương châm: lý luận gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành, giáo dục của nhà trường kết hợp với giáo dục xã hội. Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, nên chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng, khơi dậy tinh thần làm chủ của mỗi con người với lương tâm, danh dự của họ đối với dân tộc mình, nhân dân mình, non sông đất nước của mình. Đó là thiện chí và sức mạnh của tinh thần làm chủ của nhân dân. Ông nói:

“Dựa vào sức mạnh làm chủ tập thể của nhân dân, chúng ta sẽ tận dụng và tổ chức lại lực lượng lao động xã hội, tổ chức lại sản xuất để khai thác tốt tiềm năng của đất nước, nhằm xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, từng bước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc”12.

Nhiều lần, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói đến việc muốn nêu cao vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động thì phải tổ chức lại lực lượng lao động trong nhân dân. Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nếu không biết tổ chức hoặc không tổ chức lại lực lượng lao động cho tốt, thì khó có tăng năng suất lao động và khó có chất lượng sản phẩm. Vì vậy, vấn đề tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm phải được gắn liền với vai trò làm chủ tập thể của nhân dân. Tôi nghĩ rằng, vấn đề tổ chức lại lực lượng lao động trong nhân dân là rất quan trọng, cần phải được nghiên cứu và tổng kết.

Từ quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về nhân dân làm chủ cùng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vận dụng vào trong tình hình hiện nay:

     Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ vận dụng vào trong tình hình hiện nay, thấy rằng, cần phải được bổ sung lý luận cho phù hợp với sự phát triển của xã hội trong tình hình hiện nay, khi trên thế giới đang có những diễn biến hết sức phực tạp. Trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân ta với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đã giành được những thành tựu quan trong trong phát triển kinh tế và văn hóa, giữ vững ý thức hệ. Đó là những biểu hiện tốt đẹp, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. “Bên cạnh những biểu hiện tốt đẹp ấy, trong xã hội ta đang có những biểu hiện không bình thường: sự thiếu gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tình trạng quan liêu trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý và các tổ chức chuyên trách về công tác quần chúng. Nguyên nhân chủ yếu là cơ chế kết hợp hoạt động giữa Đảng, nhân dân và Nhà nước chưa được cụ thể hóa thành thể chế”13. Đúng vậy, Đại hội VI nhận định rằng, trong thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền, đã quên những năm tháng cùng nhân dân đồng cam cộng khổ trong chiến tranh giải phóng, sống xa dân, không quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết do quần chúng đặt ra. Có những cấp ủy đảng coi nhẹ công tác dân vận, không dựa vào nhân dân để chỉ đạo và kiểm tra các tổ chức cơ sở đảng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của nhân dân, dùng các biện pháp hành chính để thay cho vận động nhân dân. Đảng chưa phát huy vai trò và chức năng của các đoàn thể trong việc giáo dục, động viên nhân dân tham gia quản lý kinh tế, xã hội. Các đoàn thể chưa tích cực đổi mới phương thức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Hay như gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng vẫn nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Nhiều người “không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”. Như vậy, sự chuyển biến tích cực rất chậm một khi không ít cán bộ đã tha hóa về phầm chất cuộc sống và phẩm chất công vụ.

Tiếng kèn báo động về sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống đã vang lên trong Đảng và trong xã hội, làm cho khoảng cách giữa Đảng và dân ngày càng doãng ra; niềm tin đã bị tổn thương. Vì vậy, để có sự chuyển biến thật sự về vai trò nhân dân làm chủ với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong tình hình hiện nay, cần phải có các giải pháp:

Một là: Phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động thể hiện bằng ý thức xã hội chủ nghĩa của mỗi công dân. Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng số một. Đúng vậy, nếu không có ý thức tự giác của mỗi người thì không thể nói đến vai trò làm chủ tập thể của người dân. Ý thức xã hội chủ nghĩa chính là sự tổng hòa các hình thái ý thức xã hội khác nhau đặc trưng cho đời sống tinh thần của mỗi người dân sống dưới mái nhà của chế độ xã hội chủ nghĩa trong quá trình nảy sinh, hình thành và phát triển của công cuộc đổi mới đất nước. Không xây dựng được ý thức tự giác, tự làm chủ của mỗi người, thì rất khó bảo đảm được quyền làm chủ tập thể của mọi người. Ý thức xã hội chủ nghĩa thể hiện ở tâm lý xã hội, chứa đựng những quan điểm và khái niệm của nhân dân, những tình cảm và tâm tư của họ nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Nó đóng vai trò tích cực trong đời sống xã hội. Ý thức xã hội chủ nghĩa gắn liền với yêu nước xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay.

Hai là: Thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động thực chất là tôn trọng con người và trọng dụng tài năng đích thực, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó làm nảy sinh cái mới để xây dựng xã hội mới và thông qua xây dựng xã hội mới mà rèn luyện con người mới, hình thành những tập thể lao động mới. Lợi ích chính đáng của nhân dân trong công cuộc đổi mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước mắt, tập trung sức giải quyết những vấn đề bức bách hằng ngày, trong đó có vấn đề tai nạn giao thông, lấn chiếm đất đai và ô nhiễm môi trường, để rồi từ đó mà đi vào giải quyết những vấn đề lâu dài.

Ba là: Quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng pháp luật và tổ chức; tập trung phải đi đôi với dân chủ và dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, phép nước; quyền hạn và lợi ích đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ. Mỗi người đều phải có trách nhiệm làm chủ lao động của mình, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, làm việc có năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều trong sản xuất và có hiệu quả trong công vụ. Từ trước tới nay, chúng ta cũng mới chỉ nặng nói về chống tham nhũng, mà còn nhẹ nói về tiết kiệm, nên nay cần phải nói nhiều đến vấn đề tiết kiệm, cụ thể là tiết kiệm về thời gian, tiết kiệm về sự hao tốn vật chất trong công vụ, tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm văn phòng phẩm,… Tiết kiệm mọi mặt để dẫn đến hiệu quả trong công vụ là tiết kiệm có ý nghĩa nhất.

Bốn là: Mọi công dân muốn nêu cao tinh thần làm chủ thì phải tham gia vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tham gia vào việc khắc phục những tiêu cực xã hội, trong đó có việc khắc phục tai nạn giao thông bằng việc tham gia giao thông với ý thức tự giác rất cao, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông và ứng xử bằng văn hóa giao thông khi tham gia giao thông.

Năm là: Phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đây là vấn đề trừu tượng, lý thuyết, nhưng nếu có cơ chế cho nó thì cũng có thể biến thành hiện thực. Một người dân không thể khoác cái áo “làm chủ” để nhảy vào một cơ quan, đơn vị công quyền để kiểm tra cơ quan, đơn vị đó, nhưng nếu người dân làm việc trong các cơ quan, đơn vị công quyền có ý thức tự giác cao trên tinh thần làm chủ bản thân, làm chủ tập thể, thì tự nhiên, đơn vị đó trở nên trong sáng, lành mạnh, đó là ý thức làm chủ tự giác của người dân. “Công tác quản lý không phải việc riêng của những người quản lý chuyên nghiệp, mà là sự nghiệp của nhân dân. Trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, dù là quản lý hành chính hay quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý trật tự, trị an, đều cần có sự tham gia của quần chúng. Việc phát huy vai trò của nhân dân lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội cần được các cơ quan lãnh đạo và quản lý đặt ra và thực hiện đúng ngay từ khi chuẩn bị và quyết định chủ trương, chính sách. Xóa bỏ nhận thức sai lầm coi công tác quần chúng chỉ là biện pháp để tổ chức, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân trên phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương và đơn vị cơ sở, cấp ủy đảng hoặc cơ quan chính quyền phải trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi quyết định. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản nhà nước của mình”14 .

Đó là những tiêu chí về làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa mà lúc sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xới ra. Đây là vấn đề lớn, cần phải tiếp tục nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, có người nói rằng, vấn đề làm chủ tập thể xem ra có vẻ không còn phù hợp với tình hình hiện nay, vì nó rất trừu tượng. Tôi không nghĩ thế. Tinh thần nhân dân làm chủ hoặc làm chủ nước nhà, vẫn là ánh sáng lung linh của tư tưởng Hồ Chí Minh mà đồng chí Lê Duẩn đã cụ thể hóa bằng tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Tổng Bí thư Lê Duẩn mất cách đây đã 30 năm (1986-2016), nhưng những di sản văn hóa chính trị mà Ông để lại sẽ còn trường tồn trong không gian và thời gian, là một tia sáng trong đường lối của Đảng.

Tôi không được một ngày làm việc với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Ông cũng không biết tôi, nhưng tôi đã nghiên cứu khá kỹ về những quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Ông trong việc giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam và vấn đề khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trong khi đất nước chưa thống nhất. Tôi rất khâm phục tài lãnh đạo và tài tổng kết của Ông về chiến tranh cách mạng. Từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Ông “đứng mũi chịu sào” về lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống xâm lược từ phương Tây đến và cuộc kháng chiến này đã dẫn đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, giang sơn gấm vóc được quy về một mối. Vấn đề nêu cao tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động của Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng là những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đi vào lịch sử của Đảng và dân tộc!

------

* Bài đăng trong cuốn sách “Lê Duẩn – một tư duy sáng tạo lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam", Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2017.

* Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.    

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006, tập 47, tr. 443.

  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 21, tr. 549.

  3. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 37, sđd, tr. 507. 


4 V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tập 44, tr. 57.

  1. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 37, sđd, tr. 403. 

  2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006, tập 43, tr. 50.

  3. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 47, sđd, tr. 443.

  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 258.

  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, sđd, tr. 259.

  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 626,627.

  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, sđd, tr. 626.

  8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004, tập 37, tr. 644.

  9. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 47, sđd, tr.444.

  10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, tập 47, tr. 445-446.