Mới cập nhật

Những mẩu chuyện về kinh doanh: Chuyện về công ty Vicostone

Bất đắc dĩ phải “bán mình” cho đối thủ, Vicostone đã tăng trưởng gấp 20 lần thành công ty 700

triệu USD chỉ sau 3 năm

Những biến động lớn về cơ cấu sở hữu trong năm 2014 đã đưa Vicostone từ nguy cơ “bị đe dọa

về thị phần, triển vọng tăng trưởng” phải chấp nhận để đối thủ thâu tóm trở thành một trong

những doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng nhất trong suốt 3 năm qua.



Thương vụ M&A kinh điển

Tháng 6/2014, nhóm cổ đông lớn nước ngoài sở hữu gần 40% vốn của công ty sản xuất đá ốp lát nhân tạo Vicostone ( VCS ) khi đó đã quyết định rút lui sau một thời gian dài mâu thuẫn gay gắt với ban lãnh đạo công ty khiến cho nhiều quyết sách quan trọng đã không được thông qua.

Nhóm cổ đông này thoái vốn đã mở đường cho “đối thủ” của Vicostone là Phenikaa mua 58% cổ phần và nắm quyền kiểm soát Vicostone. Theo tờ trình đại hội cổ đông, Vicostone chấp nhận để Phenikaa thâu tóm là do Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 06 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Việc Phenikaa ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.

Vấn đề thú vị của câu chuyện này là sau khi Phenikaa nắm quyền thâu tóm Vicostone thì chính Phenikaa lại bị “thâu tóm” bởi chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng.

Sau 10 năm gây dựng Vicostone, giờ đây ông Hồ Xuân Năng cuối cùng cũng trở thành “ông chủ” thực sự của công ty này. Cũng từ đây, Vicostone bước vào hành trình tăng trưởng phi mã cho đến tận ngày nay.

Với kết quả kinh doanh chuyển biến ấn tượng, chỉ sau 3 năm, vốn hóa của Vicostone đã tăng gấp 20 lần từ 800 tỷ lên 16.300 tỷ đồng (hơn 720 triệu USD), trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 tại HNX.


 Từ bờ vực phá sản đến công ty 700 triệu USD


Được thành lập vào cuối năm 2002 với cổ đông sáng lập là Tổng công ty Vinaconex (VCG), Vicostone ban đầu có tên gọi là Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Thời điểm đó, nhà máy được đầu tư 2 dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone) để phục vụ cho các công trình xây dựng trong nước.

Hoạt động của nhà máy lúc này không thực sự hiệu quả, gặp nhiều khó khăn, sản phẩm sản xuất ra không bán được do chất lượng không đảm bảo, đội ngũ nhân sự yếu kém và hầu như chưa nắm bắt được công nghệ.

Đứng trước vô vàn khó khăn tại nhà máy mới, ban lãnh đạo Vinaconex đành tiếp tục “thay tướng” nhằm đổi vận. Tháng 7/2004, sau 4 lần thay đổi lãnh đạo nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình, ông Hồ Xuân Năng khi đó là Thư ký chủ tịch HĐQT Vinaconex là cái tên được chọn làm giám đốc nhà máy.

Ngay khi về tiếp quản Vicostone, ông Năng đã nhận ra sai lầm cơ bản của việc định hướng thị trường và chuyển hướng sang làm hàng xuất khẩu.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi “thay tướng”, bước ngoặt đã đến với Vicostone khi lô hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty đã xuất khẩu sang Úc vào tháng 9/2004. Chỉ một năm sau, Vicostone đã vươn lên vị thế số 1 tại Úc về đá ốp lát nhân tạo với thị phần khoảng 45%.

Năm 2005, doanh thu Vicostone đã tăng gấp 3,5 lần năm trước đó lên 136 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Úc lên tới 122 tỷ đồng.

Đến năm 2007, Vicostone tiếp tục có bước tiến mới khi được chọn làm nhà cung cấp đá ốp lát cao cấp cho các sòng bài của khu giải trí City Center (Las Vegas), Mỹ.

Nhờ xâm nhập được vào các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ đã giúp Vicostone tăng trưởng “phi mã” trong những năm qua. Năm 2016, thị trường Mỹ hiện cũng trở thành nguồn thu chủ đạo đóng góp 66% doanh thu. Tiếp đến là châu Úc (21%) và châu Âu (12%).

Từ mức doanh thu vài chục tỷ đồng năm 2004 và mấp mé bờ vực phá sản, đến nay Vicostone đã trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới về đá ốp nhân tạo cao cấp với doanh thu năm 2016 đạt hơn 3.200 tỷ đồng.






 Năm 2017, Vicostone tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng rất tham vọng với mục tiêu 4.310 tỷ doanh thu (tăng 34%) và 1.000 tỷ lợi nhuận trước thuế (tăng 23%).


Báo cáo Global Engineered Quartz (E-Quartz) Countertops Market cho thấy nhu cầu sử dụng đá nhân tạo trên thế giới đang có được đà tăng trưởng rất cao. Sau khi tăng trung bình hàng năm khoảng 15,54% trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu với sản phẩm này dự kiến sẽ tăng lên 16,77% trong giai đoạn 2016-2021.

Vicostone nhận định đá nhân tạo mới chỉ ở bước đầu của giai đoạn phát triển trong vòng đời sản phẩm và được dự báo sẽ bước vào phát triển mạnh mẽ nhất trong những năm tới.

Đá nhân tạo đang chiếm khoảng 10% thị phần countertop (vật liệu làm mặt bàn bếp và các ứng dụng bề mặt khác) toàn cầu và sẽ tiếp tục mở rộng và dần hay thế các vật liệu truyền thống như laminate, đá tự nhiên marble …

Tại các thị trường trọng điểm khu vực Bắc Mỹ, đá nhân tạo vẫn còn là vật liệu mới được biết đến với thị phần còn khá khiêm tốn 8% ở Mỹ và 18% ở Canada - do vậy tiềm năng để gia tăng thị phần là rất lớn.


 Theo Trí Thức Trẻ