Câu chuyện xã hội: 'Việt Nam vô địch'
Bao nhiêu lần xem Việt Nam thi đấu, tôi đều ám ảnh bởi tiếng hô đó.
Năm 2014, tôi xem trận giao hữu của tuyển Việt Nam trên sân Thống Nhất. Trên khán đài, “Việt Nam vô địch” rần rần vang lên, dù đây là trận giao hữu. Năm 2015, tôi lại đến sân xem trận chung kết giữa U21 Hoàng Anh Gia Lai và U19 Hàn Quốc tại giải U21 Quốc tế, khán giả vẫn “Việt Nam vô địch” dù lúc này “Việt Nam” chỉ là CLB Hoàng Anh Gia Lai, còn đội tuyển Việt Nam đã thua ở trận tranh giải ba.
Từ khán đài các trận bóng đá khắp nơi trên thế giới, cổ động viên vẫn thường hô vang từ “vô địch” như một cách thể hiện ước mơ chiếm lĩnh đỉnh cao trong thể thao, đồng thời tưởng thưởng cho sự vươn lên của các cầu thủ. Nhưng với những gì diễn ra trong và sau các trận đấu (đặc biệt là với những trận thất bại) của đội tuyển quốc gia, tôi không tìm thấy nhiều ý nghĩa đó ở môi trường Việt Nam.
Nếu người hâm mộ hô vang "vô địch" là một sự tưởng thưởng cho nỗ lực của các cầu thủ, dù họ thắng hay bại - sự vô địch trong tâm tưởng - thì sau đó, mọi cố gắng của họ đều nên được ghi nhận. Nhưng ở đây thì không vậy. "Việt Nam vô địch", nhưng sau đó nếu thua, vẫn là chỉ trích, là sa thải, thậm chí là thóa mạ. Tiếng hô ấy dường như tạo áp lực nhiều hơn là sự động viên.
“Việt Nam vô địch” là slogan không chính thức của bóng đá Việt Nam. Không phải tôi nghiêm túc hóa một khẩu hiệu, nhưng bạn có thể lấy ra được nhiều điều từ slogan trên.
Đầu tiên, tôi nhìn thấy sự vĩ cuồng. Việt Nam không phải là Brazil với 5 lần vô địch World Cup, càng không phải là Real Madrid “có số danh hiệu đủ để đè bẹp phần còn lại của thế giới”. Việt Nam chỉ là một quốc gia chưa bao giờ vô địch SEA Games, suốt 24 năm chỉ có đúng một lần lên ngôi ở Đông Nam Á - một vùng trũng của bóng đá thế giới.
Thứ hai, đó là sức ép. Mục tiêu đầu tiên đặt ra cho một huấn luyện viên mới của đội tuyển luôn là chiếc huy chương vàng. Sức ép Việt Nam phải vô địch giống như quả cân nặng đè lên đôi vai của các huấn luyện viên, khiến không thể xây dựng một chiến lược lâu dài. Và để không bị 80 triệu huấn luyện viên khác ở bên bàn phím chê bai, để không bị các lãnh đạo VFF thanh lý hợp đồng, họ bắt buộc chọn giải pháp tình thế. Nhưng mà sức bật của đội tuyển không đủ, vậy là cứ luẩn quẩn mãi, đập đi xây lại mãi. Các huấn luyện viên đời trước ra đi, để lại cho người kế nhiệm một ngôi nhà đổ nát. Trong khi đó các thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam già đi theo năm tháng.
Tiếng hô “Việt Nam vô địch” còn phản ánh hệ tư duy đầy mâu thuẫn. Tại CLB Real Madrid, không có sự chờ đợi, bởi vì đối với một đội bóng sinh ra để vô địch như Real, thì đứng thứ hai đồng nghĩa với thất bại. Nhưng còn Việt Nam, thay vì ý thức về vị trí và lượng đúng sức mình thì huấn luyện viên nào không hái được chức vô địch sẽ có thể bị đòi sa thải ngay tắp lự.
Cả đất nước đang sôi sục tìm người dẫn dắt tuyển Việt Nam, nhưng trước khi thay đổi huấn luyện viên, phải thay đổi tư duy.
Tôi có một thống kê như sau: tính từ 1995, khi đội tuyển quốc gia Việt Nam có thầy ngoại đầu tiên, trong vòng 23 năm, Việt Nam đã… 19 lần thay đổi huấn luyện viên. Trung bình một người ngồi chiếc ghế này khoảng 1 năm, 2 tháng. Liệu họ, dù tài giỏi đến đâu, sẽ làm được gì cho đội tuyển trong thời gian ít ỏi đó?
Biểu hiện cao nhất của sự thay đổi tư duy phải bắt đầu từ sự thay đổi của VFF. Có một nguyên tắc, nếu như làm đủ mọi việc mà chỉ đưa đến một kết quả, thì con đường đang đi đã có vấn đề và không thể tiếp tục. Con đường mới có thể chưa chắc đã cho quả ngọt ngay, nhưng cần phải thử để mở lối. Chúng ta đã thay đổi mọi thứ: 12 đời thầy ngoại, 7 đời thầy nội; đã đi qua bao nhiêu thế hệ cầu thủ; cả nền bóng đá cũng đã chuyển lên chuyên nghiệp từ 2001. Nhưng có một thứ vẫn y nguyên, là cách thức vận hành và quản lý của VFF: V-League vẫn cứ bạo lực, xử phạt thì duy tình hơn duy lý, đào tạo bóng đá trẻ thì thiếu đồng bộ, mạnh ai nấy làm, lối chơi cũng không có hệ thống...
Sáu năm trước, huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam khi đó là ông Falko Goetz cầm quân thất bại tại SEA Games 26 như Hữu Thắng hôm nay. Để xoa dịu dư luận, Tổng thư ký liên đoàn bóng đá Việt Nam khi đó là Trần Quốc Tuấn (nay Phó chủ tịch VFF) đã xin lỗi và nộp đơn xin từ chức. Nhưng chỉ sau cuộc họp của Ban chấp hành VFF, ông Tuấn nhận được 19/23 phiếu tín nhiệm để được giữ lại. Trong khi đó 100% bỏ phiếu sa thải Falko Goetz. Kết quả, Goetz bị sa thải khi đang… nghỉ Giáng sinh ở bên Đức. Lời giải thích mà chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đưa ra “Anh Tuấn là cán bộ trẻ có năng lực, lại nằm trong diện được quy hoạch”. Đến nay, chúng ta có thêm 4 ông Falko Goetz nữa.
Chúng ta chỉn chu trong quy hoạch lãnh đạo VFF, và bỏ mặc việc quy hoạch huấn luyện viên cho các đội tuyển quốc gia. Hôm nay, chỉ là hậu quả của ngày hôm qua. Nhưng dư luận vẫn cứ đang bàn về cái ngọn.
Khi tư duy cũ, thì thay huấn luyện viên chỉ là thay cái bình mới cho chất lượng rượu đã cũ.
Dũng Phan (VnExpress)