Lộng lẫy chùa trăm tuổi Xiêm Cán
Được coi là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer Nam Bộ, chùa Xiêm Cán là công trình kiến trúc tuyệt đẹp, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu.
Với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng lúc nào cũng rực rỡ dưới nắng, chùa Xiêm Cán được coi là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.
Khuôn viên rộng với những cây thốt nốt lâu năm cao vút, xếp thẳng hàng ở ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1887.
Hình tượng của rắn 5 đầu trang trí tại một tăng phòng trong chùa Xiêm Cán.
Nằm cách TP.Bạc Liêu khoảng 7km về phía Đông Nam, ngôi chùa có tuổi thọ hơn một thế kỷ này vẫn giữ nguyên những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo trong số 22 ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Cổng chùa với tông màu vàng đất dịu mắt, mang đậm sắc thái Khmer. Bên trên là hình ba ngọn tháp, mô phỏng theo kiểu kiến trúc Angkor và tượng hình rắn nhiều đầu được chạm trổ công phu. Bao quanh chùa nối với cổng là các bức tường rào, nơi chạm khắc rắn thần và nhiều hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt.
Từ cổng vào trung tâm chùa Xiêm Cán là một khuôn viên rộng với những cây sao, cây dầu cổ thụ, xếp thẳng hàng và tỏa bóng mát rượi.
Không chỉ là nơi thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa Xiêm Cán cũng như các ngôi chùa Khmer khác ở Nam Bộ còn là trung tâm văn hóa, giáo dục của phum, sóc, lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay hoặc các vốn văn hóa truyền thống...
Trong chánh điện, cao hơn hết là một bàn thờ với một tượng Phật lớn, đặt trên các tượng Phật khác ở nhiều tư thế khác nhau, biểu hiện cho các thời kỳ hóa thân của đức Phật.
Tượng Phật nằm - một trong những nơi được nhiều du khách dừng lại thắp nén hương mỗi dịp ghé thăm chùa.
Trong khuôn viên chùa có trường dạy chữ Khmer, chữ Pali, dạy kinh…, là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian và các vốn văn hóa truyền thống cho con em phật tử.
Ba ngôi tháp nơi cổng chùa mô phỏng kiểu kiến trúc Angkor của người Campuchia và tượng hình rắn nhiều đầu được chạm trổ công phu.
Theo trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam