Kinh tế thế giới 2017 tác động ra sao đến Việt Nam?
Mới đây, công ty nghiên cứu thị trường Marketintello đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2017 với nhiều đánh giá về ảnh hưởng của toàn cầu với Việt Nam.
Mỹ rủi ro, Trung hạ cánh, Nhật vật lộn, giá hàng hóa hồi phục
Kinh tế thế giới năm 2017 sẽ diễn biến tích cực hơn năm 2016 với động lực tăng trưởng chính là Mỹ hoặc có thể thêm cả Châu Âu. Tuy nhiên, những chính sách không rõ ràng của Tổng thống Trump cùng các biến động chính trị tại Anh, Pháp, Đức có thể đem tới những biến đổi khó lường.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại vào cuối năm 2016 nhưng vẫn nằm trong dự báo. Tính cả năm 2016, nước này tăng trưởng 1,96% so với năm trước và chính tăng trưởng tiêu dùng là đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế.
Mức thu nhập của người lao động được cải thiện là một trong những nguyên nhân chính kích thích tiêu dùng tại Mỹ.
Mặc dù vậy, xuất khẩu tăng chậm và thâm hụt thương mại đã làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2016 và tiếp tục lan sang đầu năm 2017. Tính đến tháng 2/2017, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt 134,5 tỷ USD, cao hơn 4,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ cũng tăng cao trong tháng 2/2017 khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây thực tế là một tin tốt chứng tỏ người tiêu dùng chi tiêu, đầu tư nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất trong tháng 3/2017 và có thể sẽ còn tăng thêm 2 đợt nữa vào tháng 6 và tháng 9 trong năm.
Ở bên kia Đại Tây Dương, kinh tế khu vực Eurozone chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,7% năm 2016, thấp hơn mức 2% năm 2015 nhưng các chỉ số đều cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế khu vực này trong năm nay.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên 56,4 điểm vào tháng 3/2017, mức cao nhất trong 6 năm qua. Số lượng việc làm tăng cao còn chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đạt 1,9%.
Dẫu vậy, việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cùng những biến động chính trị khiến Quỹ tiền tệ quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2017 của khu vực này xuống chỉ còn 1,6%.
Hiện việc đàm phán Brexit vẫn đang tiếp tục mà chưa có kết quả trong khi tác động của chúng đến Châu Âu vẫn còn hạn chế và cần thời gian để đánh giá.
Tại Châu Á, Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ cánh mềm trong năm 2017 và dù rất khó để kiềm chế đà giảm tốc tăng trưởng nhưng tỷ lệ tăng 6,5% GDP năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Năm 2016, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 6,7% và là mức thấp nhất trong 25 năm qua và chính quyền Bắc Kinh đã chuyển hướng tập trung cho các giải pháp ổn định kinh tế, chống đỡ với rủi ro.
Những số liệu đầu năm cho thấy nền kinh tế Trung Quốc khá ổn định. Tình hình đầu tư cho cơ sở hạ tầng 2 tháng đầu năm chuyển biến tích cực trong khi các chỉ báo công nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan của ngành sản xuất. Chỉ số PMI tháng 3 của nước này dù thấp hơn tháng 2 nhưng vẫn nằm trên mức 50 điểm.
Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục suy giảm còn nhập khẩu tăng mạnh, dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt vào tháng 2 lần đầu tiên trong 3 năm qua. Tuy nhiên, tình hình này được đánh giá chủ yếu là do ảnh hưởng từ Tết Nguyên đán.
Nền kinh tế láng giềng với Trung Quốc là Nhật Bản cũng đang chứng kiến nhiều thử thách. Kinh tế Nhật sẽ tích cực hơn trong năm nay nhưng khó có nhiều đột phá do các chính sách nới lỏng tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe chưa cho thấy nhiều hiệu quả.
Sau 52 tháng liên tục vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng như trước đây, Nhật vẫn chưa thấy dấu hiệu bùng nổ mạnh mẽ nào khi chỉ tăng trưởng 0,8% GDP năm 2016 và 0,4% cùng 0,3% 2 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, mục tiêu của các chính sách nới lỏng tiền tệ là tăng trưởng 2%.
Đây có thể nói là đợt hồi phục kinh tế chậm thứ 3 của Nhật kể từ sau Thế Chiến thứ II.
Dẫu vậy, kinh tế Nhật cũng có những điểm sáng từ sản xuất và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng trưởng cao trong 4 tháng liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 2/2017. Chỉ số PMI tháng 3 cũng đạt trên 50 điểm tháng thứ 8 liên tiếp. Chính nhờ nhu cầu ngày một tăng từ các thị trường Mỹ và Trung Quốc đã giúp xuất khẩu Nhật tăng tới 11,3% trong tháng 2/2017.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa trên thế giới đang có xu hướng hồi phục khi chỉ số giá cả nông nghiệp, kim loại và năng lượng đã hồi phục về gần tương đương với mức năm 2015. Tuy nhiên, nhóm hàng năng lượng lại có biến động khá mạnh.
Giá dầu thô đã được hỗ trợ bởi quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhưng những xung đột về lợi ích giữa các thành viên và sự phát triển của nguồn năng lượng thay thế có thể kiềm chế giá dầu ở mức 55 USD/thùng vào cuối năm nay. Ngoài ra, sự leo thang trong chiến tranh tại Syria có thể tạo áo lực tăng giá nhẹ trong năm.
Thách thức đối với Việt Nam
Theo đó, triển vọng của các nền kinh tế thế giới sẽ chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, khiến việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở nên khó khăn hơn trong năm 2017. Đặc biệt, do ngành xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài nên tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 sẽ gặp nhiều thử thách.
Ngoài ra, những chính sách bảo hộ mà Tổng thống Donald Trump đang xem xét cũng có thể ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu trong nước, qua đó gián tiếp tác động đến thị trường tiền tệ và gây áp lực phá giá Việt Nam đồng.
Hiện ông Trump vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch cải cách thuế toàn diện, một trong tâm trong chiến lược cải tổ nền kinh tế. Nếu chúng không được hoàn thành sớm, Mỹ sẽ khó có đủ ngân sách để trang trải cho các biện pháp kích thích kinh tế.
Hơn nữa, chính sách thuế biên giới của Mỹ đang được xem xét và điều này gây bất lợi cho xuất khẩu Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Ảnh minh họa: Tp.HCM.
Trong khi đó, dù có một số dấu hiệu tốt nhưng nếu thương lượng liên quan đến Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit bị đổ bể thì tình hình rất có thể sẽ đảo chiều, qua đó ảnh hưởng đến tài chính toàn cầu bao gồm Việt Nam.
Quốc gia láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng không khả quan lắm khi gặp khó khăn ổn định kinh tế. Việc mở rộng tín dụng quá mức khiến thị trường bong bóng xuất hiện. Xuất khẩu thì suy giảm còn chính phủ Mỹ có thể sẽ có những chính sách đối đầu với Trung Quốc. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, nguy cơ cạn kiệt ngoại hối sẽ khiến đồng Nhân dân tệ phá giá và đẩy các dòng vốn chạy khỏi thị trường này.
Trong khi đó, sự hồi phục dần của giá cả hàng hóa thế giới có khả năng sẽ nâng chỉ số tiêu dùng và lạm phát trong nước.