Mới cập nhật

LÊ VĂN LƯƠNG VỚI VIỆC NGHIÊN CỨU TỔNG KẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰCXÂY DỰNG ĐẢNG VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ*

  Đồng chí Lê Văn Lương


PGS,TS Đàm Đức Vượng**

 Có thể nói, Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều) suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng đều làm công tác Đảng, trong đó có công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.


Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị, làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí làm công tác này tới tận năm 1956, khi bị kỷ luật sai lầm trong cải cách ruộng đất. Trước Đại hội II của Đảng (1951), Đồng chí cũng đã làm công tác tổ chức – cán bộ của Đảng.

Lần thứ hai, Đông chí làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng từ năm 1973 đến năm 1976. Ngoài ra, có thời gian, Đồng chí làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Bí thư Thành ủy Hà Nội, cũng đều là công tác của Đảng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Văn Lương rất chủ trọng đến việc nghiên cứu tổng kết, rút ra những kinh nghiệm quý báu thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Khi không còn làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Đồng chí vẫn tham gia làm nhân sự của Đảng. Vì vậy, có thể nói, suốt cả cuộc đời của Đồng chí là cuộc đời làm công tác tổ chức – cán bộ. Phẩm chất cách mạng của Đồng chí được thể hiện ở trên các cương vị công tác, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của Đảng, của Nhà nước và các đoàn thể. Cống hiến của Đồng chí là hoạt động thực tế trong công tác của Đảng. Đồng chí không có những cuốn sách riêng tổng kết về xây dựng Đảng, nhưng kết quả của công tác xây dựng Đảng của Đồng chí được thể hiện trong các báo cáo, dự thảo nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

     Về xây dựng Đảng

     Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương coi việc nghiên cứu tổng kết một số vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu. Đồng chí vừa nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng, vừa đi tìm hiểu tình hình thực tế ở nhiều địa phương cấp ủy để có tài liệu nghiên cứu tổng kết xây dựng Đảng. Đồng chí vẫn thường nói nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, lịch sử kết hợp với lôgích là phương pháp nghiên cứu tốt nhất hiện nay trong công tác nghiên cứu khoa học, trong đó có công tác của Đảng.

Nhớ lại hồi năm 1945, với sách lược “giải tán Đảng”, thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật, để che mắt và làm “vừa lòng” thù trong giặc ngoài, thay vào đó là thành lập “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Đến Đại hội II của Đảng (1951), Đảng ra hoạt động công khai, cho nên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương không còn thích hợp nữa. Ngày 30-4-1951, trên cương vị Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, soạn thảo Chỉ thị về Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, thành những nhóm nghiên cứu chủ nghĩa ở các địa phương. Theo đồng chí Lê Văn Lương, tuy Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương không tồn tại, nhưng việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn tiếp tục ở các ngành, các cấp, các địa phương. Việc nghiên cứu đó phải gắn bó chặt chẽ với công tác xây dựng Đảng.

Theo đồng chí Lê Văn Lương, việc “Đảng ra hoạt động công khai phải là động cơ củng cố đại đoàn kết đẩy mạnh kháng chiến và phải gây một đà phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân”1. Đảng ra hoạt động công khai càng phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, làm cho đời sống chính trị của Đảng trở thành đời sống chính trị trong toàn xã hội.

Đồng chí Lê Văn Lương đã tổng kết về công tác xây dựng Đảng như sau:

Một là: Phải kiên trì xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức:

Theo đồng chí Lê Văn Lương, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức phải luôn luôn đặt lên hàng đầu, gắn bó với nhau, tác động vào nhau, bổ sung cho nhau, như cái kiềng ba chân, đứng vững trong mọi hoàn cảnh và mọi tình thế.

Xây dựng Đảng về chính trị: Đồng chí Lê Văn Lương tổng kết xây dựng Đảng về chính trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bao gồm việc xây dựng cương lĩnh đường lối chính trị và chính sách của Đảng. Đó là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đường lối chính trị xác định mục tiêu, phương hướng và giải pháp cơ bản của cách mạng (trong thời gian dài và trong từng giai đoạn cách mạng nhất định), thể hiện bản chất của Đảng và là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng, nó quyết định vận mệnh của Đảng và của dân tộc.

Xây dựng Đảng về tư tưởng: Theo đồng chí Lê Văn Lương, muốn xây dựng Đảng về tư tưởng được vững mạnh, thì phải “nắm tư tưởng, hành động của đảng viên, nâng cao công tác lãnh đạo của cấp ủy, của chi bộ, tiếp tục các việc về nâng cao chất lượng đảng viên”2. Đồng chí thường nhấn mạnh, trên mặt trận dư luận và tư tưởng, Đảng “phải lãnh đạo chặt chẽ, phát huy mạnh mẽ tinh thần phấn khởi, bảo đảm đúng đường lối và sách lược, sát với nhiệm vụ; đồng thời, ngăn ngừa những hiện tượng lố lăng, quá trớn, lộ bí mật, lãng phí tiền của, thời giờ và lao động”3. Đồng chí nhấn mạnh trong công tác tuyên truyền phải rất nhạy bén vấn đề tự do, dân chủ, rằng, dân chủ ở đây là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải nền dân chủ tư sản; dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ có tổ chức, gắn với tập trung và pháp luật; tuyên truyền miệng cũng phải có phương pháp, phải đi vào lòng người, gây tâm lý tin tưởng của người dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

     Xây dựng Đảng về tổ chức: Xây dựng Đảng về tổ chức theo quan điểm của đồng chí Lê Văn Lương, trước hết, phải nhằm bảo đảm cho việc thực hiện đường lối và nhiệm vụ chính trị, cho sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, bao gồm nhiều vấn đề thuộc phạm vi tổ chức, như việc xác định nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ, xây dựng hệ thống tổ chức và cơ cấu bộ máy, xác định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế vận hành, đào tạo và bố trí cán bộ, phương thức, lề lối làm việc. Xây dựng Đảng về tỏ chức, yêu cầu các tổ chức đảng phải bám sát quá trình thi hành nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước.

     Hai là: Xây dựng Đảng phải gắn với cuộc vận động chấn chỉnh Đảng:

(xin lưu ý: đây mới là cuộc vận động chấn chỉnh Đảng, chứ chưa phải cuộc vận động chỉnh đốn Đảng).

Ngày 29-12-1951, đồng chí Lê Văn Lương, thay mặt Ban Bí thư khóa II, ký Chỉ thị của Ban Bí thư về cuộc vận động chấn chỉnh Đảng. Chỉ thị nêu rõ:

“Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định các đảng bộ địa phương tiến hành cuộc vận động chấn chỉnh Đảng, sửa chữa những khuyết điểm chính của cán bộ và đảng viên đã bộc lộ sau thời gian công tác vừa qua nhằm mục đích nâng cao trình độ tư tưởng, ý thức công tác của cán bộ và đảng viên, đồng thời chỉnh đốn tổ chức của các chi bộ nông thôn”4.

Tuy cuộc vận động chấn chỉnh Đảng được tiến hành trong toàn Đảng, nhưng Chỉ thị của Ban Bí thư do đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp soạn thảo và ký, nhấn mạnh đến các Liên khu ủy Việt Bắc, Liên khu ủy III và IV.

Theo đồng chí Lê Văn Lương, nội dung của cuộc vận động chấn chỉnh Đảng lần này là đối với cán bộ thì tiến hành một cuộc học tập chỉnh huấn ngắn kỳ, làm cho cán bộ nhận rõ tình hình và nhiệm vụ, do đó mà nâng cao ý thức trách nhiệm của mình; nâng cao ý thức phấn đấu trường kỳ gian khổ và quyết tâm khắc phục khó khăn; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết và chính sách của Đảng và Chính phủ, tinh thần thật thà tự phê bình và phê bình và đoàn kết thống nhất nội bộ một cách đúng đắn; nâng cao ý thức săn sóc đến quyền lợi thiết thực của nhân dân, gần gũi nhân dân, nhất là nhân dân ở nông thôn, đi đúng đường lối nhân dân, sửa chữa bệnh mệnh lệnh, quan liêu, cơ hội chủ nghĩa, bè phái. Cuộc vận động chấn chỉnh Đảng lần này sẽ nâng cao sức chiến đấu của Đảng; thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, làm cho Đảng có thể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng cần nắm vững mục đích cuộc vận động chấn chỉnh Đảng, làm sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên hiểu rõ, để cho họ hăng hái, chủ động, tự giác, tích cực tham gia.

     Ba là: Cuộc vận động chấn chỉnh Đảng lại được gắn liền với cuộc vận động chỉnh Đảng:

Cuộc vận động chỉnh Đảng được bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 2, khóa II, họp từ ngày 27-9 đến ngày 5-10-1951, nhưng được bàn sâu tại Hội nghị Trung ương 3, khóa II, họp từ ngày 22 đến ngày 28-4-1952.

Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Văn Lương đọc bản báo cáo khá dài, khá cụ thể về vấn đề chỉnh Đảng. Đồng chí nêu lý do vì sao phải chỉnh Đảng, vì gần đây Đảng đã nhìn thấy những sai làm, khuyết điểm của Đảng một cách rõ ràng hơn; tìm thấy những nguyên nhân dẫn đến sai lầm một cách chính xác hơn. Đảng cũng đã nhìn thấy bên cạnh những ưu điểm rất quý của cán bộ, đảng viên đã mang lại vinh dự cho Đảng, là những sai lầm nghiêm trọng về quan điểm kháng chiến trường kỳ và gian khổ; rồi bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng và tham ô lãng phí nặng. Theo đồng chí Lê Văn Lương, lúc này, thành phần tiểu tư sản trong Đảng chiếm 65% trong tổng số  đảng viên. Thành phần này, chưa được cải tạo tư tưởng và chưa được giáo dục một cách có hệ thống về chủ nghĩa Mác – Lênin, chưa được rèn luyện một cách nghiêm túc trong quá trình đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là những lý do cần phải tiến hành chỉnh Đảng.

Về nội dung chỉnh Đảng lần này, theo đồng chí Lê Văn Lương là lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam để nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng và khắc phục những tư tưởng sai lầm trong Đảng, qua đó mà củng cố lập trường chính trị của cán bộ, đảng viên; khắc phục bệnh quan liêu, xa ròi quần chúng, mệnh lệnh và tham ô lãng phí, nâng cao ý thức dân chủ, ý thức tổ chức và kỷ luật trong Đảng.

Về phương pháp chỉnh Đảng, đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh là phải có sự kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên. Chỉnh Đảng, trước hết, phải chỉnh đốn con người trước khi chỉnh đốn tổ chức.

Để trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động chỉnh Đảng, Bộ Chính trị khóa II quyết định các đồng chí Lê Văn Lương (Nguyễn Công Miều), Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) phụ trách việc mở lớp của Trung ương và hướng dẫn chỉnh huấn tại các địa phương.

Ngày 11-2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện tại lớp chỉnh huấn (chỉnh Đảng) đầu tiên của Trung ương. Người nói:

“Đảng ta có chủ nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất. Có đường lối và chính sách đúng nhất. Có cơ sở khắp cả nước. Có những cán bộ và đảng viên tận tụy hy sinh vô cùng oanh liệt.

Nhưng vì điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi, cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc”5.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải chỉnh Đảng. Người nêu rõ:

“Mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng, trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản”6.

Cuộc vận động chỉnh đảng kéo dài đến tận cuối năm 1953 sang đến năm 1954. Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa II, họp từ ngày 25 đến ngày 30-1-1953, vẫn còn nói đến vấn đề chỉnh Đảng và tiếp theo đó là cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức gắn với nhiệm vụ cải cách ruộng đất.

Sau cuộc chỉnh Đảng lần này, một loạt khuyết điểm trong Đảng được khắc phục. Tư tưởng, vướng mắc được giải tỏa. Cán bộ, đảng viên đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không khí trong Đảng phấn chấn hẳn lên.

Đây là cuộc vận động xây dựng Đảng lớn nhất và quy mô nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Lê Văn Lương coi đó là một nhiệm vụ chính trị trọng yếu, có tác dụng quyết định đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc và đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đây cũng là một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt ở trong Đảng. Nó sẽ làm cho tư tưởng và tổ chức Đảng được trong sạch, vững chắc, mang lại sự đoàn kết lành mạnh trong Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên các mặt của đời sống xã hội.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương về chỉnh Đảng, các cấp ủy và đảng viên thực sự vào cuộc. Đêm đêm, tại núi rừng Việt Bắc, người ta thấy những ánh đèn le lói trong các cơ quan, lán, trại. Đó là lúc các đảng viên ngồi viết bản tự kiểm điểm và cũng là lúc các chi bộ, tổ đảng họp tự phê bình và phê bình. Không khí chỉnh Đảng sôi nổi hẳn lên, bao trùm lên toàn quốc. Mỗi lần gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi nhau xem đã tự kiểm điểm đến đâu và cho nhau xem bản kế hoạch sửa chữa. Cuộc chỉnh Đảng lần này là do cố gắng của toàn Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa II, trong đó có sự đóng góp nhiệt tình của đồng chí Lê Văn Lương trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.                                                                                                                                                                            Bốn là: Xây dựng Đảng phải gắn với việc kiện toàn tổ chức:

    Sau một thời gian tạm ngừng kết nạp đảng viên mới, đến cuối năm 1953, đầu năm 1954, đồng chí Lê Văn Lương báo cáo với Trung ương là các tổ chức, nhất là các tổ chức cơ sở của Đảng đã được kiện toàn một bước. Trung ương đã tổ chức cho đảng viên học tập tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (X.Y.Z). Trình độ chính trị và văn hóa của đảng viên cũng đã được nâng lên một bước. Đảng viên đã kết nạp từ trước đã được học tập 7 bài chính trị cơ bản. Các cấp ủy cũng đã phối hợp với chính quyền tổ chức học tập văn hóa cho đảng viên. Vì vậy, công tác phát triển đảng viên mới lại được tiếp tục từ cuối năm 1953, đàu năm 1954 sau một thời gian tạm ngừng.

Trong Thông tri của Ban Bí thư khóa II, đề tháng 5-1954, do đồng chí Lê Văn Lương trực tiếp soạn thảo, đồng thời, thay mặt Ban Bí thư, ký, đề cập đến việc phát triển đảng viên. Thông tri nhấn mạnh đến việc phát triển đảng viên mới phải rất chặt chẽ và thận trọng, có như vậy mới bảo đảm tính trong sạch của Đảng, khỏi phạm sai lầm. “Lại cũng chống khuynh hướng muốn phát triển cho đủ số rồi hạ thấp điều kiện kết nạp đảng viên”7. Thông tri nêu điều kiện của một đảng viên mới là thành phần bần nông, cố nông, lịch sử trong sạch; kiên quyết đấu tranh, công tác tích cực; được quần chúng tín nhiệm; thừa nhận Chính cương, Điều lệ Đảng. Thông tri cũng quy định mỗi xã được phát triển từ 3 đến 5 đảng viên. Những xã phong trào kém, chưa bồi dưỡng được những phần tử tích cực và chưa có đủ điều kiện, thì không nên miễn cưỡng phát triển. Định mức như vậy, vì những người tuy đã đủ điều kiện vào Đảng, nhưng cần được thử thách thêm. Lúc này, Trung ương cũng chưa đặt vấn đề phát triển Đảng thường xuyên.

Có thể nói, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Văn Lương rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xem đó là trách nhiệm cao cả của người đảng viên và người lãnh đạo. Có lần, đồng chí tâm sự là khi trong Đảng có nhiều ưu điểm, đồng chí thấy mừng, nhưng khi trong Đảng có nhiều khuyết điểm, đồng chí thấy lo, có khi ăn không ngon, ngủ không yên, trăn trở suốt đêm, suốt ngày để tìm ra những giải pháp khắc phục. Một chiến sĩ cộng sản kiên cường, lòng gang dạ sắt trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù xâm lược, lại phải lĩnh án tử hình cùng với 7 chiến sĩ cộng sản khác của tòa án thực dân Pháp ở Đông Dương vào năm 1933, sau đó, được giảm án xuống tù chung thân và bị đày ra giam tại nhà tù Côn Đảo và được trả lại tự do khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Văn Lương thấm nhuần sâu sắc cái giá phải trả khi là người dân mất nước, người dân nô lệ của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Khi đã có Đảng lãnh đạo giành được chính quyền về tay nhân dân, thì phải kiên quyết giữ lấy. Đồng chí nhận thức rằng, muốn củng cố, giữ vững được chính quyền, trước hết, phải củng cố Đảng. Đó là bài học sống còn được rút ra trong quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí.

Về công tác cán bộ

     Đồng chí Lê Văn Lương cho rằng, công tác cán bộ phải được đặt trong tổng thể công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức của Đảng. Vì vậy, công tác cán bộ phải gắn bó với công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức. “Từ trước tới nay, Đảng ta vẫn coi công tác cán bộ là một trong những vấn đề có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Đảng đã tứng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn liền với phong trào quần chúng và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng”8. Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa III (số 225-NQ/TW, ngày 20-2-1973) về công tác cán bộ trong giai đoạn mới, do đồng chí Lê Văn Lương chủ trì soạn thảo, đã có một nhận định đúng về đội ngũ cán bộ của Đảng trong lịch sử, rằng, nhìn vào đội ngũ cán bộ của Đảng được xây dựng, rèn luyện và trưởng thành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trải qua các hoạt động bí mật và công khai, không hợp pháp và hợp pháp, qua các cuộc vận động cách mạng rộng lớn và sâu sắc, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, từ hoạt động về số lượng, chuyển sang hoạt động về chất lượng, đến nay đã phát triển thành một lực lượng cán bộ rất đông đảo và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội. Công tác huấn luyện cán bộ cũng thu được nhiều kết quả tốt. Những năm gần đây, Đảng đã bước đầu xây dựng được một đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật có triển vọng. Đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước bao gồm cán bộ lãnh đạo chung, cán bộ chỉ đạo và quản lý các ngành, cán bộ khoa học và kỹ thuật, hoạt động ở các cơ quan đảng và chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng cán bộ tập trung nhiều ở các cơ quan cấp trên, còn cán bộ ở cơ sở thì thiếu và yếu. Số lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật đã khá lớn, nhưng cán bộ quản lý kinh tế còn thiếu nhiều. Số cán bộ trẻ không ít, nhưng đưa vào cơ quan lãnh đạo các cấp chưa được bao nhiêu. Đồng chí Lê Văn Lương đánh giá, nhìn chung, đội ngũ cán bộ của ta là trung thành và tận tụy. Tuy nhiên, theo báo cáo của đồng chí Lê Văn Lương đã được đưa vào Nghị quyết 225, thì những khuyết điểm tương đối phổ biến của cán bộ ta hiện nay là tư tưởng và tác phong của người sản xuất nhỏ còn nặng, chưa gắn bó mình với tập thể, với tổ chức, ý thức tổ chức và kỷ luật còn thấp; chưa cố gắng học tập, thiếu tinh thần nỗ lực tự rèn luyện, nâng cao về kiến thức và năng lực để có đủ sức làm tốt nhiệm vụ mới; cách làm việc còn quan liêu, xa quần chúng, thiếu tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân; một số cán bộ giảm sút nhiệt tình cách mạng, mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa nặng, lạm dụng quyền hành, xâm phạm tài sản của Nhà nước và của tập thể; thậm chí, có một số cán bộ không vững vàng trước những thử thách mới, hoang mang, dao động, thiếu lòng tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Công tác quy hoạch cán bộ làm chưa tốt; công tác cán bộ chưa được kịp thời tổng kết, cho nên chưa rút được bài học, kinh nghiệm kịp thời về công tác cán bộ.

Đồng chí Lê Văn Lương đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. Trước hết, Đồng chí cho rằng, công tác cán bộ phải chuyển nhanh và mạnh cho phù hợp với tình hình mới. “Việc cải tiến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng và của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là yêu cầu cấp bách”9. Một yêu cầu đặt ra là: “Công tác cán bộ phải gắn liền với việc chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức. Phải trên cơ sở xây dựng tổ chức, phát huy sức mạnh của tổ chức mà làm tốt công tác cán bộ”10. Mọi công việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ đều phải xuất phát từ yêu cầu bảo đảm hoàn thành mọi nhiệm vụ cụ thể của tổ chức.

Có một vấn đề mà theo đồng chí Lê Văn Lương lâu nay chúng ta đã lãng quên là đào tạo cán bộ từ công nhân đại công nghiệp, công nhân kỹ thuật, công nhân nhiều đời để đưa vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đồng chí yêu cầu trong công tác cán bộ là phải chú trọng lựa chọn, đào tạo những người ưu tú xuất thân từ những thành phần cơ bản trong xã hội, từ những công nhân ưu tú và nhân dân lao động trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Ở nông thôn, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các xã viên ưu tú xuất thân từ nông dân để bổ sung vào đội ngũ cán bộ. Cũng cần phải chăm lo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ trí thức nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người trí thức phát huy tài năng, phục vụ được nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là đường lối giai cấp trong công tác cán bộ của Đảng. Theo đồng chí Lê Văn Lương, trong công tác cán bộ, chúng ta không được phép coi nhẹ thành phần giai cấp trong công tác cán bộ của Đảng, nhưng cũng phải tránh huynh hướng thành phần chủ nghĩa; kiên quyết khắc phục mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và “tả” khuynh trong công tác cán bộ.

Về tiêu chuẩn cán bộ, đồng chí Lê Văn Lương đề xuất những tiêu chuẩn sau đây:

(1) Trung thành với sự nghiệp cách mạng. Lòng trung thành ấy phải được thể hiện ở sự nhất trí với quan điểm, đường lối chính trị của Đảng; hăng hái phấn đấu trong việc thực hiện các chính sách và nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Đồng chí nói rằng, đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến, nhất là trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Người đã phân tích hết sức sâu sắc.

(2) Có kiến thức lý luận và chính trị, có hiểu biết khoa học và chuyên môn, đặc biệt là phải có kiến thức dồi dào về kinh tế và quản lý kinh tế. Theo đồng chí Lê Văn Lương, trong công cuộc đổi mới, người lãnh đạo nhất định phải nắm được kinh tế và quản lý kinh tế. Nếu lơ mơ vấn đề này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.

(3) Có phẩm chất công vụ. Phầm chất công vụ phải được thể hiện ở trong công tác, trong quan hệ xã hội, trong học tập và rèn luyện (kể cả rèn luyện về sức khỏe), trong két quả công việc; phải phấn đấu để trở thành con người của công việc, chứ không phải con người của sự lười biếng, ăn chơi.

(4) Phải có quan điểm quần chúng rõ ràng, có tinh thần phục vụ nhân dân, gần dân, thân dân, yêu quý dân và có mối quan hệ thật tốt với nhân dân.

(5) Phải có tác phong làm việc khoa học, ngăn nắp, gọn gàng, tránh lụp chụp, cẩu thả, tùy tiện và tránh lối làm việc qua loa, đại khái, “quan liêu vất vả”.

Đó là 5 tiêu chuẩn của người cán bộ mà đồng chí Lê Văn Lương đã tổng kết trong công tác cán bộ của Đảng. Có được 5 tiêu chuẩn này, người cán bộ phải rèn luyện suốt đời, phấn đấu suốt đời mới có được. Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, phải kết hợp đúng đắn giữa cán bộ lớp trước và cán bộ lớp sau mà đồng chí Lê Văn Lương vẫn gọi là “cán bộ cũ và cán bộ mới”. Thực ra, khái niệm “cán bộ cũ và cán bộ mới” mà đồng chí Lê Văn Lương đưa ra, chưa chính xác, nhưng lúc bấy giờ chưa tìm được những từ mới hay hơn để thay thế cho cụm từ “cán bộ cũ và cán bộ mới”. Trong thực tế công vụ, có nhiều “cán bộ cũ”, nhưng tư duy lại rất mới, trong khi đó, không ít “cán bộ mới”, nhưng tư duy lại cũ. Đâu là cũ, đâu là mới cũng cần phải được phân biệt cho rạch ròi. Cũ và mới ở đây phụ thuộc vào mỗi người cán bộ, chứ không phụ thuộc vào độ tuổi.

Có lần, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương tâm sự với chúng tôi, những người đã giúp Đồng chí tổng kết về công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ của Đảng, rằng, chúng ta phải hết sức cảnh giác chính trị trong công tác cán bộ, có nghĩa là phải tỉnh táo và nghiêm ngặt đề phòng những phần tử đối địch hoặc cơ hội chui vào trong đội ngũ cán bộ của chúng ta. Đồng chí đã đề xuất ý kiến này với Bộ Chính trị khóa III và đã được Bộ Chính trị khóa III chấp nhận đưa vào Nghị quyết của Đảng. Đồng chí Lê Văn Lương nói rằng, qua thảo luận dự thảo Nghị quyết 225 về công tác cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương nhiệm kỳ Đại hội III, trình lên, Bộ Chính trị nhất trí và đã ghi vào nghị quyết về công tác cán bộ trong giai đoạn mới là: “Đảng cần có chính sách và kế hoạch tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các dân tộc ít người, đánh giá đúng khả năng cách mạng của họ; đồng thời, phải tích cực đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ người miền xuôi công tác ở miền núi. Cần thực hiện đầy đủ chính sách cán bộ nữ, phát triển và nâng cao hơn nữa đội ngũ cán bộ nữ, tạo điều kiện đưa thêm nhiều cán bộ nữ có năng lực vào các cơ quan chỉ đạo và quản lý kinh tế, văn hóa”11.

Theo đồng chí Lê Văn Lương, muốn làm tốt công tác cán bộ, cần phải kiện toàn hệ thống các trường Đảng, trường chính trị, trường quản lý kinh tế, trường pháp lý. Vấn đề đặt ra đối với các trường là phải ra sức cải tiến chất lượng giảng dạy, tránh giáo điều, phiến diện; chuyên môn hóa giảng dạy; tăng cường huấn luyện chính trị cho cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sau một thời gian, mọi cán bộ đều được huấn luyện theo các chương trình cơ sở, sơ cấp hoặc trung cao, tùy theo vị trí, nhiệm vụ công tác.

Người cán bộ phải được đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn công tác; đồng thời, phải được huấn luyện, bồi dưỡng một cách có hệ thống ở các trường, lớp để có đủ kiến thức và trình độ cần thiết.

Đồng chí Lê Văn Lương nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ. “Đảng phải nắm chắc công tác cán bộ, luôn luôn gắn chặt việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với lãnh đạo công tác cán bộ”12. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, không thể buông lỏng.

Tóm lại, theo nhận định của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương là trong quá trình xây dựng Đảng phải gắn bó chặt chẽ với công tác cán bộ. Nguyên tắc cao nhất của xây dựng Đảng và công tác cán bộ là phải kiên định và phát triển sáng tạo những lý luận và quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Kiên trì nguyên tắc, nhưng phải đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam; tuyệt đối không được giáo điều, bảo thủ, cực đoan, dao động, cơ hội.

Lê Văn Lương coi công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ là sự nghiệp của cả cuộc đời Ông!

-----------------------


* Báo cáo Khoa học tại Hội thảo Khoa học về “Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”, do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức tại Hưng Yên vào sáng 12-10- 2017.

** Nguyên Chuyên viên cấp cao Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Tòan tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 532.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 8.

3 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, sđd, tr. 9.

4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 627.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 184,185.

6 Văn kiện Đảng Toàn tâp, tập 13, sđd, tr.185.

7 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2001, tr. 119.

8 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, sđd, tr. 24.

9 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, sđd, tr. 29.

10 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, sđd, tr. 29.

11 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, sđd, tr. 34.

12 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 34, sđd, tr. 40.