Những mẩu chuyện về kinh doanh: 3 bài học cuộc sống đắt giá rút ra được từ việc nuôi ngựa
Mua một con ngựa đắt tiền không hứa hẹn một kết quả tốt, cũng giống như tham gia một trường
học uy tín không hứa hẹn một công việc lương cao. Quan trọng là sự nỗ lực và niềm đam mê của
chính bạn.
Vợ tôi là một người rất thích ngựa. Vì vậy, sau khi cưới, chúng tôi đã mua 3 con ngựa về nuôi. Là một người gốc Chicago, tôi không có nhiều hứng thú với loài động vật này, nhưng chỉ sau ba năm, mặc dù chưa thể trở thành một chuyên gia về ngựa, nhưng tôi đã khám phá ra rất nhiều điều thú vị xung quanh con vật này.
Việc nuôi ngựa đã không chỉ còn là sở thích, mà còn giúp tôi thu nhận được những bài học kinh doanh đắt giá.
1. Di truyền không làm nên thành công
Một con ngựa đua sẽ đem lại cho người nuôi hàng trăm ngàn đô la. Trong việc đua ngựa, dòng máu và di truyền là rất quan trọng. Một con ngựa có giống tốt giống như một người có chỉ số IQ cao, đó là điều mà ai cũng mong muốn, nhưng chỉ là một phần làm nên thành công.
Những con ngựa đua dành chiến thắng nhiều nhất là những con được huấn luyện nhiều và sử dụng các kỹ thuật tốt nhất.
Tương tự với con người, sự thông minh và khả năng thành công không phải do yếu tố di truyền. Những đứa con có thiên hướng đi theo con đường sự nghiệp hoặc tài năng của bố mẹ chúng không hẳn là nhờ gen mà là do quá trình ảnh hưởng và bắt chước. Nếu thông minh và thành công là do di truyền, vậy giáo dục và trường học không lẽ là vô dụng?
Những người đạt được thành tích cao nhất không phải đều được nhận vào Mensa (tổ chức dành cho những người thông minh nhất thế giới). Về cơ bản, thành công không phải do bẩm sinh, mà là cả một quá trình học tập, rèn luyện, nỗ lực và phấn đấu.
Mua một con ngựa đắt tiền không hứa hẹn một kết quả tốt, cũng giống như tham gia một trường học uy tín không hứa hẹn một công việc lương cao. Quan trọng là sự nỗ lực và niềm đam mê của chính bạn.
2. Không phản ứng tức thời
Tôi rất thích những video giảng dạy của Clinton Anderson, một huấn luyện viên cho những chú ngựa cứng đầu. Anderson giải thích rằng, não ngựa có hai mặt, một mặt suy nghĩ và một mặt phản ứng. Chìa khóa để huấn luyện ngựa chính là sử dụng mặt suy nghĩ của nó và kiềm chế mặt phản ứng.
Đối với tất cả các sự kiện trong cuộc sống của bạn, bạn đều có hai lựa chọn: phản ứng tức thời hoặc dừng lại để suy nghĩ kỹ hơn. Việc nóng giận tức thời không khiến cho vấn đề được giải quyết, mà ngược lại, còn khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn, gay gắt hơn, ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần của bạn.
Có câu: “Nóng giận giống như bạn đốt cháy cả ngôi nhà chỉ để thiêu chết một con chuột”. Việc nóng giận tức thời không chỉ ảnh hưởng đến những người xung quanh mà ngay cả bản thân bạn cũng chịu tổn thương. Do đó, bạn phải học cách kiên nhẫn và giữ bình tĩnh.
Hãy suy nghĩ trước khi hành động. Việc nóng giận tức thời không phải lúc nào cũng xấu, nhưng cần được kiềm chế và kiểm soát hợp lý.
3. Không bao giờ là quá muộn
Trong một chuyến đi gần đây, tôi được nghe kể về câu chuyện của một phụ nữ 70 tuổi, người luôn mơ ước học cưỡi ngựa khi còn nhỏ. Nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện tài chính, bà không thể thực hiện điều này. Tuy nhiên, bà không ngừng mơ ước và ở tuổi 67, bà bắt đầu học cưỡi ngựa, và thậm chí còn sở hữu con ngựa của riêng mình.
Ở cái tuổi mà gần như bất cứ ai đều muốn bỏ cuộc, thì bà vấn cố gắng theo đuổi giấc mơ. Nếu con ngựa không quan tâm gì đến việc người cưỡi nó đã 67 tuổi, thì chúng ta cũng không cần quan tâm đến bất cứ thứ gì ngăn cản chúng ta đến với ước mơ.
Hành động hay tụt hậu? Thay đổi hay là chết? Hãy tự hỏi bản thân như vậy. Tuổi tác hay những rào cản khác không phải vấn đề. Không bao giờ là quá muộn để cải thiện cuộc sống của mình một khi bạn thực sự muốn thay đổi. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, bạn sẽ dần nhận thấy cuộc sống thay đổi theo hướng tốt đẹp không ngờ. Đừng bao giờ để bản thân phải nói hai từ “giá như”.
Theo Entrepreneur