BƯỚC CHUYỂN BIẾN VỀ NHẬN THỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÔ HIỆU TỪ ĐẢNG VIÊN VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG TIẾN ĐẾN ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG NHÀ TÙ CÔN ĐẢO – 1930 – 1934*
Đồng chí Tô Hiệu
PGS,TS Đàm Đức Vượng**
Tô Hiệu giác ngộ tinh thần yêu nước rất sớm, từ năm 1925-1926, tham gia phong trào yêu nước của nhân dân ta lúc bấy giờ đấu tranh đòi chính quyền thực dân Pháp trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh), trong khi Anh học tại Trường Pháp – Việt, Hải Dương và chính thức bước vào trường đấu tranh cách mạng từ năm 1927, trong thời gian Anh lên Hà Nội học trường tư. Tại Hà Nội, Anh được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một tổ chức học sinh yêu nước, hoạt động theo xu hướng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tuy nhiên, lúc này, Anh vẫn còn phân vân về đường đi, nước bước, chưa ngã ngũ về sự lụa chọn hướng đi.
Cho đến năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn, hoạt động cùng với người anh ruột là Tô Chấn. Tô Chấn là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, là một người hoạt động rất năng nổ và có hiệu quả trong tổ chức này. Thấy người anh hoạt động hăng say như vậy, Tô Hiệu hỏi Tô Chấn về Việt Nam Quốc dân Đảng là một tổ chức nào mà anh lại hăng hái tham gia? Tô Chấn trả lời đó là một tổ chức yêu nước, chống Pháp xâm lược Đông Dương. Thấy Tô Chấn nói vậy, Tô Hiệu tìm hiểu ngay về tổ chức đó, vì thấy dân mình khổ quá rồi, cho nên phải vùng lên chống Pháp. Rồi qua Tô Chấn, Tô Hiệu quyết định xin gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng và Anh trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng vào cuối năm 1929 và cùng với Tô Chấn hoạt động rất tích cực trong tổ chức này. Tô Hiệu đã cùng với Tô Chấn đi xây dựng các tổ chức cơ sở của Đảng ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An. Hai anh em và những đồng chí của họ phải ăn rau, ăn khoai, ngủ bờ ngủ bụi để đi vận động quần chúng tham gia các hoạt động chống Pháp, cứu nước. Hoạt động gian khổ đến cùng cực, nhưng ai nấy tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào một ngày nào đó, Việt Nam sẽ đánh đuổi được thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi, đất nước sẽ được độc lập, tự do.
Bây giờ hãy nói một chút về Việt Nam Quốc dân Đảng. Vào đầu thế kỷ XX, không chịu nổi ách thống trị và đàn áp của thực dân Pháp tại Việt Nam, nhiều sĩ phu yêu nước đã nảy sinh tư tưởng cứu nước, trong đó có Nguyễn Thái Học, một học sinh Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương, đã cùng một số người yêu nước khác như Phạm Tuấn Tài, Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Lâm, Nhượng Tống, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc,… bí mật thành lập một tổ chức đấu tranh cách mạng nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập và tự do cho dân tộc. Đó là Việt Nam Quốc dân Đảng. Tiền thân của Việt Nam Quốc dân Đảng là tổ chức Nam Đồng Thư xã, tên một nhà xuất bản, đồng thời cũng là một hiệu sách bán những sách báo tiến bộ lúc đó, do Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống, Phạm Tuấn Lâm thành lập vào cuối năm 1925; sau đó, Nguyễn Đức Cảnh cũng tham gia Nam Đồng Thư xã và cũng gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng trước khi trở thành đảng viên cộng sản. Trụ sở của Nam Đồng Thư xã lúc bấy giờ ở số 6, đường 96, bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Từ tổ chức Nam Đồng Thư xã, ngày 25-12-1927, nhóm thanh niên yêu nước trên tổ chức Đại hội thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng. Ban lãnh đạo của Đảng lúc đầu gồm 9 người, do Nguyễn Thái Học làm Chủ tịch Tổng bộ (còn gọi là Đảng trưởng). Đảng tổ chức 3 đảng viên thành một tổ (gọi là “tổ tam tam”); 19 đảng viên trở lên thành lập một chi bộ; cao hơn chi bộ là xã bộ, huyện bộ, rồi cuối cùng là Tổng bộ ở cấp quốc gia.
Mục tiêu hoạt động của Đảng là: “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng vũ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa. Đồng thời, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, đặc biệt là các nước lân cận: Ai Lao, Cao Miên”1.
Tuy mới ra đời, Việt Nam Quốc dân Đảng hoạt động rất mạnh. Các tổ chức của Đảng phát triển rất nhanh, lan ra toàn Bắc Kỳ, rồi vào Trung Kỳ, một số đảng viên được cử vào hoạt động tại Nam Kỳ. Kết quả cao nhất trong hoạt động của Đảng dẫn đến các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ tại nhiều địa phương ở Bắc Kỳ như Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao (Phú Thọ), Vĩnh Bảo (hải Phòng),… Lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra vào ngày 10-2-1930. Rất tiếc là cuộc khởi nghĩa này đã bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Ngay trong ngày này, lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng 12 đảng viên của Đảng bị Pháp bắt tại làng Cổ Vịt, gần đồn Pháp đóng ở Chi Ngại, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Thái Học và các đảng viên của Đảng bị đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, rồi Pháp lại áp giải Nguyễn Thái Học từ ngục thất Hà Nội lên Yên Bái bằng xe lửa chiều ngày 16-6-1930 để chém đầu. Vào lúc 5 giờ 35 phút sáng 17-6-1930, tại Pháp trường Yên Bái, Nguyễn Thái Học cùng 12 đảng viên viên khác, trong đó có Đảng phó Phó Đức Chính, bị Pháp chặt đầu.
Sau thất bại cay đắng này, các tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng tan ra từng mảng; một bộ phận đầu hàng Pháp; một bộ phận chạy sang Trung Quốc, gia nhập vào Quốc dân Đảng Trung Hoa; một bộ phận xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vào khoảng tháng 5-1930, Tô Hiệu, đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng bị Pháp bắt trong dây chuỗi những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng còn sót lại sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Anh bị tòa án thực dân kết án 4 năm tù và đày ra giam tại Côn Đảo vào một ngày của nửa cuối năm 1930 cho đến năm 1934. Ở Nhà tù Côn Đảo lúc này có 3 loại tù: Tù nhân là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng; tù nhân là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và tù thường phạm. Tại Nhà tù Côn Đảo, lúc đầu, Tô Hiệu tuy biết Việt Nam Quốc dân Đảng đã bị tan rã, nhưng tinh thần của nó vẫn còn, cho nên Anh vẫn tuyên truyền cho Đảng của Anh. Anh tâm sự với anh em tù nhân Việt Nam Quốc dân Đảng, rằng, hy vọng một ngày nào đó, tổ chức của Đảng của Anh sẽ được khôi phục và tiếp tục đấu tranh chống Pháp xâm lược Việt Nam.
Những người tù cộng sản tại Nhà tù Côn Đảo lúc bấy giờ có các vị: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Hới, Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Đặng Xuân Thiều, Đỗ Ngọc Du (tức Phiếm Chu), Lý Hồng Nhật, Nguyễn Trọng Nhã (tức Sáu), Tô Thúc Rịch, Nguyễn Chí Diểu, Lê Quang Sung, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Hoan,… tất cả khoảng 100 người ở thời kỳ thành lập Đảng. Có một số người trước là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, nhưng khi ra Nhà tù Côn Đảo đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam như Trần Xuân Độ, Trần Huy Liệu,… Tô Hiệu cũng nằm trong diện này. Nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh). Chí sĩ Ngô Đức Kế cũng bị Pháp giam cầm tại Côn Đảo trước đó vào năm 1920-1921.
Tô Chấn năm 1930, cũng bị Pháp bắt giam tại Nhà tù Côn Đảo. Từ đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, Anh đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sống bên những người tù cộng sản tại Nhà Tù Côn Đảo, Tô Hiệu dần dần có cảm tình với họ, thấy họ đều là những người tử tế, có chí hướng cứu nước, đặc biệt là họ rất chịu khó học chính trị, văn hóa, ngoại ngữ. Ai cũng cố gắng học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tất cả để chờ thời, trở về đất liền, tiếp tục hoạt động.
Trong số những người tù cộng sản ở nhà tù Côn Đảo lúc bấy giờ, nổi bật lên có Ngô Gia Tự (Ngô Sĩ Quyết). Ngô Gia Tự là một trí thức, đỗ tú tài Tây, rất giỏi về lý luận và có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Anh là một trong những người sáng lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Chấp ủy lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ. Công việc đang tiến hành, thì đến tháng 5-1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt tại Sài Gòn. Sau những đòn phủ đầu tra tấn dã man và sau hơn 2 năm giam cầm ở nhiều nơi ngày 2-5-1933, tòa án thực dân đưa Ngô Gia Tự ra xử tại Tòa “Đại hình đặc biệt” cùng với 120 chiến sĩ cộng sản. Vào một ngày của tháng 5-1933, thực dân Pháp đưa Ngô Gia Tự ra giam tại Nhà tù Côn Đảo. Khi Ngô Gia Tự đến Côn Đảo, thì Tô Hiệu đã ở Côn Đảo trước đó được gần 3 năm. Tại Nhà tù Côn Đảo, Ngô Gia Tự được bổ sung vào Ban Chi ủy cộng sản. Khi Ngô Gia Tự đến Nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu biết tin, đã tìm mọi cách gặp Ngô Gia Tự, vì Tô Hiệu đã biết đến tài, đức của chiến sĩ cộng sản Ngô Gia Tự khi hai người còn chưa bị bắt. Tô Hiệu hơn Ngô Gia Tự 5 tuổi, nhưng rất phục tài hoạt động cách mạng của Ngô Gia Tự, vì Tô Hiệu nhận ra ở Ngô Gia Tự là một người giỏi lý luận cách mạng và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. Gặp Ngô Gia Tự, Tô Hiệu đã được giác ngộ cách mạng. Ngô Gia Tự đã phân tích cho Tô Hiệu biết về Quốc tế Cộng sản, về Đảng Cộng sản. Ngô Gia Tự cũng đã nói cho Tô Hiệu biết nội dung của tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của Các Mác và Ph.Ăngghen; về cách mạng Đông Dương và Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngô Gia Tự nói với Tô Hiệu và các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, rằng: “Phải biến nhà tù thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu, chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”2. Nhà tù Côn Đảo là một địa ngục trần gian khủng khiếp. Người tù nói chung đưa ra giam cầm tại đó, nhưng sống sót mà về được đất liền thì ít lắm. Ngô Gia Tự thường nói với các chiến sĩ bị giam cầm, rằng: “Chúng ta không thể ngồi khoanh tay đợi chết được, không thể để cho quân thù muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết. Phải đấu tranh mà giành lấy quyền sống còn”3. Rồi Ngô Gia Tự cùng anh em đấu tranh đòi mở cửa ngoài để thêm chút không khí và ánh sáng cho dễ thở; đấu tranh đòi có ngọn đèn lù mù ban đêm để có thể học tập được. Làm khổ sai vô cùng vất vả, nhưng anh em cũng bảo nhau tuyệt thực nhiều ngày mới được cùng nhau đi làm cho cứng tay, cứng chân, vất vả ở ngoài trời, còn hơn nằm không mà mòn mỏi trong hầm cố ngẹt thở. Có lần, Ngô Gia Tự nói với những người tù cộng sản ở Nhà tù Côn Đảo: “Chúng nó đẩy mình ra đây là để cho mình chết. Mình sống được là đã thắng địch rồi. Đấu tranh chẳng phải dễ dàng gì đâu. Mỗi lần đấu tranh là một lần đổ máu. Nhưng những người cộng sản chúng ta nhất định không chịu bó gối đầu hàng!”4
Ngô Gia Tự đã phân tích cho Tô Hiệu biết về Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Nam Quốc dân Đảng, dần dần, Tô Hiệu đã thấy được bản chất chính trị của Việt Nam Quốc dân Đảng và bản chất chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tô Hiệu thấy rõ tinh thần chống Pháp, cứu nước của Đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Tô Hiệu cũng nhận ra cái hạn chế của Việt Nam Quốc dân Đảng là không có một đường lối chính trị rõ ràng. Bản Điều lệ đưa ra duyệt trong đêm thành lập Đảng mới chỉ ghi chung chung là: “Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng”5. Đến bản Điều lệ thảo ra cuối năm 1928, thì mới thấy nêu chủ nghĩa của Đảng là “xã hội dân chủ”. Mục đích là “Đoàn kết các lực lượng cả nam lẫn nữ để đẩy mạnh cách mạng dân tộc, xây dựng nền dân chủ trực tiếp và giúp đỡ các dân tộc bị áp bức”6. Trong Chương trình hành động của Việt Nam Quốc dân Đảng vạch ra từ đầu năm 1929, thì “chủ nghĩa xã hội dân chủ” lại rút ra và thay bằng 3 nguyên tắc: “Tự do – Bình đảng – Bác ái” của nền cộng hòa tư sản Pháp. Nhưng nội dung cơ bản của cách mạng dân chủ là đưa lại ruộng đất cho dân cày thì không thấy nêu ra. Tô Hiệu cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Việt Nam Quốc dân Đảng vì không tập hợp được lực lượng đa số công nông. Cuối cùng, thì chủ nghĩa tam dân của Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) lại được những người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng tiếp thu như chủ nghĩa chính thức của Đảng.
Tô Hiệu cũng nhận ra rằng, về thành phần xã hội, số đông đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng xuất thân từ sinh viên, học sinh, trí thức, công chức, người làm nghề tự do, một số tư sản ở thành thị. Việt Nam Quốc dân Đảng kết nạp cả những thân hào, địa chủ, phú nông ở nông thôn và một số binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Tô Hiệu rất băn khăn là tại sao Việt Nam Quốc dân Đảng hầu như không kết nạp công nhân và nông dân lao động, hai lực lượng cơ bản của cách mạng Việt Nam. Rõ ràng, đây là một tổ chức lỏng lẻo, thành phần phức tạp. Việt Nam Quốc dân Đảng đã để cho không ít chỉ điểm của Pháp chui vào Đảng. Nội bộ Đảng, ngay ở cấp Tổng bộ, có lúc đã xảy ra chia rẽ nghiêm trọng giữa một bên là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và một bên là phe phái của Nguyễn Thế Nghiệp. Lúc đầu, Việt Nam Quốc dân Đảng không có tổ chức quần chúng. Mãi đến năm 1929, vì muốn tranh giành ảnh hưởng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng, thì mới bắt đầu tổ chức ra một số hội, đoàn. Tóm lại, Tô Hiệu đi tới kết luận, rằng, Việt Nam Quốc dân Đảng thiếu một cơ sở lý luận tiên tiến, thiếu một phương pháp cách mạng đúng đắn, lại không có chỗ dựa vững chắc trong quần chúng công nông, cho nên Việt Nam Quốc dân Đảng thiên về manh động và khủng bố cá nhân. Nó đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng của giai cấp tư sản dân tộc và tiểu tư sản lớp trên. Vì vậy, Việt Nam Quốc dân Đảng không thể trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Tô Hiệu đã mang nhận thức của mình về Việt Nam Quốc dân Đảng ra tâm sự với Ngô Gia Tự và những đảng viên cộng sản và đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng trong Nhà tù Côn Đảo. Mọi người rất tán thành sự đánh giá về Việt Nam Quốc dân Đảng của Tô Hiệu.
Về Đảng Cộng sản Đông Dương, được Ngô Gia Tự giác ngộ, Tô Hiệu đã hiểu được những hoạt động cơ bản của các tổ chức tiền thân của Đảng như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đảng Cộng sản Việt Nam (đến tháng 10-1930 đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương). Đảng làm cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mang lại độc lập cho dân tộc, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thực tế trên đây chứng tỏ chủ nghĩa Mác – Lênin thông qua các hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thật sự thâm nhập phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Tô Hiệu bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin qua sự truyền bá của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tô Hiệu hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin từ góc độ của một nhà yêu nước chân chính và muốn ra tay cứu nước.
Sau những đêm trăn trở, suy tư ở nơi tù ngục, Tô Hiệu quyết định đoạn tuyệt với những tư tưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng. Anh hiểu rằng, với đường lối, phương pháp cứu nước có vấn đề, cho nên Việt Nam Quốc dân Đảng đã gục ngã trước họng súng của thực dân Pháp tại Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc không thể nhân danh mãi là đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng, mà phải xin làm đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tô Hiệu muốn noi theo tấm gương của Trần Xuân Độ, một trong những đảng viên kỳ cựu của Việt Nam Quốc dân Đảng, cũng phải xin ra khỏi tổ chức này để gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tô Hiệu nói rằng, Anh đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa đường lối, phương pháp, tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng với đường lối, phương pháp, tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh tin rằng, với đường lối này, Đảng Cộng sản Đông Dương nhất định sẽ lãnh đạo nhân dân Đông Dương đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước và giành độc lập cho dân tộc.
Ngô Gia Tự hiểu thấu nỗi lòng của Tô Hiệu. Một hôm, Ngô Gia Tự hỏi Tô Hiệu: “Đồng chí có muốn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương không?”. Tô Hiệu trả lời: “Tôi rất muốn”. Thế là vào khoảng cuối năm 1933, Tô Hiệu được Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Như vậy, từ một đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng, Tô Hiệu đã trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, từ một người đứng trên lập trường dân chủ tư sản sang một người đứng trên lập trường cộng sản. Được gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, Tô Hiệu thấy phấn chấn trong lòng. Anh đặt quyết tâm rất cao là suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng. Anh càng cố gắng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận, trình độ văn hóa và ngoại ngữ.
Năm 1934, mãn hạn tù, Tô Hiệu trở về đất liền hoạt động. Trong 4 năm ở Nhà tù Côn Đảo, Tô Hiệu đã trưởng thành về lập trường, tư tưởng và tinh thần cách mạng triệt để. Điều vinh dự nhất đối với Anh là đã được Chi bộ Nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Mặc dù đã được tha, nhưng mật thám Pháp vẫn liệt Anh vào loại “nguy hiểm”, đưa về quản thúc tại quê nhà và theo dõi chặt chẽ. Mặc dù bị quản thúc tại quê nhà, Tô Hiệu vẫn bí mật tìm mọi cách liên hệ với Đảng và bát tay ngay vào hoạt động cách mạng.
Khi Tô Hiệu ra tù, thì Ngô Gia Tự vẫn còn đang bị giam cầm ở Nhà tù Côn Đảo. Mãi đến năm 1935, Ngô Gia Tự mới vượt ngục trở về đất liền hoạt động, nhưng bị mất tích giữa biển khơi.
-----------------------------------
* Tham luận tại Hội thảo Khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”, do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức tại Hưng Yên vào chiều ngày 12-10-2017.
** Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.
1 Dẫn theo sách “Việt sử khảo luận” của Hoàng Cơ Thụy, xuất bản tại Paris - Nam Á, 2002, tr. 1780.
2 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1977, tr.33.
3 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1977, tr.33.
4 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những người cộng sản, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1977, tr.33.
5 Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập 5, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, Hà Nội, 1956, tr.18.
6 Điều lệ của Việt Nam Quốc dân Đảng (1928).