Marketing thì ra là vậy - cũng không khó hiểu lắm
Tài sản giá trị nhất của công ty bạn chính là cách mà khách hàng biết đến nó.
Đã bao giờ bạn tự hỏi sao mấy cái định nghĩa, mấy cái khái niệm nó khó hiểu đến thế chưa? Nhiều lúc chính bản thân bạn hiểu khái niệm đó là như thế nào, nhưng lại bất lực không thể giải thích cho người khác hiểu. Hãy tham khảo những cách giải thích các khái niệm khô khan trong kinh doanh được lan truyền trên mạng xã hội sau đây - có khi chính bạn cũng phải gật gù: "À, ra là thế".
Hôm nay, xin gửi tới bạn những "kiểu giải thích" cho các thuật ngữ trong marketing. Đảm bảo xem xong, bạn sẽ gật gù: "Marketing thì ra là vậy, cũng không khó hiểu lắm".
1. Bạn đi dự một bữa tiệc, và bạn nhìn thấy cô gái tuyệt đẹp ở đó. Bạn chỉ người bạn thân đang đứng phía xa xa, giới thiệu với cô ấy: “Bạn anh đó, là giám đốc một doanh nghiệp A, giàu lắm” - đó được gọi là "quảng cáo" hay còn gọi là Advertising.
Advertising là một trong số những công cụ đắc lực của Marketing. Mục tiêu của Ad là nhắn gửi đến khách hàng thông điệp mà doanh nghiệp muốn gửi gắm. Trên thực tế, hầu như chúng ta không ai còn xa lạ với quảng cáo. Các doanh nghiệp luôn tìm cách quảng cáo cho các sản phẩm của mình ở mọi lúc, mọi nơi thích hợp.
2. Bạn gặp lại cô bạn, trong lúc chuyện trò phát hiện cô ấy đang FA. Bạn chợt nghĩ đến anh bạn thân cũng đang trong cùng hoàn cảnh - lập tức bạn hẹn hò cả 3 đi uống cafe. Sau màn giới thiệu trực tiếp 2 người, bạn sẽ là cầu nối nói chuyện với cả 2 rồi sau đó xúi bạn đưa cô ấy về nhà – đó chính là Bán hàng – Sale Representative.
Sau khi tạo không gian cho bạn mình và cô gái làm quen, bạn vui vẻ ra về vì vừa giúp bạn được một việc tốt, giúp đứa bạn thân thoát khỏi cảnh FA. Không ngờ ngay tối hôm đó, cô bạn gọi điện giọng hơi hờn dỗi: “Bạn anh, anh ấy kém quá anh ạ, không thể nào tin được!”. Không chỉ buồn cho anh bạn, bạn còn phải đích thân hẹn hò cô bạn đi cafe xử lý nốt những gì còn vướng mắc – đó chính là Dịch vụ hậu mãi – After Sales Service.
Dịch vụ hậu mãi là yếu tố tiên quyết để khách hàng lựa chọn sản phẩm của bạn. Dịch vụ hậu mãi là một trong những mặt tích cực của kinh tế thị trường vì nó ra đời từ sự cạnh tranh giành giật thị trường, mà cụ thể hơn là làm hài lòng nhằm giữ chân khách hàng. Ngày nay, việc làm hài lòng người mua không chỉ dừng lại ở khâu bán hàng, mà quan trọng nhất là phải hoàn thành trách nhiệm với người mua ngay cả khi đã giao hàng và đi vào sử dụng.
3. Bạn gặp 1 cô gái xinh đẹp ở bữa tiệc, bạn tiến tới và bắt chuyện với cô ấy. Bạn cũng không quên "để lộ" những thông tin về bản thân để cô ấy có thể hiểu là “Anh giàu lắm" - đó là tiếp thị trực tiếp- hay còn gọi là Direct Marketing.
4. Bạn gặp một cô gái dễ thương, bạn tìm cách xin được số điện thoại cô ấy. Ngay tối hôm đó, bạn bắt đầu nhắn tin cho cô ấy làm quen, hỏi han, tìm hiểu đối tượng... đó là việc bạn đang thu thập thông tin, thu thập phản hồi, tạo ra những cơ hội giao tiếp bằng điện thoại hay còn gọi là Telemarketing.
Trong thực tế kinh doanh, ta vẫn thường nghe nhiều người nói về telesales và telemarketing như thể chúng là cùng một phương pháp gọi điện thoại để giành được khách hàng. Tuy nhiên, telemarketing là cụm từ mới, nó bao gồm cả telesales - là một dịch vụ chuyên để bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng bằng điện thoại.
Ngày nay các doanh nghiệp thường xuyên tận dụng hình thức telesales và telemarketing để tìm hiểu, tạo cơ hội tiếp xúc, tăng lượng khách hàng - và là công cụ hữu hiệu để quảng bá, bán sản phẩm đến khách hàng.
5. Bạn lại gặp một cô gái xinh đẹp tại bữa tiệc nhé. Bạn rất ấn tượng với cô ấy và thường xuyên tìm cách xuất hiện trước mặt cô ấy, bắt chuyện và làm quen với cô ấy. Tiến xa hơn, bạn đưa cô ấy về nhà sau bữa tiệc. Bạn không quên xin thông tin liên lạc của cô ấy, hẹ hò một ngày gần nhất gặp lại... - đó là quan hệ công chúng - hay còn gọi là PR - Public Relations.
PR được khởi xướng bởi Edward Bernays - nó được định nghĩa "là một chức năng của quản lý nhằm tìm hiểu thái độ của công chúng, xác định chính sách, quy trình kinh doanh và lợi ích của tổ chức, theo đó là việc thực hiện một chương trình hành động nhằm tạo ra sự hiểu biết về sản phẩm cho công chúng và đi đến chấp nhận".
PR được hiểu sâu hơn "là một nỗ lực có kế hoạch nhằm tác động đến quan điểm của công chúng thông qua sản phẩm tốt và kinh doanh có trách nhiệm dựa trên giao tiếp 2 chiều đôi bên cùng có lợi"
6. Trong bữa tiệc đó, bất ngờ một cô gái tiến tới bên bạn, chủ động làm quen. Thậm chí bạn hơi bất ngờ khi cô gái đó biết khá rõ về bạn: "Chiếc Roll royce của anh thật là đẹp. Em thích màu đó lắm" - đó là sự nhận biết thương hiệu - hay còn gọi là Brand Recognition.
Brand Recognition chỉ mức độ cộng nhận của công chúng về các dịch vụ, sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, và đã được khẳng định về thương hiệu. Theo lý thuyết, sự công nhận thương hiệu thành công nhất khi người dùng có thể nói rõ về một thương hiệu mà không cần tiếp xúc một cách rõ ràng với tên của công ty, mà chỉ cần thông qua các dấu hiệu về hình ảnh như logo, khẩu hiệu và màu sắc.
Ví dụ, ngoại trừ những bộ nhận diện thương hiệu kèm theo tên để bạn nhận biết, thì rất nhiều biểu tượng chỉ nhìn qua bạn đã biết nó thuộc doanh nghiệp nào sản xuất. Đơn cử như nhìn hình tượng ánh mặt trời tỏa hào quang bạn nhận ra ngay đó là những sản phẩm của Rạng Đông; nhìn hình ảnh quả táo cắn dở bạn biết ngay đó là những sản phẩm của Apple...
Nhận diện thương hiệu cũng là cách khi nhắc đến dù chỉ là cái tên, bạn sẽ biết ngay đó là gì. Ví dụ, nhắc đến KFC, bạn sẽ biết ngay đến món gà rán; nhắc đến Omo, bạn biết ngay đối phương đang muốn nói đến xà phòng giặt; nhắc đến Levis là những mẫu quần Jean; hay nhắc đến rolex, tự nhiên bạn biết đó là đồng hồ, dù cái tên nó chẳng liên quan gì đến ý nghĩa của chữ đồng hồ...
7. Bạn lại gặp một cô gái xinh đẹp ở 1 bữa tiệc. Bạn tiến tới bắt chuyện làm quen. Nhưng trái với mong đợi, cô gái ấy nhanh chóng nói "tạm biệt" và di chuyển qua nhóm bạn của cô ấy - đó là phản hồi của khách hàng hay còn gọi là Customer Feedback.
Customer Feedback có thể là những đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của một khách hàng sau khi dùng sản phẩm của bạn. Thông qua các phản hồi của khách hàng, bạn có thể cải tiến sản phẩm, sửa đổi phương án cung cấp phù hợp hơn với khách hàng.
8. Lại gặp 1 cô gái xinh đẹp nữa nhé, và bạn tiến tới làm quen. Bỗng nhiên từ đâu xuất hiện một nhân vật mới - một người cao to lịch lãm hấp tấp đi tới và thì thầm vào tai cô gái: “Anh giàu lắm, lại đẹp trai nữa, làm bạn anh nhé! Cô ấy từ từ quay lại và bước theo người mới đến - đó là là thị trường bị đối thủ chiếm thị phần - Market share.
Thị phần (market share) là khái niệm quan trọng trong marketing và quản trị chiến lược hiện đại. Nó là phần thị trường doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được hay thực chất là sự phân chia thị trường của doanh nghiệp đối với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.
Marketing là quá trình tổ chức lực lượng bán hàng nhằm bán được những hàng hóa do công ty sản xuất ra. Marketing là quá trình quảng cáo và bán hàng, là quá trình tìm hiểu và thỏa mãn nhu cầu của thị trường, hay còn gọi là làm thị trường, nghiên cứu thị trường để thỏa mãn nó.
Trong thực tế, nhắc đến Marketing rất nhiều người có thể "hiểu sơ bộ" là cách làm thị trường, cách quảng cáo, truyền bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hiểu tường tận vầ Marketing và những thuật ngữ trong ngành, cần những "giải thích" kiểu đơn giản để cho những người "ngoài ngành" cũng có thể hiểu được.