ĐẾN BẮC KINH NHỚ NGUYỄN AN
Đến Bắc Kinh nhớ Nguyễn An
Kiến trức sư với muôn vàn tình yêu.
Chiểu xuân bảng lảng bóng chiều
Linh hồn vương vấn ở nơi Cấm Thành.
Người Đại Việt sang Bắc Kinh
Để xây cung cấm Nhà Minh bóng tà.
Cửa Chính Dương một rừng hoa
Điện Phụng Thiên đẹp như là động tiên.
Cung Càn Thanh cung Khôn Ninh
Phủ Tôn Nhân dáng tuyệt trần minh tinh.
Cơ quan Bộ Lễ, Bộ Hình…
Viện Hàn Lâm với chút tình tri âm.
Công trình độ sộ xa gần
Nguyễn An thiết kế trong ngần công lao.
Thành trì to đẹp biết bao
Đêm đêm lấp lánh vì sao xa vời.
Tình chan chứa Nguyễn An ơi
Hàng trăm năm với những lời tụng ca.
Kính dâng Người một đóa hoa
Chẳng cần hoa lá mà hoa trong đời.
Ở nơi chín suối xa vời
Hồn thiêng sông núi một trời tâm linh.
Bảy trăm năm biết bao tình
Gửi vào nhung nhớ một mình Nguyễn An!
Đêm Bắc Kinh, Trung Quốc, 18-2-2004
Đức Vượng
(Cử nhân ngữ văn)
------
Lời Tác giả: Hội thảo Khoa học lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, từ ngày 16 đến ngày 18-2-2004. Tôi là Thành viên của Đoàn các nhà khoa học với tư cách Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, tham dự Hội thảo.
Khi vừa xuống sân bay Bắc Kinh, tôi nhớ ngay đến Nguyễn An (A Lưu), một Tổng công trình sư đại tài, người nước Đại Việt, bị Nhà Minh bắt sang để xây dựng các công trình kiến trúc tuyệt vời của Nhà Minh mà Ông là Kỹ sư trưởng.
Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), có thể trong một làng nghề nào đó của Hà Đông. Khoảng năm 1397, Nguyễn An 16 tuổi, thời vua Trần Thuận Tông, Triều Trần, Ông đã tham gia xây dựng Kinh thành Thăng Long Triều Trần.
Năm 1407, Nhà Minh sang đánh bại Nhà Hồ, chiếm được nước Đại Việt. Viên tướng Nhà Minh là Trương Phụ, ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly cùng Triều Hồ mang về Trung Hoa, quân Minh còn sục tới các làng, xã bắt các thanh niên trai trẻ, tài giỏi của nước Đại Việt sang Trung Hoa, đem thiến, chọn làm thái giám (quan hoạn) phục vụ trong cung Vua Nhà Minh. Trong số này, có nhiều người của nước Đại Việt sau trở nên nổi tiếng là bậc đại tài như Nguyễn An, Phạm Hoằng, Vương Cấn. Lúc này, Vua Minh Thành Tổ (Chu Đệ-1403-1424) cho dời đô từ Nam Kinh lên Yên Kinh (của Nhà Nguyên trước đó), đổi tên là thành Bắc Kinh và cho xây dựng lại hoành tráng hơn. Đầu tiên, Vua Minh cho xây dựng Cấm Thành tức Cố Cung (xây từ năm 1406 đến năm 1420, thì hoàn thành). Trong số thái giám phục vụ ở Cung Vua, Minh Thành Tổ thấy Nguyễn An rất giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc xây dựng, cho nên tin dùng và cho làm Kỹ sư trưởng. Các công trình mà Nguyễn An đã xây dựng là cửa Chính Dương, xây dựng từ năm 1437-1439; các điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân, xây từ năm 1417-1420; hai cung Càn Thanh và Khôn Ninh, xây từ năm 1417-1420; xây các trụ sở của Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công, Viện Thái Y, Viện Hàn lâm, Thư viện thủ đô Bắc Kinh ngày nay và nhiều công trình khác ở Bắc Kinh đều do Nguyễn An thiết kế và thi công.
Một con người tài giỏi như vậy, nhưng Vua Minh lại cho thiến Ông, làm triệt đường sinh nở. Thật độc ác thay!
Cảm động trước tài năng vượt trội, nhưng số phận lại hẩm hiu của Nguyễn An, tôi làm bài thơ về Ông: “Đến Bắc Kinh nhớ Nguyễn An”. Tôi trăn trở suốt đêm 18-2-2004 ở Điếu Ngư Đài để viết bài thơ này.
Xin được thắp nén hương kính cẩn nghiêng mình, thương nhớ Kiến trức sư trưởng Nguyễn An!