Mới cập nhật

CHỦ NGHĨA CẢI LƯƠNG Ở VIỆT NAM HỒI ĐẦU THẾ KỶ XX

 

PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

1.Đấu tranh để giành lại nước bằng con đường cải lương trong lúc cách mạng chưa giành được chính quyền sẽ không bao giờ mang lại độc lập cho dân tộc. Kinh nghiệm này được xem như một quy luật của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Đừng tưởng rằng, chế độ thực dân ở Đông Dương trả lại nền độc lập cho Việt Nam một cách dễ dàng. Trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc quyết liệt, nếu dựa vào đế quốc này để đánh đế quốc kia cũng chỉ là ảo tưởng, vì các nước đế quốc lớn đánh nhau xong, rồi lại họp nhau lại để chia chác thị trường thế giới và phân công nhau thống trị các nước thuộc địa và phụ thuộc nhỏ bé.

Chủ nghĩa cải lương là trào lưu chính trị bên trong của phong trào công nhân nhằm đấu tranh giành những cải cách nhỏ bé, không động đến cơ sở của chế độ bóc lột, thay thế cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống chủ nghĩa tư bản; phủ nhận tính tất yếu của đấu tranh giai cấp, của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, có thể nói, chủ nghĩa cải lương là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, gắn với chủ nghĩa cơ hội và hệ tư tưởng cơ hội hữu khuynh của chủ nghĩa cải lương. Chủ nghĩa cơ hội là “anh em sóng đôi” với chủ nghĩa cải lương. Chủ nghĩa cơ hội là chủ nghĩa đầu hàng, thỏa hiệp với đế quốc, một khuynh hướng trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đặt quyền lợi của dân tộc phụ thuộc vào quyền lợi của giai cấp bóc lột. Cũng như chủ nghĩa cải lương, cơ sở xã hội của chủ nghĩa cơ hội là tầng lớp “công nhân quý tộc”. Chủ nghĩa cơ hội xuất hiện và phát triển vào thời kỳ phát triển hòa bình của chủ nghĩa tư bản, thời kỳ trước tư bản lũng đoạn. Ở giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, chủ nghĩa cơ hội phát triển nhanh và trở thành khuynh hướng thống trị trong các đảng chính trị của Quốc tế II. Tới Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa cơ hội phát triển thành chủ nghĩa sôvanh nước lớn. Trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, những người cộng sản, một mặt, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương, mặt khác, chủ trương lôi kéo những phần tử tích cực trong chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa cơ hội vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và áp bức dân tộc.

Chủ nghĩa cải lương không có một thế giới quan hoàn chỉnh và thống nhất. Họ tuyên bố phép biện chứng đã lỗi thời, không đếm xỉa gì đến chủ nghĩa duy vật, coi chủ nghĩa xã hội là cái không có thực trong đời sống xã hội, tuyên truyền thuyết tiến hóa tầm thường.

Chủ nghĩa cải lương ra đời từ 25 năm cuối thế kỷ XIX và lan nhanh sang đầu thế ký XX. Nó đối lập với học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin. Hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa cải lương đã lan ra khắp ra các nước tư bản và các nước thuộc địa, phụ thuộc. Cơ sở xã hội của nó là tầng lớp trên của giai cấp công nhân (“công nhân quý tộc”), các tầng lớp trung gian và giới quan liêu trong các công đoàn. Quốc tế thứ hai lúc đầu là Quốc tế cách mạng, sau trở thành tổ chức quốc tế của chủ nghĩa cải lương.

Những người cải lương đưa ra “lý luận” hợp tác giai cấp, hòng đem giai cấp công nhân và nhân dân lao động phục tùng chế độ tư bản và chế độ thống trị của chúng ở các nước thuộc địa. Họ đưa ra “lý luận” chủ nghĩa xã hội dân chủ, tức là đem nhập chủ nghĩa tư bản vào chủ nghĩa xã hội để đối lập với học thuyết cải tạo xã hội bằng cách mạng. Những người cải lương hy vọng nhờ một số cải cách nhỏ nhoi mà có thể biến chủ nghĩa tư bản và ách thống trị của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa thành một xã hội “thịnh vượng chung”. Vấn đề đặt ra là nếu không cải tạo cách mạng đối với xã hội, thì không một cuộc câch nào, có thể mang lại sự giải phóng dân tộc và có thể tạo ra chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa Mác – Lênin đã bóc trần bản chất tư sản của các thứ lý luận cải lương và hoạt động của những người cải lương trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc quyết liệt để lấy lại nước và thiết lập chính quyền cách mạng. Đây không phải là vấn đề bảo thủ, “cố hữu” như một số người do nhận thức sai trái đã rêu rao, vu khống, mà là vấn đề nhận thức quan điểm cách mạng của những người cộng sản hồi đầu thế kỷ XX.

Những người cộng sản chân chính đã luôn luôn và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương dưới mọi hình thức. Họ không phủ nhận rằng, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đảng của giai cấp công nhân cần phải đấu tranh giành những cải cách nhất định để cải thiện tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa của dân tộc mình, nhưng họ chỉ coi những cải cách ấy là những kết quả phụ của cuộc đấu tranh giai cấp, mà mục đích cơ bản là phải thay thế xã hội tư bản và xã hội thực dân, phong kiến bằng xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giai cấp, những người cộng sản sẵn sàng chủ trương hợp tác với các đảng xã hội dân chủ trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Ở đây, cũng cần phải nhận thức cho đúng giữa chủ nghĩa cải lương và vấn đề cùng tồn tại hòa bình có khác nhau. Cùng tồn tại hòa bình là vấn đề có tính nguyên tắc quan hệ giữa các nước có chế độ xã hội đối lập. Nguyên tắc này đòi hỏi phải từ bỏ chiến tranh, xem đó như một phương tiện để giải quyết những vấn đề tranh chấp. Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền về tay nhân dân, cách mạng không thể thắng cùng một lúc ở tất cả các nước. Vì vậy, trong một thời gian lịch sử nhất định, có thể kéo dài, trên thế giới không thể tránh khỏi có những nước tư bản chủ nghĩa cùng tồn tại bên cạnh các nước xã hội chủ nghĩa, lấy đó làm chính sách đối ngoại của nhà nước mình cả trong điều kiện hiện nay. Cùng tồn tại hòa bình, đòi hỏi không được can thiệp vào công việc nội bộ của các dân tộc, phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, phải phát triển những quan hệ kinh tế, văn hóa giữa các nước. Tồn tại hòa bình không có nghĩa từ bỏ đấu tranh vũ trang trong trường hợp nước khác tấn công nước mình, muốn dùng vũ khí để áp đặt sự thống trị của họ lên nước mình. Mọi dân tộc đều có quyền cầm vũ khí chống xâm lược và bóc lột. Tồn tại hòa bình cũng đòi hỏi phải có cả đấu tranh chính trị trên vũ đài quốc tế. Tồn tại hòa bình không mở rộng sang lĩnh vực tư tưởng.

2. Chủ nghĩa cải lương xuất hiện tại Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX khi chủ nghĩa cơ hội chạy đua vào để giải quyết vấn đề xã hội theo quan điểm của họ.

Ngay từ năm 1911, khi Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) xuống tàu biển ra đi tìm đường cứu nước. Trên tàu, Anh đã gặp một phần tử quốc gia cải lương tên là Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông, vào làng Tây, đi tàu hạng nhất cùng với gia đình ông ta đưa con sang học tại Pháp. Trông thấy Văn Ba, Bùi Quang Chiêu gọi Anh lại và thân mật bảo: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn,…”1. “Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không”2. Trong khi các phần tử cải lương và cơ hội chưa dứt lời tụng ca chế độ dân chủ có khả năng ngăn ngừa được chiến tranh, mà đất nước vẫn giành được độc lập, tự do, thì cục diện chính trị thế giới hồi đầu thế kỷ XX nổi lên những cơn bão táp cách mạng, mà nổi bật nhất là Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Khẩu hiệu chiến lược cách mạng của V.I.Lênin: “Giai cấp công nhân tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại!”3 có sức lan tỏa rộng tới phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trong đó có Việt Nam.

Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nhận định chủ nghĩa cải lương ở Việt Nam chỉ có thể giúp chính đảng, chứ không thể hợp với chính đảng4.

Trên mặt trận chính trị và tư tưởng, quan điểm cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã đẩy lùi quan điểm cải lương, tư tưởng dân tộc hẹp hòi và chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng Việt Nam.

Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khác với con đường của các nhà yêu nước tiền bối. “Đó là con đường dân tộc độc lập và dân chủ, tự do của những người Việt Nam yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân”5. Con đường ấy hoàn toàn khác với con đường cải lương mà một số người đã đi.

Chủ nghĩa cải lương ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, biểu hiện: (1) Cải cách xã hội trong khuôn khổ của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, thay thế cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến Nam triều. (2) Dựa vào chế độ Đông Pháp để đánh đổ triều đình Nguyễn. (3) Họ không quan tâm đến lợi ích của nhân dân lao động, mà chỉ vun vén cho các tầng lớp trên. (4) Về thành phần cứu nước, họ không nói gì đến giai cấp công nhân và giai cấp nông dân cơ bản, mà chỉ hướng về giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp quan lại và trí thức. (5) Trên trường chính trị, họ muốn điều hòa giai cấp, hợp tác giai cấp, hòng đem nhân dân lao động phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị. (6) Việc chủ trương dựa vào đế quốc này để đánh đổ đế quốc kia cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cải lương.

Rồi kết cục ra sao? Những người theo chủ nghĩa cải lương và ảnh hưởng của chủ nghĩa cải lương cũng bị thực dân loại bỏ. Những người đi con đường Đông du, rút cục bị trục xuất ra khỏi nước Nhật do Pháp và Nhật lúc bấy giờ câu kết với nhau để thanh toán những nhà yêu nước Việt Nam trong cuộc hành trình Đông du. Những người chủ trương cải cách xã hội trong khuôn khổ của chế độ Đông Pháp, rút cục, cũng bị vô hiệu hóa. Chủ nghĩa cải lương sụp đổ. Nhà yêu nước Phan Bội Châu bị chính quyền Đông Pháp cho “an trí” tại Huế. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh cũng bị nhà cầm quyền Đông Pháp kiểm soát. Nhiều nhà yêu nước chân chính khác bị chính quyền Đông Pháp bắt giam hoặc bị giết. Có người lúc đầu theo xu hướng cải lương, sau lại trở thành nhà yêu nước như Phan Châu Trinh. Cụ Phan Bội Châu sục sôi tinh thần cứu nước, nhưng vẫn không cứu được nước.

Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc lúc này là dân tộc Việt Nam muốn được độc lập, tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình, người Việt Nam phải tự giải phóng lấy mình, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Kết luận ấy có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nó soi sáng con đường đấu tranh cách mạng, động viên nhân dân ta tiến lên vì sự nghiệp cứu nước. Trên thực tế, đi con đường của Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh chống xâm lược và chống chủ nghĩa cải lương. Đất nước được độc lập như ngày hôm nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc bấy giờ rất cảnh giác với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức. Đảng nhận định lúc bấy giờ đất nước ta xuất hiện một bộ phận “ra mặt quốc gia cải lương, chúng nó muốn lợi dụng phong trào cách mạng, một mặt thì yêu cầu với đế quốc cải lương chánh trị và kinh tế để thêm quyền lợi riêng của chúng nó (xin lập hiến, xin khai khẩn đất ruộng,v.v.), một mặt thì hô hào tư bổn và vô sản bản xứ hợp tác và làm bộ yêu cầu cải cách sanh hoạt của công nông. Mục đích của chúng nó là cốt lừa gạt quần chúng và phá hoại c.m (cách mạng). Trong giai cấp tiểu tư sản thì những bọn bị áp bức nhứt đã bắt đầu theo phong trào c.m (cách mạng), một phần nữa thì theo ảnh hưởng quốc gia cải lương”6.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cải lương đã giành được thắng lợi, khi toàn dân đoàn kết một lòng, chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định ngay từ khi mới thành lập và được nhân dân đồng tình ủng hộ, mang lại thắng lợi vẻ vang.

------

1.Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.17.

  1. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, sđd, tr. 17.

  2. Khẩu hiệu này của V.I.Lênin nói tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp năm 1920, tại Mátxcơva, Liên Xô.

  3. Xem Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.316.

  4. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đàng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 15.

  5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.106.