Matxcơva - Thành phố của những điều vĩ đại
Từ Sofia, thủ đô của Bulgaria, trên chuyến bay của Hãng hàng không Nga, tôi đến thủ đô nước Nga. Thời sinh viên, nước Nga đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh về một vùng đất đã sản sinh ra nhiều văn hào nổi tiếng, những nhạc sĩ, kịch tác gia vĩ đại. Đọc Thép đã tôi thế đấy, Con đường đau khổ, Chiến tranh và hòa bình… tôi có một đồng cảm sâu sắc với đất nước Liên Xô thời đó. Người Việt Nam làm ăn sinh sống ở hai thành phố này khá đông, một phần là những sinh viên du học ở lại làm ăn, một phần là những người lao động đi làm ở các nhà máy theo hiệp định trao đổi giữa Việt Nam và các nước. Do cần cù lao động, cộng đồng người Việt ở các nước Đông Âu cũ đã tạo nên một hình ảnh khá thành công, nhưng cũng không khỏi gây khó khăn cho họ trong việc đi lại khi thường bị cảnh sát sở tại xét hỏi vô cớ và kiếm chác.
Và thế là một buổi chiều! Tôi đang đứng giữa Matxcơva trong rét lạnh dưới bầu trời xanh xám, hơi thở ra những làn khói trắng. Matxcơva, với tôi, như trong mơ, huyền ảo và đẹp lạ lùng!
Và thế là một buổi chiều! Tôi đang đứng giữa Matxcơva trong rét lạnh dưới bầu trời xanh xám, hơi thở ra những làn khói trắng. Matxcơva, với tôi, như trong mơ, huyền ảo và đẹp lạ lùng!
Là một thành phố cổ nhất nước Nga với hơn 800 năm lịch sử, Matxcơva như một bản anh hùng ca mở đất, dựng thành và chiến đấu chống ngoại xâm để trở thành một thủ đô tầm cỡ của một cường quốc như hiện nay: năm 1328 xây dựng các cung điện, chỗ ở quý tộc và các nhà thờ, bên ngoài tường phía đông, hình thành khu phố thương mại Trung Hoa, sau đó xây dựng tường thành Bạch Thành; đến thế kỷ 15 chính thức trở thành trung tâm chính trị quốc gia của Nga; đến thế kỷ 16 thêm hai lần phát triển rộng ra nữa, xây dựng thêm tường thành bằng đất nung, phạm vi đạt đến vùng Đại lộ Hoa viên hiện nay; năm 1589 trở thành thủ đô của sa hoàng Nga. Năm 1712 Nga hoàng dời thủ đô về St.Peterburg (tức Leningrad sau này); đến năm 1918 lại trở thành thủ đô của CHLB Nga và năm 1922 trở thành thủ đô của Liên Xô.
Thành phố được xây dựng theo phong cách độc đáo, kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và cổ điển, do các trào lưu kiến trúc thay đổi và chuyển biến qua các thời kỳ lịch sử. Có thể hình dung thành phố được xây dựng theo những hình tròn đồng tâm, từ hẹp đến rộng. Vòng trong cùng là vòng đặc biệt Boliria, bao gồm điện Kremlin, khu phố Trung Hoa và Bạch Thành. Tiếp đến là vòng Hoa viên, vòng các cung đường sắt bao quanh Matxcơva và vòng các đại lộ Matxcơva. Các vòng này có lúc hình rẽ quạt, có lúc lại là các hình tròn ôm lấy thành phố.
Điện Kremlin nhìn từ sông Matxcơva
Chúng tôi như lạc giữa bao điều thú vị. Matxcơva có diện tích phủ xanh là 3.400ha, chiếm hơn 1/3 tổng diện tích toàn thành, 22m2 cây xanh cho mỗi con người, mức cao nhất thế giới. Matxcơva đã làm được điều đó khi liên kết với các thành phố chung quanh như Libecki, Mixic, Noginsk, Potolisk hình thành nên vùng đô thị Matxcơva cũng giống như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam. Nửa phía đông thành phố là khu công nghiệp tập trung. Phía đông bắc là công nghiệp cơ khí, chế tạo.
Phía đông nam là các cơ cấu của trung tâm tính toán và chế tạo ôtô Likhachep, các nhà máy cơ khí phần lớn được phân bổ giữa khu thành cổ và các đại lộ khép kín. Phía nam là khu công nghiệp dệt, phân bổ hai bên bờ sông Matxcơva và chi lưu của nó. Phía tây nam là các trường đại học, viện nghiên cứu, các học viện nghiên cứu và thiết kế gắn kết với khu nhà ở, hình thành nên một đô thị trí tuệ như quan niệm mới của các kiến trúc sư quy hoạch Nga là "đô thị trong đô thị" . Và phía bắc là khu ở chính cho hàng triệu dân với các chung cư cao tầng ngăn nắp nhưng đơn điệu, được quy hoạch theo dạng tiểu khu.
Khu trung ương, trái tim của Matxcơva và toàn nước Nga, được quy hoạch rõ ràng theo phân khu chức năng, dựa trên các di tích lịch sử và các công trình qua nhiều thời đại, bao gồm quảng trường Đỏ, điện Kremlin, lăng Lênin, cơ quan lãnh đạo chính phủ, nhà hát lớn, bảo tàng và một phần các trường đại học lớn - một trung tâm chính trị, văn hóa lớn nhất nước.
Điện Kremlin có nhà thờ, lăng mộ của sa hoàng, nơi mọi người vẫn gọi là tháp chuông của Ivan đại đế. Thật sự toàn bộ điện Kremlin là một nhà thờ lớn, với quảng trường Đỏ là án thờ. Một nước Nga đấu tranh và chiến thắng và mang những biểu tượng chiến thắng đến án thờ này. Hiện nay điện Kremlin là nơi lưu trữ bộ sưu tập độc nhất vô nhị, những kỷ vật lịch sử, kiến trúc và văn hóa, như nhà thờ Đức Mẹ Đồng Trinh, nhà thờ Tổng Thiên Thần Michael, nhà thờ Truyền Tin, nhà thờ Hoàng Gia. Nhà chứa vũ khí thiết lập năm 1920 theo lệnh của sa hoàng Peter I là bảo tàng Nga cổ nhất và cũng là một kho báu của nghệ thuật thủ công Nga từ thời cổ đại đến ngày nay, các kiến trúc sư Ý đã thiết kế Kremlin từ thế kỷ 15 và bây giờ nó trở thành nơi ở chính thức của Tổng thống Putin.
Quảng trường Đỏ mang nhiều tên khác nhau qua thời gian, một viên ngọc quý của kiến trúc nước Nga với tổng thể bao gồm nhiều công trình nổi tiếng. Đứng ở "trái tim của nước Nga vĩ đại" này, đối với người Việt Nam, ta như cảm nhận được một sức sống âm ỉ, dữ dội và bất diệt của hồn dân tộc, một sự đồng cảm mãnh liệt. Quanh quảng trường là những công trình như nhà thờ thánh Basil, tòa nhà liên bang, bảo tàng lịch sử liên bang… Mỗi công trình là một thực thể sống động, hòa cùng quảng trường để tạo nên một cảnh quan vĩ đại và hoành tráng. Một chốn thâm nghiêm với nhiều tu viện khổ hạnh chìm đắm trong sự sung túc dồi dào của tạo hóa, nhưng cái cảnh quan ấy như buộc ta phải thán phục và cố hiểu những gì ẩn chứa đằng sau vẻ hoành tráng ấy.
Một buổi chiều trời lạnh như cắt, tôi và nhà báo Lê Văn Nghĩa đứng trước con sông Matxcơva xinh đẹp. Bầu trời xanh, những hàng cây chưa kịp ra lá, còn trơ những cành khô màu nâu đậm. Sông Matxcơva như một dải ngọc xanh từ phía tây chảy đến, thấp thoáng ẩn hiện bên những quả đồi và những công viên quanh thành phố, con sông cứ mơn man, uốn lượn trước khi đổ ra sông Volga hùng vĩ, con sông cái của nước Nga vốn đã đi vào văn học.
Phóng tầm mắt ra xa là một cảnh quan tuyệt đẹp và hoành tráng. Cảm ơn nước Nga đã xây dựng một thành phố quá tuyệt vời, không chen chúc, không ồn ào, không che lấp dòng sông, không hỗn hào với dòng sông mẹ. Chúng tôi ngồi hàng giờ bên dòng nước chảy, bên những cụ già Nga cô đơn, bên những thiếu nữ Nga ngồi đọc sách và bên những công trình kiến trúc cổ hoành tráng và các công trình hiện đại hài hòa ở xa xa….
Tôi nhớ những dòng sông quê nhà và thầm mong: bao giờ những dòng sông ấy cũng được trân trọng như dòng sông Matxcơva này, được trân trọng đến từng centimet vuông đôi bờ, từng độ sâu, từng màu nước... Cảm ơn nước Nga đã xây dựng một thành phố với điểm nhấn là dòng sông và những khu rừng, ngọn đồi bao quanh để dù trải qua bao biến cố, có lúc vật đổi sao dời mà dòng sông Matxcơva vẫn luôn là viên kim cương huyền diệu của thủ đô văn vật.
Thả bộ đến quảng trường Đỏ, chúng tôi làm quen với những người lính trong đội vệ binh sau những cái bắt tay, chụp hình chung và mời nhau điếu thuốc. Như những người bạn lâu ngày gặp lại, những thiếu nữ Nga đến bá vai, bá cổ chúng tôi xin chữ ký, địa chỉ sau những giây phút làm quen bên tách trà, ly Voska nóng hổi. Họ cởi mở, thân thiện, thân tình và tự nhiên. Lướt qua hàng đoàn du khách, những dãy quán cà phê, những quầy hàng lưu niệm, chúng tôi dừng chân bên chiếc xe lưu động bán trứng cá hồi phết trên bánh mì nướng giòn. Một miếng nhỏ xíu giá 2 USD. Nhai một miếng bánh, nhấp một ngụm Voska giữa trời lạnh rét Matxcơva, ôi thậtsảng khoái!
Buổi tối, hai chúng tôi lại rủ nhau đi xuống thành phố ngầm của Matxcơva. Qua sách báo kiến trúc thời sinh viên trước đó, tôi đã nhìn thấy những nhà ga tàu điện ngầm và không khỏi thán phục "những lâu đài ngầm dưới thành phố" này. Người dân Matxcơva cũng rất tự hào về công trình ngầm này ngay từ khi 11km đầu tiên được xây dựng vào năm 1935. Đến nay, mạng lưới ngầm của Matxcơva đã dài đến 200km, bao quanh thành phố với 9 chi nhánh và 123 ga. Cứ 50 giây có một chuyến tàu đến ga.
Ấn tượng nhất là các nhà ga, những kiệt tác kiến trúc đúng nghĩa do các kiến trúc sư bậc thầy của Nga thiết kế. Họ tự do sáng tạo để làm nên "những lâu đài nghệ thuật ngầm" mà không bị áp lực bởi các định mức, chỉ tiêu cứng nhắc từ trên dội xuống. Mỗi nhà ga mang phong cách riêng của mỗi điểm dừng. Điều này không khỏi làm tôi chạnh lòng bởi một thời gian dài, đất nước mình, thành phố mình đã buông lỏng quản lý, thiếu phối hợp và cát cứ dẫn đến những công trình công cộng của ta… ôi sao quá sức tệ hại cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.
Bộ, sở, ban ngành mạnh người nào người đó xây, xây vô tội vạ tạo ra những công trình cứ xây… dần dần, chưa xong đã hỏng, những nhà ga trông như cái chợ, những cái chợ lại trông giống những cái chuồng! Những tệ hại ấy khi đổ bể, điển hình như vụ PMU18, không khỏi khiến người dân giật mình, còn các quan thì đỗ lỗi cho nhau hay chạy tội bằng cách "chê" người Việt ta trình độ yếu, không biết thiết kế, không biết tư vấn, rồi chỉ còn cách thuê nước ngoài làm mới xong. Một sự ngụy biện của người quản lý mà tôi không thể nói bằng một từ tế nhị nào khác.
Tôi đã gặp rất nhiều kiến trúc sư Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài, có người từng đoạt giải quốc tế, khu vực và thế giới. Tất cả dường như đều mang một tâm trạng chung: gác kiếm! Bởi lẽ, với cách quản lý xây dựng cơ bản như hiện nay thì Việt Nam sẽ không bao giờ có cơ hội tạo dựng nổi những công trình đẹp, con đường đẹp và những thành phố, trị trấn xinh đẹp!
Ở bất cứ sân ga nào khi con tàu dừng, chúng tôi lại cũng dừng chân, lang thang trong nhà ga, ngắm nghía, chiêm ngưỡng từng chi tiết, từ tường trần, vòm cột... Những con tàu đã dẫn chúng tôi đến và đọc được những câu chuyện cổ tích từ những tòa lâu đài mang những phong cách kiến trúc đa dạng tưởng chừng vô tri dưới lòng đất. Các kiến trúc sư Nga đã tạo ra những "linh hồn biết nói" trong những tác phẩm kiến trúc của mình để lại cho nhân loại.
Cũng giống như ở Việt Nam, Matxcơva đang đối mặt với rất nhiều vấn đề đô thị trong định hướng phát triển tương lai của mình. Theo bản đồ tổng thể phát triển Matxcơva đến năm 2020, chỉ 58% đất thành phố được sử dụng lại theo các chức năng hiện có, còn lại là được sử dụng để xây siêu thị, nhà hàng, văn phòng, câu lạc bộ thể dục thể thao, rạp hát và nhà ở cao cấp. "Dự án quá phô trương đến nỗi phó thị trưởng thứ I Valadimiresin phải cam đoan với người dân địa phương rằng đi kèm với việc hiện đại hóa, thủ đô sẽ trở thành nơi ở với tiện nghi cao trong khi vẫn duy trì bộ mặt lịch sử của nó.
Một kiến trúc sư hàng đầu của thành phố cũng phụ họa thêm rằng thành phố phải trở thành một cấu trúc hòa hợp. Ông tin rằng toàn bộ các quận phải được chỉnh trang cơ sở hạ tầng. Matxcơva không còn bị gọi là những quận đang ngái ngủ nữa (ngoài trái tim thủ đô). Bảy đô thị vệ tinh sẽ được hình thành xung quanh trung tâm Matxcơva, một đô thị có một trung tâm hiện đại, có một bộ mặt riêng. Các chuyên gia đồng tình rằng đây là một ý tưởng tốt, trong đó có kế hoạch chuyển các nhà máy ra xa thành phố. Và tất nhiên không ai bàn cãi về việc dự án sẽ cải thiện được tình trạng giao thông đang tắc nghẽn của thành phố" - một nhà báo đã phân tích.
Để kích thích các hoạt động thương mại trong thành phố, một khu "Mahattan" của Matxcơva với các cao ốc hiện đại sẽ được xây dựng gần tòa nhà chính phủ bên bờ đê Krasnopresnenskaya. Ngoài không gian văn phòng, một tổ hợp khách sạn, trung tâm mua sắm, giải trí, công viên nước sẽ bao quanh khu này. Dự án này giống như dự án xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm cũ một con sông. Không như ở Thủ Thiêm, ở đây, Matxcơva không xây dựng các khu ở mà dành hẳn cho các hoạt động kinh tế và văn hóa giải trí.
Cũng theo dự án này, đến năm 2010 trái tim của Matxcơva, nơi hội tụ các cảnh đẹp chính của nước Nga, được đề nghị dành cho đi bộ và cầu trượt. Một vòng cung vàng trên đó có 17 khách sạn mới cũng sẽ được xây dựng. Các bảo tàng, nhà hàng, bãi đậu xe và 300 tượng đài kiến trúc sẽ được phục hồi.
Tất cả các công việc trên đều được hoạch định cụ thể, nhưng đến nay gần hết kế hoạch 5 năm, dự án này vẫn còn nằm trên… giấy. “Bởi dự án này đã không nhận được sự đồng tình của người dân. Sự phản đối của họ cứ dồn dập ập tới như vũ bão. Những cư dân Matxcơva, như qua một chương trình phát trên truyền hình Nga gần đây cho thấy, bày tỏ công khai sự phẫn nộ của mình khi chính quyền cho phép xây dựng một bãi đậu xe tại khoảng sân trống trước chung cư của họ thay vì ở đó là phải trồng cây xanh. Hay họ buộc chính quyền phải thay đổi tượng đài nhà văn Nga Mikhail Bulgakov bằng một tượng đồng nhỏ… Còn những nhà bảo tồn thì phê phán chính quyền lơ là, bỏ mặc những di sản kiến trúc thế kỷ 17-19 bị phá hại, cây xanh bị đốn chặt và nhiều tượng đài với chất lượng nghệ thuật đáng nghi ngờ. Thay vì xây dựng thêm bệnh viện, trường học, nhà trẻ thì thành phố chỉ chú tâm chia đất phân lô cho các nhà địa ốc xây dựng các căn hộ mắc tiền, xa lạ.
Quyết định cho đập bỏ khách sạn Matxcơva gần điện Kremlin của chính quyền thành phố mới đây đã dấy lên rất nhiều cuộc tranh luận. Liệu việc đập bỏ khách sạn cổ điển đó để xây một khách sạn hiện đại to đùng có gây hại đến bộ mặt kiến trúc truyền thống của Matxcơva không? Hay việc xây dựng Disneyland gần điện Kremlin cùng với việc bố trí những nhân vật cổ tích trong hồ nước liệu có gây phản cảm?
Và tại sao Matxcơva ngày nay có quá nhiều đá hoa cương và vàng trong các cao ốc văn phòng? Vì sao lại cho phép xây dựng những nhà ở cá nhân trông nặng nề, vướng víu, bắt chước các kiểu kiến trúc hợm hĩnh? "Những kiểu dáng kiến trúc của lớp nhà giàu mới này hiện nay đang lây lan như cơn dịch không sao ngăn chặn được" (một nhà lãnh đạo của Nga đã phát biểu). Trong cơn lốc kim tiền mới mẻ này, khách hàng là "vua" nên các kiến trúc sư Nga cũng không thể có sáng tác của riêng họ bởi vì cuối cùng họ phụ thuộc vào "vua mới" này, thậm chí những chuyên gia trong Hội đồng kiến trúc thành phố cũng bất lực trước tình trạng bát nháo về kiến trúc đô thị.
Điện Kremlin rõ ràng đang có sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông và phương Tây, giữa cổ điển và tân kỳ. Những ngôi nhà thờ của nó cùng tồn tại hòa bình bên những "kiến trúc kiểu Stalin" và những công trình kiểu "Hi-tech". Màu sắc của các công trình cũng kết hợp các màu hồng, cam chói lố lăng, kênh kiệu bên màu xanh xám hiền lành, trầm ngâm. "Kiến trúc của Matxcơva đang trải qua một giao đoạn giao thời", một kiến trúc sư Nga nói với chúng tôi.
Nghe một đồng nghiệp Nga nói sao nghe như câu chuyện từng trăn trở giữa những kiến trúc sư Việt Nam vốn cũng mang tâm trạng bất lực tương tự. Không khó hiểu lắm để thấy rằng bộ mặt kiến trúc của Matxcơva cũng phản ánh phần nào bộ mặt của xã hội cũng như sự thay đổi của những giá trị. Một lớp nhà giàu mới, “thượng đế” mới đã ra đời. Theo Bộ Lao động - phát triển xã hội Nga, khoảng cách thu nhập giữa giàu và nghèo của Nga hiện lên đến 14 lần; 20% người Nga có thu nhập cao chi đến 46,2% tổng thu nhập. Trong khi đó 20% người Nga thuộc nhóm thu nhập thấp chỉ có khả năng chi tiêu được 5,5% tổng thu nhập xã hội (nguồn: Interfax).
Sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội Nga hiện nay khá rõ nét, như chúng tôi đã cảm nhận được khi tiếp xúc với nhiều người dân đang sống với đồng lương ít ỏi, khi dạo phố Arbat với nhóm sinh viên Việt Nam đang học tập ở Matxcơva, khi nghe kể về một số đại gia mới nổi, như tỉ phú Berezovsky mua một ngôi nhà tại London với giá 10 triệu bảng, nhà tài phiệt Roman Abramovich mua bốn ngôi nhà trị giá 14 triệu bảng cũng tại London, họ đang tung tiền mua nhà và cổ phiếu ở Anh và các nước Tây u giống như một cuộc đổ bộ mới của người Nga vào thị trường tư bản.
Nắm trong tay khối tài sản kếch xù, những nhà giàu mới này đang làm Matxcơva lên cơn sốt khi họ vung tiền mua lâu đài, trang trại, xe hơi sang trọng như Hummer, Benthey, BMW, Mercedes…
Một buổi chiều, chúng tôi đến thăm khu nghĩa trang độc nhất vô nhị của Matxcơva với tâm trạng nửa vui, nửa buồn. Vui vì lần đầu tiên tiếp cận một công trình kiến trúc kỳ lạ và độc đáo: một công viên? Một vườn tượng? Một đền thờ tưởng nhớ những người con ưu tú của thành phố? Tất cả những ngôi mộ được quy hoạch rõ ràng với đường đi,cây xanh, đèn chiếu cho đến những con suối, hồ nước phun tuyệt đẹp.
Viện Duma quốc gia Nga
Mỗi ngôi mộ của một danh nhân là một tác phẩm nghệ thuật có đặc điểm riêng, như vị tướng quân đội thì có hình tượng chiếc nón sắt, những nhà văn, nhà thơ được chôn cất nơi đây đều có một bức phù điêu hay một tượng cách điệu về những tác phẩm hay công lao đóng góp của họ.
Tôi nhớ nhất một ngôi mộ với hình tượng con thiên nga trắng nằm phục bên trên, với đôi cánh ôm gần trọn ngôi mộ, một tác phẩm đầy biểu cảm tặng cho danh nhân nổi tiếng đang nằm dưới mộ.Và buồn vì chúng ta còn chưa có được những nghĩa trang như vậy để tôn vinh những con người ưu tú.
Đến đất nước này chỉ vài ngày, Matxcơva đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng nhất là tính nhân bản của Matxcơva trong cách tôn vinh độc đáo đối với những người con ưu tú xây dựng và bảo vệ quê hương nước Nga, nhất là Matxcơva. Vài ngày quả như muối bỏ biển mất thôi! Tôi nguyện với lòng mình là sẽ trở lại và trở lại vài lần nữa với Matxcơva.
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG (Theo_Tuổi Trẻ )