Thuốc chữa bệnh từ cây sa nhân
Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa.
Sa nhân là loại cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi, dưới tán cây râm mát, tiếng Tày còn gọi là mác nẻng, tiếng Thái là co nénh. Bộ phận dùng làm thuốc là hạt quả. Thu hái quả thường vào mùa hè, bóc vỏ quả lấy hạt bên trong, phơi hay sấy khô dùng dần.
Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao 2 - 3m, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất. Lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa màu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Quả cuống ngắn có gai, hình tròn hoặc trứng dài có 3 ô mang 3 khối hạt màu nâu sẫm, mùi thơm nồng. Sa nhân có nhiều loại, Đông y thường sử dụng chủ yếu là hai loài sa nhân tím và sa nhân trắng vì có giá trị dược liệu cao.
Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai,...
Cây và vị thuốc sa nhân
Một số đơn thuốc thường dùng:
Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, đại tiện khó: Sa nhân 6g, cháy cơm 150g, thần khúc12g, sơn tra 12g, hạt sen 12g, kê nội kim 3g, gạo tẻ 300g, các vị sao thơm tán mịn cho thêm đường uống 12g, uống 2 - 3 lần/ngày.
Chữa tiêu chảy (bụng sôi, lạnh, chướng đau bụng ở vùng hạ vị, phân sống, kém ăn, chậm tiêu, tay chân lạnh): Sa nhân, nhục quế, can khương, vỏ rụt, vỏ quýt mỗi vị 8g; bố chính sâm, tục đoạn, củ mài sao, phá cố chỉ mỗi vị 12g. Tất cả tán bột, mỗi ngày uống 20g.
Thai nghén hay nôn: Sa nhân (sao qua, nghiền mịn) 3g; gạo tẻ 30g nấu cháo, khi cháo chín cho bột sa nhân vào trộn đều, đun nhỏ lửa thêm một lúc nữa là được. Ăn nóng vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ.
Hoặc: Sa nhân 3g, cá diếc 1 con, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vảy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Lý khí ôn vị, tiêu thũng cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, có thể có phù nhẹ hai chi dưới.
Giảm đau nhức răng do sâu răng: Ngậm sa nhân hoặc tán bột chấm vào răng đau.
Hỗ trợ viêm loét dạ dày mạn tính: Sa nhân 6g; dạ dày lợn 1 cái, dạ dày rửa sạch, thái chỉ, cùng với sa nhân nấu thành món canh; ăn dạ dày và uống nước canh. Dùng 10 ngày một liệu trình.
Hỗ trợ viêm đại tràng mạn tính: Sa nhân 1g (tán bột), mộc hương 1g (tán bột), bột sắn dây 30g, đường cát lượng vừa đủ. Sa nhân, mộc hương, sắn dây thêm nước quấy đều, cho thêm đường nấu cháo ăn. Ngày ăn 2 lần.
Chú ý: Người âm hư nội nhiệt không nên dùng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nga (Báo Sức khỏe và Đời sống).